ĐGH Gioan Phaolô I, một nhà giáo dục mẫu mực
Ngày 4 tháng 9 năm 2022, Đức giáo hoàng Gioan Phaolo I sẽ được phong chân phước. Hồi tháng 10/2021, Đức Thánh Cha Phanxicô đã thông qua sắc lệnh công nhận một phép lạ do Đức giáo hoàng Gioan Phaolô I, người kế vị thánh Phêrô trong 34 ngày.
Đức Giáo Hoàng Gioan Phaolô I tên là Albino Luciani, sinh ngày 17/10/1912 tại Forno di Canale, tỉnh Belluno. Ngài được thụ phong linh mục vào tháng 7/1935, được Đức Giáo hoàng Gioan XXIII bổ nhiệm làm giám mục của Vittorio Veneto vào năm 1958 và được Đức Giáo hoàng Phaolô VI bổ nhiệm làm Thượng phụ Venezia. Ngày 05/03/1973, ngài được thăng làm Hồng y. Và ngày 26/08/1978, trong mật nghị Hồng y sau khi Đức Phaolô VI qua đời, ngài được bầu chọn làm Giáo hoàng với tên hiệu Gioan Phaolô, để kính nhớ hai vị tiền nhiệm Gioan XXIII và Phaolô VI. Nhưng Đức Gioan Phaolô I đã đột ngột qua đời vào ngày 28/09, chỉ sau 33 ngày làm Giáo hoàng.
Mặc dù chỉ ở ngai toà Thánh Phaolô 33 ngày nhưng Đức Gioan Phaolô I đã có được nhiều thiện cảm của mọi người vì sự thánh thiện và các đức tính trổi vượt. Ở nơi ngài có rất nhiều điều để mọi người có thể bàn luận và noi theo. Hướng đến ngày 04/9/2022 tới đây, ngày ngài sẽ được phong chân phước, chúng ta dừng lại ở một đặc điểm nổi bật của ngài trong lĩnh vực giảng dạy. Tất cả những ai đã được ngài hướng dẫn đều nhìn nhận ngài đúng là một nhà giáo dục gương mẫu.
Trung thành với giáo lý của Giáo hội, trong khi truyền đạt đức tin, Đức Gioan Phaolô I biết cách thu hút từ trẻ em đến giới trẻ và người lớn theo phong cách đối thoại với trí tuệ giàu văn hóa nhưng thiết thực. Ngoài nhiệm vụ chính là thi hành mục vụ thánh, mỗi khi có thể, ngài luôn tìm cách truyền đạt giáo lý cho các thiếu nhi, người trẻ và cả người lớn, mọi người ở mọi độ tuổi đều thích cách truyền đạt của ngài.
Trong thời gian thi hành thừa tác vụ linh mục, cha Luciani rất quan tâm đến cử hành các bí tích, kiên nhẫn ngồi toà giải tội đặc biệt vào các ngày thứ Bảy và lễ trọng. Không giới hạn hoạt động mục vụ ở giáo xứ, ngài đến các ngôi làng để viếng thăm và dạy giáo lý cho mọi người. Ngài rất quan tâm đến các công nhân ở mỏ Valle Imperina, những người phải làm việc vất vả. Khi được giao dạy giáo lý cho họ ngài rất tận tâm truyền đạt đức tin cho các công nhân này.
Cùng với hoạt động loan báo Tin Mừng, cha Albino không sao lãng đời sống thiêng liêng và cầu nguyện. Năm 1936, ngài viết thư cho “hiệp hội tông đồ của các giáo sĩ”, đề nghị các linh mục nhiệt thành trong các việc mục vụ và trên hết là chăm sóc đời sống thiêng liêng bằng lòng sùng kính Thánh Thể.
Mẫu gương trong lĩnh vực giáo dục của cha Albino tiếp tục được thể hiện khi ngài được giao trách vụ làm phó giám đốc đại chủng viện Belluno. Với vai trò này, ngài không chỉ quan tâm đến kỷ luật nhưng chú trọng đến sự đồng hành và phân định cho các chủng sinh tất cả những gì liên quan đến việc chọn lựa đời sống linh mục, dưới ánh sáng những đòi hỏi của ơn gọi. Giáo sư Luciani luôn giải thích cho những người trẻ ý nghĩa và tầm quan trọng của việc trở thành gương mẫu về kỷ luật qua việc thi hành với lòng trung thành và sự quân bình.
Vị Giáo hoàng tương lai luôn hiện diện trong đời sống của các chủng sinh, cả trong học tập nghiên cứu và cả trong các thực hành đạo đức nhằm bảo đảm cho các chủng sinh có một cuộc sống chung đầy tình huynh đệ. Ngài yêu cầu các chủng sinh tuân giữ các nội quy, nhưng đồng hành thấu hiểu đối với những trường hợp đặc biệt.
Ở khía cạnh này, trong tiến trình phong chân phước, có nhiều người làm chứng rằng, trong chủng viện chính sự hiện diện thường xuyên của cha phó giám đốc đã tạo nên một bầu khí tin tưởng giữa mọi người với nhau. Không điều gì có thể thoát khỏi tầm quan sát của vị giáo sư này, nhưng cách của ngài không phải là một cảnh sát. Trong khi đảm nhận vai trò giáo dục, ngài đã có thể thiết lập với các sinh viên một tương quan thân tình và kính trọng. Các chủng sinh thường nói tốt về vị phó giám đốc của họ. Trong khi yêu cầu tuân giữa kỷ luật, ngài luôn thực hiện với sự rõ ràng và chính xác.
Ngài cũng rất quan tâm đến các giáo dân làm việc trong chủng viện. Ngài lo lắng cho sức khoẻ của các chủng sinh, không ngại phải mất thời giờ và tiền bạc. Một nhân chứng cho biết cha Albino giám sát các buổi học ngoại khoá, tư vấn, định hướng, cho mượn sách. Ngài quan tâm chuẩn bị cho các học trò biết cách đối diện với thế giới. Chính ngài là người chọn sách để đọc trong lúc dùng bữa trưa và bữa tối, với nội dung hướng mọi người đến đời sống của các thánh và các nhà truyền giáo.
Với nhiệm vụ phó giám đốc, ngài tránh không có sự so sánh và ganh đua giữa các chủng sinh đến từ những vùng khác nhau của hai Giáo phận Feltre và Belluno. Ở điểm này cha Luciani đã trở thành một người nâng cao giá trị của nhiều truyền thống, không làm hao mòn sự hiệp thông, một yếu tố quan trọng cho cuộc sống tương lai của linh mục.
Là giảng viên thần học, giáo lý, lịch sử nghệ thuật và triết học, nhưng đối với cha Luciani, trước hết là thi hành sứ vụ đồng hành trí tuệ và tâm linh để các sinh viên có được một sự phân định an bình và trách nhiệm đối với cuộc sống linh mục sau này.
Cha Aldo Belli, một học trò của Đức Gioan Phaolô I làm chứng về phương pháp giảng dạy của ngài như sau: “Cha Albino không bao giờ bỏ dạy, đến đúng giờ, thực hiện toàn bộ chương trình trong thời gian đã thiết lập, xem lại chương trình trước khi kết thúc khoá học, loại bỏ những thứ ít quan trọng hơn và điều chỉnh tài liệu để trình bày cho kỳ thi tùy theo khả năng của mỗi người, cách riêng đối với những ai có khả năng tiếp thu chậm. Đây là sự trợ giúp tuyệt vời đã mang lại cho chúng tôi rất nhiều sự an tâm và an toàn. Khi đến trường, ngài không mang nhiều sách, chỉ mang theo một cuốn, nhưng đã nghiên cứu rất kỹ mọi thứ và biết đã dạy đến đâu. Sau cầu nguyện, thường là Kinh Kính Mừng, với lời cầu khẩn ‘Lạy Ngai toà khôn ngoan, xin cầu cho chúng con’, và luôn bắt đầu theo cùng một cách ‘Anh em mở trang…’ rồi thường nói thêm ‘Anh em đừng lo lắng về việc viết những gì tôi nói vì tất cả đã được viết sẵn. Tôi chỉ giải thích, tôi không thêm bớt gì cả. Thay vào đó, hãy cố gắng cẩn thận, hiểu và gạch chân những điều quan trọng nhất’. Đương nhiên, ngài khuyến khích đọc sách về chủ đề của các bài học … Ngài rất quan tâm đến việc lặp lại những gì đã truyền đạt, đặc biệt giải thích các thuật ngữ, các câu hỏi, các luận án và ghi chú thần học. Ngài cũng nhắc lại các ví dụ không chỉ để hoàn thành lời giải thích mà còn giúp những người chậm tiếp thu… Nhưng điều khích lệ những người yếu đó là sự chú ý tuyệt vời của ngài, không làm cho họ cảm thấy tự ti mặc cảm”.
Một trong những di sản về giáo dục, các linh mục gần gũi với chân phước tương lai tìm được một tập tài liệu có tựa đề “Các lời khuyên mục vụ”. Trong tập này, cha Luciani đưa ra các lời khuyên thực hành, những lời giảng dạy dành cho các linh mục tương lai, cho sứ vụ của họ. Đây là “những viên ngọc” thực hành khôn ngoan, với những điểm nhấn mạnh:
1/ “Cố gắng biết giáo dân của anh em”. Đối với cha Luciani, biết có nghĩa là biết các tín hữu của giáo xứ nghĩ gì, họ muốn gì, yêu gì và không thích gì… Ngài thường nói: “Anh em tưởng rằng mọi người theo lối nhìn của chúng ta, bởi vì trong nhà thờ, họ lắng nghe chúng ta trong thinh lặng, nhưng thực tế đôi khi không phải vậy”.
2/ “Cố gắng đến với tất cả mọi người”. Ngài khuyên không nên ảo tưởng nếu nhà thờ có nhiều tín hữu. Vì thế, các linh mục không chỉ quan tâm đến những người có mặt, nhưng còn phải hướng đến những người vắng mặt và phải đến với họ… Vì lý do này, ngài đề nghị các linh mục phải hết sức chăm sóc lĩnh vực thông tin của giáo xứ, bản tin phải làm sao để những người ở xa có thể cảm mến được.
3/ “Cố gắng thấu hiểu người khác”. Đây là chủ đề mà ngài rất ưu thích… Những trang Tin Mừng ngài dừng lại lâu nhất là những trang về lòng thương xót… Ngài nói: “Chúng ta phải nghĩ đến hoàn cảnh và những dịp mà giáo dân của chúng ta buộc phải sống”.
4/ “Tôn trọng tự do”. Ngài nói rằng đối với mọi người việc ép buộc không mang lại ích lợi gì, nhưng cần phải làm sao có thể thu hút họ, không cần phải phàn nàn hay nổi nóng trên bục giảng… Nhưng cần nói và lắng nghe, và trước hết làm gương cho sự chung sống.
5/ “Không lãng phí thời gian”. Đây là một quy tắc khổ chế đã được cha Luciani đề xuất cho các chủng sinh trong khi suy tư về đời sống thiêng liêng. Tuy nhiên cha Albino đề xuất nó như một quy tắc mục vụ. Ngài từng nói: “Chúng ta có rất nhiều việc phải làm, chúng ta không thể lãng phí dù chỉ một phút…”.
Trên đây là những lời dạy thiết thực mà cha Luciani trong vai trò giáo sư chủng viện đưa ra như một phụ lục chắc chắn cho những ai chuẩn bị rời chủng viện để được gửi đến coi sóc mục vụ tại các giáo xứ thuộc giáo phận Belluno-Feltre. Chúng là những chỉ dẫn đơn giản và thiết thực, mang lại nhiều khôn ngoan cho cuộc đời của một mục tử chăm sóc các linh hồn.
Ngọc Yến – Vatican News
nguồn: Vatican News Tiếng Việt
#dghgioanphaolo1 #nhagiaoducmaumuc #gioanphaoloi