Thứ Hai
Bài Ðọc I
Is 35,1-10
Sa mạc và hoang địa hãy vui mừng, đồng cỏ hoang hãy hoan hỉ và nở hoa; hãy nở hoa như cây thuỷ tiên, hãy tràn đầy hân hoan và niềm vui! Hoang địa sẽ được vinh quang của núi Liban, và vẻ tráng lệ của Carmel và Saron. Chính họ sẽ được thấy vinh quang của Chúa, và vẻ tráng lệ của Thiên Chúa chúng ta.
Hãy nâng đỡ những bàn tay mỏi mệt, và hãy làm vững mạnh những đầu gối rã rời. Hãy nói với những tâm hồn xao xuyến: Can đảm lên, đừng sợ! Này đây Thiên Chúa các ngươi đến để phục thù. Chính Người sẽ đến và cứu thoát các ngươi.
Bấy giờ mắt người mù sẽ sáng lên, và tai người điếc sẽ mở ra. Bấy giờ người què sẽ nhảy nhót như nai, và người câm sẽ nói được, vì nước sẽ chảy lên nơi hoang địa, và suối sẽ chảy nơi đồng vắng. Ðất khô cạn sẽ trở thành ao hồ, và hoang địa sẽ trở nên suối nước. Hang dã thú nơi chó rừng ẩn náu sẽ trở thành vườn lau vườn sậy.
Nơi ấy sẽ có những con đường người ta sẽ gọi là thánh lộ, không tội nhân nào được qua đường đó; đường này sẽ thuộc về các ngươi, và những kẻ ngây thơ sẽ không lạc lối. Ðường ấy sẽ không có vết chân sư tử, và không ác thú nào đi trên đường này, chỉ những kẻ được giải phóng đi trên đó thôi. Những kẻ được Chúa cứu thoát sẽ trở về, và vào thành Sion với lời ca vang, cùng với triều thiên hân hoan trên đầu họ. Họ sẽ được niềm vui và hoan hỉ; họ không còn đau khổ và than van.
Phúc Âm
Lc 5,17-26
Ngày ấy, Chúa Giêsu đang ngồi giảng, có cả những người biệt phái và tiến sĩ luật từ các làng mạc xứ Galilêa, xứ Giuđêa và Giêrusalem đến nghe Người, và Người dùng quyền lực của Thiên Chúa chữa nhiều người. Người ta khiêng một người bất toại đến, họ tìm cách vào nhà để đặt người bất toại trước mặt Người. Nhưng không tìm được lối vào, vì dân chúng quá đông, họ liền trèo lên sân thượng và thả người bất toại xuống giữa cử toạ trước mặt Chúa Giêsu. Thấy lòng tin của họ, Người nói: “Hỡi người kia, tội ngươi đã được tha!”
Các luật sĩ và biệt phái bắt đầu lý luận rằng: “Người này là ai mà dám nói phạm thượng? Trừ một mình Chúa, ai có quyền tha tội?” Chúa Giêsu biết rõ điều họ suy tính, liền nói với họ: “Sao các ngươi lại nghĩ trong lòng như vậy? Nói rằng: “Các tội của ngươi đã được tha”, hay nói: “Ngươi hãy đứng dậy mà đi”, đàng nào dễ hơn? Song (như thế là) để các ngươi biết Con Người có quyền tha tội ở dưới đất”. Người nói với người bất toại rằng: “Ta bảo ngươi, hãy chỗi dậy vác giường về nhà”.
Tức thì anh ta chỗi dậy vác giường đi về nhà và ca tụng Thiên Chúa. Ai nấy đều sợ hãi và ngợi khen Thiên Chúa; họ kinh sợ và nói: “Hôm nay chúng ta đã thấy những việc lạ lùng”.
SUY NIỆM
Trong mùa Thường Niên, bài đọc 1 và bài Tin Mừng hiếm khi có liên hệ với nhau, nhưng trong Mùa Chay và Mùa Vọng thì ngược lại, 2 bài đọc có liên hệ rất chặt chẽ và thậm chí có thể coi bài đọc 1 là bài mang ý nghĩa chính của ngày lễ.
Tiếp tục suy niệm Lời Chúa trong bài đọc 1, Lời Chúa hôm nay trích từ sách ngôn sứ Isaia tiên báo những ơn lành sẽ được ban trong thời Mêsia, một cảnh tượng tuyệt vời, đầy tràn hoan lạc, bình an khi Đấng Messia ngự đến. Và đây cũng là một thế giới mà con người hằng luôn khao khát: “mắt người mù sẽ sáng lên, và tai người điếc sẽ mở ra. Bấy giờ người què sẽ nhảy nhót như nai, và người câm sẽ nói được, vì nước sẽ chảy lên nơi hoang địa, và suối sẽ chảy nơi đồng vắng. Ðất khô cạn sẽ trở thành ao hồ, và hoang địa sẽ trở nên suối nước.” (Is 35, 5-7). Đấng Mêsia đó không ai khác chính là Chúa Giêsu được nói đến trong bài Tin Mừng. Ngài là Đấng tha thứ tội lỗi và chữa lành mọi bệnh hoạn tật nguyền cho con người.
Thế nhưng, Đấng Mêsia là Chúa Giêsu đã đến và đang đến, còn thế giới mà bài đọc 1 nói đến dường như chưa đến, chưa hiện diện. Thế giới ngày nay vẫn còn tồn tại nhiều bất công, nhiều bất hòa, bạo lực, chết chóc,…và đáng lưu ý hơn là tình trạng này vẫn đang gia tăng từng ngày. Tại sao vậy?
Đấng Mêsia là Chúa Giêsu mà chúng ta đang tôn thờ, Ngài đã đến qua biến cố Nhập Thể, Ngài đang đến trong cuộc đời mỗi người. Thế nhưng, con người đã không đón nhận Ngài. Thật vậy, con người trong thế giới ngày nay đang có khuynh hướng loại bỏ Thiên Chúa, loại bỏ những chân lý ngàn đời. Họ mất dần ý thức tội lỗi, và trong đó không ít là những Kitô hữu chúng ta:“Người đã đến nhà mình, nhưng người nhà chẳng chịu đón tiếp” (Ga 1,11).
Lạy Chúa, Lời Chúa vẫn luôn vang dội trong cuộc đời chúng con, lời đem lại yêu thương hạnh phúc. Thế nhưng nhiều lúc chúng con nghe mà chẳng đem ra thực hành, để rồi con người chúng con vẫn không được biến đổi và thế giới chúng con đang sống vẫn còn chìm ngập trong bóng tối của tội lỗi và sự chết. Xin Chúa cho mỗi người chúng con biết nỗ lực hơn mỗi ngày trong việc đào luyện chính mình, biết đặt trọn niềm cậy trông tin tưởng vào Chúa, để con người chúng con được biến đổi và thế giới chúng con đang sống sẽ ngày càng tốt đẹp hơn. Amen!
Thứ Ba 8/12
Đức Mẹ Vô Nhiễm Nguyên Tội
Bài Ðọc I
St 3,9-15.20
Thiên Chúa đã gọi Ađam và phán bảo ông rằng: “Ngươi đang ở đâu?” Ông đã thưa: “Con nghe thấy tiếng Ngài trong vườn địa đàng, nhưng con sợ hãi, vì con trần truồng và con đang ẩn núp”.
Chúa phán bảo ông rằng: “Ai đã chỉ cho ngươi biết rằng ngươi trần truồng, há chẳng phải tại ngươi đã ăn trái cây mà Ta cấm ngươi không được ăn ư?” Ađam thưa lại: “Người phụ nữ Chúa đã cho làm bạn với con, chính nàng đã cho con trái cây và con đã ăn”.
Và Thiên Chúa phán bảo người phụ nữ rằng: “Tại sao ngươi đã làm điều đó?” Người phụ nữ thưa: “Con rắn đã lừa dối con và con đã ăn”.
Thiên Chúa phán bảo con rắn: “Bởi mi đã làm điều đó, mi sẽ vô phúc ở giữa mọi sinh vật và mọi muông thú địa cầu; mi sẽ bò đi bằng bụng, và mi sẽ ăn bùn đất mọi ngày trong đời mi. Ta sẽ đặt mối thù nghịch giữa mi và người phụ nữ, giữa miêu duệ mi và miêu duệ người đó, người miêu duệ đó sẽ đạp nát đầu mi, còn mi thì sẽ rình cắn gót chân người”.
Và Ađam đã gọi tên vợ mình là Evà: vì lẽ bà là mẹ của chúng sinh.
Bài Ðọc II
Ep 1,3-6.11-12
Anh em thân mến, chúc tụng Thiên Chúa và là Cha của Chúa Giêsu Kitô, Chúa chúng ta: Người đã chúc phúc cho chúng ta bằng mọi phúc lộc thiêng liêng ở trên trời trong Ðức Kitô. Bởi Người đã kén chọn chúng ta trong Ðức Kitô từ trước khi tạo thành vũ trụ, hầu cho chúng ta được thánh thiện và tinh tuyền trước mặt Người. Trong tình thương, Người đã tiền định cho chúng ta được làm dưỡng tử đối với Người, qua Ðức Giêsu Kitô, theo như ý Người sở định, cho được ca ngợi vinh quang ân sủng của Người, ân sủng mà Người ban tặng chúng ta trong Con yêu quý của Người.
Cũng trong Ðức Kitô, chúng ta đã được chọn trước làm phần gia nghiệp, chiếu theo chương trình tiền định của Ðấng tác thành mọi sự theo như ý Mình sở định, hầu cho chúng ta ca tụng vinh quang Người, chúng ta là những người đã đặt niềm hy vọng trước trong Ðức Kitô.
Phúc Âm
Lc 1,26-38
Khi ấy, thiên thần Gabriel được Chúa sai đến một thành xứ Galilêa, tên là Nagiarét, đến với một trinh nữ đã đính hôn với một người tên là Giuse, thuộc chi họ Ðavít, trinh nữ ấy tên là Maria. Thiên thần vào nhà trinh nữ và chào rằng: “Kính chào trinh nữ đầy ơn phúc, Thiên Chúa ở cùng trinh nữ, trinh nữ có phúc hơn các người nữ”. Nghe lời đó, trinh nữ bối rối và tự hỏi lời chào đó có ý nghĩa gì. Thiên thần liền thưa: “Maria đừng sợ, vì đã được ơn nghĩa với Chúa. Này trinh nữ sẽ thụ thai, hạ sinh một Con trai và đặt tên là Giêsu. Người sẽ nên cao trọng và được gọi là Con Ðấng Tối Cao. Thiên Chúa sẽ ban cho Người ngôi báu Ðavít tổ phụ Người. Người sẽ cai trị đời đời trong nhà Giacóp và triều đại Người sẽ vô tận!” Nhưng Maria liền thưa với Thiên Thần: “Việc đó xảy đến thế nào được, vì tôi không biết đến người nam?” Thiên thần thưa: “Chúa Thánh Thần sẽ đến với trinh nữ và uy quyền Ðấng Tối Cao sẽ bao trùm trinh nữ. Vì thế Ðấng trinh nữ sinh ra sẽ là Ðấng Thánh và được gọi là Con Thiên Chúa. Và này, Isave chị họ trinh nữ cũng đã thụ thai con trai trong lúc tuổi già và nay đã mang thai được sáu tháng, người mà thiên hạ gọi là son sẻ; vì không có việc gì mà Chúa không làm được”. Maria liền thưa: “Này tôi là tôi tớ Chúa, tôi xin vâng như lời Thiên thần truyền”. Và Thiên Thần cáo biệt trinh nữ.
SUY NIỆM
Tín điều Đức Mẹ Vô Nhiễm đã được Đức Giáo Hoàng Piô IX công bố vào năm 1854. Tín điều này cho chúng ta biết, ngay từ lúc được thụ thai trong lòng bà Thánh Anna, Đức Mẹ đã được đặc ân không nhiễm phải nguyên tội. Và do không nhiễm nguyên tội là nguồn gốc các tội cho nên Đức Mẹ cũng không nhiễm phải bất cứ tội gì khác.
Điều khá thú vị là Phụng Vụ Giáo Hội sắp đặt ngày 8 tháng 12 mừng kính Đức Mẹ Vô Nhiễm cũng thật ăn khớp với ngày lễ Sinh Nhật Đức Mẹ (8 tháng 9). Như vậy, ngay từ lúc Đức Mẹ được thu thai trong lòng bà Thánh Anna, Mẹ đã được hưởng đặc ân Vô Nhiễm Nguyên Tội (8/12 Mẹ được thụ thai – 8/9 Mẹ được sinh ra, khoảng thời gian là 9 tháng, thời gian 1 đứa bé nằm trong bụng mẹ).
Đặc biệt hơn nữa là chính Đức Mẹ đã xác nhận sự thật và sự đáng tin của tín điều này. Vào năm 1858 Đức Mẹ đã hiện ra tất cả 6 lần cho một cô bé chăn cừu 14 tuổi tại hang đá Lộ Đức, thuộc nước Pháp. Cô bé đó là thánh nữ Bernadette Soubirous. Ngay lần hiện ra đầu tiên, Bernadette đã hỏi Đức Mẹ là ai. Nhưng Người chưa trả lời. Đợi tới lần thứ 6 tức là lần cuối cùng, khi đó số người theo Bernadette đến hang Lộ Đức rất đông, Người mới long trọng xác nhận mình là Đấng Vô Nhiễm nguyên tội.
Trở lại với các bài đọc: Trong bài đọc 1, Nguyên Tổ đã lạm dụng sự tự do Chúa ban để rồi làm điều phản nghịch cùng Thiên Chúa, đánh mất ân sủng ban đầu là sự sống đời đời. Hậu quả của việc này là ông bà khám phá ra họ trần truồng, không còn dám giáp mặt Thiên Chúa.
Trái ngược lại với bài đọc 1, trong bài Tin Mừng, qua trình thuật Truyền Tin, Đức Maria đã dùng sự tự do Chúa ban để đặt mình lệ thuộc vào Chúa qua tiếng “Xin Vâng”. Với tiếng “Xin Vâng” này, Mẹ tham dự vào công cuộc cứu độ, bằng cách cưu mang Con Thiên Chúa Đấng Cứu Thế, con người được giao hòa với Thiên Chúa và ngày càng tới gần Thiên Chúa.
Chúa ban cho con người sự tự do. Con người chỉ thật sự tự do tuyệt đối khi đặt mình lệ thuộc vào Chúa hoàn toàn. Mỗi người chúng ta đều là sản phẩm do bàn tay Chúa làm ra, càng lệ thuộc vào Chúa, con người càng tự do hơn. Cũng như một cái máy, nó chỉ hoạt động tốt nhất, hoạt động hết chức năng, khi nó được đặt trong bàn tay của người làm ra nó.
Lạy Chúa, Mẹ Maria đã được đặc ân vô nhiễm nguyên tội nhờ Mẹ dám đặt mình lệ thuộc hoàn toàn vào Chúa. Mừng lễ hôm nay, chúng con cùng nhìn lại đời sống mình trong tương quan với Chúa, để xem chúng con đã thuộc về Chúa đến mức độ nào. Xin cho chúng con biết noi gương Mẹ, biết đặt cuộc đời mình vào tay Chúa, lệ thuộc vào Chúa hoàn toàn bằng cách luôn chọn và làm theo thánh ý Chúa. Amen.
Thứ Tư
Bài Ðọc I
Is 40, 25-31
Ðấng Chí Thánh phán rằng: Các ngươi sánh Ta với ai? Và kể Ta bằng ai? Hãy ngước mắt lên cao mà xem, ai đã dựng nên muôn loài này? Ðấng vận chuyển các cơ binh của chúng và biết gọi đích danh tất cả, không thiếu vật nào, vì sức mạnh của người rất lớn và quyền năng của Người rất cao.
Hỡi Giacob, tại sao ngươi nói, hỡi Israel, tại sao ngươi nói: Chúa không biết đến số phận tôi, Người không biết đến quyền lợi của tôi? Ngươi không biết? Ngươi không nghe sao?
Chúa là Thiên Chúa hằng hữu, là Ðấng đã dựng nên toàn thể trái đất, Người không mỏi không mệt và sự khôn ngoan của Người không thể suy thấu.
Người ban sức mạnh cho kẻ rã rời và thêm sức cho người mệt mỏi.
Những trai trẻ cũng mòn mỏi mệt nhọc, những tráng sĩ cũng lao đao vấp ngã.
Những ai trông cậy Chúa, sẽ được thêm sức mới, cất cánh bay cao như phượng hoàng, họ chạy mà không mệt, họ đi mà không mỏi.
Phúc Âm
Mt 11:28-30
Khi ấy, Chúa Giêsu phán rằng: Hãy đến với Ta tất cả, hỡi những ai khó nhọc và gánh nặng, Ta sẽ nâng đỡ bổ sức cho các ngươi.
Hãy mang lấy ách của Ta và hãy học cùng Ta, vì Ta dịu hiền và khiêm nhượng trong lòng, và tâm hồn các ngươi sẽ gặp được bình an.
Vì ách của Ta thì êm ái và gánh của Ta thì nhẹ nhàng.
SUY NIỆM
Bài đọc 1 trích từ phần II sách Isaia còn được gọi là “Sách An Ủi”: Dân Do Thái phạm nhiều tội lỗi nên bị lưu đày sang Babylon, rất khổ sở. Nhưng Thiên Chúa không chấp nhất những tội lỗi họ đã phạm với Người. Trái lại, Nguời lại còn an ủi họ rằng Người là Đấng “ban sức mạnh cho kẻ mệt mỏi”, và Nguời hứa sẽ cứu họ khỏi cảnh lưu đày.
Nối kết với bài đọc 1, bài Tin Mừng hôm nay cũng là những lời an ủi, khi Chúa Giêsu nói: “Hãy đến với Ta tất cả, hỡi những ai khó nhọc và gánh nặng, Ta sẽ nâng đỡ bổ sức cho các ngươi.”
Một điều mà bất cứ Kitô hữu nào cũng phải biết, đó chính là cuộc sống chúng ta cần có Chúa nâng đỡ, cần có Chúa ban ơn giúp sức, cần có Chúa gìn giữ chở che. Thế nhưng cái biết của chúng ta cũng chẳng ích lợi gì nếu chúng ta không biến nó thành xác tín trong đời sống, biết thì biết vậy, nhưng thực tế cuộc sống lại cho thấy ngược lại, chúng ta sống như không cần có Chúa, điều này thể hiện rất cụ thế qua cách mà chúng ta giữ đạo, cách mà chúng ta đến với Chúa qua Thánh Lễ, qua các giờ kinh hôm kinh mai.
Bên cạnh đó, chúng ta đang sống trong một thế giới như đang chạy đưa với vật chất, một cuộc sống xô bồ, đầy những lo toan, dễ đưa con người ta đến tâm trạng mệt mỏi, nhàm chán, không biết mình sống để làm gì, sống cho ai, vì ai,… dần dần cuộc sống trở nên tẻ nhạt, không tìm thấy ý nghĩa và giá trị của cuộc sống; dường như họ chỉ nhìn thấy cuộc đời này, chỉ nhìn thấy con người họ mà không thấy đời sau và Thiên Chúa, người ta quên mất Thiên Chúa, quên lo cho phần rỗi linh hồn của mình.
Điều mà tôi muốn nói ở đây là ngoài việc chúng ta biết, chúng ta còn phải xác tín một cách mạnh mẽ, để điều mà chúng ta biết được áp dụng, được thấm nhập, được in sâu vào đời sống chúng ta; và khi chúng ta biết năng chạy đến với Chúa, năng quan tâm lo lắng cho phần rỗi linh hồn mình thì chúng ta sẽ tìm được sự bình an và mọi khuất mắt trong chúng ta sẽ sớm được giải quyết.
Lạy Chúa, đến với Chúa sẽ được nghỉ ngơi bồi dưỡng và thêm sức. xin cho mỗi người chúng con luôn biết dành thời gian Chúa trao để rồi trao lại cho Chúa, để tìm được sự nghỉ ngơi bồi dưỡng. Amen!
Thứ Năm
Bài Ðọc I
Is 41,13-20
Ta là Chúa, Thiên Chúa của ngươi, Ta cầm tay ngươi và nói cùng ngươi: Ðừng sợ gì, đã có Ta giúp.
Hỡi con sâu Giacóp, hỡi dân Israel, đừng sợ chi, Ta sẽ đến giúp ngươi, đó là lời Chúa phán, Ðấng Thánh của Israel, Ðấng Cứu Chuộc ngươi. Ta sẽ đặt ngươi như chiếc bừa mới tinh và có răng nhọn, ngươi sẽ băm các đồi ra như rơm rác. Ngươi sẽ sàng chúng và gió sẽ cuốn chúng đi, và cơn lốc sẽ làm chúng tan tác. Còn ngươi, ngươi sẽ vui mừng trong Thiên Chúa, sẽ hân hoan trong Ðấng Thánh của Israel.
Những kẻ thiếu thốn nghèo nàn tìm nước, nhưng luống công, lưỡi chúng đã khô đi vì khát nước. Ta là Chúa, Ta sẽ nhậm lời chúng. Thiên Chúa của Israel, Ta sẽ không bỏ chúng. Ta khiến sông chảy trên đỉnh núi trọc, và suối nước tràn giữa thung lũng. Ta sẽ biến hoang địa thành ao hồ và đất khô thành suối nước.
Nơi hoang địa, Ta sẽ cho mọc lên cây hương nam, cây keo, cây sim và cây dầu; nơi sa mạc, Ta sẽ trồng cây tùng, cây du, cây bách, để mọi người thấy, biết, lưu tâm và hiểu rằng chính tay Chúa đã làm nên sự nghiệp đó, và Ðấng Thánh của Israel đã tạo nên cơ đồ này.
Phúc Âm
Mt 11,11-15
Khi ấy, Chúa Giêsu phán cùng dân chúng rằng: “Ta bảo thật các ngươi, trong các con cái người nữ sinh ra, chưa từng xuất hiện một ai cao trọng hơn Gioan Tẩy Giả, nhưng người nhỏ nhất trong nước trời lại cao trọng hơn ông. Từ thời ông Gioan Tẩy Giả đến giờ, nước trời phải dùng sức mạnh mà chiếm lấy, và những kẻ mạnh mẽ can đảm mới chiếm được. Tất cả các tiên tri và lề luật đã tuyên sấm cho đến Gioan và nếu các ngươi muốn hiểu, thì chính Gioan là Elia, kẻ phải đến. Ai có tai, thì hãy nghe!”
SUY NIỆM
Bài đọc 1 hôm nay là một lời “An Ủi” thực sự. Thiên Chúa như một người cha luôn yêu thương, quan tâm lo lắng cho con cái mình; Ngài chuẩn bị, Ngài dọn sẵn cho con người những thứ cần thiết. Người quan phòng và lo liệu tất cả cho con người cách chu đáo.
Cùng nhìn lại cuộc đời mỗi người, đặc biệt qua những biến cố đã qua, sẽ dễ dàng nhận thấy bàn tay Chúa quan phòng, lắm khi đó là những biến cố buồn, những thất bại, những khó khăn đau khổ,… nhưng không có gì là vô ích, không có gì là dư thừa trong bàn tay quan phòng của Chúa trên cuộc đời chúng ta.
Đối với tôi, Chúa còn là vị Thiên Chúa “luôn ở cùng”. Người là Đấng Emmanuel. Nguời không chăm sóc chúng ta cách chung chung, nhưng chăm sóc cách riêng lẻ. Người biết rõ từng người và lo liệu cho từng người.
Hiểu và xác tín việc Thiên Chúa luôn ở cùng là điều không dễ dàng. Thánh Phanxicô Assisi trên đường đi truyền giáo, ngài mệt và dừng lại ở một dòng suối ven đường uống nước và nghỉ ngơi dưới một gốc cây. Ngài đã xúc động cảm tạ Chúa vì nhận ra Chúa đã chuẩn bị sẵn cho ngài dòng suối để ngài uống và gốc cây cho ngài để nghỉ mát từ biết bao đời.
Mỗi người chúng ta đang sống, đang hiện diện dưới bàn tay quan phòng của Thiên Chúa. Có khi hiện tại là những khó khăn, nhưng với niềm tin, chắc chắn đó sẽ là những ân ban sau này, để rồi khi nhận ra, chúng ta sẽ reo lên vì vui sướng: “Tôi sẽ thế nào nếu không có những khó khăn thử thách trước đây?”
Lạy Chúa, Chúa đã dựng nên con cho Chúa, cả cuộc đời con cũng thuộc về Chúa. Xin cho chúng con luôn biết xác tín điều này, để mọi lời nói, việc làm của con đều được gắn kết mật thiết với Chúa. Amen.
Thứ Sáu
Bài Ðọc I
Is 48,17-19
Thiên Chúa là Ðấng Thánh của Israel, Ðấng Cứu Chuộc ngươi phán: Ta là Chúa, là Thiên Chúa của ngươi, Ðấng phán dạy ngươi những điều hữu ích, Ðấng dẫn dắt ngươi trong con đường phải đi. Nếu ngươi lưu ý đến các giới răn của Ta, thì hạnh phúc của ngươi sẽ như dòng sông, và sự công chính của ngươi sẽ như sóng biển. Dòng dõi ngươi sẽ như cát và con cháu ngươi sẽ đông đúc, và danh ngươi sẽ không bị xoá, bị diệt trước nhan thánh Ta.
Phúc Âm
Mt 11,16-19
Khi ấy, Chúa Giêsu phán cùng dân chúng rằng: “Ta sẽ so sánh thế hệ này với ai? Họ giống như bọn trẻ ngồi nơi phố chợ, gọi lũ trẻ khác mà rằng: “Chúng tôi thổi sáo, sao các bạn không múa nhảy; chúng tôi than vãn, sao các bạn không khóc lên!”
“Vì Gioan đến, không ăn không uống, thì họ nói: “Ông ta phải quỷ ám!” Con Người đến, ăn uống giống như thường, thì họ nói: “Ðó là người mê ăn mê uống, là bạn của quân thu thuế và những kẻ tội lỗi”. Nhưng sự khôn ngoan được biện minh bằng các công việc của mình”.
SUY NIỆM
“Nếu ngươi lưu ý đến các giới răn của Ta, thì hạnh phúc của ngươi sẽ như dòng sông, và sự công chính của ngươi sẽ như sóng biển”. Đây không phải là một lời nói suông, nhưng là một chân lý. Nếu chúng ta sống theo Lời Chúa dạy, cuộc sống chúng ta sẽ luôn được bình an và hoan lạc.
Nhưng trên thực tế, con người chúng ta có khuynh hướng chỉ muốn sống theo ý riêng mình, thay vì sống theo ý Chúa thì chúng ta bắt Chúa phải theo ý mình, giống như lũ trẻ chơi trò chơi mà Chúa Giêsu nói đến trong bài Tin Mừng: “Chúng tôi thổi sáo, sao các bạn không múa nhảy; chúng tôi than vãn, sao các bạn không khóc lên!”
Có người nhận xét về đạo Công Giáo thế này: “Lý thuyết của đạo Công Giáo thì không ai bằng, nhưng thực hành của đạo Công Giáo thì không bằng ai”. Đó là điều chúng ta phải lấy làm hổ thẹn và phải tự suy xét lại mình mỗi ngày. Đôi khi chính chúng ta lại là người làm người khác xa Chúa. Kitô hữu là người thuộc về Đức Kitô. Căn tính của mỗi người chúng ta chính là thể hiện sự thuộc về đó mỗi ngày, tức là làm sao qua cung cách, thái độ, lời nói và việc làm của mình mà người khác nhận thấy sự hiện diện của Thiên Chúa. Đó cũng là điều mà mỗi người chúng ta cần phải ý thức và xét mình mỗi ngày. Nói cách khác, mỗi người hãy tìm cho mình cách sống lời Chúa một cách thiết thực, cụ thể và hữu hiệu nhất, trong chính hoàn cảnh mình đang sống, trong gia đình mình, trong khu xóm, trong họ đạo,…
Nên nhớ rằng, trong bất cứ hoàn cảnh nào của cuộc sống, bất cứ thời điểm nào trong đời thường, bất cứ những gì mất đi vì tình yêu và cho đi vì tình yêu đều không mất đi một cách vô ích. Nó luôn có một ý nghĩa và luôn được đền bù xứng đáng.
Lạy Chúa, Lời Chúa dạy lúc nào cũng có sẵn, thế nhưng chúng con vẫn như bưng tai bịt mắt trước lời Chúa để sống cho riêng mình, để rồi đời sống chúng con vẫn cứ bung xung. Xin cho chúng con biết gắn bó với lời Chúa, thực thi giới răn của Chúa, để đời sống chúng con luôn tràn ngập bình an và hạnh phúc. Amen.
Thứ Bảy
Bài Ðọc I
Hc 48,1-4.9-11
Bấy giờ Êlia như lửa hồng xuất hiện. Lời ông nóng bỏng như ngọn đuốc cháy phừng. Ông đem cho họ một mùa đói khát, và số người hiềm ghét ông đã hao đi, vì chúng nó chẳng giữ được giới răn Chúa. Do lời Chúa phán, ông đóng cửa trời và ba lần khiến lửa từ trời xuống. Êlia, người được vinh quang nhờ các việc lạ lùng đã làm, và ai có thể tự hào được vinh quang như người? Người đã được cất đi trong bầu lửa, trong xe bởi ngựa lửa kéo đi. Người đã nên dấu chỉ sự đe phạt qua các thời đại, để làm nguôi cơn thịnh nộ Chúa, để giao hoà cha với con, và chấn hưng lại những chi họ Giacóp. Phúc cho những ai thấy ngài và được hân hạnh thiết nghĩa với ngài.
Phúc Âm
Mt 17,10-13
Khi xuống núi, các môn đệ hỏi Chúa Giêsu rằng: “Tại sao các luật sĩ lại nói Êlia phải đến trước đã?”
Chúa Giêsu trả lời: “Thật Elia phải đến để chấn hưng mọi sự. Và Thầy bảo các con, Elia đã đến rồi, và họ không nhận biết ông, nhưng đã đối xử với ông như ý họ. Cũng vậy, Con Người sẽ phải đau khổ bởi họ”.
Bấy giờ các môn đệ hiểu Chúa Giêsu nói với họ về Gioan Tẩy Giả.
SUY NIỆM
Tất cả 2 bài đọc hôm nay đều nói về Êlia. Trong bài đọc 1, sách Huấn ca mô tả Êlia là một kẻ đi trước để dọn đường cho Đấng Mêsia đến sau. Còn trong bài Tin Mừng, Chúa Giêsu đưa ra một cách hiểu về lời nhân vật Êlia ấy: không nên hiểu theo nghĩa đen “nhân vật ấy phải là Êlia” mà nên hiểu thoáng hơn: “nhân vật ấy là kẻ dọn đường”. Nói cách khác, trước khi Đấng Mêsia đến thì có một kẻ đến trước để dọn đường. Kẻ ấy không nhất thiết phải là Êlia. Thực tế, kẻ dọn đường cho Chúa Giêsu đến ngày xưa là Gioan Tẩy giả.
Trở lại với bài đọc 1, sách Huấn Ca ca ngợi Êlia, sứ mạng của Êlia có ảnh hưởng lớn trong lịch sử cứu độ. Những lời nói và việc làm của ông đã giúp dân Do Thái nhận ra lối sống sai lầm của mình mà quay trở về với Thiên Chúa, nhận ra Giavê là Thiên Chúa duy nhất mà họ phải tôn thờ. Câu chuyện nổi tiếng nhất là ông thách đố với 450 pháp sư của Baal trong một cuộc tế lễ, một bên dâng hiến cho Baal, một bên dâng hiến cho Thiên Chúa. Lần đó, ông đã thắng và dân mừng rỡ nhận ra rằng chỉ có Giavê là Chúa.
Cựu Ước cho chúng ta biết, dân tộc Do Thái là một dân tộc ngỗ nghịch, cứng đầu cứng cổ. Họ dễ dàng đi theo những thần khác, để rồi sống buông thả trong tội.
Nhìn lại con người thời nay, dường như còn tệ hại hơn, một thế giới ngày càng tục hóa, giải thiêng, mất ý thức về tội lỗi,… mà trong đó có không ít những người mang danh là Kitô hữu; và biết đâu được trong chúng ta cũng mang cái nhìn trần tục đó?
Đấng Cứu Thế đã đến với chúng ta trong biến cố nhập thể. Ngài đang đến và hiện diện trong cuộc đời chúng ta, và Ngài sẽ đến với chúng ta lần nữa trong ngày quang lâm. Trong khi trông đợi ngày đó, mỗi người chúng ta cần phải chiến đấu liên lỉ trước những cám dỗ của tội lỗi, của sự dữ với lối sống buông thả vào những đam mê hưởng thụ, là lối sống dễ làm chúng ta xa Chúa.
Lạy Chúa, chúng con đã chọn Chúa, đã tuyên xưng Chúa là Thiên Chúa thật mà chúng con phải tôn thờ; thế nhưng con người mỏng dòn của chúng con cũng đã dễ dàng chọn những thứ thấp hèn khác, chúng con dễ dàng bỏ những Thánh Lễ, dễ dàng bỏ những giờ kinh cho những thú vui thường ngày. Chúng con xin lỗi Chúa, xin Chúa thứ tha cho chúng con và ban ơn nâng đỡ, để chúng con biết đặt Chúa lên trên hết, biết gắn kết đời sống mình với Chúa cách mật thiết hơn.Amen.