WGPSG — Cuộc họp mặt hai ngày giữa các Giám mục với các Bề trên của các cộng đoàn sống đời thánh hiến thuộc Giáo tỉnh Sài Gòn đã được tổ chức tại Hội trường Trung tâm Mục vụ Tổng Giáo phận Sài Gòn từ 8g30 ngày 15/12 đến 11g30 ngày 16/12/2015.
Hiện diện trong hai ngày họp mặt này có 312 Bề trên, đến từ 187 cộng đoàn tu trì (52 cộng đoàn nam, 135 cộng đoàn nữ) trên tổng số 211 dòng tu, tu đoàn tông đồ và tu hội trong Giáo tỉnh.
Đây là sáng kiến của các Giám mục Giáo tỉnh Sài Gòn trong cuộc họp của Hội đồng Giám mục Việt Nam kỳ 1 năm 2015. Đức Giám mục Giuse Đinh Đức Đạo là trưởng ban tổ chức cuộc họp mặt, với sự cộng tác của linh mục Tôma Vũ Quang Trung, Dòng Tên, đại diện Giám mục đặc trách Tu sĩ Tổng Giáo phận Sài Gòn.
Cuộc họp mặt được diễn ra với ba mục tiêu. Mục tiêu thứ nhất là để các Giám mục bày tỏ sự quan tâm mục tử đến với các anh chị em sống đời thánh hiến trong Năm “Đời sống Thánh hiến”. Mục tiêu thứ hai là tạo dịp cho các vị Giám mục và Tu sĩ gặp gỡ nhau, hiểu nhau và thông cảm với nhau hơn, từ đó các tu sĩ và các Đấng Bản Quyền giáo phận có sự cộng tác chặt chẽ hơn trong sứ mạng truyền giáo và phục vụ mọi người theo linh đạo của mỗi dòng tu, tu đoàn tông đồ và tu hội. Mục tiêu thứ ba là để những người sống đời thánh hiến có dịp bày tỏ những nguyện vọng của mình với các vị chủ chăn là những vị có trách nhiệm hướng dẫn các tu sĩ bước theo Chúa Giêsu trong ơn gọi dâng hiến.
Khởi sự ngày họp đầu tiên (15/12), các bề trên lắng nghe linh mục Giuse Đỗ Mạnh Hùng – chưởng ấn TGP.TPHCM – trình bày về hướng truyền giáo trong Tổng Giáo phận Sài Gòn. Ngài cho biết: vùng nội thành TP.HCM (rộng 400km2) có 210 nhà thờ; trong khi đó vùng ngoại ô (rộng 180km2) chỉ có 24 nhà thờ. Vì thế, để “đi ra” đến với những người ở vùng ven, Ban Truyền Giáo sẽ kết hợp với Ban Caritas và các Dòng Tu để hướng đến vùng ngoại ô thành phố.
Sau đó, các bề trên đã gặp nhau theo 12 tổ để chia sẻ những thao thức và trăn trở của những người sống đời thánh hiến theo các câu hỏi do ban tổ chức đề ra.
Buổi chiều ngày 15/12, các tổ đã gặp nhau trong hội trường để trình bày những đúc kết thao thức trăn trở của tổ mình và thảo luận chung với nhau.
Trong ngày họp thứ hai (16/12), ngoài các bề trên dòng tu còn có sự hiện diện của 5 vị Giám mục. Khởi đầu ngày họp thứ hai, các tham dự viên đã đón tiếp 4 vị Giám mục là Đức cha Giuse Đinh Đức Đạo – Giám mục phó Giáo phân Xuân Lộc, Đức cha Phêrô Nguyễn Văn Khảm – Giám mục Giáo phận Mỹ Tho, Đức cha Stêphanô Tri Bửu Thiên – Giám mục Giáo phận Cần Thơ và Đức cha Giuse Nguyễn Tấn Tước – Giám mục Giáo phận Phú Cường.
Bắt đầu cuộc trao đổi, vị đại diện tổ thư ký là linh mục Kim Thời – Bề trên Dòng Thừa Sai Thánh Tâm – đã trình bày biên bản đúc kết của 12 tổ với ba điểm chính: thuận lợi, khó khăn và việc loan báo Tin Mừng mà các bề trên đã thảo luận với nhau trong ngày hôm qua.
Sau đó, các vị Giám mục hiện diện đã lần lượt chia sẻ với các bề trên những suy tư và nhận định của các ngài về sứ vụ và đời sống thánh hiến.
Đức cha Giuse Đinh Đức Đạo đã đề cập đến tính ưu tú của đời sống thánh hiến. Ngài nói rằng, gọi tu sĩ là thành phần ưu tú của Giáo hội thì cũng đúng, nhưng chưa đủ, vì đời sống thánh hiến là ơn của Chúa Thánh Thần ban cho Giáo hội. Chúa Thánh Thần trao phó trách nhiệm và lòng ao ước nuôi dưỡng Dân Chúa cho những người sống đời thánh hiến. Họ ưu tú, nhưng ưu tú không phải là đích điểm của họ, mà ưu tú là để xây đắp Giáo hội và xây dựng các Giáo hội địa phương. Vì vậy, tu sĩ đi đến đâu thì nơi đó chính là nhà của họ, và nơi đó cũng cần đón nhận họ như người nhà của mình. ĐGM Giuse đưa ra ví dụ: Một tu sĩ đang ở Giáo phận Sài Gòn, mấy hôm nữa đến giáo phận Xuân Lộc thì sẽ trở thành người của Giáo phận Xuân Lộc. Đó là cái đẹp của đời sống thánh hiến. Đó chính là ơn của Chúa Thánh Thần ban cho Giáo hội.
Đức cha Stêphanô Tri Bửu Thiên thì chia sẻ những suy tư, mà ngài cho là khởi đi từ kinh nghiệm của Đức Giêsu. Khi chọn các Tông đồ, Đức Giêsu đã cầu nguyện suốt đêm. Trong khi cầu nguyện, Đức Giêsu đã được Chúa Cha trao cho những người cộng tác; những vị này có thể gồm cả những người nằm ngoài ý muốn của Đức Giêsu. Đức Giêsu đã đón nhận tất cả để huấn luyện và sử dụng họ. Rồi trong 12 tông đồ cũng có 1 người bị coi là thất bại. Từ những suy tư này, Đức cha Stêphanô mời gọi các bề trên suy nghĩ đến yếu tố con người – với những bất toàn của thân phận làm người – để trân trọng, không chỉ những cái hay, mà ngay cả những yếu đuối bất toàn của mình cũng như của người khác. Như vậy mới là người. Từ đó, phải đón nhận nhau, cả cái tốt lẫn cái xấu. Khi dám chấp nhận nhau như thế thì sẽ hợp tác được với nhau.
Về phần mình, Đức cha Phêrô Nguyễn Văn Khảm đã chia sẻ những kinh nghiệm sống của ngài ở Tổng Giáo phận Sài Gòn – nơi có rất nhiều dòng tu, và ở Giáo phận Mỹ Tho – nơi chỉ có 2 dòng tu có nhà mẹ tại Giáo phận. Ngài đề cập đến một việc – tuy không phổ biến nhưng đôi khi giám mục và linh mục đã nhận thấy – đấy là “tính co cụm” của một số cộng đoàn tu trì: “co cụm” vào trong nội bộ của mình, ngay cả khi đang điều hành một giáo xứ của giáo phận. Khi xem ra khó hòa nhập vào đường hướng chung của giáo phận, muốn tạo hướng mục vụ theo đường lối đặc sủng riêng của hội dòng mình, thì – một cách nào đó – cũng sẽ cản trở sự hiệp thông. Đức cha Phêrô còn nhận định về ảnh hưởng của bối cảnh xã hội. Trước 1975, các dòng tu ở đây – trong khi sống đặc sủng riêng của mình – đã dấn thân vào lãnh vực rộng lớn của y tế, xã hội và giáo dục (không chỉ có nhà trẻ, mà còn có cả tiểu học, trung học và đại học). Nhưng sau 1975, tất cả các đặc sủng đó không còn nữa. Giáo hội ở Việt Nam không còn trường học, bệnh viện công giáo; và nhiều hoạt động xã hội khác cũng bị hạn chế. Vì thế, tất cả đều tập trung vào mục vụ giáo xứ. Điều này rất tốt vì làm cho sinh hoạt mục vụ giáo xứ trở nên năng động. Nhưng cũng từ đó, có những khó khăn hàm chứa bên trong, đó là những va chạm với nhau – cách này hay cách khác. Liên quan đến tình trạng đó, một số câu hỏi đặc biệt được đặt ra. Chẳng hạn, các dòng nam có anh em linh mục – mà các lãnh vực y tế, xã hội, trường học không còn nữa – nay tập trung vào mục vụ giáo xứ. Khi các linh mục ngày càng nhiều hơn thì “đầu ra” phong phú đó sẽ đi đâu, sẽ làm gì và cộng tác với nhau như thế nào? Đức cha Phêrô cho rằng: “Đây là vấn đề không nhỏ, chúng ta cần suy nghĩ với nhau trong năm tới này, khi đặc biệt hướng đến việc truyền giáo”. Để kết thúc phần chia sẻ của mình, Đức cha Phêrô khuyên các tu sĩ: “Đối với những người tận hiến vì Nước Trời, điều sâu xa nhất không phải là khung làm việc, hay là sáng kiến này, sáng kiến kia mà chính là linh đạo. Cho dù có khác nhau trong từng linh đạo riêng của mỗi nhà dòng, vẫn có một điểm chung là Đức Giêsu Kitô và Vương quốc của Ngài”. Đức cha Phêrô nhấn mạnh: “Một khi chúng ta cùng nhìn về một hướng là Đức Kitô thì hướng nhìn đó sẽ liên kết chúng ta ngày càng chặt chẽ hơn trong Đức Kitô và Vương quốc của Ngài”.
Đức cha Giuse Nguyễn Tấn Tước thì đặc biệt nói lên những thao thức truyền giáo trong giáo phận của ngài. Nhìn lại 50 năm thành lập giáo phận Phú Cường, số giáo dân tăng lên hơn gấp 3 lần, nhưng tỷ lệ so với dân số địa phương thì lại giảm. Vào năm 1960, số giáo dân là 50.000, chiếm tỷ lệ 7,2% dân số. Đến nay, số giáo dân là 156.000, nhưng chỉ chiếm tỉ lệ 4,8% dân số. Vì thế nhu cầu truyền giáo rất lớn. Đức cha Giuse nói lên niềm vui khi có trên 50 dòng tu, tu đoàn tông đồ và tu hội tại Giáo phận nhà. Ngài rất lạc quan khi thấy đủ màu sắc dòng tu trong giáo phận, hiện diện trong nước cũng như ngoài nước. Ngài cũng đã hướng các nhà dòng đi đến các vùng ven như Tây Ninh, Bình Phước hay Phước Long, nơi có rất nhiều người nghèo, người dân tộc cần được phục vụ.
Sau đó, Đức cha Giuse Đinh Đức Đạo nói lên niềm ước mong của ngài khi nhận xét về bản đúc kết của 12 tổ (đúc kết các thuận lợi cũng như các khó khăn của các tu sĩ). Ngài cho rằng, những khó khăn này đều có những nguồn gốc, phát xuất từ nhu cầu thời đại hoặc có nguồn gốc chủ quan từ não trạng văn hóa và cá tính – tính tình riêng tư của người nọ, người kia. Để khắc phục những khó khăn đó, cần phải nghiên cứu các nguồn gốc ấy. Nhưng nói chung, khi gặp gỡ, quen biết và cảm mến nhau thì sẽ dễ dàng giải quyết được các vấn đề. Điều ước mong tha thiết, đấy là làm sao có được tâm tình của Đức Thánh Cha Phanxicô: Mục tử phải mang lấy ‘mùi chiên’, để ‘mùi chiên’ thấm vào người. Muốn mang lấy ‘mùi chiên’ thì phải có ‘mùi Giêsu’. Vì sẽ có nhiều thứ chiên. Nếu chọn ‘mùi chiên’ này, mình sẽ không chọn ‘mùi chiên’ khác! Rồi khi chọn xong một ‘mùi chiên’ nào đó, mình có thể sẽ lại không thể dứt khỏi ‘mùi chiên’ đặc thù đó được! Sẽ mất tự do! Vì thế, lòng thao thức tông đồ truyền giáo phải xuất phát từ lòng say mê Chúa Giêsu, mang lấy ‘mùi chiên Giêsu’. Những thuận lợi và khó khăn – được diễn tả trong bài đúc kết – chỉ là để chia sẻ với nhau mà thôi, nhưng không lộ ra được những thao thức dành cho Chúa. Khi không thao thức cho Chúa, mình sẽ cứ sống lè tè cách tầm thường, và sẽ không giải quyết được những khó khăn. Nhưng nếu biết dâng lên hết cho Chúa, thì… “đâu có sao”! Thao thức trọn vẹn cho Chúa, chết thì thôi, bao nhiêu khó khăn chẳng nề hà, chẳng than vãn! Khi có lòng thao thức trọn vẹn này thúc đẩy để cùng nhau đưa ra một chương trình truyền giáo cho giáo tỉnh, thì những chuyện khác sẽ tan biến. Đức cha Giuse đề nghị: “Chúng ta phải đặt câu hỏi: Ta có gặp gỡ được Chúa không? Ta làm như thế có đúng không? Làm sao để hăng say hoạt động trong các giáo xứ, càng khó thì càng phải nỗ lực hơn để có thể thực hiện những chương trình cho Chúa. Từ đó sẽ thương yêu nhau thực sự, thương nhau để nhìn thấy người anh em là người Chúa ban cho mình, nên không sống co cụm mà mở ra với mọi người”.
Sau giờ giải lao, Đức Tổng Giám mục Phaolô Bùi Văn Đọc đã đến mời gọi các tu sĩ hãy luôn vui lên trong đời tu của mình và hãy quan tâm bảo vệ môi trường. Ngài cũng thông báo một vài quyết định phát xuất từ lòng thương xót.
Trong phần thảo luận sau đó, Nữ tu Maria Đinh Thị Sáng, Bề trên dòng Đaminh Tam Hiệp đặt câu hỏi: Học viện Thần học Công giáo Việt Nam đã được thành lập, vậy điều kiện để theo học trong Học viện này là gì? Để được tham gia đóng góp trong vai trò giảng huấn, cần những điều kiện gì?
ĐGM Giuse Đinh Đức Đạo – Giám đốc Học viện Công Giáo Việt Nam – trả lời: Học viện Công giáo Việt Nam – thuộc Hội Đồng Giám mục Việt Nam – đã được Tòa Thánh cấp phép ngày 9/6/2015, và được Nhà Nước Việt Nam cấp phép ngày 6/8/2015. Phép của Nhà Nước cho hoạt động trong nước Việt Nam. Phép Tòa Thánh cho Giáo hội Việt Nam tự mình thành lập phân khoa Thần học, không cần liên kết với đại học công giáo nào khác. Học viện Công giáo Việt Nam có quyền phát bằng, và bằng này có giá trị như bằng cấp của mọi đại học công giáo khác trên thế giới. Năm tới, trong cuốn niên giám của Tòa Thánh sẽ có tên của Học viện Công giáo Việt nam. Sẽ có cấp bằng cử nhân, thạc sĩ, rồi tiến sĩ. Việc tổ chức phân khoa Thần Học trong giáo hội sẽ gồm có 3 chu kỳ. HĐGM trao cho Ủy ban Giáo dục Công giáo thực hiện theo từng bước, từng chu kỳ. Hiện nay, sau khi đã có phép của Nhà Nước và Tòa Thánh thì đã bắt đầu tiến hành thực hiện. Tạm thời trước mắt, HĐGM cho phép mượn trụ sở của HĐGM tại đường Trần Quốc Toản để mở lớp học, trong khi tìm đất để xây nhà cho riêng Học viện Công giáo. Vào thời gian đầu, HĐGM đã chấp thuận mời một số vị làm thành cơ cấu của Ban Giảng huấn. Hiện Giáo hội Việt Nam có 72 vị tiến sĩ. Bước đầu sẽ mời 27 vị vào Ban điều hành Giảng huấn. Vào ngày 28/11/2015, đã có buổi gặp mặt 27 vị giáo sư được mời cộng tác. Ngày 19/12 sẽ có buổi họp chính thức của Ban Điều hành. Học viện sẽ khai giảng niên khoá đầu tiên 1016-2017 với Chu kỳ 2 (Cao học Thần học) của hai chuyên ngành: Thần học Thánh kinh và Thần học Tín lý. Vào cuối tháng Hai sau Tết, sẽ có chương trình chuẩn bị cho những ứng sinh muốn học Chu kỳ 2 này. Phải thi để nhận bằng Chu kỳ 1 trước, sau đó mới có thể ghi danh học Chu kỳ 2. Để chuẩn bị cho kỳ thi, cuối tháng 2 đến tháng 6 sẽ có khóa về tiếng Anh, tiếng La tinh, tiếng Hi lạp, tiếng Do thái cho những người ghi tên học chuyên ngành Thần học Thánh kinh. Điều kiện dự thi nhận bằng Chu kỳ 1: Đã học xong chương trình đại chủng viện hoặc học viện. Sau Giáng Sinh, sẽ có công bố chính thức về các chương trình nói trên.
Sau phần trao đổi, Cha Tôma Vũ Quang Trung – thay mặt các bề trên dòng tu, tu hội tông đồ và tu đoàn – gửi lời chúc mừng lễ Giáng Sinh đến các Đức Giám mục và đặc biệt mừng 45 năm linh mục của Đức Tổng Giám mục Phaolô.
Cuộc họp mặt của các Giám mục với các Bề trên của các cộng đoàn sống đời thánh hiến trong Giáo tỉnh Sài Gòn đã khép lại trong niềm vui – vui vì đã được lắng nghe, được chia sẻ và được gắn bó với nhau trong sứ mạng loan báo Tin Mừng.