Con Đường Giêsu- Suy niệm Chúa Nhật V Phục Sinh A

0
236

Con Đường Giêsu- Suy niệm Chúa Nhật V Phục Sinh A

Trang Tin mừng hôm nay kể chuyện: hai thánh tông đồ Tôma và Philípphê đã hỏi Chúa hai câu và Chúa đã mạc khải hai chân lý đức tin: “Thầy là đường là sự thật và là sự sống, không ai đến được với Cha mà không qua Thầy”; “Ai thấy Thầy là thấy Cha; Thầy ở trong Cha và Cha ở trong Thầy”.

Thầy là Đường, là sự Thật và là sự Sống. Không ai đến được với Cha mà không qua Thầy”. Không có một vị sáng lập tôn giáo nào đã dám công bố như Chúa Giêsu, bởi vì họ là con người và không thể làm được. Chỉ mình Chúa Giêsu, Thiên Chúa làm người, có uy lực và quyền năng để tha thứ tội lỗi và ban cho con người sự sống đời đời. Các Tông đồ có lẽ không hiểu ý nghĩa của câu tuyên bố này khi Chúa Giêsu nói, nhờ ánh sáng Phục sinh, các ông mới có thể nhận ra ý nghĩa chân lý này.

Chúa Giêsu chính là con đường, bởi vì Ngài là sự thật và là sự sống. Con đường này đưa đến Chúa Cha, và đây là con đường duy nhất bởi lẽ “không ai có thể đến với Chúa Cha mà không qua Thầy” (Ga 14,6). Chúa Giêsu mặc khải cho con người một “Sự Thật” quan trọng. Ngài cho con người biết ý định của Thiên Chúa: Thiên Chúa muốn cho con người không phải chết, nhưng được “Sống” muôn đời “Thiên Chúa yêu thế gian đến nỗi đã ban Con Một, để ai tin vào Con của Người thì khỏi phải chết, nhưng được sống muôn đời” (Ga 3,16). Đây là đích điểm của đời người, và cũng là đích điểm của Chương Trình Cứu Độ. Thiên Chúa dựng nên con người và phú bẩm trong tâm hồn con người khát vọng được sống đời đời. Làm sao con người đạt được đích điểm này? Con người không thể tự mình đạt tới nhưng Thiên Chúa đã chuẩn bị một Kế Hoạch Cứu Độ. Đây là “Đường” hay “Cách” mà Thiên Chúa cứu độ con người: Ngài cho Người Con Một xuống thế gian để gánh tội cho con người; Người Con này hoàn thành Kế Hoạch bằng cách chịu đau khổ, chịu chết, và sống lại để mang đến sự sống đời đời cho con người.

Là Đường dẫn người tin đi đến với Thiên Chúa nguồn mạch đích thực. Là Sự Thật nên ai đi trên con đường ấy sẽ không sai lầm. Từ đó, chúng ta tin tưởng Chúa là lẽ sống của đời mình nên những ai có lòng tin sẽ có sức sống trong hành trình đi theo Chúa. Bởi chỉ có Chúa Giêsu mới là Đấng ban sự sống và có lời ban sự sống.

Đặc tính của “con đường Giêsu” là vâng phục thực thi thánh ý Chúa Cha và yêu thương phục vụ nhân loại một cách khiêm nhường. “Con đường Giêsu” chính con người Đức Giêsu, để một khi “ở lại trong con người của Ngài,” chúng ta luôn có Ngài đồng hành và được hướng dẫn trên mọi nẻo đường đời. Ngoài Chúa Giêsu, không có đường nào khác đưa dẫn con người đến hạnh phúc đích thực. “Con đường Giêsu” có hai chiều gặp nhau trong con người của Ngài: một chiều Thiên Chúa đến gặp con người, một chiều con người hướng về và gặp gỡ Thiên Chúa. Trên “con đường Giêsu”, mọi biển cấm đều bị Ngài gỡ bỏ, mọi chướng ngại đều bị lấy đi, để trong Ngài, Thiên Chúa đến với con người, ở lại với con người và trong Ngài, con người được hưởng ân huệ của Thiên Chúa và hạnh phúc reo lên “Abba”, “Cha ơi!”, vui mừng được làm con Thiên Chúa.

Chúa Giêsu là con đường duy nhất giữa Thiên Chúa và con người.

Ngài là đường chân lý, một chân lý sống động, làm tiêu chuẩn hướng dẫn cho mọi cuộc đời. Đường chân lý ấy là toàn thể cuộc sống của Ngài, từ tư tưởng cho đến lời nói và việc làm. Tất cả đều hướng tới chân trời cứu độ.

Ngài là đường sự sống, là nguồn phát sinh mọi sự sống tự nhiên cũng như siêu nhiên. Sự sống phần xác trong công trình tạo dựng, cũng như sự sống phần hồn trong công trình cứu chuộc. Ngài đã chết để mọi người được sống và Ngài đã sống lại để mãi mãi mở ra một con đường dẫn vào cõi sống vĩnh cửu. Sự sống vật chất một ngày nào đó sẽ tan biến, nhưng sự sống mà Ngài trao ban sẽ là một sự sống trường tồn bất diệt. Sự sống vĩnh cửu là một ân ban: “ân huệ Thiên Chúa ban không, là sự sống đời đời trong Đức Kitô Giêsu, Chúa chúng ta” (Rm 6,13).

Ngài là con đường dẫn tới nhà Cha, dẫn tới quê hương Nước Trời, bởi vì Chúa Cha và Ngài không thể tách lìa nhau. Chúa Cha ở trong Chúa Con và Chúa Con ở trong Chúa Cha. Vẫn là một tự ngàn xưa và mãi mãi là một đến muôn thuở muôn đời. Vì thế con đường mang tên Giêsu, tất nhiên sẽ dẫn tới địa chỉ Nhà Cha và ngược lại, muốn đến nhà Cha thì phải đi trên con đường Giêsu.

Đi trên Đường Giêsu là đi bằng cả tình yêu chan hòa phục vụ. Bài đọc thứ nhất là hình ảnh đẹp về một Giáo Hội trẻ đang cựa mình vươn vai tiến tới. Có những phân công khác biệt: kẻ phục vụ bàn thánh, người phục vụ bàn ăn; kẻ chuyên chăm rao giảng Lời Chúa, người chuyên lo hạnh phúc anh em. Nhưng vẫn là nhịp bước đồng hành. Có thể nói được rằng tình yêu và phục vụ là đôi chân của Giáo Hội lữ hành đặt bước chân mình trong dấu chân Chúa. Và cũng có thể hiểu được rằng cách nhìn “con người là con đường của Giáo Hội” (Gioan Phaolô II) chính là tốc độ mới của tình yêu chan hòa phục vụ trên Đường Giêsu hôm nay.(x.‘Với Cả Tâm Tình’ – ĐGM. Giuse Vũ Duy Thống).

Chúa Giêsu là đường dẫn đến sự sống thật. Ngài là sự thật đưa dẫn đến sự sống đời đời và sự sống thật là con đường kết hợp mật thiết với Đấng Tạo Thành. Chúa Giêsu trở thành trung tâm cốt lõi cho tất cả mọi suy tư tìm kiếm nguồn chân lý, sự thánh thiện và sự hoàn hảo tuyệt mỹ.

Cả cuộc đời của Chúa Cứu thế chính là con đường. Ngài dạy các môn đệ hãy bước vào, hãy cùng đi.Các tông đồ đi theo con đường Giêsu. Giáo Hội mọi thời đi theo con đường Giêsu.

Thánh Gioan Maria Vianey, người chỉ đường cho biết bao nhiêu con người biết đường đi về Nước Trời. Đi hành hương đến xứ Ars, ai cũng muốn tìm đến bức tượng nổi tiếng: Thánh Gioan Maria Vianney đứng hỏi đường về xứ Ars với em bé chăn chiên.

Bức tượng ghi dấu một câu chuyện bất hủ. Ngày đến nhận xứ Ars, Cha Vianney đã hỏi em bé chăn chiên một câu như một lời tiên tri linh ứng sau này: “Con hãy chỉ cho cha đường về xứ Ars, cha sẽ chỉ cho con đường về Nước Trời”. Câu này được ghi đậm nét dưới chân bức tượng như một lời nguyện ước của mọi khách hành hương. Ngày xưa, ngài đã chỉ dẫn cho giáo dân xứ Ars đã mất đức tin, bê tha rượu chè, cờ bạc, đàng điếm…được trở về với Chúa, thì ngày nay cũng xin chỉ dẫn cho chúng con biết đường ngay nẻo chính để sau này được trở về Nhà Cha trên trời. Nhìn đôi bàn tay Cha thánh, khách hành hương nghĩ về đôi bàn tay linh mục là đôi bàn tay Thiên Chúa dùng chuyển mang chúc lành bình an từ trời cao đến cho tâm hồn con người. Đôi bàn tay cùng với tâm hồn của linh mục là nhân chứng cho lòng khoan dung của Thiên Chúa giữa con người. Đôi bàn tay và môi miệng của linh mục là phương tiện Thiên Chúa dùng cho việc rao giảng văn hóa phúc âm nước Trời giữa trần gian.

Có một giai thoại rất lý thú về bức tượng này. Nhà điêu khắc Louis Castex (1866-1954) đã chọn anh Gabriel Matagrin (18 tuổi) làm mẫu tạc tượng cha xứ Ars và chọn Antoine Givre (10 tuổi) là con của mình để tạc em bé chăn chiên. Bức tượng rất có thần, ai đến chiêm ngưỡng cũng cảm thấy Cha Thánh hiển hiện sống động, một tay đặt trên vai em bé và một tay chỉ hướng về trời. Có lẽ nhờ lời bầu cử của Thánh nhân mà người đóng vai Cha Thánh, sau này đã đi tu, trở thành giám mục giáo phận Grenoble, cách Lyon 80km: Đức cha Gabriel Matagrin. Còn em bé cũng được Chúa gọi trở thành linh mục chính xứ St. Martin l’Argentière, Cha Antoine Give.

Lạy Chúa, Chúa là đường, là sự thật và là sự sống. Xin Chúa dẫn dắt chúng con theo đường chân lý của Chúa để chúng con được hưởng niềm vui sự sống muôn đờiAmen.

Lm Giuse Nguyễn Hữu An