Vạn vật luân chuyển theo tứ thời bát tiết Xuân, Hạ, Thu, Đông. Niên lịch phụng vụ của Giáo hội Công Giáo cũng theo chu kỳ khép kín. Mùa Vọng, mùa Giáng Sinh đã qua đi, mùa Thường niên tiếp nối, chúng ta chuẩn bị bước vào mùa Chay Thánh với thứ Tư Lễ Tro.
Theo truyền thống của người Việt, mùa Xuân bắt đầu từ ba ngày Tết. Tết là ngày lễ lớn nhất trong năm. Trong ba ngày Tết, dù giàu hay nghèo, người ta đều tạm ngưng mọi công việc để vui chơi, thăm viếng lẫn nhau. Vì thế, trong tháng Chạp, nhà nhà đều đã chuẩn bị thức ăn cho ngày Tết, không chỉ riêng cho gia đình mà còn phải nhiều hơn để tiếp đãi khách.
Ngày Tết, đi đến nhà nào cũng được mời ăn, do đó chúng ta hay nói là “ăn Tết” và khi gặp nhau người ta hay hỏi: năm nay ăn Tết lớn không? Có những món ăn mà chỉ ngày Tết mới dùng tới (ngày thường trong năm ít khi ăn) như là bánh chưng, bánh tét, dưa món, thịt đông, củ kiệu, củ hành, v.v.
Nực cười thay! Nêu không, pháo không, vôi bột cũng không, mà tết.
Thôi cũng được! Rượu có, nem có, bánh chưng đều có, thừa xuân.
Trần Tế Xương (1870-1907)
Bốn nghìn lần: xuân hạ thu đông vạn vật loanh quanh vòng lẩn quẩn.
Ba ngày tết: xôi dê rượu thịt muôn dân hì hục chén no nê.
Khái Hưng Trần Khánh Dư (1896-1947)
Nói chung người Việt ta ăn Tết rất “hoành tráng”, rượu thịt ê hề, mọi thứ đầy đủ thậm chí dư thừa mới gọi là ăn Tết! Nhưng ngày nay, khi đời sống vật chất con người được nâng cao, đã xuất hiện nhiều người ăn chay (ngoài giới tu hành). Dù có chung chữ “ăn” nhưng ăn Tết và ăn chay lại mang ý nghĩa và nét đẹp riêng. Ăn Tết mang niềm vui thỏa mãn cuộc sống hôm nay, còn ăn chay lại mang ý nghĩa tiết độ để hướng đến hạnh phúc mai sau.
Theo từ điển, ăn chay (trai, ăn lạt hay chủ nghĩa ăn chay) là một chế độ ăn uống chỉ gồm những thực phẩm có nguồn gốc từ thực vật, có hoặc không ăn những sản phẩm từ sữa, trứng hoặc mật ong, hoàn toàn không sử dụng các loại thịt (thịt đỏ, thịt gia cầm và hải sản) hoặc kiêng ăn các thực phẩm có được từ quá trình giết mổ.
Theo Phật giáo, ăn chay là không ăn tất cả các sản phẩm từ động vật cũng như một số thực vật trong chi hành (có mùi thơm đặc trưng như hành, hẹ, tỏi, nén và kiệu gọi chung là ngũ vị tân).
Đối với người Công giáo, ăn chay là không ăn hoặc ăn uống ít đi, đạm bạc hơn bình thường. Tránh việc ăn vặt trong ngày chay và nếu được chỉ nên ăn một bữa no, còn những bữa khác chỉ nên ăn chút ít để bụng còn đói.
Quan trọng hơn là cảm nghiệm được tính cách bấp bênh của sức lực con người. Ý thức mình lệ thuộc Thiên Chúa, lương thực hàng ngày do Thiên Chúa ban với sự cộng tác của con người chứ không phải “bàn tay ta làm nên tất cả, có sức người sỏi đá cũng thành cơm”!
Chay tịnh trong mùa Chay bao gồm “ăn chay” và “kiêng thịt”. Chay tịnh (cùng với việc cầu nguyện và bố thí) là một trong ba hành vi được khuyên làm để biểu lộ lòng ăn năn, sám hối. Thực hành việc chay tịnh là bắt chước Chúa Giêsu “ăn chay ròng rã bốn mươi đêm ngày” (Mt 4, 2) và cụ thể hơn: “Trong những ngày ấy, Người không ăn gì cả” (Lc 4, 2).
Năm nay dù thứ Tư Lễ Tro trùng với ngày mồng 3 Tết Bính Thân, nhưng tất cả các giáo phận tại Việt Nam vẫn cử hành Lễ Tro vào ngày thứ Tư theo lịch chung của Giáo Hội hoàn vũ, và chuyển việc ăn chay kiêng thịt vào thứ Sáu 12 Tết. (Biên bản hội nghị thường niên kỳ II của Hội Đồng Giám mục Việt Nam ngày 18/9/2015)
Sự trùng hợp này cũng cho ta nhiều điều đáng suy gẫm. Chúng ta thường chúc tuổi nhau vào những ngày đầu năm. Thêm tuổi là bớt đi thời gian sống, đó là quy luật vô thường bất biến của vạn vật. Hoa nở rồi tàn, Xuân đến rồi đi… Chẳng có gì bền vững với thời gian. Chẳng có gì là vĩnh cửu mà chỉ là phù vân mong manh sương khói.
Khi cúi đầu nhận lãnh những hạt tro, ta không chỉ biểu lộ hành vi sám hối, nhưng còn là dịp để nhìn lại thân phận con người được tạo tác từ tro bụi và sẽ trở về với bụi tro. Một thân phận mỏng giòn, mong manh sớm nở chiều tàn:
Như cỏ đồng trổi mọc ban mai,
nở hoa vươn mạnh sớm ngày,
chiều về ủ rũ tàn phai chẳng còn. (Tv 90)
Dù con người là loài thụ tạo cao nhất được Thiên Chúa sáng tạo theo hình ảnh Người, nhưng vẫn là những thụ tạo có giới hạn, là những tội nhân cần sám hối và hoán cải. Lời Chúa trong ngày đầu mùa Chay kêu gọi con người hãy hoán cải và tin vào Tin Mừng.
Lời mời gọi hoán cải trong Năm Thánh Lòng Thương Xót chính là lời khích lệ hãy làm như đứa con trong dụ ngôn người cha nhân hậu: trở về trong vòng tay của Người Cha đầy Lòng Thương Xót, thống hối và tín thác nơi Người.
Đức Thánh Cha Phanxicô trong bài giảng chiều thứ Tư lễ Tro 18/02/2015 đã nhấn mạnh: Chúa không ngừng xót thương và tha thứ cho chúng ta, chúng ta cần được Chúa tha thứ biết bao. Người kêu gọi chúng ta trở về với Người với một quả tim tinh khiết, thanh tẩy bằng nước mắt, để được thông phần niềm vui với Người.
Thánh Phaolô giải thích làm sao để đáp lại lời kêu gọi làm hoà với Thiên Chúa. Giải hoà không phải chỉ là nỗ lực của con người. Việc chúng ta giải hòa với Thiên Chúa và với anh em mình chỉ có thể thực hiện được nhờ Lòng Thương Xót và Tình Yêu của Chúa Cha, Đấng đã không tiếc gì Người Con duy nhất của mình…
“Mồng một Tết cha, mồng hai Tết mẹ, mồng ba Tết thầy”. Mùa Xuân là mùa của niềm vui và tình thương yêu. Tình yêu thương đó được biểu lộ qua tình yêu bản thân cùng những người ruột thịt rồi mở rộng ra cho tha nhân (Tết Thầy). Tình yêu thương đó cũng được biểu lộ một cách chân thành và rõ nét qua việc thăm viếng nhau, chúc Tết cho nhau, tặng quà cho nhau và nhất là biết yêu thương, chia sẻ cho người nghèo khổ.
Mục đích truyền thống của mùa Chay là việc chuẩn bị của các tín hữu qua việc chay tịnh, sám hối, ăn năn tội lỗi, cầu nguyện và thực hành bác ái từ thiện. Bác ái trước hết là “Phải đối xử tốt với nhau, phải có lòng thương xót và biết tha thứ cho nhau, như Thiên Chúa đã tha thứ cho anh em trong Đức Kitô” (Eph 4,32). Thứ đến không phải ăn chay là tiết giảm chi tiêu rồi cất tiền vào tủ, nhưng là chia sẻ cho người nghèo.
Giáo hội Công giáo là Giáo hội của người nghèo, điều này đã được Đức Thánh Cha Phanxicô khẳng định: “Nơi những người nghèo và cùng khổ, chúng ta nhìn thấy khuôn mặt Đức Kitô; khi yêu thương và giúp đỡ người nghèo, chúng ta yêu thương và phục vụ chính Đức Kitô.” (Sứ điệp mùa Chay 2014).
Trong Thông Điệp Mùa Chay 2016 mới đây, ngài cũng kêu gọi: “Mùa Chay trong Năm Thánh này là thời gian thuận tiện để ta vượt thắng sự tha hóa hiện sinh của ta bằng cách lắng nghe lời Thiên Chúa và thực hành các việc thương người. Trong các việc thương người về phần xác, ta đụng tới da thịt của Chúa Kitô nơi các anh chị em của ta, những người cần được ăn, được mặc, được trú ngụ, thăm viếng; trong các việc thương người về phần hồn: khuyên bảo, dạy dỗ, tha thứ, khuyên răn và cầu nguyện, ta đụng tới tính tội lệ của ta một cách trực tiếp hơn. Các việc thương người về phần xác và phần hồn không bao giờ nên bị tách biệt với nhau.”
Việc từ thiện vẫn được hiểu thông thường là cho đi, là chia sẻ cho kẻ thiếu thốn. Nhưng nếu hiểu xâu xa hơn theo cái nhìn đạo đức Kitô giáo, thì đó là trả lại cho người nghèo những quyền cơ bản về cái ăn, cái mặc và nơi ở xứng đáng mà lẽ ra họ được hưởng. Bao lâu thế giới còn có người nghèo đói là ta còn mắc nợ họ. Làm việc bác ái từ thiện là một cách thức trả nợ nhân sinh ngoài việc tích công góp đức.
Mùa Xuân lại về với những hạt nắng ấm áp, xua tan chút se lạnh của buổi Đông tàn. Gió Xuân lay nhẹ những cành mai, cành đào rực thắm. Chim líu lo hót, bướm lượn cánh vờn hoa, làm cho lòng người tạm quên đi những lắng lo, muộn phiền thường ngày.
Hãy tận hưởng hương vị của những ngày Tết và bước vào mùa Chay như trở về với mùa Xuân của tâm hồn. Canh tân đời sống thiêng liêng, ra sức làm những việc cần thiết để được giao hòa và hiệp thông với Chúa.
Năm nào ta cũng đón Tết, ăn Tết, vui Tết nhưng dường như tâm hồn của chúng ta vẫn còn Đông giá, vẫn còn khô khan, chưa đâm chồi nẩy lộc. Hãy để cho hơi thở đầy lòng thương xót của Thiên Chúa là Chúa Xuân vĩnh cửu sưởi ấm tâm hồn mình qua bí tích Giao hoà, tha thứ và làm hoà với nhau.
Hãy để cho lòng thương xót dẫn đưa chúng ta đến với những con người nghèo khổ, bệnh tật, những người bị gạt ra bên lề xã hội và những ai đang đau khổ về tinh thần cũng như thể xác. Như thế, mùa Xuân yêu thương hôm nay sẽ dệt nên mùa Xuân hạnh phúc mai sau trên Thiên đàng trường Xuân bất diệt.
Jos. Hoàng Mạnh Hùng