Đức Thánh Cha cử hành lễ truyền Dầu tại Vatican

0
52

Đức Thánh Cha cử hành lễ truyền Dầu tại Vatican

Trong bài giảng lễ Truyền Dầu, Đức Thánh Cha nhấn mạnh rằng loan báo Tin Mừng và bách hại và Thánh giá đi liền với nhau. Đức Thánh Cha mời gọi đừng ngạc nhiên và khủng hoảng khi nhận thấy Thánh giá trong cuộc sống. Thánh giá có sức mạnh tiêu diệt sự ác. Và ơn Chúa cũng được ban cho chúng ta qua những thánh giá trong cuộc sống, vì yêu thương.

Lúc 10 giờ sáng ngày 1 tháng 4, thứ Năm Tuần Thánh, Đức Thánh Cha Phanxicô đã chủ sự Thánh lễ truyền Dầu tại bàn thờ Ngai tòa trong đền thờ thánh Phê-rô.

Mọi năm, khi không có đại dịch, khoảng một ngàn linh mục ở Roma đồng tế với Đức Thánh Cha trong Thánh lễ truyền Dầu. Các linh mục quy tụ quanh Đức Thánh Cha để lặp lại lời tuyên hứa mà các ngài đã tuyên thệ trước giám mục trong ngày lãnh nhận chức linh mục.

Năm ngoái, Tuần Thánh đang ở trong giai đoạn cao điểm của đại dịch, nên Đức Thánh Cha đã không cử hành lễ truyền Dầu. Năm nay, đồng tế với Đức Thánh Cha trong Thánh lễ có Đức Hồng y Angelo De Donatis, giám quản Roma; Đức Hồng y Mauro Gambetti, giám quản đền thờ thánh Phê-rô và khoảng 100 Hồng y, giám mục và linh mục, trước sự hiện diện tham dự của một số tu sĩ và giáo dân.

Trong bài giảng, suy tư về việc dân chúng chống đối khi nghe những lời của Chúa Giê-su, Đức Thánh Cha nêu bật tương quan giữa việc rao giảng Tin Mừng với việc bách hại và Thánh giá. Đức Thánh Cha mời gọi đừng ngạc nhiên và khủng hoảng khi nhận thấy Thánh giá trong cuộc sống. Thánh giá Chúa Giê-su có sức mạnh tiêu diệt sự ác. Và ơn Chúa cũng được ban cho chúng ta qua những thánh giá trong cuộc sống, vì yêu thương.

ĐTC cử hành lễ Truyền Dầu

Chọn lựa đón nhận hay chối từ lời Chúa

Nghe những lời của Chúa Giê-su, dân chúng ngạc nhiên bảo nhau “Ông này không phải là con ông Giu-se đó sao?” (Lc 4,22). Theo Đức Thánh Cha, câu nói này có thể diễn tả sự vui mừng: “Thật kinh ngạc khi một người có xuất thân nghèo hèn như thế lại nói với quyền năng như thế!”, nhưng cũng có thể diễn tả sự khinh thường: “Tên này từ đâu đến? Ai tin được hắn?”. Nhưng trong bối cảnh cụ thể của sự việc, những lời này chứa đựng mầm mống của bạo lực  chống lại Chúa Giê-su.

Và Chúa Giê-su chỉ đáp lại họ bằng lời Kinh Thánh. Lời của Người cho thấy rõ điều con người suy nghĩ trong lòng, thường là sự pha trộn lẫn lộn, như cỏ lùng và lúa. Và điều này tạo nên một cuộc chiến nội tâm, đòi phải phân định và chọn lựa. Dân chúng trong bài Tin Mừng đã không đón nhận lời Chúa và họ tìm cách giết Người. Từ diễn tiến của bài Tin Mừng, Đức Thánh Cha chia sẻ với các linh mục rằng “giờ của việc vui mừng loan báo và giờ của bách hại và Thánh giá đi liền với nhau.

ĐTC cử hành lễ Truyền Dầu

Thánh giá và Tin Mừng

Đức Thánh Cha nói: “Việc loan báo Tin Mừng luôn được liên kết với việc đón nhận một Thánh giá cụ thể. Ánh sáng dịu nhẹ của Lời Chúa tạo nên sự trong sáng cho những tấm lòng sẵn sàng, nhưng khơi dậy sự bối rối và khước từ trong những con tim không sẵn sàng. Chúng ta thấy điều này rất nhiều trong các Tin Mừng.” Đức Thánh Cha đưa ra các ví dụ:

“Hạt giống tốt được gieo trên cánh đồng đơm hoa kết trái – mỗi hạt trổ sinh một trăm, sáu mươi, ba mươi – nhưng nó cũng đánh thức lòng đố kỵ của kẻ thù, điên cuồng gieo cỏ lùng vào lúc đêm khuya (x. Mt 13, 24-30.36-43).

Sự dịu dàng của người cha nhân hậu lôi cuốn người con hoang đàng, không thể cưỡng lại, trở về với cha, nhưng nó cũng khơi dậy lòng căm phẫn và uất hận của người con cả (x. Lc 15,11-32).

Sự rộng lượng của chủ vườn nho là lý do để tri ân những người làm công đến vào giờ cuối cùng, nhưng cũng là lý do để những người đến trước đưa ra những lời nhận xét gay gắt vì cảm thấy bị xúc phạm vì lòng tốt của người chủ (x. Mt 20, 1- 16).

Sự gần gũi của Chúa Giê-su khi ngồi cùng ăn với các tội nhân đã chinh phục được lòng của những người như ông Gia-kêu, thánh Mát-thêu, của người phụ nữ Sa-ma-ri…, nhưng nó cũng khiến những người tự cho mình là công chính cảm thấy khinh thường Người…

Đức Thánh Cha nhận định: “Tất cả những điều này cho chúng ta thấy rằng việc loan báo Tin mừng có liên hệ cách mầu nhiệm với sự bách hại và với Thánh giá.” Và ngài đưa ra hai suy tư có ích cho đời sống linh mục khi chiêm niệm sự hiện diện của Thánh giá – hiểu lầm, chối từ, bách hại – ở khởi đầu và ở trung tâm của việc loan báo Tin Mừng.

ĐTC cử hành lễ Truyền Dầu

Thánh giá không thể thương lượng

Trước hết, đừng ngạc nhiên khi nhận ra rằng Thánh giá đã có trong cuộc đời Chúa Giê-su ngay từ đầu sứ vụ của Người và ngay cả trước khi Người sinh ra: trong sự bối rối của Mẹ Maria khi nghe thiên thần truyền tin; khi thánh Giuse khó ngủ vì buộc phải bỏ rơi vị hôn thê của mình; trong cuộc bách hại của vua Hê-rô-đê và những vất vả của Thánh gia, giống nhiều gia đình phải rời bỏ quê hương.

Tất cả điều này giúp chúng ta nhận ra rằng mầu nhiệm Thánh giá đã có ngay từ đầu. Đức Thánh Cha giải thích: “Nó giúp chúng ta hiểu rằng Thánh giá không phải là một sự việc đến sau, hay thỉnh thoảng, đến từ một biến cố trong cuộc đời của Chúa. Đúng là tất cả những người đóng đinh người khác trong suốt lịch sử đều cho thấy Thánh giá là một tai hại phụ thuộc, nhưng không phải vậy: Thánh giá không phụ thuộc vào hoàn cảnh. Những Thánh giá to nhỏ của nhân loại, của chúng ta không phải là điều tình cờ.”

“Tại sao Chúa đón nhận Thánh giá cách trọn vẹn và cho đến cùng? Tại sao Chúa Giêsu lại đón nhận trọn cuộc Thương khó của Người? Người đã đón nhận sự phản bội và bỏ rơi của các bạn hữu sau Bữa Tiệc Ly, Người chịu bị bắt bất hợp pháp, phiên tòa sơ sài và bản án không tương xứng, bạo lực vô cớ và bất công khi bị đánh đập và phỉ nhổ …? Nếu hoàn cảnh có thể quyết định sức mạnh cứu rỗi của Thánh giá, thì Chúa đã không đón nhận mọi sự. Nhưng khi giờ của Chúa đến, Người đã đón nhận trọn vẹn Thánh giá. Vì trên Thánh  giá không thể có sự mơ hồ! Thánh giá không thể bị điều đình thương lượng.”

ĐTC cử hành lễ Truyền Dầu

Thánh giá giải thoát khỏi ma quỷ

Suy tư thứ hai của Đức Thánh Cha là Thánh giá là điều không thể thiếu trong cuộc đời con người, những giới hạn và yếu đuối của chúng ta. Nhưng, Đức Thánh Cha nhận định, “điều xảy ra trên Thánh giá không liên quan đến sự yếu đuối của con người chúng ta nhưng là vết cắn của con rắn, khi nhìn thấy Chúa bị đóng đinh, không thể tự vệ được, đã cắn Người hầu muốn đầu độc và phá bỏ mọi công việc của Người. Nó cố gắng gây tai tiếng, làm cho mọi sự phục vụ và hy sinh với tình yêu dành cho người khác trở nên vô ích và vô nghĩa… Nhưng chính Máu Thịt Chúa là thuốc độc đối với ma quỷ, nhưng lại là thuốc giải cho chúng ta chống lại quyền lực sự dữ.”

Đức Thánh Cha nói với các linh mục: thật sự là có một Thánh giá trong việc loan báo Tin Mừng, nhưng đó là Thánh giá cứu độ. Nhờ bửu huyết hòa giải của Chúa Giê-su, nó là Thánh giá chứa đựng sức mạnh chiến thắng của Chúa Ki-tô, đánh bại sự dữ, giải thoát chúng ta khỏi ma quỷ. Đón nhận Thánh giá cùng với Chúa Giê-su và rao giảng về Thánh giá giống như Người đã làm, giúp chúng ta phân định và từ bỏ nọc độc của khủng hoảng mà ma quỷ muốn đầu độc chúng ta bất cứ khi nào chúng ta gặp thấy Thánh giá trong cuộc đời mình.”

ĐTC cử hành lễ Truyền Dầu

Chúng ta không bị khủng hoảng bởi vì Chúa Giê-su đã không bị khủng hoảng

Nhắc lại lời trong thư gửi tín hữu Do Thái, “chúng ta không phải là những người bỏ cuộc” (Hr 10,39), Đức Thánh Cha đưa ra lời khuyên đừng bị khủng hoảng: “Chúng ta không bị khủng hoảng, vì Chúa Giê-su không bị khủng hoảng khi thấy rằng tin mừng cứu độ của Người dành cho người nghèo không được mọi người hết lòng đón nhận, nhưng giữa những tiếng la hét và đe dọa của những người từ chối nghe lời Người.

Chúng ta không bị khủng hoảng bởi vì Chúa Giê-su không bị khủng hoảng khi phải chữa lành bệnh tật và giải thoát các tù nhân giữa những cuộc tranh cãi về đạo đức, pháp lý và giáo sĩ nảy sinh mỗi khi Người làm một điều gì đó tốt.

Chúng ta không bị khủng hoảng vì Chúa Giê-su không bị khủng hoảng khi phải mang lại ánh sáng cho người mù giữa những người nhắm mắt để không nhìn, hoặc nhìn theo hướng khác…

Chúng ta không bị tai tiếng vì việc rao giảng Tin Mừng có hiệu quả không phải vì những lời nói hùng hồn của chúng ta mà vì sức mạnh của Thánh giá (xem 1Cor1, 17).

Đức Thánh Cha lưu ý: “Cách chúng ta đón nhận Thánh giá trong việc rao giảng Tin Mừng –  bằng những việc làm và khi cần thiết, bằng lời nói – cho thấy rõ hai điều: những đau khổ đến từ Tin Mừng không phải là của chúng ta, mà là “những đau khổ của Chúa Ki-tô trong chúng ta” (2Cor 1, 5); và “chúng ta không rao giảng chính mình, mà chỉ rao giảng Đức Ki-tô Giê-su là Chúa; còn chúng ta, chúng ta chỉ là tôi tớ của anh em, vì Đức Giê-su.” (2Cr 4, 5).

ĐTC cử hành lễ Truyền Dầu

Cách thế ban ơn của Thiên Chúa

Kết thúc bài giảng Đức Thánh Cha chia sẻ một kỷ niệm của ngài để nói rằng Chúa luôn ban cho chúng ta những gì chúng ta cầu xin, nhưng Người làm theo cách của Người. Cách đó ám chỉ đến Thánh giá. Không phải vì thích thú đau khổ. Nhưng vì tình yêu, vì yêu thương cho đến cùng ”.

Ngài kể: “Một lần, vào thời điểm đen tối trong cuộc đời, Đức Thánh Cha xin Chúa ban ơn giúp ngài thoát khỏi tình cảnh phức tạp khó khăn đó. Khi giải tội cho một nữ tu cao tuổi, có ánh mắt trong sáng, mà ngài gọi là một người nữ của Thiên Chúa, ngài đã yêu cầu sơ làm việc đền tội là cầu nguyện cho ngài vì ngài cần một ơn đặc biệt. Và nói rằng nếu sơ xin thì chắc chắn Chúa sẽ nhận lời. Người nữ tu cao tuổi trả lời: “Chúa chắc chắn sẽ ban cho cha ơn đó, nhưng cha đừng nhầm lẫn: Chúa sẽ ban cho cha theo cách của Người.”

Hồng Thủy 

nguồn: Vatican News Tiếng Việt