NAY ANH MAI TÔI

0
30

Ngôi thánh đường nhỏ bé của giáo xứ tôi nằm cạnh nghĩa trang bé nhỏ của giáo xứ. Đứng bên đây thánh đường ngó bên kia thánh đường là những người thân thương trong giáo xứ đã ra đi trước chúng tôi. Không chỉ có nghĩa trang nhỏ bé này nhưng đâu đó ở các nghĩa trang và thậm chí đâu đó và tro cốt của ông bà cha mẹ của chúng ta vì có thể có những người xưa đã khuất nhưng không tìm thấy dấu vết bởi chiến chinh.

Nhìn những nấm mộ đó, nơi những người thân của ta nằm đó, ta lại nhớ đến phận người. Phận người vẫn không thể nào thoát khỏi cái định mệnh của kiếp người : sinh – lão – bệnh – tử. Phận người là thế đó như theo kiểu cách nói của cố nhạc sĩ họ Trịnh :

Con chim ở đậu cành tre, 

Con cá ở trọ trong khe nước nguồn. 

Tôi nay ở trọ trần gian 

Trăm năm về trốn xa xăm cuối trời 

Sương kia ở đậu miền xa 

Con sáo ở trọ bao la đất trời 

Nhân gian về trọ nhiều nơi 

Bâng khuâng vì những đôi môi rất hồng 

Mây kia ở đậu từng không 

Mưa nắng ở trọ bên trong mắt người 

Tim em người trọ là tôi 

Mai kia về trốn xa xôi cũng…gần 

Mây kia ở đậu từng không 

Mưa nắng ở trọ bên trong mắt người 

Môi xinh nở đậu người xinh 

Đi đứng ở trọ đôi chân Thúy Kiều

Xin cho về trọ gần nhau 

Mai kia dù có ra sao cũng đành 

Trăm năm ở đậu ngàn năm 

Đêm tối ở trọ chung quanh nỗi buồn 

Ơ hay là một vòng sinh 

Tôi như người bỗng lênh đênh giữa đời 

Phận người là thế, ở trọ để rồi cuộc đời khép lại sau cái chết.

Sau cái chết, tùy niềm tin của tôn giáo và gần hơn nữa là niềm tin của mỗi người khác nhau. Với niềm tin Kitô giáo thì cái chết chỉ là khép lại cuộc sống trần gian để bước vào vương quốc vĩnh cửu.

Với Trịnh Công Sơn thì : “Người chết nối linh thiêng vào đời”.

Không biết rõ tác giả định nói gì ? Chắc chắn phải có một ý nghĩa thâm sâu . Tuy không hiểu hết ý nghĩa của nó, nhưng nó giúp ta suy nghĩ : người chết nối linh thiêng vào đời vì thực tại cái chết là một thực tế đặt con người đứng trước một cái gì huyền bí, đáng sợ, và khi đứng trước thi hài người chết, ai ai cũng phải đối diện với cái ý nghĩ này : nay người, mai ta.  Và: nay tôi, mai anh.  Tôi chết, anh còn sống, nhưng còn sống đối với anh chỉ là “chưa chết”. Anh chỉ được “triển hạn”, chứ không bao giờ được “miễn trừ”.

Với những ý nghĩ như vậy mà chúng ta thường im lặng, trầm mặc đứng trước người chết, nhất là đứng trước thi hài một người thân yêu của mình.  Chúng ta im lặng, trầm mặc và buồn sầu, không chỉ vì người thân yêu không còn nữa, mà còn vì nghĩ đến cái chết  sẽ xẩy ra cho mình.  Người chết như mang theo phần nào chính chúng ta.  Trong người chết, nhất là những người ruột thịt máu mủ của chúng ta, một phần ruột thịt máu mủ của chúng ta đã ra đi.

“Người chết nối linh thiêng vào đời” là như vậy. Nghĩa là người chết đặt chúng ta đối diện với một thực tại khác, một thế giới của sự im lặng, huyền bí, một thế giới của sự tôn nghiêm, đáng kính, đáng sợ…  Vì sợ người chết,  sợ sự chết, nên người ta dù muốn hay không cũng phải nghĩ đến cái chết của mình, phải chuẩn bị cho cái chết không thể tránh được.

Có câu ngạn ngữ :”Cái chết ở trước mặt người già và sau lưng người trẻ”.  Đây là tâm lý chung cho mọi người vì người già dễ cảm thấy mình gần đất xa trời hơn người trẻ.

Tuy thế, nhiều khi người già cũng như người trẻ đều “tham sinh úy tử” nên ít khi nghĩ đến cái chết, nhưng khi thần chết đến thì người ta cảm thấy đã quá muộn. Vì thế, ông Henri Bordeaux nói : “Phần đông người ta chỉ mở mắt một lần, mà lần ấy lại là chính lúc tắt thở, nhưng người ta vội bóp mắt lại ngay”.

Đồng quan điểm với ông  Henri Bordeaux, ông John C. Collins nói : “Người chết mở mắt cho người sống”,  cũng có nghĩa là người sống bóp mắt người chết.

Ông Stephen Leacock nói : “Lạ lùng thay cái chuỗi đời người : còn nhỏ thì ước được lớn lên. Lớn lên rồi, ước đến tuổi trưởng thành. Đến tuổi trưởng thành rồi, ước được một tổ ấm.  Được tổ ấm rồi, ước làm ông nội nghỉ ngơi.  Được nghỉ ngơi rồi lại nuối tiếc  quãng đời quá khứ và cảm thấy một luồng gió lạnh đang rì rầm thổi tới.  Nhưng khi ý thức được rằng đời sống chính là ở hiện tại, ở trong ngày hôm nay, thì đã quá muộn rồi”.

Khi ta nhìn thấy những nấm mồ ở nghĩa trang như muốn nhắc nhở ta : hôm nay phiên tôi, ngày mai đến phiên anh.  “Hôm nay” là một ngày nhất định, rõ ràng, tại đây và lúc này, ai cũng phải công nhận rằng người thân yêu của chúng ta đã ra đi về đời sau, và lát nữa sẽ được chôn vùi trong lòng đất.

Nhưng còn chữ “Ngày mai” là một ngày bất định, mông lung, mờ mịt không biết bao giờ mới đến như người ta nói : “Sinh hữu hạn, tử bất kỳ” (Tục ngữ).  Đây là điều bắt buộc chúng ta phải động não vì nó liên quan đến số phận đời đời của chúng ta.

Theo tâm lý chung, người đời ai cũng “tham sinh úy tử” (ham sống sợ chết).  Người ta cũng nhận xét rằng : các cụ già thường sợ chết hơn các thanh thiếu niên.  Nhưng có một điều thực tế : không bao giờ người ta thấy mình sống lâu cả.  Dẫu đã tóc bạc da đồi mồi, đi không vững, đứng không ngay, cũng còn thấy  như mới bước chân vào đời ngày hôm qua vậy :

                                       Nhớ từ năm trước vẫn thơ ngây,

                                      Thoát chốc mà già đã tới ngay

(Nguyễn Khuyến)

Dù cuộc sống cứ mãi trôi nhưng rồi thi thoảng ta phải  dừng lại lại để bình tĩnh đứng ra ngoài cuộc đời bề bộn, ra ngoài cái Tôi chủ quan, mà quan sát và ý thức  nhận định một cách khách quan :

                                       Tại sao tôi sống ?

                                      Sống để làm gì ?

                                      Chết rồi, ra sao ?

Phải tìm ra ý nghĩa của cuộc sống. Có người không biết tại sao mình sống, rồi sẽ ra sao !  Cho nên họ có cái nhìn bi quan về cuộc sống bởi vì họ không tìm ra được lẽ sống.

Lẽ sống của người Ki tô hữu ngày hôm nay được làm rõ trong tất cả các bài đọc. Với tất cả lẽ sống đó, niềm tin đó ta lại hân hoan sống trong trần gian này với niềm vui, với niềm tin và hy vọng một ngày kia ta cũng sẽ đoàn tụ với cha ông chúng ta trên thiên đàng nơi mà Chúa đã dọn sẵn cho những ai mà Thiên Chúa Cha trao cho Chúa Giêsu.

Cuộc đời này rất ngắn và rất vội, Giáo Hội dành ra tháng 11 này cách đặc biệt để ta có dịp báo hiếu, cầu nguyện cho ông bà cha mẹ, những người đã khuất trước chúng ta. Và, cũng nhắc nhớ phận người của mỗi người chúng ta. Ngày nào đó, ta cũng phải trở về với tro bụi trong quy luật hạn hữu của con người nhưng chuyện cần thiết và quan trọng nhất là sống làm sao để mai ngày được ơn cứu độ.

Sống ở đời, giàu hay nghèo, sang hay hèn, đại gia hay tiểu gia không phải là vấn đề. Không phải là vấn đề bởi lẽ ta thấy dù giàu hay nghèo, sang hay hèn đó khi nhắm mắt lìa đời chỉ có vài mét đất như nhau mà thôi. Vì thế, chuyện cần và đủ cho cuộc đời của mỗi người đó là sau khi chết ta có được một chỗ trong cung lòng Thiên Chúa hay không ?

Với phận con người mỏng dòn và yếu đuối để rồi ta lại cứ tiếp tục cầu nguyện. Cầu nguyện cho những người đã khuất và cầu nguyện cho chính bản thân chúng ta để ngày mỗi ngày ta biết trút bỏ những gì không là cần thiết, những gì làm vướng víu không để ta thanh thoát về với Chúa. Xin Chúa thêm ơn cho mỗi người chúng ta để chúng ta tiếp tục tin tưởng, cầu nguyện và tín thác những người thân của ta trong tay Chúa cũng như cuộc đời của ta trong tay Chúa vậy.

Huệ Minh