THỨ HAI
Ngày 25 tháng 01
THÁNH PHAOLÔ TÔNG ĐỒ TRỞ LẠI
Bài Ðọc I
Cv 22,3-16
Ngày ấy, Phaolô nói với dân chúng: “Tôi là người Do-thái, sinh tại Tarsê xứ Cilicia, đã được nuôi nấng trong thành này, đã được đào tạo theo chân lý lề luật cha ông dưới chân ông Gamaliêl. Tôi nhiệt thành với lề luật cũng như hết thảy quý vị hôm nay. Tôi đã bắt bớ giết chóc đạo này, xiềng xích và bỏ tù cả đàn ông lẫn đàn bà. Như thầy thượng tế và toàn thể hội đồng kỳ lão đã làm chứng điều đó. Các ngài đã trao cho tôi chứng minh thư để tôi đến kiếm anh em ở Ðamas, bắt trói họ và điệu về Giêrusalem để trừng phạt.
Xảy đến lúc đó khoảng trưa, tôi đang trên đường gần đến Ðamas, thình lình một luồng ánh sáng chan hoà từ trời chói rạng quanh tôi. Tôi ngã xuống đất và nghe tiếng phán bảo tôi: “Saolô, Saolô, sao ngươi bắt bớ Ta?” Tôi đáp: “Thưa Ngài, Ngài là ai?” Người trả lời: “Ta là Giêsu Nadarét mà ngươi đang bắt bớ”. Và những người cùng ở đó với tôi lúc ấy, cũng thấy ánh sáng, nhưng không nghe tiếng Ðấng nói với tôi. Tôi hỏi: “Lạy Chúa, con phải làm gì?” Chúa liền nói với tôi: “Hãy chỗi dậy, vào thành Ðamas, ở đó sẽ nói cho ngươi tất cả những gì ngươi phải làm”. Nhưng vì ánh sáng chói loà kia, tôi không còn thấy được, nên các bạn tôi cầm tay dẫn tôi vào thành Ðamas. Có một người kia tên là Anania, người đạo đức, sống theo Lề luật, và được mọi người Do-thái ở đó kính phục, đến tìm tôi và đứng gần tôi mà nói: “Hỡi anh Saolô, anh hãy nhìn!” Ngay lúc đó tôi nhìn thấy ông.
Và ông nói: “Thiên Chúa cha ông chúng ta đã tiền định cho anh biết thánh ý Người, thấy Ðấng Công Chính và nghe tiếng Người nói. Vậy anh phải làm chứng cho Người trước mặt mọi người về điều anh đã thấy và đã nghe. Và bây giờ, anh còn chần chừ gì nữa? Hãy chỗi dậy và cầu khẩn danh Người mà chịu thanh tẩy và gột rửa mình cho sạch tội lỗi”.
Phúc Âm
Mc 16,15-18
Khi ấy, Chúa Giêsu (hiện ra với mười một môn đệ và) nói: “Các con hãy đi khắp thế gian, rao giảng Tin Mừng cho mọi tạo vật. Ai tin và chịu phép rửa, thì sẽ được cứu độ; ai không tin, sẽ bị luận phạt. Và đây là những dấu lạ đi theo những người đã tin: nhân danh Thầy, họ sẽ trừ quỷ, nói các thứ tiếng lạ, cầm rắn trong tay, và nếu uống phải chất độc thì cũng không bị hại; họ đặt tay trên những người bệnh, và bệnh nhân được lành mạnh”.
SUY NIỆM
Hôm nay là ngày kết thúc tuần lễ cầu nguyện cho các Kitô hữu hiệp nhất, Hội Thánh muốn tôi chiêm ngắm hình ảnh một con người – một tông đồ, một người suốt đời phục vụ cho sự hiệp nhất các dân tộc và nhiệt tâm rao giảng Đức Kitô để muôn dân đón nhận Tin Mừng hiệp nhất. Tôi tìm nơi Ngài hai bài học về sự hiệp nhất.
Hiệp nhất là gắn bó với lề luật. Phaolô tự nhận ngài là con người nhiệt thành với lề luật. Hễ ai làm trái luật là ngài không chịu được. Khi nghe rao giảng về một đạo lý trái với truyền thống tiền nhân, lòng đạo đức sôi sục, ngài đã “bắt bớ giết chóc đạo này, xiềng xích và bỏ tù cả đàn ông lẫn đàn bà”. Luật lệ là nền tảng cho sự hiệp nhất, khi gắn bó với lề luật, người ta có một điểm tựa để duy trì tình trạng hiệp nhất.
Hiệp nhất là nên một trong đức tin. Để có thể tạo nên sự hiệp nhất này, Phaolô đã phải bôn ba rao giảng Tin Mừng, kêu gọi người ta sám hối, tin vào Đức Kitô để tất cả cùng nên một trong cộng đoàn Giáo Hội. Và ngài đã rao giảng “lúc thuận tiện cũng như không thuận tiện” dù được thành quả tốt đẹp hay tính mạng hiểm nguy vẫn không sờn: “miễn là Đức Kitô được rao giảng”.
Lạy Chúa, mỗi lần dâng lễ là chúng con cử hành Bí tích hiệp nhất; nhưng cách sống chưa hiệp thông nên chúng con chưa đủ sức lôi kéo toàn thể anh chị em về trong Giáo Hội, có khi chúng con còn gây chia rẻ nữa. Ước mong mẫu gương của thánh Phaolô làm chúng con thức tỉnh để suốt đời sống và hoạt động cho sự hiệp nhất trong Hội Thánh. Amen.
THỨ BA
Ngày 26 tháng 01
Thánh Timôthêu và Thánh Titô,
Giám Mục
Bài Ðọc I
2 Tm 1,1-8
Phaolô, Tông đồ của Chúa Giêsu Kitô, bởi ý định của Thiên Chúa, theo lời hứa ban sự sống trong Chúa Giêsu Kitô, gởi lời thăm Timôthêu, người con yêu dấu. Nguyện chúc ân sủng, lòng từ bi và bình an của Thiên Chúa Cha, và Ðức Giêsu Kitô, Chúa chúng ta.
Cha cảm tạ ơn Chúa, Ðấng cha phụng sự như tổ tiên cha, với tâm hồn trong trắng, khi cha đêm ngày hằng nhớ đến con trong kinh nguyện, nhớ đến nước mắt con đã chảy ra. Cha mong ước gặp con, để được đầy lòng vui mừng. Cha nhớ lại đức tin trung thành của con, đức tin mà bà ngoại của con là Lois đã có trước, rồi đến mẹ con là Êunikê, và cha tin chắc con cũng có đức tin đó. Vì vậy, cha nhắc nhở con điều này, là hãy làm sống động ơn Chúa trong con, ơn mà con lãnh nhận qua việc cha đặt tay trên con. Thật vậy, Thiên Chúa không ban cho chúng ta một thần trí nhát sợ, mà là thần trí dũng mạnh, mến yêu và độ lượng. Vậy con chớ hổ thẹn làm chứng cho Chúa chúng ta, cũng đừng hổ thẹn vì cha là tù nhân của Người; nhưng hãy cộng tác với Tin Mừng dựa theo quyền lực của Thiên Chúa.
Phúc Âm
Lc 10,1-9
Khi ấy, Chúa chọn thêm bảy mươi hai người nữa và sai các ông cứ từng hai người đi trước Người, đến các thành và các nơi mà chính Người sẽ tới. Người bảo các ông rằng: “Lúa chín đầy đồng mà thợ gặt thì ít; vậy các con hãy xin chủ ruộng sai thợ đến gặt lúa của người. Các con hãy đi. Này Thầy sai các con như con chiên ở giữa sói rừng. Các con đừng mang theo túi tiền, bao bị, giày dép, và đừng chào hỏi ai dọc đường. Vào nhà nào, trước tiên các con hãy nói: “Bình an cho nhà này”. Nếu ở đấy có con cái sự bình an, thì sự bình an của các con sẽ đến trên người ấy. Bằng không, sự bình an lại trở về với các con. Các con ở lại trong nhà đó, ăn uống những thứ họ có, vì thợ đáng được trả công. Các con đừng đi nhà này sang nhà nọ. Khi vào thành nào mà người ta tiếp các con, các con hãy ăn những thức người ta dọn cho. Hãy chữa các bệnh nhân trong thành và nói với họ rằng: “Nước Thiên Chúa đã đến gần các ngươi”.
SUY NIỆM
Lời Chúa hôm nay vẽ lên cho tôi hình ảnh người môn đệ của Chúa. Đó là những người trước hết biết lo nỗi lo của Chúa: “Lúa chín đầy đồng mà thợ gặt thì ít; vậy các con hãy xin chủ ruộng sai thợ đến gặt lúa của người”. Khi ý thức mối bận tâm này của Chúa, người môn đệ mới có thể đáp lời và ra đi.
Điều kế tiếp là người môn đệ phải chấp nhận nguy hiểm và thiếu thốn: “Này Thầy sai các con như con chiên ở giữa sói rừng. Các con đừng mang theo túi tiền, bao bị, giày dép, và đừng chào hỏi ai dọc đường”.
Ngoài ra, họ phải là sứ giả của sự bình an: “các con hãy nói: “Bình an cho nhà này”. Nếu ở đấy có con cái sự bình an, thì sự bình an của các con sẽ đến trên người ấy. Bằng không, sự bình an lại trở về với các con”
Cuối cùng người môn đệ phải loan báo Nước Thiên Chúa. Một Nước Thiên Chúa không có bệnh tật: “Hãy chữa các bệnh nhân trong thành và nói với họ rằng: “Nước Thiên Chúa đã đến gần các ngươi”. Để loan báo nước này, người môn đệ phải là người có cách sống bình an, thanh thoát như Chúa Giêsu đã chỉ thị.
Lạy Chúa Giêsu, con cũng là môn đệ của Chúa, nhưng cách sống của con chưa thanh thoát và bình an vì những vướng bận vật chất bạc tiền; vì chưa cậy vào Chúa. Xin dạy con bài học phó thác để con biết “cộng tác với Tin Mừng dựa theo quyền lực của Thiên Chúa” mà trở thành môn đệ đích thực của Người. Amen.
THỨ TƯ
Bài Ðọc I
2 Sm 7,4-1
Trong những ngày ấy, Chúa phán cùng Nathan lời này rằng: “Hãy đi và nói với Ðavít tôi tớ Ta rằng: Chúa phán thế này: Có phải ngươi sẽ xây cất cho Ta một ngôi nhà để ở chăng? Vì từ ngày Ta dẫn dắt con cái Israel ra khỏi đất Ai-cập cho đến ngày nay, Ta không ở trong nhà, nhưng Ta di chuyển trong nhà tạm và trong trại. Khắp mọi nơi Ta đi qua với con cái Israel, có khi nào Ta nói cùng một trong các chi họ Israel mà Ta truyền dạy chăn dắt Israel dân Ta rằng: “Tại sao không xây cất cho Ta một ngôi nhà bằng cây hương nam?”
Giờ đây, ngươi hãy nói cùng Ðavít tôi tớ Ta rằng: “Chúa các đạo binh phán thế này: Ta đã đem ngươi ra khỏi đồi cỏ lúc ngươi còn theo sau đoàn chiên, để ngươi trở nên thủ lãnh Israel dân Ta và Ta đã ở cùng ngươi trong mọi nơi ngươi đi. Ta sẽ tiêu diệt mọi quân thù trước mặt ngươi, và Ta sẽ làm cho danh ngươi nên cao trọng như danh các bậc vĩ nhân trên mặt đất. Ta sẽ đặt để một nơi cho Israel dân Ta, và Ta sẽ vun trồng nó tại đó. Nó sẽ ở đó và sẽ không còn bị quấy rối nữa. Con cái sự dữ sẽ không còn đến đàn áp nó như xưa nữa, như ngày Ta thiết lập các vị Thẩm phán trên Israel dân Ta. Ta sẽ cho ngươi được bằng yên khỏi mọi quân thù. Và Chúa phán trước cho ngươi biết là Chúa sẽ tạo lập cho ngươi một ngôi nhà. Ðến khi qua đời, ngươi sẽ được an giấc cùng các tổ phụ ngươi. Kế đó Ta sẽ cho con của ngươi kế vị và làm cho vương quốc ngươi vững mạnh. Chính người sẽ xây dựng cho danh Ta một ngôi nhà, và Ta bảo đảm ngôi báu triều đại ngươi tồn tại đến muôn đời. Ta sẽ là Cha người, và người sẽ là con Ta. Nếu người có phạm lỗi, Ta sẽ sửa trị người bằng roi người lớn và bằng tai hoạ con cái loài người. Nhưng Ta sẽ không cất khỏi người lòng từ bi của Ta, như Ta đã xử với Saolê, kẻ đã bị Ta khai trừ khỏi mặt Ta. Và nhà của ngươi và triều đại ngươi sẽ vững chắc đến muôn đời trước mặt Ta; ngôi báu ngươi sẽ vững bền mãi mãi!” Nathan đã thuật lại cho Ðavít tất cả những lời và thị kiến này.
Phúc Âm
Mc 4,1-20
Khi ấy, Chúa Giêsu bắt đầu giảng dạy ở bờ biển và có đám đông dân chúng tụ lại gần Người, nên Người xuống ngồi trong một chiếc thuyền trên mặt biển, tất cả đám đông thì ở trên đất theo dọc bờ biển.
Người dùng dụ ngôn mà dạy họ nhiều điều, và khi giảng, Người nói với họ rằng:
“Các ngươi hãy nghe! Nầy người gieo hạt đi gieo hạt giống.
Khi gieo, một phần hạt rơi xuống vệ đường và chim trời đến ăn hết.
Phần khác rơi trên đất sỏi, nơi không có nhiều đất.
Hạt giống đã mọc lên ngay, vì lớp đất không sâu.
Nhưng khi mặt trời mọc lên, hạt giống bị nắng đốt và vì không rễ, nên bị chết khô.
Một phần khác rơi vào bụi gai và gai mọc lên làm hạt giống chết mà không sinh hoa trái được.
Phần hạt khác rơi vào đất tốt, mọc lên, nẩy nở và sinh quả, hạt thì sinh được ba mươi, hạt được sáu mươi, hạt được một trăm”.
Và Người phán rằng: “Ai có tai nghe thì hãy nghe”.
Khi Người còn lại một mình, thì mười hai ông là những kẻ luôn ở với Người, hỏi Người về ý nghĩa dụ ngôn, Người liền bảo các ông:
“Các con được ơn biết mầu nhiệm về nước Thiên Chúa, còn những người khác ở ngoài thì mọi sự được giảng dạy bằng dụ ngôn, vì chúng nhìn mà không thấy, nghe mà không hiểu, kẻo chúng trở lại mà được tha tội”.
Người nói với các ông:
“Các con không hiểu dụ ngôn đó sao? Vậy thì hiểu sao được tất cả những dụ ngôn khác?
Người gieo hạt là gieo lời Chúa.
Vệ đường mà lời Chúa được gieo vào, là những kẻ vừa nghe xong, thì Satan đến và cất lấy lời Chúa gieo trong tâm hồn họ.
Và cũng thế, những hạt giống rơi trên đất sỏi, là những kẻ khi nghe lời Chúa thì đón nhận vui vẻ, nhưng chúng không đâm rễ bên trong và là những người hay thay đổi: sau đó gặp phải cơ cực hay bắt bớ vì lời Chúa, thì họ sa ngã liền.
Lại có những hạt giống rơi trong bụi gai.
Ðây là những kẻ nghe lời Chúa, nhưng những lo lắng trần tục, bóp nghẹt lời Chúa, khiến không thể sinh hoa trái được.
Còn những hạt giống gieo trong đất tốt: đó là những người nghe lời Chúa, biết giữ lấy và làm sinh lợi, hạt ba mươi, hạt sáu mươi và hạt một trăm”.
SUY NIỆM
Câu chuyện trong bài đọc thứ nhất hôm nay nhắc cho tôi biết chân lý này: “Nếu như Chúa chẳng xây nhà; thợ nề vất vả cũng là uổng công”.
Khi Đavít muốn xây cho Chúa một ngôi nhà; Chúa đã chỉnh lại quan niệm này của vua:“Có phải ngươi sẽ xây cất cho Ta một ngôi nhà để ở chăng?”. Không phải thế, vì Chúa đã chọn gọi và cắt đặt Đavít để vua nên thủ lãnh trong dân. Mọi sự vua có đều là của Chúa ban cho, nên ông không thể là người xây nhà cho Chúa. Nhưng chính Chúa mới là Đấng xây nhà cho Đavít:“Chúa phán trước cho ngươi biết là Chúa sẽ tạo lập cho ngươi một ngôi nhà”; nhà ở đây không phải chỉ là một ngôi nhà vật chất, mà là một triều đại vững bền. Triều đại của một Đấng xuất thân từ dòng dõi Đavít và Ngài sẽ làm vua muôn đời.
Triều đại đó được thực hiện nơi Đức Kitô và dân của Ngài chính là Giáo Hội, nơi đó Thiên Chúa là Cha và mọi người là anh chị em: “Ta sẽ là Cha người, và người sẽ là con Ta.”
Tôi là con Chúa trong Giáo Hội, tôi phải tạ ơn Chúa vì tin rằng chính Chúa đã thiết lập Giáo hội và ban cho tôi địa vị làm con của Người. Từ việc biết ơn, tôi sẽ cố gắng biến cuộc đời mình trở nên như mảnh đất tốt, cho những gì Chúa xây dựng nơi tôi được phát triển: “ Còn những hạt giống gieo trong đất tốt: đó là những người nghe lời Chúa, biết giữ lấy và làm sinh lợi, hạt ba mươi, hạt sáu mươi và hạt một trăm”.
Lạy Chúa, Giáo Hội là ngôi nhà mà Chúa hứa xây cho dòng dõi Đavít; là ngôi nhà chung của chúng con. Xin cho chúng con biết nhiệt tâm bảo vệ và phát triển ngôi nhà này bằng lòng mến chân thành; bằng hy sinh cuộc sống để cùng nhau đạt tới Triều Đại vĩnh cửu mai sau. Amen.
THỨ NĂM
Bài Ðọc I
2 Sm 7,18-19.24-29
Sau khi Nathan nói với Ðavít xong, vua Ðavít đến ngồi trước Thiên Chúa mà nói rằng: “Lạy Chúa là Thiên Chúa, con là ai và gia đình con là chi mà Chúa dẫn con đến đây? Nhưng lạy Chúa là Thiên Chúa, như thế Chúa còn cho là ít, nên Chúa còn nói đến nhà tôi tớ Chúa trong tương lai lâu dài, vì lạy Chúa, đó là thường tình của loài người.
“Chúa đã thiết lập dân Israel làm dân Chúa đến muôn đời, và lạy Chúa, chính Chúa trở thành Thiên Chúa của họ. Vậy giờ đây, lạy Chúa là Thiên Chúa, xin hãy thực hiện mãi mãi lời Chúa đã nói về tôi tớ và về nhà của nó, và hãy làm như Chúa đã phán, để danh Chúa được ca khen đến muôn đời, và được truyền tụng rằng: ‘Chúa các đạo binh là Thiên Chúa của Israel’. Xin cho nhà tôi tớ Chúa được vững chắc trước nhan thánh Chúa. Lạy Chúa các đạo binh, Thiên Chúa của Israel, vì Chúa đã mạc khải cho tôi tớ Chúa biết những lời này: ‘Ta sẽ xây dựng cho ngươi một ngôi nhà’, vì thế, tôi tớ Chúa vững tâm thốt lên lời khẩn nguyện trên đây. Vậy giờ đây, lạy Chúa là Thiên Chúa, và lời Chúa thì chân thật, vì Chúa đã tỏ ra cho tôi tớ Chúa những điều hạnh phúc ấy. Giờ đây, xin hãy khởi sự chúc phúc cho nhà tôi tớ Chúa, để nhà tôi tớ Chúa tồn tại trước mặt Chúa đến muôn đời, vì lạy Chúa là Thiên Chúa, Chúa đã phán và xin giáng phúc cho nhà tôi tớ Chúa đến muôn đời”.
Phúc Âm
Mc 4,21-25
Khi ấy, Chúa Giêsu phán cùng dân chúng rằng: “Có ai đem đèn sáng đặt trong thùng hay dưới gầm giường chăng? Chẳng phải là để đặt trên giá đèn sao? Vì chẳng có gì giấu kín mà chẳng thố lộ ra và chẳng có gì kín đáo mà không bị đưa ra ánh sáng. Ai có tai để nghe, thì hãy nghe”. Và Người bảo họ rằng: “Hãy coi chừng điều các ngươi nghe thấy. Các ngươi đong bằng đấu nào, thì người ta sẽ đong lại cho các ngươi bằng đấu ấy, và người ta còn thêm nữa. Vì ai có, sẽ được cho thêm; và ai không có, cả cái đang có cũng bị lấy mất”.
SUY NIỆM
Bài đọc thứ nhất là một lời cầu nguyện rất hay, xuất phát từ một tâm hồn đạo đức chân thật. Qua lời cầu nguyện này, Đavít nhìn nhận sự nhỏ bé của mình: “Lạy Chúa là Thiên Chúa, con là ai và gia đình con là chi mà Chúa dẫn con đến đây?”. Thật vậy, Đavít nhớ rõ nguồn gốc của mình:“Ta đã đem ngươi ra khỏi đồi cỏ lúc ngươi còn theo sau đoàn chiên, để ngươi trở nên thủ lãnh Israel dân Ta và Ta đã ở cùng ngươi trong mọi nơi ngươi đi”. Vì thế, chính Chúa là Đấng an bài, con người dù được vinh quang, quyền chức cao trọng đến đâu cũng chỉ như hạt cát so với đại dương mênh mông. Từ việc nhìn nhận sự nhỏ bé của mình, con người càng dễ chấp nhận sự cao trọng của Thiên Chúa và sẽ ca khen “danh Chúa được ca khen đến muôn đời, và được truyền tụng rằng: ‘Chúa các đạo binh là Thiên Chúa của Israel”.
Khi người ta biết nhìn nhận sự cao trọng của Thiên Chúa, người ta mới có thể đặt hết niềm tin và phó thác cuộc đời mình cho Nguời và luôn sống trong phúc lành của Chúa muôn đời: “Vì lạy Chúa là Thiên Chúa, Chúa đã phán và xin giáng phúc cho nhà tôi tớ Chúa đến muôn đời”.
Lạy Chúa, dù con có công trạng chi, vinh quang cỡ nào nhưng so với Chúa, con vẫn là tựa giọt nước sánh với biển khơi. Xin cho con đủ khiêm tốn để ca khen sự cao cả của Ngài đến muôn đời. Amen.
THỨ SÁU
Bài Ðọc I
2 Sm 11,1-4a.5-10b.13-17
Khi ấy, sang năm mới, là lúc các vua thường ra trận, thì Ðavít sai Gioáp, các tôi tớ của vua và toàn dân Israel đi tiêu diệt dân Ammon và bao vây Rabba. Còn Ðavít thì ở lại Giêrusalem. Khi chiến tranh đang diễn tiến, thì một bữa trưa nọ, Ðavít ra khỏi giường ngủ, đi bách bộ trên sân thượng nhà vua, liền nhìn thấy một phụ nữ đang tắm trên sân thượng nhà bà. Bà rất xinh đẹp. Vậy vua sai dò hỏi người phụ nữ đó là ai. Người ta thưa đó là bà Bethsabê, con ông Êliam, vợ Uria người Hêthê. Ðavít sai cận vệ đi tìm bà. Khi trở về nhà, bà mang thai, nên sai người báo tin cho Ðavít mà rằng: “Tôi đã có thai”.
Vậy Ðavít sai người đến nói với Gioáp rằng: “Hãy sai tướng Uria người Hêthê về đây cho trẫm”. Gioáp sai Uria về gặp Ðavít, và Uria đến gặp Ðavít. Ðavít hỏi thăm tin tức về Gioáp, quân sĩ, và trận chiến diễn tiến thế nào. Rồi Ðavít nói cùng Uria: “Ngươi hãy về nhà rửa chân đi”. Uria rời khỏi hoàng cung, và người ta mang cho ông một phần ăn của nhà vua, nhưng Uria cùng các cận vệ nằm ngủ ngay trước cửa nhà vua chứ không về nhà. Người ta đi báo tin cho Ðavít hay “Uria không đi về nhà”. Ðavít mời ông ăn uống trước mặt mình và ép uống rượu cho say. Ðến chiều Uria đi ra cùng với các cận vệ ngủ trên chõng, chớ không về nhà. Sáng hôm sau, Ðavít viết một lá thư gởi cho Gioáp và sai Uria mang đi. Trong thư, ngài viết như sau: “Hãy đặt Uria vào nơi giao tranh gay cấn nhất, rồi bỏ mặc hắn, để hắn bị đánh cho chết”. Vậy khi Gioáp bao vây thành, liền cử Uria đến địa điểm mà ông biết có những quân địch mạnh nhất. Quân trong thành kéo ra nghinh chiến với Gioáp, nhiều quân sĩ của Ðavít ngã gục, và cả Uria người Hêthê cũng tử trận.
Phúc Âm
Mc 4,26-34
Khi ấy, Chúa Giêsu phán cùng dân chúng rằng: “Nước Thiên Chúa giống như người kia đã gieo hạt xuống đất: người đó ngủ hay thức, đêm hay ngày, hạt giống cứ đâm mầm và mọc lên thế nào người đó cũng không hay biết nữa. Ðất tự nó làm cây lúa mọc lên: trước hết thành cây, rồi đâm bông, rồi kết hạt. Và khi lúa chín, người ấy liền gặt vì đã đến mùa”.
Người còn phán: “Chúng ta sẽ lấy gì mà hình dung nước Thiên Chúa? hay dùng dụ ngôn nào mà so sánh nước đó được? Nước đó giống như hạt cải, khi gieo xuống đất thì nhỏ bé nhất trong tất cả các hạt trên mặt đất. Nhưng khi gieo rồi, nó mọc lên thành cây rau lớn nhất, và đâm những cành to, đến nỗi chim trời có thể tới núp bóng được”. Người dùng nhiều dụ ngôn như thế mà rao giảng lời Chúa cho họ, tuỳ sức họ có thể hiểu được, và Người chỉ nói với họ bằng dụ ngôn, nhưng khi ở riêng với các môn đệ, Người giải thích tất cả cho các ông.
SUY NIỆM
Bài đọc thứ nhất hôm nay kể chuyện Đavít phạm tội. Chúng ta thấy khởi đầu của tội là do ánh mắt. Mắt “thấy”: “Ðavít ra khỏi giường ngủ, đi bách bộ trên sân thượng nhà vua, liền nhìn thấy một phụ nữ đang tắm trên sân thượng nhà bà”. Khi thấy như thế, thì cái đầu liền đánh giá hình ảnh vừa thu qua đôi mắt: “Bà rất xinh đẹp”. Và những gì đến sẽ đến. Từ cái nhìn vô tình, dẫn con người trước đây thắng được Gôliát khổng lồ nay lại sa ngã vì đôi mắt nhỏ bé của mình. Khi đôi mắt không được điều khiển để biết nhìn cái phải nhìn thì nó sẽ sinh ra điều xấu; và nếu chủ nhân của đôi mắt là người có quyền lực thì việc phạm tội là điều khó tránh khỏi.
Câu chuyện của Đavít dạy cho chúng ta bài học phải làm chủ giác quan của mình. Ngày nay, có biết bao hình ảnh xấu được đôi mắt thu hình rồi đưa lên não để phân tích, đánh giá, và dẫn tới đôi bàn tay để làm những việc tội lỗi nếu người ta không biết làm chủ giác quan.
Lạy Chúa, xin Chúa cho chúng ta biết nhìn với cái nhìn trong sáng, cái nhìn của Chúa mỗi khi nhìn tạo vật để yêu thương và kính trọng mọi loài Chúa dựng nên; để chúng con biết ca ngợi quyền năng Chúa trước vẻ đẹp của muôn loài. Amen.
THỨ BẢY
Bài Ðọc I
2 Sm 12,1-7a,10-17
Trong những ngày ấy, Chúa sai Nathan đến cùng Ðavít. Ông đến và nói với Ðavít rằng: “Trong thành kia có hai người, một người giàu và một người nghèo. Người giàu có rất nhiều chiên bò, còn người nghèo thì không có gì, ngoài một con chiên con mà ông đã mua và nuôi dưỡng, nó lớn lên trong nhà ông cùng với con cái ông, cùng ăn một bánh, cùng uống một chén và cùng ngủ một giường với ông; ông kể nó như con gái mình. Có một người khách đến thăm người giàu ấy, ông ta không muốn bắt chiên bò của mình để dọn tiệc đãi khách, nhưng lại bắt con chiên của người nghèo mà dọn tiệc đãi khách”. Ðavít tức giận người đó lắm, và nói cùng Nathan rằng: “Nhân danh Thiên Chúa hằng sống! Người làm như thế là đáng chết. Nó phải bồi thường gấp bốn lần vì đã hành động bất nhân như thế!”
Nathan liền nói với Ðavít: “Ngài chính là người đó. Chúa là Thiên Chúa Israel phán rằng: Lưỡi gươm sẽ không bao giờ rời khỏi dòng dõi ngươi cho đến muôn đời, vì ngươi đã khinh dể Ta, đã cướp vợ của Uria người Hêthê làm vợ mình. Vì thế Chúa phán rằng: Từ gia đình ngươi, Ta sẽ gây nên tai hoạ đổ trên đầu ngươi. Ngay trước mặt ngươi, Ta sẽ đem thê thiếp của ngươi trao cho người khác, nó sẽ ăn ở với chúng ngay dưới ánh sáng mặt trời. Ngươi đã hành động thầm lén, còn Ta, Ta sẽ làm việc đó trước mặt toàn dân Israel và giữa thanh thiên bạch nhật”.
Ðavít nói cùng Nathan rằng: “Tôi đã phạm tội đến Chúa”. Và Nathan nói cùng Ðavít rằng: “Chúa cũng đã tha tội cho ngài rồi, ngài sẽ không phải chết. Nhưng vì việc này, ngài làm dịp cho quân thù của Chúa nói phạm thượng, nên đứa con của ngài sẽ chết”. Rồi Nathan ra về.
Và Chúa giáng hoạ trên đứa con của Ðavít do vợ của Uria sinh ra, nên nó lâm trọng bệnh. Ðavít khẩn cầu Chúa cho đứa trẻ, ông ăn chay và lui về phòng nằm dưới đất. Các kỳ lão đến nhà vua và nài xin vua chỗi dậy, nhưng vua không chịu và không dùng bữa với họ.
Phúc Âm
Mc 4,35-41
Ngày ấy, khi chiều đến, Chúa Giêsu phán cùng các môn đệ rằng: “Chúng ta hãy sang bên kia biển hồ”. Các ông giải tán đám đông; vì Người đang ở dưới thuyền, nên các ông chở Người đi. Cũng có nhiều thuyền khác theo Người. Chợt có một cơn bão lớn và những lớp sóng ùa vào thuyền đến nỗi sắp đầy nước. Và Người thì ở đàng lái dựa gối mà ngủ. Các ông đánh thức Người và nói: “Thưa Thầy, chúng con chết mất mà Thầy không quan tâm đến sao?” Chỗi dậy, Người đe gió và phán với biển rằng: “Hãy im đi, hãy lặng đi”. Tức thì gió ngừng biển lặng như tờ. Rồi Người nói với các ông: “Sao các con sợ hãi thế? Các con không có đức tin ư?” Bấy giờ các ông kinh hãi và nói với nhau rằng: “Người là ai mà cả gió lẫn biển cũng đều vâng lệnh Người?”
SUY NIỆM
Tiếp nối câu chuyện trong bài đọc thứ nhất của ngày hôm qua, ngày hôm nay chúng ta thấy Đavít bị trách phạt và ông đã nhận lỗi.
Tiên tri Nathan đã gợi chuyện rất hay, làm sống lại những giá trị đạo đức trong con người của vua: “Ðavít tức giận người đó lắm, và nói cùng Nathan rằng: “Nhân danh Thiên Chúa hằng sống! Người làm như thế là đáng chết. Nó phải bồi thường gấp bốn lần vì đã hành động bất nhân như thế!” Tiên tri đã làm cho vua nhớ tội của mình: “Nathan liền nói với Ðavít: “Ngài chính là người đó”. Giờ đây, Đavít như bừng tỉnh và thú nhận tội của mình: “Tôi đã phạm tội đến Chúa”.
Bài học mà tôi học được nơi câu chuyện này chính là lòng khiêm nhường của một vị vua, biết lỗi, nhận lỗi và tỏ lòng sám hối trước Chúa.
Bài học thứ hai là lòng nhân từ của Chúa khi Đavít đã nhận lỗi: “Nathan nói cùng Ðavít rằng: “Chúa cũng đã tha tội cho ngài rồi, ngài sẽ không phải chết”. Như thế, tội lỗi dù có nặng đến đâu, nếu người ta biết nhận lỗi sám hối thì Thiên Chúa cũng nhân từ tha thứ cho.
Lạy Chúa mỗi khi con phạm tội, xin cho con cũng có tâm tình của vua Đavít là khiêm nhường sám hối ăn năn để con cũng được hát lên bài ca của Đavít trong vui mừng: “Hạnh phúc thay kẻ lỗi lầm mà được tha thứ”. Amen.