Phút lắng đọng Lời Chúa từ ngày 28.06 đến ngày 03.07.2021

0
32

Phút lắng đọng Lời Chúa từ ngày 28.06 đến ngày 03.07.2021

28.06.2021

THỨ HAI TUẦN XIII THƯỜNG NIÊN

Thánh Irênê, giám mục, tử đạo

Mt 8,18-22

Lời Chúa:

“Anh hãy theo tôi, cứ để kẻ chết chôn kẻ chết của họ.” (Mt 8,22)

Câu chuyện minh họa:

Có hai tu sĩ lên đường hành hương: một người chủ trương cần phải có tiền bạc và phương tiện vật chất đầy đủ mới có thể đảm bảo cho đời sống tu trì; một người thì luôn tin tưởng nơi tinh thần từ bỏ. Hai người trao đổi, tranh luận với nhau về hai tinh thần khác nhau mà không ai có thể thuyết phục được ai. Khi họ đến bờ sông thì trời cũng đã tối. Người có tinh thần từ bỏ đề nghị:

– Chúng ta không có tiền để qua sông? Chúng ta hãy ngủ lại đây và dâng lời chúc tụng Chúa.

Người kia đáp lại:

– Nơi này không có làng mạc, nhà cửa, thú dữ có thể cắn xé; bên kia sông, chúng ta có thể nghỉ lại một cách an toàn. Tôi có mang theo tiền, chúng ta hãy thuê một người lái đò.

Sau khi đã qua sông, vị tu sĩ trả tiền cho người lái đò và nói với người bạn của mình như sau:

– Anh đã thấy được cái lợi của việc giữ tiền trong túi chưa? Chính nhờ có chút tiền bạc, tôi đã có thể cứu mạng anh và mạng tôi. Ðiều gì sẽ xẩy ra, nếu tôi cũng sống tinh thần từ bỏ như anh?

Nghe thế, vị tu sĩ luôn sống trong tinh thần từ bỏ mỉm cười và nói:

– Chính sự từ bỏ của anh đã cứu sống chúng ta; anh đã không tiếc của để thuê người lái đò là gì? Hơn nữa, tôi không có đồng xu dính túi, thế mà tôi vẫn sống; tôi tin rằng chính tinh thần từ bỏ đã cho tôi có được mọi sự cần thiết.

Suy niệm:

Những người được Chúa gọi hoặc muốn theo Chúa cảm thấy mình đứng trước nhiều đòi hỏi. Đối với hai người xin đi theo, Chúa Giê-su cũng đòi từ bỏ của cải, sự an toàn, sự cố định và từ bỏ cả gia đình nữa. Chúa đòi họ sống thanh thoát tuyệt đối không còn bám víu vào của cải, không còn lo toan việc đời để được hoàn toàn tự do và thanh thoát theo Chúa và làm việc cho Chúa. Những đòi hỏi của Chúa Giê-su không có tính cách khắt khe, nặng nề, nhưng là điều kiện để người môn đệ nên giống Chúa hơn và trung thành thi hành sứ mạng Chúa muốn trao phó.

Lạy Chúa, theo Chúa là từ bỏ mọi ý riêng, xin cho con biết đặt ý Chúa trên hết mọi sự vì Chúa luôn muốn điều tốt nhất cho con.

29.06.2021

THỨ BA TUẦN XIII THƯỜNG NIÊN

Thánh Phêrô và thánh Phaolô, tông đồ

Mt 16,13-19

Lời Chúa:

“Người ta nói Con Người là ai?” (Mt 16,13)

Câu chuyện minh họa:

Dostoievsky, văn hào vĩ đại nhất của nước Nga vào thế kỷ 19, đã tôn Đức Giêsu làm Thần Tượng của mình và đã tuyên xưng:

“Đối với tôi, không có gì đẹp đẽ, sâu xa, dễ mến, hợp lý và hoàn hảo cho bằng Đức Kitô, và hơn thế nữa, dù có ai chứng minh với tôi rằng Đức Kitô ở ngoài chân lý, thì tôi không ngần ngại chọn ở lại với Đức Kitô hơn là chiều theo chân lý”. (Thư gửi bà Von Vizine)

Suy niệm:

          Đối với tôi, Chúa Giêsu là ai? Câu hỏi này được đặt ra cho mỗi người, và sẽ có nhiều câu trả lời khác nhau. Với những người buôn bán thì Chúa Giêsu là một “ông thần tài”, với người khốn khó thì Chúa là “một tấm phao” hay với một số người khác thì Chúa là một vị thẩm phán khắc khe.

Khi thấy dân chúng không hiểu căn tính của Chúa, người liền hỏi các môn đệ để các ông xác định rõ “Ngài là Đấng Kitô”, Đấng hiến mình vì nhân loại: “Con Người phải chịu đau khổ nhiều, bị các kỳ mục, thượng tế cùng kinh sư loại bỏ, bị giết chết và sau ba ngày sẽ sống lại.” (Mc 8,31). Ngài đến trần gian để hiến mình cho trần gian, thế mà không phải ai cũng nhận ra nên đã không để cho Chúa một chỗ đứng trong cuộc đời mình.

Trong thâm sâu cõi lòng, tôi tự vấn lương tâm của mình về cách sống và các mối tương quan, để xét xem Chúa là ai trong cuộc đời tôi?

Lạy Chúa, lắm khi chúng con đã bỏ quên Chúa trong những công việc vất vả, trong những cuộc vui, và trong những mối tương quan. Xin Chúa cho chúng con biết nhận ra Chúa luôn là Đấng luôn ở bên chúng con trong mọi nơi mọi lúc, nhất là những lúc nguy nan và những lúc sóng gió của cuộc đời.

30.06.2021

THỨ TƯ TUẦN XIII THƯỜNG NIÊN

Mt 8,28-34

Lời Chúa:

“Hỡi Con Thiên Chúa, chuyện chúng tôi can gì đến ông? Chưa tới lúc mà ông đã đến đây làm khổ chúng tôi sao?”. (Mt 8,29).

Câu chuyện minh họa:

Một ngày kia, con lừa của bác nông dân sẩy chân ngã xuống cái giếng bỏ hoang. Con vật kêu lên thảm thiết nhiều giờ liền trong lúc chủ của nó nghĩ xem nên làm gì để cứu con lừa lên… Cuối cùng, ông quyết định rằng, vì con lừa cũng già rồi, và cái giếng thì đằng nào cũng phải lấp, nên sẽ có cách để không bận tâm đến con lừa nữa.

Ông mời hàng xóm đến giúp ông. Mỗi người cầm một cái xẻng, xúc đất đổ vào giếng. Nhận ra sự thật phũ phàng, con lừa rên rĩ thảm thiết. Sau khi hứng những xẻng đất đầu tiên, nó hoàn toàn tuyệt vọng – nhìn lên với đôi mắt đầy ai oán… Chỉ đến khi đất đã ngập đến gần hết chân, nó mới bừng tỉnh, nó cảm nhận điều gì đang và sẽ xảy đến với nó. Nó không nhìn lên nữa mà cố gắng xoay xở để trồi lên. Bác nông dân và mọi người chăm chú nhìn xuống giếng, họ kinh ngạc trước những gì đang diễn ra. Cứ mỗi xẻng đất đổ lên lưng, con lừa lại lắc mình cho đất rơi xuống chân và bước lên lớp đất ấy. Cứ thế, từng xẻng đất, rồi từng lớp đất. Và chẳng bao lâu, chú lừa đã có thể bước lên miệng giếng, mệt nhọc chạy ra ngoài trước sự ngạc nhiên của tất cả mọi người.

Suy niệm:

Qua câu chuyện trên chúng ta thấy con lừa coi như không còn cơ hội sống sót, nhưng cuối cùng nó đã hiên ngang bước ra trước sự ngạc nhiên của mọi người. Cũng vậy, những việc Chúa làm trong cuộc đời của mỗi người đôi khi người ta nghĩ đó là bước đường cùng, thế nhưng Chúa dùng những điều đó để mang đến điều tốt đẹp nhất cho con người.

Trong thời gian rao giảng Tin Mừng, Đức Chúa Giêsu tỏ bày sứ vụ cứu thế của Người bằng cách dùng uy quyền trục xuất quỷ để cứu con người, như Tin Mừng thánh Matthêu thuật lại việc Người đuổi bọn quỷ: “Đi đi! Chúng liền ra khỏi hai người đó và nhập vào bầy heo” (Mt 8,32).

Qua việc trừ quỷ này, Chúa Giêsu còn bày tỏ tình thương của Thiên Chúa đối với con người, Ngài luôn quan tâm đến tất cả mọi người, không trừ một ai, đặc biệt với người đau khổ, bệnh tật và tội lỗi.

Lạy Chúa, xin Chúa đến chữa những căn bệnh nơi tâm hồn con và tẩy trừ những tội lỗi nơi con, và đón rước Chúa bước vào cuộc đời chúng con mỗi ngày, giúp con trở nên con người mới, con người của niềm tin và lòng mến. Amen.

01.07.2021

THỨ NĂM TUẦN XIII THƯỜNG NIÊN

Mt 9,1-8

Lời Chúa:

“Dân chúng tôn vinh Thiên Chúa đã ban cho loài người được quyền năng như thế”. (Mt 9,8).

Câu chuyện minh họa:

Bác sĩ Tissot là một bác sĩ nổi tiếng ở Thụy Sĩ. Mặc dù là một người Tin Lành, ông cũng kính trọng và công nhận sức chữa bệnh của của bí tích cáo giải thực hành trong Giáo hội Công giáo. Ngày kia, ông được mời trị bệnh cho một phu nhân trẻ tuổi ngoại quốc mắc bệnh trầm trọng. Vì nàng là một tín hữu Công giáo, nên mời linh mục ngồi toà và ban Bí tích Xức Dầu Bệnh Nhân.

Tức thời, nàng cảm thấy thay đổi dễ chịu. Lúc trước nàng hốt hoảng vì sợ chết. Lúc này nàng êm dịu và trầm tĩnh. Sáng hôm sau, bác sĩ Tissot thấy cơn sốt giảm dần. Bệnh nhân bình phục. Bác sĩ Tissot thường nhắc lại biến cố này, và bao giờ ông cũng thêm một lời cảm phục chân thành “Nhờ sức mạnh của tòa cáo giải của người Công giáo”.

Suy niệm:

Tin Mừng hôm nay thuật lại việc Chúa Giêsu chữa lành người bất toại, đây chính là lời mạc khải cách rõ ràng rằng: Đức Giêsu là Thiên Chúa. Vì là Thiên Chúa, nên Người mới có quyền tha tội: “Này con, cứ yên tâm, con đã được tha tội rồi!” (Mt 9,2)

Theo quan niệm Do Thái giáo thời Chúa Giêsu, thì bệnh tật là hậu quả của tội lỗi. Do đó, việc Chúa Giêsu chữa lành bệnh cho người bại liệt về phần xác cho anh, cũng chính là Chúa đã tha tội, đã chữa lành về phần hồn cho anh, giờ đây anh được sạch, được ơn tha tội.

Lạy Chúa Giêsu, xin ban cho con một đức tin vững vàng, và lòng mến thiết tha để con luôn biết chạy đến Chúa khi con bất toàn tội lỗi. Amen.

02.07.2021

THỨ SÁU TUẦN XIII THƯỜNG NIÊN

Mt 9,9-13

Lời Chúa:

“Người bảo ông: “Anh hãy theo tôi!” Ông đứng dậy đi theo Người.” (Mt 9,9).

Câu chuyện minh hoạ:

Buổi chia sẻ nhóm nọ diễn ra trong một khu ổ chuột giữa thành phố lớn. Đề tài chia sẻ hôm ấy nói về Chúa Thánh Thần. Người hướng dẫn nêu câu hỏi gợi ý:

“Bạn cảm nhận và giải thích thế nào về tác động của Chúa Thánh Thần?”

Một bác công nhân nghèo, hành nghề hốt rác và đốt rác, giơ tay phát biểu:

“Tôi cảm nhận thế này: Trong công việc của tôi, tôi phải thường xuyên thu gom rác lại một chỗ và thiêu hủy nó. Đã nhiều năm làm công việc này, tôi luôn cố giữ cho đống lửa cháy liên tục. Thế nhưng, có những lúc tưởng chừng như đống lửa đã tắt lịm hoàn toàn, song tôi biết rằng lửa vẫn còn âm ỉ cháy bên duới. Dù đống rác có to kềnh đến mấy, lửa vẫn âm ỉ cháy trong lòng nó.

“Tôi nghĩ rằng con người chúng ta cũng như rác rến – và Chúa Thánh Thần là đống lửa. Giáo Hội phải luôn luôn làm cái công việc mà tôi vẫn làm, đó là thu gom rác lại và cho nó tiếp xúc với lửa; rồi lửa sẽ tinh luyện nó cho đến khi nó không còn là rác nữa.

Suy niệm:

Mỗi người được kêu gọi ở mỗi hoàn cảnh với những bổn phận rất riêng và đều nằm trong chương trình của Chúa. Hôm nay Chúa gọi Matthêu khi ông đang trong công việc thu thuế của mình. Nghe tiếng Chúa gọi, ông đã bỏ tất cả để theo Chúa. Nghề thu thuế thời đó đối với người Do Thái được coi là tội lỗi, thế nhưng Chúa đã vượt ra khỏi giới hạn ấy, để kêu gọi một con người. Thật thế, Ngài không đến để kêu gọi người công chính nhưng để kêu gọi người tội lỗi ăn năn sám hối.

Động lực để thúc đẩy Ngài đến với những con người tội lỗi vì Ngài ý thức sứ mạng của Ngài là cứu độ con người. Việc kêu gọi không dành riêng cho một mình Matthêu nhưng cho tất cả những ai có lòng tin vào Chúa. Người có thể biến đổi người tội lỗi thành môn đệ, thành bạn hữu của mình, và trở thành những con người loan báo Tin Mừng.

Lạy Chúa, xin cho con đừng nhìn tội lỗi của người khác mà xét đoán nhưng biết cảm tạ Chúa vì Chúa đã cứu con ra khỏi cái chết của tội lỗi, bằng giá máu của Ngài.

03.07.2021

THỨ BẢY TUẦN XIII THƯỜNG NIÊN

LỄ THÁNH TÔMA TÔNG ĐỒ

Ga 20,24-29

Lời Chúa:

“Nếu tôi không nhìn thấy vết đinh ở tay Người, nếu tôi không thọc ngón tay vào lỗ đinh, nếu tôi không thọc bàn tay vào cạnh sườn Người thì tôi không tin” (Ga 20,25).

Câu chuyện minh hoạ:

Một người vô thần rất mê leo núi. Ngày kia trượt chân té ngã lăn từ đỉnh núi xuống. Nhưng may thay ông bám được một cành cây nằm chơ vơ giữa đỉnh cao và vực thẳm. Giữa lúc chỉ còn biết chờ chết, một ý nghĩ chợt đến với ông: Tại sao không gọi Chúa đến cứu giúp. Thế la lấy hết sức lực, người vô thần la lớn: “Lạy Chúa”. Tuy nhiên bốn bề chỉ có thinh lặng và ông chỉ nghe được tiếng dội của lời kêu van. Một lần nữa, người vô thần lại kêu xin tha thiết hơn: “Lạy Chúa, nếu quả thật Chúa hiện hữu thì xin hãy cứu con. Con hứa sẽ tin Chúa và dạy cho những người khác cũng tin Chúa.” Sau một hồi thinh lặng, bỗng người vô thần nghe một tiếng vang dậy cả vực thẳm và núi cao: “Gặp hoạn nạn thì ai cũng cầu xin như thế”. “Không, lạy Chúa, nghìn lần không. Con không giống như những người khác. Chúa không thấy sao, con đã bắt đầu tin từ khi nghe tiếng Chúa phán. Nào bây giờ xin Chúa hãy cứu con đi, và con sẽ cao rao danh Chúa cho đến tận cùng trái đất”. Tiếng ấy trả lời: “Được lắm, Ta sẽ cứu ngươi. Vậy nếu ngươi tin thì hãy buông tay ra.” Người vô thần thất vọng thốt lên: “Buông tay ra ư, bộ Chúa tưởng tôi điên sao!”.

Suy niệm:

Thánh Tôma tông đồ, một người trong nhóm Mười Hai, đã được Chúa Giêsu tuyển chọn, đã đi theo Chúa, được Chúa huấn luyện, nên niềm tin vào Chúa Giêsu phục sinh cũng cần được sáng tỏ, như lời ông xác quyết: “Nếu tôi không nhìn thấy vết đinh ở tay Người, nếu tôi không thọc ngón tay vào lỗ đinh, nếu tôi không thọc bàn tay vào cạnh sườn Người thì tôi không tin” (Ga 20,25).

Thánh Tôma đòi hỏi phải được thấy tận mắt, sờ tận tay… đây không phải là sự cứng lòng tin, nhưng để cho một niềm tin chân chính thì cần phải được kiểm chứng và thánh Tôma đã được Chúa Giêsu phục sinh nhận lời.

Lạy Chúa Giêsu, đời sống đức tin của con nhiều khi cũng hoang mang, lo sợ nhất là khi gặp thử thách gian nan. Xin Chúa đến bên con, để đời sống con luôn có bình an và hạnh phúc. Amen.

Têrêsa Mai An

Gp. Mỹ Tho