Tiền bạc và Nước Thiên Chúa. Hai phương diện này có hoàn toàn đối lập nhau? Bổ túc cho nhau không? Đối lập, tại sao? Bổ túc, điểm nào?
Để phân biệt được ý nghĩa của tiền bạc trong cuộc sống và hệ quả của sở hữu tiền của trong đời sống cho phần nào đó đúng ý Chúa, chúng ta cần đến bài Tin Mừng Marcô 20, 17-30).
Đoạn sách ấy kể: Khi Đức Giê-su vừa lên đường, thì có một người chạy đến, quỳ xuống trước mặt Người và hỏi : “Thưa Thầy nhân lành, tôi phải làm gì để được sự sống đời đời làm gia nghiệp ?” (Mc 10, 17). Có lẽ khi giảng xong, Chúa Giêsu chuẩn bị đi tìm nơi tĩnh tâm và cầu nguyện hay Chúa chuẩn bị cho một cử tọa mới ở nơi khác. Rồi, một người chạy đến hỏi Chúa phương cách đạt đến sự sống đời đời. Ngừơi này khá đầy đủ về vật chất, sức khỏe và gia đình nên anh không xin chữa bệnh hay xin chia tài sản gia đình mà xin sự sống đời đời. Anh ta cũng là một trí thức, đạo mạo và tôn nghiêm trong xã hội vì theo như lời anh nói thì anh tuân giữ cặn kẽ mọi giới luật từ lúc nhỏ, và điều đó là điều đáng được kính trọng trong xã hội Do thái khi đó. Tiền không thiếu, tài có dư. Nhưng, anh sợ chết! Sợ mình đánh mất tất cả tiền và tài năng danh vọng! Nghiệt ngã, nạn kiếp, nạn kiếp! A, khi anh nghe Chúa Giêsu giảng, anh tin Chúa có thuật trường sinh. Nhưng anh quá ngỡ ngàng và thất vọng khi Chúa đòi phải bỏ những thứ kia! Bỏ tiền đi, bán tài sản đi, trao lại cho người nghèo đi rồi sẽ được kho tàng trên trời. Ôi trời, đúng là thả mồi bắt bóng! Làm sao mà được?
Tiền cần lắm! Có tiền mới có uy! Có tiền mới được việc cả nghĩa đen lẫn nghĩa bóng. Người Việt Nam mình có câu tục ngữ để chỉ ra sức mạnh vô song mang tính phổ quát của đồng tiền. Tiền là một sức mạnh xã hội phi thường. Đồng tiền là thứ đáng được ngợi ca. Đồng tiền có sức mạnh xuyên thời gian, xuyên qua cả các kiếp người, và đối với đồng tiền thì cuộc sống con người thật là phù du: “Đồng tiền là chúa muôn loài, Người ta là khách vãng lai một thời“. Nhưng mà Chúa Giêsu lại nói chắc nịch, xác tín: “Anh chỉ thiếu có một điều, là hãy đi bán những gì anh có mà cho người nghèo, anh sẽ được một kho tàng trên trời – Rồi hãy đến theo tôi.” (Mc 10,21). Phải bán hết tài sản, nhưng không phải để gửi tiền ngân hàng mà là cho người nghèo, không phải để đợi người ta ban phát lại mà làm ăn xin, mà là rủ bỏ để theo Chúa Giêsu Kitô. Điều đó gây ra tổn thương cho người kia. Anh ta không phải hỏi Chúa để rồi mất hết tài sản và sống kiếp lênh đênh như Chúa và các môn đệ, cái anh cần là sự sung túc, thu vào, góp lại, thủ kho và tích trữ chứ không phải bán đi, chia ra, phân phát, trao tặng và xuất kho…Thế nên, “anh ta sa sầm nét mặt và buồn rầu bỏ đi, vì anh ta có nhiều của cải”. (Mc 10, 22). Tiếc cho anh ta thật. Nhưng đó là sự chọn lựa. Chúa Giêsu cũng buồn vì sự chọn lựa ấy. Ngài nói với các môn đệ: “Những người có của thì khó vào Nước Thiên Chúa biết bao !” (Mc 20,23).
Lời ngỏ của Chúa Giêsu cho ngừơi giàu có hôm nay phải được hiểu: động cơ anh ta tìm Chúa để “kiếm thêm” cho mình một sự “gia cố” chắc chắn để hưởng thụ hoài hoài…Do Thái là dân tộc giàu có và thông minh bậc nhất, phương pháp giáo dục, quản lý tài sản của họ có thể làm khuôn mẫu cho cả thế giới. Người Do Thái dạy con về tiền bạc từ rất sớm, khi trẻ ba hoặc bốn tuổi. Khi con còn đang bi bô tập nói, các bậc cha mẹ Do Thái sẽ dạy chúng phân biệt tiền xu và tiền giấy, để cho chúng hiểu “tiền bạc có thể mua được bất cứ thứ gì chúng muốn”, quan trọng hơn là “tiền ở đâu mà có”. Mọi người thường đề xướng tăng thu giảm chi, trong đó tiết kiệm chi tiêu luôn được đề cao, song làm sao tăng thu nhập còn quan trọng hơn. Nói một cách chính xác thì đó là bồi dưỡng ý thức kiếm tiền của con để cho chúng hiểu được những quy tắc kiếm tiền, quy tắc quay vòng vốn, hiểu được những đạo lý đơn giản về báo đáp và thù lao qua những ví dụ thực tế trong lao động. Những bài học vỡ lòng như vậy, sẽ mang đến của cải vật chất và tinh thần to lớn cho trẻ. Như vậy, chẳng khó khăn để hiểu ngừơi giàu trong bài Tin Mừng khó từ bỏ tiền đến mức nào, và hệ lụy là khó vào Nước Thiên Chúa.
Tại sao lại khó? Vậy thì ai được vào? Làm giàu là sai sao? Có của là không đúng sao Chúa?
Tôi thắc mắc với lương tâm mình. Vậy là tới số mấy anh chị đại gia rồi! Và, mừng vui lên hỡi những anh em bán vé số, làm thuê độ nhật và khố rách áo ôm. Vì nếu những kẻ giàu bị tống ra thì ta vào chứ còn ai nữa? Nhưng, “bèo dạt mây trôi chốn xa xôi…” đừng mơ quá vội, không ai biết chắc vận mệnh mình đâu! Tôi nghĩ như vầy, có những đại phú gia có xuất thân nghèo khó, nhờ vận may làm giàu nhanh chóng, tài sải trăm tỷ. Mà, anh ta ăn xài rất chuẩn, giải quyết việc làm cho mấy nghìn nhân công, hay giúp đời xây cầu, đắp đường, xây trường, dựng nhà, thậm chí còn giúp nhà thờ xây các công trình lớn nhỏ, chưa bao giờ chơi bời trác táng dâm dật. Vậy, anh ta có đáng xuống hỏa ngục? Chúa nhân từ, chắc không có chuyện đó. Vì rõ ràng anh ta sống tốt. Nhưng nếu anh ta nghe tiếng Chúa Giêsu mà chúng ta nghe hôm nay, anh không bỏ đứt tài sản để theo Chúa qua Giáo hội thì sao? Vì anh ta là Giám đốc quản lý công xưởng vài nghìn công nhân, nếu bỏ, đồng thời bỏ luôn cuộc sống của họ.
Sự từ bỏ tiền bạc không phải là một lời mời gọi lỗi thời, và không nên hiểu theo nghĩa phóng túng liều lĩnh, nhưng phải hiểu trong đức tin và lòng tín thác vào Chúa. Từ bỏ một điều vì phiền phức thì không phải là từ bỏ. Chính sự buông bỏ vì Thiên Chúa mới thật sự có giá trị. Vì khi đó, ta đặt Thiên Chúa ở vị trí chủ của đời ta. Khi đó: “đối với Thiên Chúa mọi sự đều có thể được” ( Mc 10, 27). Khi tiền bạc đè nén tư tưởng đạo đức, kìm hãm nhân đức, giam cầm luân lý và lương tâm thì ôi thôi, “con lạc đà chui qua lỗ kim còn dễ hơn …” (Mc 10, 25).
Sống công chính và trách nhiệm bằng sự tự do thanh thản là cách chúng ta “đi qua lỗ kim nhỏ xíu vào Nước Thiên Chúa”. Đức Giê-su nói : “Thầy bảo thật anh em : Chẳng hề có ai bỏ nhà cửa, anh em, chị em, mẹ cha, con cái hay ruộng đất, vì Thầy và vì Tin Mừng” (Mc 10, 29). Từ bỏ của cải cho một mục đích: Theo Chúa và phục vụ Tin Mừng. Đó là cách thực hành dễ hiểu cho người tu trì. Từ bỏ tiền của là một bước khởi đầu, chưa phải là đoạn kết. Nhưng với người giáo dân sống đời trần thế thì sao? Chúa không đòi hỏi phải từ bỏ của cải, cha mẹ, gia đình, vợ con, nghề nghiệp để đi tu. Nhưng Chúa đòi hỏi chúng ta phải biết từ bỏ mình – mình đầy của cải, tham vọng. Từ bỏ mình không có nghĩa là hành hạ mình – hành hạ những khuynh hướng và tài năng thiên phú và khổ luyện thành, nhưng là từ bỏ cái tôi, từ bỏ những ước muốn xấu của ý chí, những lời nói cay chua của cơn tức giận, những tư tưởng kênh kiệu độc đoán của thái độ tự phụ bất chính. Chính những tham vọng xấu, ý hướng bất chính xô đẩy chúng ta vào vòng tội lỗi, gây tranh giành đố kỵ và làm khổ lẫn nhau. Từ bỏ của người Kitô hữu giáo dân là để chỉ sống cho Chúa và tha nhân.
Chúa nhắc nhở chúng ta hãy kiểm điểm: sống là lựa chọn, mà lựa chọn tức là từ bỏ những cái mình không chọn. Thái độ từ bỏ và dứt khoát đó lại càng cần đối với việc chọn Chúa, chọn nước trời, chọn những việc đẹp lòng Chúa và làm chứng cho Chúa. Bấy lâu nay chúng ta có thái độ dứt khoát đó không hay chúng ta muốn ôm đồm tất cả và cũng tiếc rẻ tất cả? Bấy lâu nay có phải chúng ta đã theo Chúa để tìm lợi cá nhân, tiền bạc, danh vọng hoặc địa vị và một số những cái lỉnh kỉnh khác, chứ thực sự chưa có thái độ lựa chọn dứt khoát vì Chúa, vì tình thương, vì tình người, vì nước trời… có phải vậy không?
HUỲNH ANH