“ Người Lạ Ơi ! ”- Suy niệm Chúa Nhật III Phục Sinh- C

0
81

Làm thế nào khi tình yêu (nói chung) gặp thách thức? Nghĩa là khi con đường ta đi bỗng dưng bị “kéo dây chì”; khi đang say đắm trong men tình bỗng “đường tình đôi ngã”; khi đang hứng khởi trong những dự án, những chương trình bỗng rơi vào tình trạng “giọt buồn không tên”… Thường người ta hay tìm đến “người lạ” và những gì “lạ” để bù đắp cho những tình trạng gọi là như thế.

Sách Công vụ Tông đồ trong bài đọc I (Cv 5, 27b-32. 40b-41) kể về việc các Tông Đồ bị nghiêm cấm, bị bắt vì rao giảng danh Đức Giêsu: “Chúng tôi đã nghiêm cấm các ông không được giảng dạy về danh ấy nữa, thế mà các ông đã làm cho Giêrusalem ngập tràn giáo lý của các ông” (Cv5, 28).

Các ông đã từng rơi vào tình trạng buồn, chán, thất vọng, sợ hãi, lo âu trước cái chết của Đức Giêsu, như một người thầy, người bạn, người lãnh đạo tinh thần và nhất là một người sẽ cho mình một tương lai tươi sáng. Tất cả tâm trạng đó được dồn nén trong sự thinh lặng đến rợn người, bỗng dưng được phá tan bởi đề nghị của Phêrô, tông đồ trưởng: “Tôi đi đánh cá đây” (Ga 21, 3a). Đề nghị của Phêrô được anh em tán thành: “Chúng tôi cùng đi với anh” (Ga 21 , 3 b). Thực sự ra lúc đó các ông đang cần một lối thoát, vì vậy chỉ cần một đề nghị nào phù hợp, một con đường nào dễ dãi thì lập tức các ông sẽ theo ngay. Tuy nhiên không hề dễ dàng chút nào giữa biển cả mênh mông, nên “đêm ấy họ không bắt được gì cả” (Ga 21, 3c)

Chính lúc đó có một “người lạ” bỗng nhiên xuất hiện và chỉ: “Cứ thả lưới bên phải mạn thuyền thì sẽ bắt được cá” (Ga 21, 6a) . Các ông làm theo và bắt được một mẻ cá lạ lùng, mẻ cá mà trên thực tế sẽ không bao giờ có được. Chính “người lạ” đã chỉ cho các ông. Lúc này chắc chắn các ông muốn nói với “người lạ” những lời của bài hát: Người lạ ơi! Tôi lạc quan giữa đám đông, nhưng khi một mình thì lại không. Cố tỏ ra là mình ổn, nhưng sâu bên trong nước mắt là biển rộng. Lắm lúc chỉ muốn có ai đó, dang tay ôm lấy tôi vào lòng, cho tiếng cười trong mắt được vang vọng, cô đơn một lần rồi khỏi những khoảng trống… Người lạ ơi xin hãy cho tôi mượn bờ vai tựa đầu gục ngã vì mỏi mệt quáNgười lạ ơi xin hãy ghé mua giùm tôi, một liều quên lãng, để tôi thanh thản. Người lạ ơi xin hãy cho tôi mượn niềm vui để lần yếu đuối này là lần cuối thôi”… Người lạ ơi!

Người lạ đó không hề xa lạ mà là Đức Giêsu, Thầy của các ông đã chết, nhưng nay đã sống lại trong vinh quang và chắc chắn sẽ đưa các ông đến vinh quang, như mẻ cá lạ lùng bình thường không thể có, nhưng qua người “tuy lạ mà quen” thì “mọi sự đều có thể”. Cũng may người lạ nhưng cũng là người quen đã đến trong lúc các ông cô đơn, bơ vơ, trống vắng, mất định hướng để đem đến cho các ông sự ấm áp, gần gũi, đầy ắp của yêu thương và tiếp tục định hướng cho cuộc đời. Đó là những điều các ông đã có khi sống với Thầy Giêsu tuy chưa rõ ràng, nhưng nay tất cả được thánh hóa trong Đấng Phục Sinh nên mọi sự đã thay đổi với các ông.

Nếu “người lạ” đó không phải là Đức Giêsu Phục Sinh, nhưng là “người lạ” thực sự thì tương lai của các ông sẽ như thế nào? Cuộc đời các ông sẽ ra sao? Người ta sẽ dẫn dắt các ông đến với những niềm vui chóng qua, sẽ cho các ông những an toàn giả tạo, sẽ định hướng trong sự lọc lừa để cuối cùng các ông rơi vào chỗ chết…

Cám ơn Chúa, vì “ánh sáng đã xóa tan màn đêm”. Đấng Phục Sinh không bỏ rơi các ông nhưng đã làm thay đổi hoàn toàn vận mệnh cuộc đời các ông. Gioan đã nhận ra “người lạ” chính là: “Chúa đó!” Vì thế các ông đã mạnh dạn loan báo Tin mừng Phục Sinh bất chấp sự ngăn cấm của giới lãnh đạo. Các ông đã trãi qua kinh nghiệm và biết đâu là sự thật, nên các ông chẳng sợ bất cứ điều gì, kể cả sự chết. Các ông đã mạnh dạn tuyên bố: “Phải vâng lời Thiên Chúa hơn vâng lời người phàm” (Cv 5, 29) . Vì các ông biết các ông tin vào ai.

Trong hành trình đức tin, có những lúc chúng ta rơi vào hoàn cảnh như các Tông đồ: Chán nản, tuyệt vọng, thậm chí mất hết tất cả.  Bỗng dưng thấy những việc đạo đức nhàm chán, tự nhiên chuyện đi lễ trở nên nặng nề, thấy những nỗ lực sống tốt của mình chẳng có giá trị gì, lời khuyên lơn, sự hy sinh cho điều tốt chẳng thấm nhập vào những tâm hồn cứng cõi…  Khi ở trong tình trạng đó, thường người ta sẽ quay về lối sống cũ của mình để tìm sự an nhàn, thư thái, thoải mái, dễ chịu dẫn đến sự nuông chìu bản thân và ù lì trong tâm hồn… Bao nhiêu nỗ lực trước đây tan tành theo mây khói. Tình trạng đó những nhà tu đức gọi là đêm tối của tâm hồn.

Đức Thánh Cha Phanxicô đã phát biểu với 70.000 khách hành hương trên khắp thế giới về Vatican nhân dịp lễ Phục Sinh 2013 như sau: Cám dỗ bỏ Thiên Chúa ra một bên và để chính chúng ta vào trung tâm luôn luôn ở trước cửa, và kinh nghiệm về tội lỗi gây thương tích cho cuộc sống Kitô hữu, cho sự kiện là con Thiên Chúa của chúng ta. Vì thế chúng ta phải có can đảm sống đức tin, không để bị hướng dẫn bởi tâm thức nói với chúng ta rằng “Thiên Chúa không cần thiết, không quan trọng đối với ngươi”. Trái lại: chỉ khi có cung cách hành xử như con cái Thiên Chúa, không ngã lòng vì các sa ngã của chúng ta, khi cảm thấy mình được Thiên Chúa yêu thương, cuộc sống của chúng ta sẽ mới mẻ, được linh hoạt bởi sự thanh thản và tươi vui. Thiên Chúa là sức mạnh của chúng ta! Thiên Chúa là niềm hy vọng của chúng ta!”. Để rồi Ngài nói thêm: “Tương quan với Thiên Chúa là Cha không phải là một kho tàng chúng ta giữ gìn trong một góc cuộc sống, mà phải lớn lên, phải được nuôi dưỡng mỗi ngày với việc lắng nghe Lời Chúa, cầu nguyện, lãnh nhận các Bí tích, đặc biệt là Bí tích Giải tội và Bí tích Thánh Thể, và sống tình bác ái. Chúng ta có thể sống như là con. Đó là phẩm giá của chúng ta. Hãy có cung cách hành xử như là các người con đích thực của Thiên Chúa”.

 Như vậy để có thể vượt qua đêm tối tâm hồn, chúng ta phải luôn ý thức mình là con Thiên Chúa, để có mối tương quan đích thực với một người Cha qua việc lắng nghe lời Chúa, cầu nguyện, lãnh nhận bí tích, nhất là bí tích Giải Tội và bí tích Thánh Thể, và sống tình bác ái.

Nhưng có một thứ cám dỗ nguy hiểm hơn tình trạng đêm tối của tâm hồn, tình trạng thiếu vắng Chúa trong cuộc đời. Đó là cám dỗ “tạm ổn giả tạo”, cám dỗ tìm “người lạ” trong khi vẫn có “người quen”.

Đôi khi cuộc sống chúng ta vẫn tốt (cơm- áo –gạo- tiền); đời sống đức tin không đến nỗi nào, thậm chí xem ra đạo đức hơn những người khác; gia đình vẫn hạnh phúc với vợ đẹp con ngoan… mọi thứ bên ngoài xem ra ổn. Chính cái “ổn” mà không biết vươn lên đó làm cho chúng ta rơi vào cạm bẫy của ma quỷ để vẫn tin Chúa, vẫn đi lễ, nhưng lúc gặp khó khăn vẫn mê tín dị đoan, vẫn xem thầy xem bói. Chính cái ổn mà không biết vươn lên đó khiến nhiều người để bản thân mình bê tha, trác táng trong rượu chè, xác thịt, để rồi tôi vẫn lo cho vợ, chồng, con cái của tôi đàng hoàng, nhưng lấy lý do vì cuộc sống nên đôi khi phải bê tha một chút. Đó là cái tinh vi của ma quỷ: không sao đâu! Để từ từ chúng ta đi vào những đam mê bất chính không biết đường ra… Đó là cám dỗ “tạm ổn giả tạo”, cám dỗ tìm “người lạ” trong khi vẫn có “người quen”. Tôi không bỏ Chúa, tôi chỉ tìm thêm thần mình cho chắc ăn. Tôi không bỏ gia đình, nhưng vì lo cho gia đình tôi phải chấp nhận đánh đổi… Đó là những hình thức của “người lạ” trong đời sống chúng ta.

Nhưng “người lạ” này sẽ thực sự nguy hiểm nếu chúng ta không thức tỉnh kịp thời. Đừng để cho tình trạng “tạm ổn” lừa gạt chúng ta. Phải vươn lên luôn luôn khi đã có nền tảng ổn định. Đã tin Chúa, đã sống đạo tương đối tốt thì hãy dấn thân thêm nữa. Đã lo cho gia đình hết sức thì hãy dành trọn vẹn cho gia đình, đừng để những đam mê riêng tư chia cắt tình cảm của những người thân. Đã sống cho Chúa, cho Gia đình tương đối tốt thì hãy vươn lên để dấn thân cho Giáo hội cho việc truyền giáo…

Lời mời gọi tha thiết: “Con có yêu mến Thầy không?!” đến 3 lần của Đức Giêsu nhắc chúng ta không bao giờ là đủ là tới trong hành trình đức tin của chúng ta.

Lạy Chúa Giêsu Phục Sinh, xin thức tỉnh mỗi người chúng con trong những lúc ngủ vùi vì mệt mỏi, vì tìm kiếm “người lạ” để chúng con nhận ra Chúa vẫn luôn ở bên cạnh cuộc đời mình. Xin cho chúng con can đảm thưa lên rằng: “Lạy Thầy, Thầy biết con yêu mến Thầy!”

Lm. Giuse Nguyễn