Mấy Chiêm Tinh Gia Đi Tìm Chúa- Suy niệm Lễ Hiển Linh năm B
Chính Chúa Giêsu cũng là ánh sáng. Trong mùa Lễ Giáng Sinh ngày nay, tại mặt tiền, bên trong và tại khuôn viên cũng như nơi hang đá của hầu hết các nhà thờ, Em Bé Giêsu đến trong ánh sáng điện của vật lý và hoá học. Nhưng Ngài thật là ánh sáng tinh thần phổ hiện với dân Do Thái xưa kia trước nhất, rồi còn muốn là ánh thiều quang với tất cả mọi người muôn nơi nữa.
Mừng Lễ Chúa Hiển Linh còn gọi là Lễ Ba Vua xưa nay, kỷ niệm việc ngày xưa Đức Giêsu đã tỏ mình ra cho mấy đạo sĩ, đại diện cho lương dân. Nên ta cùng đọc những bài Sách Thánh bên dưới, để hiểu rõ hơn lòng Chúa bao la là thể nào trong việc hội nhập trần thế.
BÀI ĐỌC I “Vinh quang Chúa xuất hiện trên ngươi”.
Trích sách Tiên tri Isaia 60: 1-6
Hãy đứng lên, hãy toả sáng ra, hỡi Giêrusalem! Vì sự sáng của ngươi đã tới, vì vinh quang của Chúa đã bừng dậy trên mình ngươi. Kìa tối tăm đang bao bọc địa cầu, vì u minh phủ kín các dân, nhưng trên mình ngươi Chúa đang đứng dậy, vì vinh quang của Ngài xuất hiện trên mình ngươi. Chư dân sẽ lần bước tìm về sự sáng của ngươi, và các vua hướng về ánh bình minh của ngươi. Hãy ngước mắt lên chung quanh, và hãy nhìn coi: tất cả những người đó đang tập họp, đang tìm đến với ngươi; các con trai của ngươi tự đàng xa đi tới, và các con gái ngươi đứng dậy từ khắp bên hông. Bấy giờ ngươi sẽ nhìn coi, và ngươi trở nên rực rỡ, tim ngươi sẽ rạo rực và sẽ phồng lên. Bởi vì những kho tàng bể khơi tuôn đến với ngươi, nguồn phú túc của chư dân sẽ tới tay ngươi. Những con lạc đà tràn ngập vây phủ lấy ngươi, những lạc đà một bướu tự xứ Mađian và Epha; tất cả những ai từ Saba đi tới, [đem theo vàng và nhũ hương, và] họ sẽ tuyên rao lời ca ngợi Chúa.
BÀI ĐỌC II. “Bây giờ được tỏ ra rằng các dân ngoại được đồng thừa tự lời hứa”.
Bài trích thư Thánh Phaolô Tông đồ gửi tín hữu Êphêxô 3: 2-3a, 5-6
Anh em thân mến, (chắc) anh em đã nghe biết rằng: Thiên Chúa đã ban cho tôi việc phân phát ân sủng cho anh em, là theo ơn mạc khải cho tôi biết, tôi đã được thấu hiểu mầu nhiệm mà con cái loài người các thế hệ khác không được biết, nhưng nay đã mạc khải cho các thánh Tông đồ của Người, và cho các vị Tiên tri, nhờ Thánh Thần.
Và nhờ Tin Mừng, các dân ngoại được nên đồng thừa tự, đồng một thân thể và đồng thông phần với lời hứa của Người trong Chúa Giêsu Kitô
PHÚC ÂM “Chúng tôi từ phương Đông đến thờ lạy Đức Vua”.
Tin Mừng Chúa Giêsu Kitô theo Thánh Matthêu 2: 1-12
Khi Chúa Giêsu sinh hạ tại Bêlem thuộc xứ Giuđa, trong đời vua Hêrôđê, có mấy nhà đạo sĩ từ Đông phương tìm đến Giêrusalem. Các ông nói: “Vua người Do-thái mới sinh ra hiện đang ở đâu? Chúng tôi đã nhận thấy ngôi sao của Người ở Đông phương, và chúng tôi đến để triều bái Người”.
Nghe nói thế, vua Hêrôđê bối rối, và tất cả Giêrusalem cùng với nhà vua. Vua đã triệu tập tất cả các đại giáo trưởng và luật sĩ trong dân, và hỏi họ cho biết nơi mà Đức Kitô sinh hạ. Họ tâu nhà vua rằng: “Tại Bêlem thuộc xứ Giuđa, vì đó là lời do Đấng Tiên tri đã chép: Cả ngươi nữa, hỡi Bêlem, đất Giuđa, không lẽ gì ngươi bé nhỏ hơn hết trong các thành trì của Giuđa, vì tự nơi ngươi sẽ xuất hiện một thủ lãnh, Người đó sẽ chăn nuôi Israel dân tộc của Ta”.
Bấy giờ Hêrôđê ngầm triệu tập mấy nhà đạo sĩ tới, cặn kẽ hỏi han họ về thời giờ ngôi sao đã hiện ra. Rồi vua đã phái họ đi Bêlem và dặn rằng: “Các khanh hãy đi điều tra cẩn thận về Hài Nhi, rồi khi đã gặp thấy, hãy báo tin lại cho Trẫm, để cả Trẫm cũng đến triều bái Người”.
Nghe nhà vua nói, họ lên đường. Và kìa ngôi sao họ xem thấy ở Đông phương, lại đi trước họ, mãi cho tới nơi và đậu lại trên chỗ Hài Nhi ở. Lúc nhìn thấy ngôi sao, họ hết sức vui mừng. Và khi tiến vào nhà, họ đã gặp thấy Hài Nhi và Bà Maria Mẹ Người, và họ đã quỳ gối xuống sụp lạy Người. Rồi, mở kho tàng ra, họ đã dâng tiến Người lễ vật: vàng, nhũ hương và mộc dược. Và khi nhận được lời mộng báo đừng trở lại với Hêrôđê, họ đã qua đường khác trở về xứ sở mình.
Vài hàng ghi chú và tâm tình
Bài đọc I, trích từ sách Ngôn Sứ Isaia thuộc phần đệ tam (ch. 56-66) do một hay nhiều đệ tử của Tiên Tri ghi lại quang cảnh huy hoàng diễm lệ sung túc của đền thờ Giêrusalem và thành đô, được tái thiết sau khi dân Do Thái được khỏi cảnh nô lệ Babylon năm 538 TCN. Đền thờ diễm lệ và thành đô ánh sáng nầy là nơi thu hút muôn dân tuôn đến.
Về mặt tinh thần, trong cảnh tăm tối của trái đất thì Giêrusalem lại tỏa sáng hay bừng sáng lên, khi được đơn vị hóa thành tòa lầu vàng Chúa ngự cao sang. Vì chưng sự hiện diện của Chúa cũng là ánh sáng thật đến với trần gian. Ánh sáng ở đây được hiểu là khôn ngoan, sức mạnh, trí tuệ, chân lý, công bằng, chính trực, lẽ phải, nói gọn là chân thiện mỹ đang ngự trị ở đó, nên muôn dân từ khắp nơi sẽ tuốn về chổ dựa tinh thần vững chắc nầy.
Tới Bài Phúc Âm, chỉ một mình Thánh Matthêu ghi lại khá chi tiết về mấy nhà chiêm tinh thân hành tìm đến bái lạy Hài Nhi Giêsu.
Đầu thời Tân Ước, 500 năm sau cuộc hồi hương trên, khi Chúa Giêsu giáng sinh, có mấy nhà Đạo Sĩ, bậc thông thái, liễu thị hay nhà chiêm tinh từ Phương Đông, vùng Iran Irắc hiện nay, là trung tâm của văn minh và trí tuệ thời đó, đến Giêsusalem tìm Đức Vua mới sinh.
Cũng nên ghi nhận thêm rằng trong thời gian 50 năm lưu đày trên, dân Do Thái có người làm nô lệ, cũng có người hoà nhập tiến thân như ông Sát-rac, Mêsác, A-vết Nơ-gô được đặt lên trông coi tỉnh Babylon (Đn 3: 12). Lúc nào dân nầy cũng truyền tụng công khai rằng một ngày kia sẽ xuất hiện Đấng Cứu Thế tại quê nhà Do Thái. Dư luận tốt lành nầy cũng rất có thể tạo nên ấn tượng mạnh trên giới tinh hoa trí thức của Phương Đông. Nên khi vì sao lạ xuất hiện, mấy chiêm tinh gia, đạo sĩ dễ dàng cảm nghiệm hay ngộ ra ra ý Trời đã được gieo vải xuyên suốt từ hơn 5 thế kỷ trước. Trong cái rủi có cái may. Trong họa có phúc. Đó là việc Chúa làm, cải dữ và lành.
Ngoài ra, giáo dân Việt Nam xưa nay hay gọi mấy Ngài Đạo Sĩ trên là Ba Vua, dù Phúc Âm không ghi rõ con số 3 nhà vua. Chỉ biết mỗi vị dâng kính một lễ vật gồm vàng, nhũ hương và mộc dược, mà tưởng chỉ có ba vị. Nên tại hang đá của Chúa Hài Đồng trong nhà thờ hôm nay, thấy trưng bày tượng của ba ông vua hay tam vị thông thái có hình dạng của ba sắc dân chính, là da trắng Âu Châu, da đen Phi Châu và da vàng Á Châu, đại diện cho muôn dân trên toàn thế giới.
Thêm nữa, cách viết mơ huyền trong Phúc Âm làm người đọc khó hiểu. Như sao chổi cách xa trái đất nhiều triệu dặm, còn khối lượng ngôi sao thì cũng thường to hơn địa cầu nhiều trăm hay ngàn lần, làm sao dẩn đường như một con đom đóm lập lòe khi ẩn khi hiện và đậu lại trên chổ ở của Hài Nhi? Những mô tả nầy giúp tô điểm cho bức tranh Noel thêm mỹ lệ hơn là thực tế. Nhưng hãy nên chú ý tới nghĩa cốt lõi và bài học Lời Chúa muốn truyền dạy là ưu tiên.
Những bài học của câu chuyện cho thấy mấy Đạo Sĩ từ xa xôi với tâm chí thành đi tìm Chúa, có lúc cũng không êm xuôi, Quí Ngài phải quyết tâm và kiên nhẫn khi phải ghé lại Giêrusalem hỏi hoàng cung về thông tin của Vị Vua mới sinh. Con đường đạo của đức tin và nẻo đường đời của cuộc sống đâu phải lúc nào cũng bằng phẳng êm xuôi, mà phải mò mẫm kiên trì tìm kiếm có khi lâu dài thì sẽ gặp, gỏ thì sẽ mở, như Lời Chúa hứa (Mt. 7: 7-11 )
Còn vua Hêrôdê thì sẵn có dã tâm hại Hài Nhi qua lời ngon ngọt dặn dò mấy đạo sĩ báo cáo cho ông sau khi đã gặp Vua Do Thái mới sinh. Nên vua nầy không gặp được Chúa. Riêng nhóm đại giáo trưởng và luật sĩ đã không chút động lòng để lên đường tìm Chúa mà họ rao giảng và mong đợi hàng ngàn năm qua. Họ rất thông lào kinh sách Cựu Ước trên lý thuyết mà kém thực hành, nên cũng không gặp được Chúa luôn. Còn phần con thì sao? Thuộc phe nào?
Ba đạo sĩ đại diện những người thiện tâm đã và đang loan báo Tin Mừng bình an cho mọi người. Tin Lành an bình của Hài nhi Giáng Sinh đã đến với con. Nhưng con có đủ thiện tâm và chút nào ánh sáng để đón nhận bình an của Chúa Hài Đồng chưa?
Trở lại bài đọc 2. Dân Do Thái tự cho mình là dân riêng của Thiên Chúa và hầu như luôn có sẳn chủ nghĩa kì thị loại trừ. Ai không có nguồn gốc từ Abraham là dân ngoại. Việc nầy đã xảy ra lâu dài trong Cựu Uớc.
Vì chưng Thiên Chúa không cho thế hệ trước biết mầu nhiệm sau đây, mà qua Thánh Thần, Ngài lại mạc khải cho các Tông Đồ và Ngôn Sứ. Đó là nhờ Chúa Giêsu làm gạch nối, trung gian, qui tựu, mà mọi người trở nên anh em trong Chúa. ” Dân ngoại” không Do Thái và gốc Do Thái trở thành huynh đệ trong một cộng đoàn, làm thành một thân thể, cùng nhau loan báo tin mừng, cùng thừa kế gia nghiệp lời hứa của Thiên Chúa. Bằng chứng là khi vừa giáng sinh, Chúa Giêsu đã tỏ mình ra cho mấy Đạo Sĩ không gốc Do Thái, đại diện cho cả và thiên hạ mọi nơi mọi thời.
Xin dâng lời cầu.