Bản Tuyên bố của Hội nghị Thế giới về Tình huynh đệ Nhân loại ngày 10.06.2023
WHĐ (12.06.2023) – Hôm mồng 10.06.2023, Hội nghị Thế giới lần thứ nhất về Tình huynh đệ Nhân loại đã diễn ra tại Quảng trường Thánh Phêrô, và đồng thời tại 8 quảng trường khác trên thế giới.
Với chủ đề “Không đơn độc” (#NotAlone), Hội nghị qui tụ khoảng 30 người đã nhận giải Nobel và nhiều đại diện đang dấn thân trong các tổ chức Giáo hội, xã hội cũng như những người, vì nhiều hoàn cảnh, hiện bị buộc phải sống bên lề xã hội. Đặc biệt, cũng sự tham gia của giới trẻ, những người vào cuối Hội nghị, đã cùng nắm chặt tay nhau bên hàng cột của Quảng trường Thánh Phêrô, biểu tượng kiến trúc về cái ôm toàn cầu của Giáo hội.
Trong Hội nghị, các tham dự viên đã chia sẻ kinh nghiệm và chứng từ của họ được liên kết với hơn 8 quốc gia trên thế giới, bao gồm Ý (Trappani), Congo (Brazzaville), Cộng hòa Trung Phi (Bangui), Ethiopia, Argentina (Buenos Aires), Israel (Jerusalem), Nhật Bản (Nagasaki) và Peru (Lima).
Như là kết quả của Hội nghị, đại diện những nhân vật đoạt giải Nobel, Tiến sĩ Muhammad Yunus và Tiến sĩ Nadia Murad, đã trình bày Bản Tuyên bố về Tình huynh đệ Nhân loại do các tham dự viên Hội nghị cùng nhau soạn thảo.
Thay mặt Đức Thánh Cha Phanxicô, vì lý do sức khoẻ không thể trực tiếp tham dự Hội nghị, Đức Hồng Y Pietro Parolin, Quốc vụ khanh Toà Thánh đã ký vào Bản Tuyên bố cuối cùng này.
Dưới đây là nội dung Bản Tuyên bố:
BẢN TUYÊN BỐ VỀ TÌNH HUYNH ĐỆ NHÂN LOẠI
ROMA, Quảng trường Thánh Phêrô, ngày 10.06.2023
“Chúng tôi đa dạng, chúng tôi khác biệt, chúng tôi có những nền văn hóa và tôn giáo khác nhau, nhưng chúng tôi đều là anh chị em và chúng tôi muốn sống trong hòa bình” – (Đức Giáo hoàng Phanxicô)
Mọi người nam đều là anh em của chúng tôi, mọi người nữ đều là chị em của chúng tôi và luôn luôn như vậy. Chúng tôi muốn tất cả mọi người cùng chung sống, như anh chị em, trong Khu vườn là Trái đất. Vườn huynh đệ là điều kiện sống cho tất cả mọi người.
Chúng tôi là chứng nhân cho thấy, ở mọi nơi trên thế giới, sự hòa hợp bị đánh mất sẽ lại phát triển ra sao khi nhân phẩm được tôn trọng, nước mắt được lau khô, công việc được trả lương cân xứng, giáo dục được đảm bảo, sức khỏe được chăm sóc, sự đa dạng được coi trọng, thiên nhiên được phục hồi, công lý được tôn vinh, và các cộng đồng vượt thắng nỗi cô đơn và sợ hãi.
Cùng nhau, chúng tôi chọn sống các mối tương quan của mình dựa trên tình huynh đệ, được nuôi dưỡng bằng sự đối thoại và tha thứ, tha thứ vốn “không có nghĩa là quên đi” (Thông điệp Fratelli Tutti, số 250), nhưng là loại bỏ và không để “bị chi phối bởi chính cái sức mạnh huỷ diệt” (Thông điệp Fratelli Tutti, số 251) mà hậu quả của nó khiến tất cả chúng tôi phải gánh chịu.
Hiệp nhất với Đức giáo hoàng Phanxicô, chúng tôi muốn tái khẳng định rằng “việc hòa giải đích thực thì không lẩn tránh xung đột, nhưng đạt được trong chính xung đột, vượt qua xung đột nhờ đối thoại và thương lượng cách kiên trì, chân thành và cởi mở” (Thông điệp Fratelli Tutti, số 244). Tất cả điều này đạt được trong khuôn khổ của cấu trúc nhân quyền.
Chúng tôi muốn nhân danh tình huynh đệ để hét lên với thế giới rằng: Đừng bao giờ có chiến tranh nữa! Chính hòa bình, công lý, và bình đẳng sẽ định hướng vận mệnh của toàn thể nhân loại. Không còn sợ hãi, bạo lực gia đình và tình dục! Hãy chấm dứt xung đột vũ trang. Hãy ngừng vũ khí hạt nhân và bom mìn. Không còn những cuộc di cư cưỡng bức, thanh trừng sắc tộc, chế độ độc tài, tham nhũng và nô lệ. Hãy ngừng thao túng công nghệ và trí tuệ nhân tạo (AI), hãy đặt tình huynh đệ lên trên sự phát triển công nghệ, để công nghệ có thể thấm nhuần tình huynh đệ.
Chúng tôi khuyến khích các quốc gia thúc đẩy các nỗ lực chung để tạo ra một xã hội hòa bình, chẳng hạn bằng việc thiết lập các Bộ Hòa bình.
Chúng tôi dấn thân chữa lành mảnh đất bị nhuốm máu bởi bạo lực và hận thù, bởi bất bình đẳng xã hội, và bởi sự băng hoại của con tim. Chúng tôi chống lại hận thù bằng tình yêu thương. Đối với chúng tôi, lòng trắc ẩn, sự chia sẻ, bao dung, điều độ và trách nhiệm là những lựa chọn nuôi dưỡng tình huynh đệ cá nhân, tình huynh đệ của trái tim.
Việc gieo mầm tình huynh đệ thiêng liêng khởi đi từ chính bản thân chúng tôi. Chỉ cần gieo một hạt giống nhỏ mỗi ngày trong các mối tương quan của chúng tôi: trong gia đình, nơi khu xóm, trường học, nơi làm việc, nơi công cộng, và tại các cơ quan ra quyết định là đủ.
Chúng tôi cũng tin tưởng vào tình huynh đệ xã hội vốn nhìn nhận phẩm giá bình đẳng của tất cả mọi người, cổ võ tình bằng hữu và sự gắn bó, thúc đẩy giáo dục, cơ hội bình đẳng, việc làm bền vững, công bằng xã hội, lòng hiếu khách, liên đới và hợp tác, nền kinh tế liên đới xã hội, và một tiến trình chuyển đổi sinh thái công bằng, một nền nông nghiệp bền vững đảm bảo khả năng tiếp cận thực phẩm cho tất cả mọi người, từ đó đẩy mạnh các mối tương quan hòa hợp dựa trên sự tôn trọng lẫn nhau và quan tâm đến phúc lợi của tất cả mọi người.
Trong viễn cảnh này, có thể phát triển các hành động tiếp cận và luật nhân văn, bởi vì “tình huynh đệ còn mang lại điều gì đó tích cực hơn cho tự do và bình đẳng” (Thông điệp Fratelli Tutti, số 103).
Cùng nhau, chúng tôi muốn xây dựng một tình huynh đệ môi trường, hòa bình với thiên nhiên, nhận thức rằng “mọi thứ đều có mối tương quan”: vận mệnh của thế giới, sự chăm sóc tạo vật, sự hài hòa của thiên nhiên, và lối sống bền vững. Chúng tôi muốn xây dựng tương lai trên những câu thơ của Bài Ca Tạo Vật của Thánh Phanxicô, bài ca về Sự Sống vĩnh cửu. Biểu đồ của tình huynh đệ phổ quát dệt nên mạch văn của các câu trong Bài ca: mọi thứ đều có mối liên kết với nhau, và mối liên kết với mọi thứ và với mọi người là Sự sống.
Vì vậy, quy tụ nhân Hội nghị Thế giới lần thứ nhất về Tình huynh đệ Nhân loại, chúng tôi gửi lời kêu gọi về tình huynh đệ tới tất cả mọi người nam nữ thiện chí. Con cái của chúng ta, tương lai của chúng ta chỉ có thể phát triển trong một thế giới hòa bình, công lý và bình đẳng, vì lợi ích của một gia đình nhân loại duy nhất: chỉ có tình huynh đệ mới có thể tạo nên nhân loại.
Việc muốn có tình huynh đệ và cùng nhau xây dựng tình huynh đệ trong sự hiệp nhất tùy thuộc vào quyền tự do của chúng ta. Hãy cùng chúng tôi ký tên vào lời kêu gọi này để nắm lấy giấc mơ này và biến ước mơ thành hiện thực trong cuộc sống hàng ngày, để tình huynh đệ chạm đến khối óc và trái tim của tất cả các nhà lãnh đạo và của những người, ở mọi cấp độ, có trách nhiệm công dân, dù lớn hay nhỏ.
Nt. Anna Ngọc Diệp, OP
Dòng Đa Minh Thánh Tâm
Chuyển ngữ từ: fondazionefratellitutti.org
#hoinghithegioivetinhhuynhdenhanloai