“Giới răn nào lớn nhất trong Lề luật?”
Lời Chúa Chúa Nhật 30 Mùa Thường Niên Năm A
(Chú Giải Kinh thánh theo Neuchâtel)
Mátthêu 22: 34-40
34 Nghe biết Ngài đã khóa miệng bè Sađóc, thì Biệt phái tụ họp lại một chỗ. 35 Ðoạn một luật sĩ trong nhóm hỏi thử Ngài: 36 “Thưa Thầy, giới răn nào lớn nhất trong Lề luật?” 37 Ngài nói với người ấy: “Ngươi phải yêu mến Chúa, Thiên Chúa ngươi, hết lòng ngươi, hết linh hồn ngươi và hết trí khôn ngươi! 38 Ðó là giới răn lớn, giới răn đệ nhất. 39 Thứ đến cũng giống như điều ấy: Ngươi phải yêu mến đồng loại ngươi như chính mình ngươi. 40 Toàn thể lề luật cùng các tiên tri đều qui vào hai giới răn ấy”.
- 22: câu 34 Nhưng khi những người Pharisiêu nghe nói rằng Ngài đã bịt miệng những người Sađóc, thì họ tập hợp lại một chỗ.
- Câu 35 đến câu 40 Câu hỏi của một luật sĩ về giới răn lớn nhất.
– Những người Pharisiêu, trước đó (ND: Chúa nhật thứ 29 mùa thường niên năm A) đã bị Chúa Giêsu đẩy lui một cách chiến thắng, như sau:
22: 15-22: 15 Bấy giờ Biệt phái đi bàn mưu để làm Ngài lỡ lời mắc bẫy. 16 Họ sai đến với Ngài môn đồ của họ làm một với phe cánh Hêrôđê. Các người ấy nói: “Thưa Thầy, chúng tôi biết Thầy là người ngay thật, và Thầy dạy đường lối Thiên Chúa một cách chân thành; Thầy không bận tâm vì người này người nọ, vì Thầy không có thói coi mặt đặt tên. 17 Vậy xin nói cho chúng tôi hay: Thầy nghĩ thế nào? Ðược phép nộp thuế cho hoàng đế hay không?” 18 Thấu suốt lòng hiểm ác của họ, Ðức Yêsu nói: “Tại sao đánh bẫy Ta? Ðồ giả hình! 19 Ðưa Ta coi đồng tiền thuế!” Họ đem đến cho Ngài một đồng quan. 20 Và Ngài nói với họ: “Của ai đây, hình này và chữ khắc đây?” 21 Họ nói: “Của hoàng đế”. Bấy giờ Ngài bảo họ: “Vậy thì hãy trả của hoàng đế cho hoàng đế; và của Thiên Chúa, cho Thiên Chúa”. 22 Nghe thế, họ kinh ngạc, rồi bỏ Ngài lại, họ đi ra.
Nhưng họ biết được rằng những người Sađốc cũng chỉ đạo một cuộc tấn công chống lại Chúa Giêsu, cũng đã phải ngậm miệng và bỏ đi trong bối rối, như sau:
Mátthêu 22: câu 23-33
23 Trong ngày ấy, những người thuộc bè Sađốc là những người nói không có sống lại, đến gặp Ngài, và họ hỏi Ngài rằng: 24 “Thưa Thầy, Môsê đã nói: Ai chết mà không con, thì anh em người ấy phải cưới lấy vợ nó, mà truyền hậu cho anh em mình. 25 Nơi chúng tôi, có bảy anh em. Anh cả cưới vợ rồi chết, và vì không con, nên để vợ lại cho em. 26 Cũng vậy người thứ hai, rồi người thứ ba, cho đến hết cả bảy người. 27 Sau hết, người đàn bà kia cũng chết. 28 Vậy thời phục sinh, người ấy sẽ là vợ của ai trong bảy người đó, vì hết thảy họ đều lấy người ấy?” 29 Ðáp lại, Ðức Yêsu nói với họ: “Các ông lầm! Các ông không tường Sách Thánh và quyền năng của Thiên Chúa. 30 Quả vậy, thời phục sinh, người ta không còn cưới vợ lấy chồng, nhưng người ta như thiên thần ở trên trời. 31 Còn về sự kẻ chết sống lại, các ông đã không đọc lời Thiên Chúa đã phán cùng các ông sao?: 32 Ta là Thiên Chúa của Abraham, Thiên Chúa của Isaac, và Thiên Chúa của Yacob! Người không phải là Thiên Chúa của kẻ chết, mà là của người sống!” 33 Nghe vậy, dân chúng kinh ngạc vì giáo huấn của Ngài.
Thế thì, những người Pharisiêu tập hợp lại, khá vui mừng, không nghi ngờ gì nữa, rằng đối thủ của họ đã bối rối về một câu hỏi chia rẽ họ, đó là sự phục sinh và sự tồn tại của các thiên thần.
Vì vậy, họ giao nhiệm vụ cho một người trong số họ (câu 35) để hỏi Chúa Giêsu một câu hỏi ít xảo trá hơn những câu trước. Tuy nhiên, họ không chịu buông vũ khí, bởi vì theo Holtzmann và Weiss, cách diễn đạt mà Mátthêu sử dụng ngụ ý một ý định thù địch: họ cùng nhau tụ tập để lập mưu, để liên minh chống lại Chúa Giêsu. Đây là những lời tương tự như Thánh vịnh 2: 2 (Bản Bẩy Mươi)
“Vua chúa trần gian dấy binh khởi nghĩa, vương hầu liên minh một khối, chống lại Yavê và chống lại Ðức Kitô của Người”
và Công vụ Tông đồ 4: 26
“Vua chúa trần gian cùng nổi dậy, vương hầu khanh tướng rập mưu đồ, chống lại Đức Chúa, chống lại Đấng Người đã xức dầu phong vương”.
- 22: 35 Và một trong số họ, một luật sĩ, đã hỏi Ngài, để kiểm tra khả năng của Ngài: Một luật sĩ là một trong những học giả, vừa là nhà thần học vừa là chuyên gia về luật, thường được gọi là ký lục hoặc tiến sĩ luật, dựa theo những gì người ấy được mời giảng dạy. (So sánh với Mátthêu 23: 2, “Các kinh sư và các người Pharisiêu ngồi trên toà ông Môsê mà giảng dạy”).
So sánh với Máccô 12: 28-34
28 Một ký lục đã nghe họ biện luận và thấy Ngài đã đáp lại họ cách chí lý, thì tiến lại hỏi Ngài: “Giới răn thứ nhứt trên hết là giới răn nào?” 29 Ðức Yêsu đáp lại: “Giới răn thứ nhứt là: Hãy lắng tai nghe, hỡi Israel, Chúa Thiên Chúa chúng ta là Chúa độc nhất, 30 và ngươi phải yêu mến Chúa, Thiên Chúa ngươi hết lòng, hết linh hồn ngươi, hết trí khôn ngươi và hết cả sức lực ngươi. 31 Thứ đến là: Ngươi phải yêu mến đồng loại ngươi như chính mình. Hẳn không có giới răn nào khác lớn hơn các điều ấy”. 32 Người ký lục nói với Ngài: “Phải lắm! Thưa Thầy, Thầy đã nói rất thật: chỉ có Người là Ðộc nhất, không còn có Ðấng nào khác ngoài Người; 33 còn yêu mến Người hết lòng, và hết trí hiểu, hết sức lực và yêu mến đồng loại như chính mình ắt vượt quá các toàn thiêu và tế lễ thay thảy”. 34 Thấy người ấy đáp lại cách xác đáng, nên Ðức Yêsu bảo: “Ông không xa nước Thiên Chúa đâu!” Và không ai còn dám chất vấn Ngài nữa.
Như thế, Máccô đã tường thuật cuộc đối thoại một cách đầy đủ hơn, người luật sĩ này có lẽ không bị kích động bởi tâm thế thù địch, bởi vì Chúa Giêsu có một nhận định ưu ái cho ông ấy, “Ông không xa nước Thiên Chúa đâu!”.
Cách nói để kiểm tra khả năng không nhất thiết bao hàm ý định thù địch. Sosánh với Gioan 6: 6, “Ngài nói vậy để thử ông vì Ngài đã biết điều Ngài sắp làm”.
Có lẽ những người Pharisiêu đã ủy quyền cho vị luật sĩ này làm người phát ngôn, chính vì ông ôn hòa hơn hầu hết mọi người trong số họ. Có lẽ ông cũng nhận được một ấn tượng oai nghiêm từ sự hiện diện và lời nói của Chúa Giêsu, và điều này đã thay đổi tâm hồn ông.
22: 36 “Thưa Thầy, điều răn lớn trong lề luật là gì?” Câu hỏi này về tầm quan trọng tương đối của các điều răn khác nhau của lề luật lúc đó thường xuyên được các giáo sĩ Do Thái tranh luận, nhưng chỉ hiểu theo mặt chữ và hời hợt bên ngoài, giống như tất cả các câu hỏi khác về tôn giáo.
22: 37 Ngài nói với người ấy: “Ngươi phải yêu mến Chúa, Thiên Chúa ngươi, hết lòng ngươi, hết linh hồn ngươi và hết trí khôn ngươi!. Đệ nhị luật 6.5, được trích dẫn từ Bản Bẩy Mươi, luôn dịch danh xưng Giavê, Đấng Vĩnh cửu, bằng từ Chúa.
- Yêu mến Thiên Chúa hết lòng, hết linh hồn, hết trí khôn (trong tiếng Do thái là כוח sức lực) là yêu mến Ngài bằng tất cả mọi năng lực của con người đạo lý; để rồi tất cả mọi khía cạnh của tâm hồn, tình cảm, tư tưởng, ý chí, ham muốn, đều bị tình yêu này thấm nhập chi phối, trở thành động lực duy nhất của tất cả mọi hành động, của cả cuộc sống.
Chúa Giêsu không nói làm thế nào con người, dù tội lỗi và ích kỷ, có thể đạt đến cung cách yêu thương như thế này. Chính Tin Mừng khi được hiểu cách trọn vẹn và chân thực, bằng tâm hồn, sẽ dạy cho chúng ta hiểu rõ về toàn bộ Tin Mừng.
22: 38 “Ðó là giới răn lớn nhất và thứ nhất”. Văn bản chúng ta có được ghi rõ: giới răn lớn nhất và thứ nhất.
Thứ tự của các hạn từ này [1] cũng phù hợp hơn với câu hỏi của người luật sĩ. 36 “Thưa Thầy, giới răn nào lớn nhất trong Lề luật?” (câu 36).
Điều răn yêu thương này là điều răn lớn nhất và là điều răn đầu tiên vì nó chứa đựng sự hoàn thành của tất cả những điều răn khác và bởi vì nó là cốt lõi ngay cả của đời sống tôn giáo và luân lý. (so sánh với Gioan 14: 15, “Nếu các ngươi yêu mến Ta, các ngươi sẽ giữ các lịnh truyền của Ta”; Gioan 15: 10, “Nếu các ngươi giữ các lịnh truyền của Ta, Các ngươi sẽ lưu lại trong lòng yêu mến của Ta, cũng như Ta đã giữ các lịnh truyền của Cha Ta, và lưu lại trong lòng yêu mến của Người”; 1Gioan 5: 3, “Vì lòng mến Thiên Chúa là thế này: là ta giữ các lịnh truyền của Người. Và lịnh truyền của Người không nặng nề”; Rôma 13: 8-10, “Anh em đừng mắc nợ gì ai, trừ phi là yêu mến nhau. Vì kẻ yêu người, tất đã làm trọn Lề luật. Vì các điều (như): Chớ ngoại tình, chớ giết người, chớ trộm cắp, chớ tham muốn, và nếu có lịnh truyền nào khác, thì đều tóm lại nơi một lời này: Ngươi hãy yêu mến đồng loại như chính mình. Yêu mến hẳn không làm hại người đồng loại. Vậy yêu mến là chu toàn cả Lề luật”).
22: 39 Giới răn thứ hai cũng giống như vậy: Yêu người lân cận như chính mình. So sánh với Lêvi 19: 18, “Ngươi sẽ không báo oán, không cưu thù với con cái dân ngươi, nhưng ngươi sẽ yêu mến đồng loại ngươi như chính mình. Ta là Yavê”. Điều răn này tương tự như điều răn thứ nhất xét về bản chất của nó, vì tình yêu thương thực sự với người lân cận chỉ là một sự áp dụng của tình yêu dành cho Thiên Chúa, là sự phản ánh tình yêu thương của Thiên Chúa trong chúng ta, và cũng bởi vì việc thực hành điều răn này hoàn thành mọi bổn phận của chúng ta, mọi nghĩa vụ của chúng ta đối với người lân cận.
Yêu như chính mình là lật đổ rào cản ngăn cách tôi với bạn, lật đổ chủ nghĩa ích kỷ, là nguyên nhân của mọi chia rẽ, lật đổ thói quen vi phạm điều răn này. Người yêu thương người lân cận theo cách này khao khát hạnh phúc của người lân cận như hạnh phúc của riêng mình và đóng góp vào hạnh phúc đó tùy theo sức lực của mình, như thể đó là hạnh phúc của chính mình.
22: 40 Toàn bộ lề luật và các tiên tri tùy thuộc vào hai điều răn này. Theo tiếng Hy Lạp: κρέμαται = treo móc vào, lề luật và các tiên tri treo móc vào hai điều răn này. Điều đó có nghĩa là tất cả những gì được viết trong lề luật và ngay cả trong các sách tiên tri nói về những mối tương quan giữa con người với Thiên Chúa và với người lân cận, tự bản chất, dính dáng và liên quan đến hai điều răn này, vì hai điều răn này là sự thực hiện sống động những mối tương quan đó, “Phúc cho những kẻ biết thương xót, vì họ sẽ được thương xót” (Mátthêu 5: 17).
Với những lời này, Chúa Giêsu đã trả lời cách đầy đủ câu hỏi của người luật sĩ, người luật sĩ ấy chỉ còn cách đồng thuận với Chúa Giêsu hết lòng. (Máccô 12: 32, “Người ký lục nói với Ngài: “Phải lắm! Thưa Thầy, Thầy đã nói rất thật: chỉ có Người là Ðộc nhất, không còn có Ðấng nào khác ngoài Người”) [2].
Phản ứng này cũng rất đáng chú ý vì nó cho thấy rằng, trong Cựu Ước, tình yêu thương là nền tảng của mọi sự tuân phục lề luật. Đây là điểm trung tâm hợp nhất giữa hai Giao ước. Nhưng chỉ qua Tin Mừng, tình yêu thương này đã được Thiên Chúa mặc khải cách trọn vẹn hơn và đang được thực hiện cách dồi dào hơn trong tâm hồn của những con cái Ngài.
[1] ND: đối chiếu với một số bản văn Kinh Thánh bằng ngôn ngữ khác để thấy tầm mức lớn lao và vị trí trước tiên của giới răn yêu thương.
-Theo bản văn Nova Vulgata của Vatican:
36 “Magister, quod est mandatum magnum in Lege? ”.
37 Ait autem illi: “ Diliges Dominum Deum tuum in toto corde tuo et in tota anima tua et in tota mente tua: 38 hoc est magnum et primum mandatum.
- Magnum: lớn; et primum: và đầu tiên.
http://www.vatican.va/archive/bible/nova_vulgata/documents/nova-vulgata_index_lt.html
– Theo bản văn Novum Testamentum Graece (NA 28): Institut für neutestamentliche Textforschung – INTF) tại Đại học Münster, Westphalia, Đức.
36 διδάσκαλε, ποία ἐντολὴ μεγάλη ἐν τῷ νόμῳ; 37 ὁ δὲ ἔφη αὐτῷ· ἀγαπήσεις κύριον τὸν θεόν σου ἐν ὅλῃ τῇ καρδίᾳ σου καὶ ἐν ὅλῃ τῇ ψυχῇ σου καὶ ἐν ὅλῃ τῇ διανοίᾳ σου· 38 αὕτη ἐστὶν ἡ μεγάλη καὶ πρώτη ἐντολή.
- μεγάλη: lớn; πρώτη: và đầu tiên.
– Theo bản văn Kinh Thánh của Hội Đồng Giám Mục Hoa Kỳ:
36 “Teacher, which commandment in the law is the greatest?”
37 He said to him, “You shall love the Lord, your God, with all your heart, with all your soul, and with all your mind.
38 This is the greatest and the first commandment.
- The greatest: lớn nhất, vĩ đại nhất; the first: đầu tiên.
https://bible.usccb.org/bible/matthew/22
– Theo bản văn Kinh Thánh của Hội Đồng Giám Mục Pháp:
36 « Maître, dans la Loi, quel est le grand commandement ? »
37 Jésus lui répondit : « Tu aimeras le Seigneur ton Dieu de tout ton cœur, de toute ton âme et de tout ton esprit.
38 Voilà le grand, le premier commandement.
- le grand: lớn, to lớn, vĩ đại, cao cả; le premier: đầu tiên.
https://www.aelf.org/bible/Mt/22
– Theo bản văn Kinh Thánh của Hội Đồng Giám Mục Ý:
36 “Maestro, nella Legge, qual è il grande comandamento?”. 37 Gli rispose: “Amerai il Signore tuo Dio con tutto il tuo cuore, con tutta la tua anima e con tutta la tua mente. 38 Questo è il grande e primo comandamento.
- grande = great (tiếng Anh), grand (tiếng Pháp); primo: đầu tiên.
https://www.bibbiaedu.it/CEI2008/nt/Mt/22/
– Theo bản văn Kinh Thánh của Hội Đồng Giám Mục Đức:
36 Meister, welches Gebot im Gesetz ist das wichtigste? 37 Er antwortete ihm: Du sollst den Herrn, deinen Gott, lieben mit ganzem Herzen, mit ganzer Seele und mit deinem ganzen Denken. 38 Das ist das wichtigste und erste Gebot.
- wichtigste: quan trọng nhất; erste: đầu tiên.
https://www.bibleserver.com/EU/Matth%C3%A4us22
– Theo bản văn Kinh Thánh của Hội Đồng Giám Mục Tây Ban Nha:
36«Maestro, ¿cuál es el mandamiento principal de la ley?». 37Él le dijo: «“Amarás al Señor tu Dios con todo tu corazón, con toda tu alma, con toda tu mente”. 38Este mandamiento es el principal y primero.
- principal: chính, chính yếu; primero: đầu tiên. https://conferenciaepiscopal.es/biblia/mateo/#cap22
– Theo Ủy Ban Kinh Thánh trực thuộc Hội Đồng Giám Mục Việt Nam:
36 “Thưa Thầy, giới răn nào lớn nhất trong Lề luật?” 37 Ngài nói với người ấy: “Ngươi phải yêu mến Chúa, Thiên Chúa ngươi, hết lòng ngươi, hết linh hồn ngươi và hết trí khôn ngươi! 38 Ðó là giới răn lớn, giới răn đệ nhất”. (Nguyễn Thế Thuấn)
36 “Thưa Thầy, trong sách Luật Mô-sê, điều răn nào là điều răn trọng nhất? “37 Đức Giê-su đáp: “Ngươi phải yêu mến Đức Chúa, Thiên Chúa của ngươi, hết lòng, hết linh hồn và hết trí khôn ngươi.38 Đó là điều răn quan trọng nhất và điều răn thứ nhất”. (Nhóm CGKPV)
https://kinhthanhvn.net/category/ban-van
[2] Các đoạn Kinh Thánh trong bài này là trích từ Kinh Thánh Tân Ước, Bản dịch Việt Ngữ của Linh Mục Nguyễn Thế Thuấn, CSsR. Những chữ và nhóm chữ có nét đậm là do người dịch thực hiện. Chúng con xin cám ơn Cha Giuse và Dòng Chúa Cứu Thế; xin Chúa Kitô cho linh hồn Cha Giuse vui hưởng Nhan Thánh Vinh Quang của Ngài.