Cuộc sống chúng ta nhìn bề ngoài có vẻ là giả hình, nhưng với cái nhìn nhẫn nại và thông hiểu hơn, thực sự đó lại là cuộc hành hương.
‘Thói thờ ngẫu tượng nguy hại nhất, không phải là con bò vàng, mà là sự thù hằn với người khác.’ Nhà nhân học trứ danh, Rene Girard, đã viết những dòng này, và sự thật của nó thật không dễ chấp nhận. Hầu hết chúng ta tin rằng mình trưởng thành và quảng đại, rằng chúng ta yêu thương người thân cận và không thù hằn với người khác. Nhưng thật thế sao?
Thành thật hơn, hay chính xác hơn, trong những lúc khiêm nhượng nhìn nhận nhất, tôi nghĩ rằng tất cả chúng ta phải thừa nhận mình đã không yêu thương người khác như Chúa Giêsu muốn. Chúng ta không quay má kia cho người ta vả. Chúng ta không thực sự yêu thương kẻ đối địch mình. Chúng ta không cầu chúc cho những người gây hại mình. Chúng ta không chúc lành cho những người nguyền rủa mình. Và chúng ta không thật sự tha thứ cho những ai giết hại người thân yêu của mình. Chúng ta là những con người tử tế có lòng tốt, nhưng là những con người phải viện đến thiên đàng để bào chữa về cảm giác của mình khi đối mặt với bất kỳ ai đối chọi với chúng ta. Chúng ta có thể công tâm, có thể công bằng, nhưng không yêu thương theo cách Chúa Giêsu muốn, nghĩa là yêu thương cả người yêu thương và người thù ghét chúng ta. Chúng ta vẫn đấu tranh, và hầu hết là vô hiệu, để có thể cầu chúc tốt đẹp cho những người đối nghịch mình.
Nhưng hầu hết chúng ta thích tin rằng bản thân mình tốt đẹp và sự đấu tranh này hầu như không phải là việc của mình. Chúng ta có khuynh hướng cảm thấy mình là người yêu thương và tha thứ, bởi về căn bản, chúng ta có thiện hướng, chân thành và có thể tin tưởng cũng như nói lên những điều tốt đẹp, nhưng có một phần khác trong chúng ta không cao thượng như thế đâu. Tu sỹ dòng Tên người Ireland, Michael Paul Gallagher, đã chỉ ra điều này trong quyển Thêm một thời gian nữa (In Extra Time): ‘Đúng là bạn không ghét ai cả, nhưng bạn có thể đờ người ra vì những chuyện tiêu cực hằng ngày. Những định kiến nhỏ và phán xét hấp tấp, có thể gây nên tâm trạng chiến tranh âm ỉ trong lòng chúng ta. Và những viên đạn vô hình cứ bay qua hàng rào.’ Yêu thương người khác như chính mình, là đỉnh núi không thể chinh phục với hầu hết chúng ta.
Vậy chúng ta sẽ ra sao? Sống với bản án chung thân trong sự tầm thường và giả hình sao? Chúng ta cứ tuyên bố là yêu thương địch thù nhưng lại không làm vậy sao? Làm sao chúng ta tự nhận là Kitô hữu, nếu như khi thành thật với bản thân, chúng ta phải thừa nhận rằng mình không theo được tiêu chuẩn môn đệ Kitô, cụ thể là yêu thương và tha thứ cho kẻ địch thù?
Có lẽ chúng ta không xấu như chúng ta nghĩ. Nếu vẫn còn đấu tranh, là chúng ta vẫn lành mạnh. Khi tạo thành chúng ta, Thiên Chúa đặt vào trong con người sự phức tạp, yếu đuối, và cho chúng ta lớn lên trong một tình yêu thâm sâu qua hành trình cuộc đời. Cuộc sống chúng ta nhìn bề ngoài có vẻ là giả hình, nhưng với cái nhìn nhẫn nại và thông hiểu hơn, thực sự đó lại là cuộc hành hương.
Thánh Tôma Aquinô khi nói về sự hiệp nhất và mật thiết, đã cho cách phân biệt quan trọng này. Ngài phân biệt giữa hiệp nhất với điều gì đó hay ai đó trong hiện thực với trong khao khát. Trong trường hợp chúng ta đang bàn đến, câu này có nghĩa là có nhiều điều chúng ta chỉ đạt được qua khao khát hơn là qua thực tế. Chúng ta có thể tin tưởng vào những chuyện đúng đắn và muốn điều đúng đắn, nhưng lại không thể làm thế. Một ví dụ, là cái mà giáo lý cũ gọi là ‘ăn năn không hoàn toàn’ nghĩa là nếu bạn đã làm chuyện sai trái mà bạn biết là sai và bạn nên hối lỗi vì chuyện này, nhưng lại không thể thực sự thấy hối lỗi, rồi bạn lại ước sao bạn có thể hối lỗi, đây chính là sự ăn năn, dù không hoàn hảo, nhưng là đủ rồi. Đây là điều tốt nhất bạn có thể làm, và nó cho bạn một mức độ khao khát nhất định, dù không hoàn hảo, nhưng có thì hơn không.
Và ‘sự không hoàn hảo’ đó không chỉ đơn giản là cho chúng ta một tiêu chuấn ăn năn tối thiểu cần có để được tha thứ. Quan trọng hơn, nó chấp nhận rằng người mà chúng ta đã làm tổn thương, có một phẩm giá chính đáng.
Suy ngẫm về sự bất lực của chúng ta trong việc yêu thương người thân cận, Marilynne Robinson cho rằng, ngay cả khi chúng ta không cách nào sống được những gì Chúa Giêsu muốn, nhưng nếu chúng ta có nỗ lực đấu tranh, thì đó vẫn là đức hạnh. Bà lập luận thế này: Freud nói rằng chúng ta không thể yêu thương người thân cận như chính mình, và chắc chắn đây là sự thật. Nhưng bởi chúng ta chấp nhận thực tế ẩn sau giới răn này, giới răn xác quyết rằng những người khác cũng xứng đáng được yêu thương như chúng ta vậy, cho nên khi nỗ lực để sống theo lời Chúa Giêsu dạy, là chúng ta nhìn nhận rằng người khác cũng xứng đáng được yêu thương như chúng ta vậy, dù cho ngay lúc này chúng ta chưa đủ đủ mạnh để chứng tỏ điều này.
Và điểm mấu chốt là: Khi tiếp tục đấu tranh để sống theo giới răn yêu thương của Chúa Giêsu, dù cho không thành nhưng vẫn đấu tranh, là chúng ta đang nhìn nhận phẩm giá cố hữu trong những người đối địch mình, nhìn nhận họ xứng đáng được yêu thương, và nhìn nhận sự bất toàn của mình. Và theo thánh Tôma Aquinô, sự ‘bất toàn’ đó là một khởi đầu.
J.B. Thái Hòa chuyển dịch (phanxico.vn)