CÁM DỖ- Suy niệm Chúa nhật I Mùa Chay A

0
66

Hôm nay, bước vào Nhà Thờ, có lẽ mỗi người chúng ta thấy bầu khí phụng vụ có sự thay đổi. Lễ phục trong phụng vụ đã chuyển sang màu Tím. Các bình hoa đã được cất bớt đi. Tiếng đàn cũng không còn rộn ràng như những ngày vừa qua… Tất cả những điều đó như muốn nhắc mỗi người chúng ta rằng: phụng vụ đã bắt đầu bước vào Mùa Chay. Khi nói đến “mùa Chay”, chắc hẳn gợi lên trong tâm trí của từng người chúng ta việc sám hối. Chúng ta cần sám hối vì trong cuộc sống của mình, chúng ta đã không thiếu những lần lầm lỡ, không thiếu những lần làm những điều mà mình không muốn.

Do đó, để giúp con cái mình nhận thức rõ hơn điều này, ngay trong Chúa Nhật I Mùa Chay này, mẹ Giáo Hội mời gọi mỗi người chúng ta theo bước Đức Giêsu vào hoang địa, để nhận mặt lại tên cám dỗ và những mưu kế của nó, để rồi theo gương Đức Giêsu, và nhờ sự trợ lực của Ngài, chúng ta cũng có thể chiến thắng nó.

  1. Khuôn mặt tên cám dỗ:

Cám dỗ I: Biến đá thành bánh.

Tin mừng thuật lại: Khởi đầu cho sứ vụ công khai của mình, ngay sau khi chịu phép Rửa bởi Gioan, Đức Giêsu “được Thánh Thần dẫn vào hoang địa để chịu ma quỷ cám dỗ”. Tại đây, Đức Giêsu đã “nhịn ăn bốn mươi đêm ngày” và sau đó “Người cảm thấy đói”. Và ngay lập tức tên cám dỗ ra tay hành động. Nó nói với Đức Giêsu: “Nếu ông là Con Thiên Chúa, hãy khiến những hòn đá nầy biến thành bánh”.

Đây là một cám dỗ rất dễ gặp trong cuộc sống của mỗi người chúng ta. Nó cũng rất tế nhị, vì gắn liền với bản năng tự nhiên của con người: bản năng sinh tồn. Hơn nữa, nhìn qua bên ngoài, nó còn có vẻ hợp lý với suy nghĩ tự nhiên của con người: đói thì ăn, khát thì uống. Cơn cám dỗ này hôm nay vẫn tồn tại dưới dạng một hình thức khác, chẳng hạn như lý luận: “Có thực mới vực được đạo”, nghĩa là đặt ưu tiên cho “cái bụng, cái trước mắt” trước lãnh vực “siêu nhiên, đời sống tinh thần”. Hay nói theo cách nói của thánh Phaolô: “Họ lấy cái bụng làm Thiên Chúa” (Pl 2, 19). Thế rồi dựa vào lý luận này, chúng ta cứ tự biện minh cho sự khô khan, nguội lạnh của mình. Và thế là ừng bước một, tên cám dỗ dẫn chúng ta đi xa dần Thiên Chúa.

Cám dỗ II: Nghi ngờ sự hiện diện của Thiên Chúa.

Kế đó, tên cám dỗ đã đưa Đức Giêsu lên góc tường của Đền Thờ rồi nói với Ngài: “Nếu ông là Con Thiên Chúa hãy gieo mình xuống đi, vì có lời chép rằng: Ngài đã ra lệnh cho các thiên thần đến với ông, và chư vị đó sẽ ngâng đỡ ông trên tay, để ông khỏi vấp chân vào đá”. Đây là một cám dỗ nghi ngờ về sự hiện diện của Thiên Chúa. Cám dỗ này rất dễ gặp, nhất là những khi chúng ta gặp thử thách, gian nan: Tin và sống công chính thì được lợi lộc gì? Nó còn là một thách thức trong đời sống đức tin khi phải đối diện với mầu nhiệm về sự dữ: Tại sao người sống bất công vẫn gặp may?

Mặt khác, cám dỗ này vẫn còn mang tính thời sự của nó mỗi khi chúng ta đặt mình trong dịp tội. Mỗi lần đi bia ôm, karaokê ôm, uống café ôm, hay bạn bè với những người xấu, ngồi coi đánh bạc, nhậu nhẹt, xem film sex phải chăng là những lần chúng ta đang thử thách Thiên Chúa? Cám dỗ này còn là cám dỗ đòi những sự kiện giật gân bên ngoài, đòi những phép lạ. Chính Chúa Giêsu, trong suốt hành trình sứ vụ vẫn tiếp tục đối diện với cơn cám dỗ này. Đám đông dân chúng đi theo Ngài vẫn luôn đòi một dấu lạ (x. Mt 16, 1-4). Nhất là khi bị treo trên thập giá, Đức Giêsu cũng đã gặp lại thử thách này. Đám đông đứng dưới chân thập giá đã lớn tiếng thánh thức Đức Giêsu: “Nếu mày là Con Thiên Chúa! Hãy xuống khỏi thập giá đi nào!” (Mt 27, 40).

Cám dỗ III: Thờ ngẫu tượng

Thất bại trong hai cám dỗ đầu tiên, giờ đây, tên cám dỗ đã đưa ra trước mắt Đức Giêsu mọi vinh quang trần thế để lôi kéo Ngài quay lưng trở lại với Thiên Chúa. Đây cũng là một cơn cám dỗ rất dễ gặp trong đời thường vì nó gắn liền với những lợi lộc vật chất thấy ngay trước mắt: tiền bạc, danh vọng, quyền thế … Nó đánh ngay vào cái gọi là sự đam mê quyền lực của mỗi người chúng ta. Ngay trong vườn Địa Đàng, ông bà Nguyên Tổ đã không thể đứng vững cơn cám dỗ này, khi nghe con rắn nói: “Ngày nào các ngươi ăn trái ấy,… các ngươi sẽ biết thiện ác như thần thánh”. Ông bà đã lập tức hái và ăn trái cây Thiên Chúa cấm. Và con người hôm nay cũng thế. Đã có biết bao nhiêu người không ngần ngại dùng đủ mọi thủ đoạn, kể cả việc “giết người, phản thầy, hại bạn” để đoạt cho được quyền lực về trong tay mình.

Đây là cám dỗ đặt quyền lực và vinh quang trần thế vượt trên tất cả. Thánh Phaolô trong thư gởi tín hữu Philip đã nhận xét về những người này như sau: “Họ lấy cái bụng làm Thiên Chúa, vinh quang đặt nơi điều đáng phải xấu hổ, họ chỉ biết nghĩ đến những điều dưới đất” (Pl 3, 19).

Qua một vài điểm tìm hiểu như thế, chúng ta thấy tên cám dỗ không chỉ có vào thời Đức Giêsu, nhưng vẫn đang tiếp tục tấn công mỗi người chúng ta hôm nay. Đó là cơn cám dỗ về của ăn, cám dỗ chúng ta ngã lòng khi nghi ngờ về sự hiện diện của Thiên Chúa, hoặc là sự lôi kéo chúng ta đặt mình trong dịp tội; đó còn là cám dỗ về lòng khao khát quyền lực và vinh quang trần thế trong mỗi người chúng ta

Và cuối cùng, mặc dù ranh ma, nhưng cuối cùng tên cám dỗ đã phải thất bại ê chề. Nó đã phải rút lui trong nhục nhã trước lòng tin, sự cậy trông và lòng mến sắt son của Đức Giêsu nơi Thiên Chúa Cha.

  1. Phương thế vượt thắng cơn cám dỗ:

Nhìn lại cuộc chiến thắng của Đức Giêsu, chúng ta có thể rút ra các bài học như sau:

Thứ nhất, Đức Giêsu đã có một thái độ dứt khoát về sự chọn lựa của mình. Sự chọn lựa này không chỉ trong tư tưởng mà thể hiện ra ngay bên ngoài. Ngài nói với tên cám dỗ: “Xéo đi! Sa tan! Vì có lời chép: Ngươi phải thờ lạy Thiên Chúa ngươi và chỉ phụng sự một mình Ngài”. Đây quả là một lời mạnh mẽ, rõ ràng nói lên chọn lựa kiên quyết của Đức Giêsu đối với chương trình của Chúa Cha. Đối với Đức Giêsu: “Người ta sống không nguyên bởi bánh, nhưng bởi mọi lời do miệng Thiên Chúa phán ra”. Và để sống trọn vẹn sự chọn lựa này, Đức Giêsu đã dành trọn cuộc đời mình để thi hành ý muốn của Chúa Cha. Đối với Đức Giêsu, Thánh Ý Chúa Cha là trên hết. Nó vượt trên cả bánh ăn cho thân xác, và trên cả mọi vinh quang trần thế. Đức Giêsu đã luôn thi hành điều này một cách tuyệt đối trong suốt cuộc đời của mình, Ngài đã từng nói với các môn đệ bên bờ giếng Giacóp: “Lương thực của Ta là làm theo ý Đấng đã sai Ta” (Ga 4, 34a; x. Lc 22, 42; Pl 2, 8).

Kế đó, là việc sống gắn bó và sự cậy dựa vào ơn Chúa. Trở lại với các bài đọc, chúng ta thấy trong vườn Địa Đàng, ông bà Nguyên tổ đã dùng lý luận của mình để đối thoại với tên cám dỗ, nên đã thất bại cách thảm hại. Còn trong bài Tin mừng, Đức Giêsu đã hoàn toàn dùng lời Chúa để trả lời cho tên cám dỗ, nên Ngài đã chiến thắng vẻ vang, và “các thiên thần đã đến hầu hạ Ngài”.

Giờ đây, trong những ngày đầu của Mùa Chay, nhờ sự cầu bầu của Mẹ Maria, và nhất là ân sủng của Đức Giêsu trong bí tích Thánh Thể, mỗi người chúng ta hãy quyết tâm chọn Chúa làm cùng đích của cuộc đời mình. Đồng thời, khởi đi từ Mùa Chay thánh này, chúng ta hãy siêng năng đọc và suy gẫm Lời Chúa, nhờ đó, chúng ta sẽ có đủ sự khôn ngoan để nhận ra khuôn mặt của tên cám dỗ, và có đủ nghị lực và sức mạnh để chiến thắng nó. Amen.

Lm. Phê rô Trần Thanh Sơn