Tường thuật Ngày thứ ba chuyến viếng thăm mục vụ Cuba của ĐTC Phanxicô

0
40

PopeFrancis-Cuba-01.jpg

22 tháng 9  là ngày thứ 3 và cũng là ngày chót ĐTC viếng thăm Cuba. Tại Santiago de Cuba ĐTC đã có hai sinh hoạt chính: đó là chủ sự thánh lễ tại Vương cung thánh đường Đức Trinh Nữ Bác Ái Mỏ Đồng lúc 8 giờ sáng, và gặp gỡ các gia đình Cuba trong nhà thờ chính toà Santiago lúc 11 giờ, trưóc khi ra phi trường quốc tế Antonio Maceo từ giã Cuba và đáp máy bay sang Washington, bắt đầu chuyến viếng thăm Hoa Kỳ

Sau đây xin kính mời quý vị cùng chúng tôi trở lại với các sinh họat của ĐTC chiều thứ hai 21 tháng 9 và sáng thứ ba 22 tháng 9.

Lúc ba giờ rưỡi chiều thứ hai 21 tháng 9 ĐTC   đã rời toà giám mục Holguín để đến đồi Thánh Giá Loma de la Cruz cách đó 6 cây số. Loma de la Cruz là ngọn đồi nhỏ cao 261 mét, nằm ở mạn bắc thành phố Holguín, và gắn liền với lịch sử xã hội và văn hóa của thành phố này. Cây thánh giá đầu tiên đã do tu sĩ Antonio de Alegría, bề trên tu viện dòng Phanxicô  Holguín, dựng trên đồi vào năm 1790. Cây thánh giá hiện nay thuộc thập niên 1990 thay cho cây thánh giá cũ bị sét đánh hư hại. Tín hữu có thể leo lên đồi theo cầu thang có 458 bậc, hay theo một đường vòng rất đẹp nhìn xuống quang cảnh thành phố. Trên đỉnh đồi cũng có một tháp canh của quân đội gọi là “Torre di Numancia” xây trong cuộc chiến hồi năm 1868-1878. Đồi thánh giá là nơi hành hương nổi tiếng của thành phố, và hàng năm có “lễ hội tháng Năm”. Trên đồi thánh giá du khách có thể nhìn thấy hết nước đảo Cuba.

Từ Holguín đến Santiago de Cuba

ĐTC đã dừng lại cầu nguyện dưới chân Thánh Giá, và ban phép lành cho toàn thành phố Holguín. Tiếp đến ngài đã ra phi trường để lấy máy bay đến Santiago de Cuba, cách đó 150 cây số. Chiếc máy bay A 330 của hãng hàng không Alitalia chở ĐTC và đoàn tuỳ tùng đã tới Santiago de Cuba sau 50 phút bay.

Thành phố Santiago de Cuba nằm trong một cảng thiên nhiên rất lớn trên bờ biển đông nam của đảo Cuba, và là thành phố lớn thứ hai của Cuba với 400.000 dân cư, tranh đua với thủ đô La Habana về phương diện văn học, âm nhạc và chính trị. Thành phố này đã do ông Diego Velazquez thành lập năm 1514, và đã là thủ đô của Cuba từ năm 1515 dến 1607. Santiago có một lịch sử văn hóa đã bắt đầu từ khi xây nhà thờ chính toà Đức Mẹ hồn xác lên trời năm 1520 và việc thành lập ca đoàn nhà thờ, do nhạc sĩ Estéban Salas điều khiển. Ông đã sáng tác rất nhiểu thánh ca cho ca đoàn, đặc biệt là các thánh ca Giáng Sinh nổi tiếng, từng là các thánh ca hay nhất thời đó.

Trong số các xây cất nổi tiếng có lâu đài El Morro, nằm trong danh sách gia tài văn hóa nhân loại của UNESCO, ngôi nhà của ông Parque Céspendes thời thuộc địa ở trung tâm thành phố, và vương cung thánh đường Đức Bà Bác Ái Mỏ Đồng. Ngoài ra trong thành phố còn có nhiều nhà thờ khác, trong đó có nhà thờ Đức Bà Camêlô, nhà thờ thánh Phanxicô và nhà thờ thánh Tôma, cả ba đều  thuộc thế kỷ XVIII. Santiago cũng là quê hương của điệu vũ “Son” là cha đẻ của điệu vũ “Salsa”  và của rượu Rum nổi tiếng gọi là “Ron”. Thành phố Santiago cũng đang chuẩn bị các lễ mừng 500 năm thành lập.

Tổng giáo phận Santiago de Cuba được thành lập năm 1522, trở thánh giáo tỉnh năm 1803, rộng hơn 6.150 cây số vuông, có 1 triệu 50 ngàn dân trong đó có hơn 254.000 tín hữu công giáo, gồm 16 giáo xứ, 22 nhà thờ và cứ điểm truyền giáo. Nhân lực gồm 16 linh mục giáo phận, 13 linh mục dòng, 21 tu huynh, 34 nữ tu, 4 đại chủng sinh, và 2 phó tế vĩnh viễn. ĐTGM Santiago de Cuba là ĐC Dionisio Guillermo Garcia Ibánhez.

Đón tiếp ĐTC tại phi trường có ĐTGM Santiago de Cuba, vài giới chức địa phương và mấy trăm giáo dân cùng  một ca đoàn thiếu nhi.

Từ phi trường ĐTC đã đi xe về Chủng viện thánh Basilio Cả, cách đó 30 cây số. Chủng viện này được xây năm 1722, và là một trong các cơ cấu cổ xưa nhất trên toàn đảo Cuba. Tên đại chủng viện do ĐC Jerónimo Valdes Nosti GM Santiago, đặt cho, vì ngài thuộc dòng thánh Basilio Cả. Ban đầu chủng viện tiếp nhận đào tạo các chủng sinh và cả giáo dân. Nhưng với việc cải tổ của thánh Antonio Maria Claret, TGM Santiago giữa thế kỷ XIX, đại chủng viện chỉ được dành cho các chủng sinh. Năm 1908 khi từ Pháp tới đây đảm trách việc giáo dục, các tu huynh Lasan đã thành lập một trường từ tiểu học cho tới trung học. Các ứng sinh của các dòng tu khác nhau như Dòng Thừa sai, sư huynh Lasan và dòng Tên, cũng được đào tạo tại đây. ĐC Francisco de Paula Barnada Aguilar, cựu học sinh, giáo sư, rồi sau này là TGM Santiago de Cuba, đã tổ chức chủng viện cho có quy củ hơn. Năm 1961 chủng viện bị nhà nước Cuba quốc hữu hóa, và biến thành trường công. Năm 1997 trường tái hoạt động và cộng tác với đại học giáo hoàng công giáo Cộng hòa Dominicana.

Tại chủng viện ĐTC đã gặp gỡ riêng các Giám Mục Cuba. Tiếp đến ngài đã cùng các vị sang Vương cung thánh đường Đức Trinh Nữ Bác Ái Mỏ Đồng cách đó 300 mét để kính viếng và cùng đọc kinh kính Đức Mẹ.

Viếng thăm và cầu nguyện trước tượng Đức Mẹ Bác Ái Mỏ Đồng

Đây cũng là Trung tâm thánh mẫu quốc gia Cuba. Đền thánh Đức Trinh Nữ Bác Ái Mỏ Đồng gắn liền với các biến cố xã hội chính trị của Cuba. Tất cả đã bắt đầu hồi năm 1606, khi ba người đánh cá là hai anh em Juan và Rodrigo de Hoyos, và một người nô lệ da đen là Juan Moreno, tìm ra một tượng Đức Mẹ nhỏ bằng gỗ nổi trên nước biển vịnh Bahia de Nipe, ở mạn đông bắc quần đảo Cuba với hàng chữ “Ta là Trinh Nữ Bác Ái”. Bức tượng Đức Mẹ được đem tới mỏ đồng El Cobre, và tại đây năm 1684 tín hữu xây đền thánh đầu tiên kính Đức Mẹ. Năm 1801 chính tại đền thánh này Tuyên ngôn tự do của các  nô lệ mỏ đồng đã được tuyên đọc. Cha Alejandro Escanio, tuyên uý đền thánh, đã là người có công dấn thân tranh đấu cho sự tự do và quyền của người nô lệ. Năm 1868 ông Carlos Manuel de Céspendes, người tranh đấu cho việc huỷ bỏ chế độ nô lệ và cho nền độc lập của Cuba, đã đến hành hương đền thánh  và câu nguyện cho sự tự do của Cuba trước tượng Đức  Mẹ. Ngày 12 tháng 7 năm 1898 một thánh lễ tạ ơn cho việc giải phóng đảo Cuba đã được cử hành tại Đền Thánh, trước sự hiện diện của các sĩ quan của đoàn Quân Giải Phóng.

Trưóc lòng sùng mộ gia tăng của người dân Cuba đối với Đức Mẹ, cũng như lời xin của các cựu chiến binh Chiến tranh giành độc lập, do ông Jesus Rahí dẫn đầu, ngày 16 tháng 5 năm 1916 ĐGH Biển Đức XV đã tuyên bố Trinh Nữ Bác Ái Mổ Đồng là Bổn Mạng dân nước Cuba. Ngày mùng 8 tháng 9 năm 1927 đền thánh hiện nay được khánh thành. Ngày 20 tháng 12 năm 1936 ĐC Valentín Zubizarreta, TGM Santiago de Cuba, đã chủ sự lễ đội triều thiên cho Đức Mẹ.  Năm 1952 tượng Đức Mẹ Bác Ái Mỏ Đồng đã thánh du toàn nưóc Cuba như dấu chỉ của đức tin và niềm hy vọng. Năm 1959 Đại hội công giáo toàn quốc Cuba đã được khai mạc tại đền thánh dưới sự chở che hiền mẫu của Mẹ. Sau cùng ngày 30 tháng 12 năm 1977, ĐGH Phaolô VI ban tước Tiểu vương cung thánh đường cho đền thánh, qua vị đặc sứ của ngài là ĐHY Bernardin Gantin. Trong chuyến công du Cuba hồi năm 1998, Đức thánh giáo hoàng Gioan Phaolô II đã đội triều thiên cho Đức Mẹ Bác Ái Mỏ Đồng. Tiếp đến tín hữu đã hát quốc ca trong khi huy hiệu và quốc kỳ Cuba đã được đặt dưới chân Đức Mẹ, như dấu chỉ lòng sùng mộ của người dân Cuba đối với Đức Mẹ.

ĐTC đã đọc lời nguyện sau đây trước khi ban phép lành cho toàn thành phố:

“Lạy Chúa Cha toàn năng, trước Chúa mọi gối trên trời và dưới đất đều phải quỳ xuống, chúng con khiêm tốn xin Chúa khấng nhìn các con cái Chúa trên trần gian này đang khẩn nài phưóc lành của Chúa.”

Tiếp đến ĐTC đã ban phép lành cho mọi người và kết thúc với lời nguyện sau đây: “Xin việc ngắm nhìn Thánh Giá được nâng cao trên đỉnh núi này, soi sáng cuộc sống của các gia đình, của các trẻ em và người trẻ, của những người đau yếu, và xin cho tất cả những ai đau khổ nhận được sự ủi an và đồng hành của Chúa, và cảm thấy được mời gọi bước theo Con Chúa, là đường duy nhất dẫn tới Chúa. Ước chi tình yêu của Chúa kéo đổ xuống trên mọi người sự trợ giúp của Chúa và gia tăng các ơn thiêng liêng của Chúa. Chúng con cầu xin Chúa là Cha, vì Đức Giêsu Kitô Con Chúa, Đấng hằng sống hằng trị cùng Chúa Thánh Thần là Thiên Chúa đến muôn thuở muôn đời. Amen.”

ĐTC đã dâng quà kính Đức Mẹ là một bình hoa bằng bạc với các cọng bằng bạc và hoa bằng gốm, qua đó ĐTC muốn diễn tả cử chỉ mà mọi người dân Cuba thường làm: đó là dâng lên Đức Trinh Nữ Mỏ Đồng một bó hoa. Rồi ngài về chủng viện để dùng bữa tối và nghỉ ngơi, kết thúc ngày thứ hai viếng thăm Cuba.

Noi gương Mẹ Maria thực hiện cuộc cách mạng của tình yêu thương, phục vụ, của lòng dịu hiền, thương xót, cảm thông và gặp gỡ

Sáng thứ ba 22 tháng 9, lúc 7 giờ rưỡi sáng ĐTC đã đi xe tới Đền Thánh để chủ sự thánh lễ kính Đức Trinh Nữ Mỏ Đồng cho tín hữu. Vì Tiểu vương cung thánh đường nhỏ nên hàng ngàn tín hữu đã phải theo dõi thánh lễ trên màn truyền hình ở bên ngoài đền thờ.

Giảng trong thánh lễ ĐTC đã khích lệ tín hữu Cuba noi gương Mẹ Maria, mau mắn lên đường phục vụ và sống cuộc cách mạng của tình yêu thương, lòng dịu hiền, thương xót và cảm thông, biết đồng hành với tha nhân trong tất cả mọi trạng huống cuộc đời, trong cuộc sống, trong nền văn hóa, trong xã hội. Mở đầu bài giảng ĐTC nói:

Tin Mừng mà chúng ta vừa nghe đặt để chúng ta trước năng động của Chúa, là năng động sinh ra mỗi lần Ngài viếng thăm chúng ta: Chúa làm cho chúng ta ra khỏi nhà. Đây là các hình ảnh mà chúng ta đã được mời gọi chiêm ngắm nhiều lần. Sự hiện diện của Thiên Chúa trong cuộc đời chúng ta  không để cho chúng ta yên thân, nhưng luôn luôn thúc đẩy chúng ta cử động. Khi Thiên Chúa viếng thăm chúng ta, Ngài luôn luôn kéo chúng ta ra khỏi nhà. Được thăm viếng để thăm viếng, được gặp gỡ để gặp gỡ, được yêu thương để thương yêu.

Ở đây chúng ta thấy Đức Maria, môn đệ đầu tiên. Một thiếu nữ khoảng 15-17 tuổi đã được Chúa viếng thăm trong một làng quê đất Palestina, và báo cho biết rằng sẽ trở thành mẹ của Đấng Cứu Thế. Thay vì nghĩ rằng mình là nhân vật quan trọng, và tất cả mọi người sẽ đến để trợ giúp và hầu hạ mình, thì mẹ ra khỏi nhà để đi phục vụ. Mẹ đi giúp bà chị họ Elidabét. Niềm vui nảy sinh từ việc biết rằng Thiên Chúa ở với chúng ta, với người dân của chúng ta, thức tỉnh con tim, và khiến cho đôi chân chúng ta chuyển động, “kéo chúng ta ra ngoài”, đưa chúng ta tới chỗ chia sẻ niềm vui đã nhận lãnh như một việc phục vụ, như sự tận hiến trong tất cả mọi trạng huống “khó xử”, mà những người láng giềng hay bà con của chúng ta đang sống. Tin Mừng nói với chúng ta rằng Đức Maria vội vã ra đi, với bưóc đi chậm nhưng liên tục, các bưóc chân biết đi đâu; các bước chân không chạy để đến một cách quá nhanh, hay đi một cách qúa chậm chạp như không bao giờ tới nơi. Không náo động cũng không thiếp ngủ, Đức Maria vội vã ra đi để trợ giúp bà chị họ cao niên có thai. Đức Maria môn đệ đầu tiên, được thăm viếng đã ra đi viếng thăm. Và từ ngày đầu tiên ấy nó đã luôn luôn là đặc tính của Mẹ. Mẹ là người phụ nữ đã viếng thăm biết bao nhiêu người nam nữ, các trẻ em, và người già, người trẻ. Mẹ đã biết thăm viếng và đồng hành trong các tình trạng thê thảm của nhiều dân tộc chúng ta. Mẹ đã che chở cuộc chiến đấu của tất cả những người đã đau khổ để bảo vệ các quyền lợi của con cái họ. Và giờ đây Mẹ không ngừng đem đến cho chúng ta Lời sự sống, là Con của Mẹ, Chúa chúng ta.

Tiếp tục bài giảng ĐTC nói: Cả các vùng đất này cũng đã được sự hiện diện hiền mẫu của Mẹ viếng thăm. Quê hương Cuba đã chào đời và lớn lên trong hơi ấm của lòng sùng kính Đức Trinh Nữ Bác Ái. Mẹ đã trao ban cho linh hồn cuba một hình thái riêng và đặc biệt. Các Giám Mục của vùng đất này đã viết như thế – bằng cách dấy lên trong con tim của người dân Cuba các lý tưởng tốt đẹp nhất của tình yêu đối với Thiên Chúa, đối với gia đình và quê hương.

Các người đồng hương của anh chị em cũng đã khẳng định điều này cách đây 100 năm khi họ thỉnh cầu ĐGH Biển Đức XV tuyên bố Đức Trinh Nữ Bác Áí là Bổn Mạng Cuba, và họ đã viết như sau: “Không có các tai ương nào, không có các thiếu thốn nào đã dập tắt đuợc đức tin và tình yêu mà người dân công giáo  của chúng con tuyên xưng nơi Đức Trinh Nữ này, trái lại, trong các biến cố lớn lao nhất của cuộc sống, khi cái chết hay nỗi tuyệt vọng gần kề, đã luôn luôn vọt lên ánh sáng đánh tan mọi hiểm nguy, như sương sa an ủi… Quan niệm về Đức Trinh Nữ được chúc phúc này, là người Cuba tuyệt vời… bởi vì các bà mẹ không thể quên được của chúng con đã yêu Mẹ như vậy, và các người vợ của chúng con chúc tụng Mẹ như thế.” Đề cập đến Đền thánh Đức Bà Bác Ái Mỏ Đồng ĐTC nói:

Trong Đền thánh này, nơi giữ ký ức của Dân trung thành của Thiên Chúa bước đi tại Cuba, Đức Maria được tôn kính như Mẹ Bác Ái. Từ đây Mẹ giữ gìn các gốc rễ của chúng ta, căn tính của chúng ta, để chúng ta đừng đánh mất chúng trên các nẻo đường của sự tuyệt vọng. Linh hồn của nhân dân Cuba, như chúng ta vừa mới nghe, đã được rèn luyện giữa các khổ đau, thiếu thốn, nhưng chúng đã không thành công trong việc dập tắt đức tin ; đức tin ấy đã đuợc duy trì sống động nhờ biết bao nhiêu bà nội bà ngoại đã làm cho có thể tiếp tục cuộc sống gia đình, sự hiện diện sống dộng của Thiên Chúa, sự hiện diện của Thiên Chúa Cha giải thoát, củng cố, chữa lành, trao ban can đảm, là nơi nương náu chắc chắn và là dấu chỉ của sự sống lại mới. Các bà nội bà ngoại, các bà mẹ và biết bao nhiêu người khác, với sự hiền dịu và trìu mến đã là các dấu chỉ của sự thăm viếng, của lòng can đảm, của đức tin đối với cháu chắt, trong gia đình họ. Họ đã để  mở một kẽ hở, bé nhỏ như một hạt cải, qua đó Chúa Thánh Thần đã tiếp tục đồng hành với nhịp đập của dân tộc này.

ĐTC nói thêm trong bài giảng: Và mỗi lần chúng ta nhìn lên Mẹ Maria, chúng ta lại tin nơi “sức mạnh cách mạng của sự dịu hiền và của tình thương mến” (Evangelii Gaudium, 288). Hết thế hệ này sang thế hệ khác, hết ngày này sang ngày khác, chúng ta đuợc mời gọi canh tân đức tin của chúng ta. Chúng ta được mời gọi “đi ra khỏi nhà”, mở đôi mắt và con tim cho tha nhân. Cuộc cách mạng của chúng ta đi qua sự dịu hiền, đi qua niềm vui lớn trở thành sự gần gữi, luôn trở thánh sự cảm thương và đem chúng ta tới chỗ bị lôi cuốn liên lụy với cuộc sống của người khác, để phục vụ. Đức tin của chúng ta khiến cho chúng ta ra khỏi nhà  và đi gặp người khác để chia sẻ các niềm vui nỗi buồn, các hy vọng và bị tước đoạt. Đức tin của chúng ta đưa chúng ta ra khỏi nhà để đi thăm viếng người đau yếu, kẻ bị tù tội, người khóc lóc, và cũng biết  cười với người cười, vui với các niềm vui của người bên cạnh. Như Mẹ Maria chúng ta muốn là một Giáo Hội phục vụ, ra khỏi nhà, ra khỏi các đền thờ của mình, ra khỏi các phòng thánh của mình, để đồng hành với cuộc sống, để nâng đỡ các niềm hy vọng, để là dấu chỉ của sự hiệp nhất. Như Mẹ Maria, Mẹ Bác Ái, chúng ta muốn là một Giáo Hội ra khỏi nhà để bác các cây cầu, đập bể các bức tường, ngăn cách, để gieo vãi hoà giải.

Như Mẹ Maria chúng ta muốn là một Giáo Hội biết đồng hành với tất cả mọi tình trạng “bối rối” của dân chúng, dấn thân trong cuộc sống, trong văn hóa, trong xã hội, không ẩn nấp, nhưng bước đi với các anh chị em khác.

Đó là “đồng” quý báu nhất của chúng ta, đó là kho tàng lớn nhất của chúng ta và là gia tài tốt nhất  mà chúng ta có thể để lại: như Mẹ Maria học đi ra khỏi nhà trên các nẻo đường của việc thăm viếng. Và học cầu nguyện với Mẹ, dể lời cầu của chúng ta tràn đầy ký ức và lời cám tạ. Đó là thánh thi của Dân Thiên Chúa bước đi trong lịch sử. Đó là ký ức sống động của Thiên Chúa giữa chúng ta. Đó là ký ức vĩnh cửu mà Thiên Chúa đã doái nhìn sự khiêm hạ của dân Ngài, đã cứu giúp tôi tớ của Ngài như đã hứa với cha ông chúng ta và con cháu họ đến muôn đời.”

Thánh lễ đã kết thúc lúc 10 giờ sáng giờ Cuba, ĐTC đã rời đền thánh đi xe tới viếng thăm nhà thờ chính tòa Santiago de Cuba, cách đó 19 cây số.

Nhà thờ này được dâng kính Đức Mẹ hồn xác lên trời. Nhà thờ có hai tháp cao một tháp mầu trắng, một tháp mầu vàng, tọa lạc gần công viên Céspendes. Nhà thờ được xây hồi đầu thế kỷ XIX và là một trong một loạt các nhà thờ đã bị tàn phá vì các lý do khác nhau như động đất, bị cướp bóc vv… Bên trong nhà thờ có các bức bích họa rất đẹp trên các vòng cung và mái vòm nhà thờ. Trong nhà thờ cũng có mộ của ông Diego Velazquez người Tây Ban Nha đã chinh phục và thành lập thành phố. Việc trùng tu nhà thờ và mái vòm bằng gỗ mới đây nằm trong dự án cộng tác giữa vùng Toscana bên Italia và vài tổ chức địa phương như tổng giáo phận Santiago, Văn phòng duy trì thành phố và Đại học Đông phương. Mục đích việc trùng tu đã bắt đầu hồi năm 2010 nhằm cải tiến khu vực phát triển chung quanh nhà thờ chính toà, nhân dịp kỷ niệm 500 năm thành lập thủ đô cũ của đảo Cuba.

Trong ngày thứ ba 22 tháng 9 ĐTC còn một sinh hoạt khác nữa là buổi gặp gỡ các gia đình Cuba trong nhà thờ chính toà lúc 11 giờ trưa giờ địa phương và ban phép lành cho thành phố trước khi ĐTC ra phi trường từ giã Cuba đế lấy máy bay đi Washington, bắt đầu những ngày viếng thăm Hoa Kỳ. Chúng tôi sẽ tường thuật các biến cố này trong buổi phát ngày thứ năm.

PopeFrancis-Cuba-02.jpg
PopeFrancis-Cuba-04.jpg
PopeFrancis-Cuba-05.jpg
PopeFrancis-Cuba-03.jpg
PopeFrancis-Cuba-06.jpg
PopeFrancis-Cuba-08.jpg
PopeFrancis-Cuba-09.jpg
PopeFrancis-Cuba-10.jpg
PopeFrancis-Cuba-11.jpg
PopeFrancis-Cuba-12.jpg
PopeFrancis-Cuba-13.jpg
PopeFrancis-Cuba-14.jpg PopeFrancis-Cuba-15.jpg

Linh Tiến Khải