Ngày 28/08: Thánh AUGUSTINÔ Giám mục Tiến Sĩ Hội Thánh (354 – 430)

0
185

 

Thánh Augustinô sinh ngày 13 tháng 11 năm 354 tại Thagaste miền Numidia nay là Souk-Akras nước Algeria. Ông Patricô, cha ngài là một tiểu nông và là nghị viên thành phố. Ong là lương dân và chỉ theo đạo vào lúc cuối đời. Mẹ Ngài là thánh Monica đã nhờ kinh nguyện, lòng nhẫn nại và tình yêu không biết mệt mỏi đã cải hoá con. Theo thói quen thời đó, Augustinô thuộc vào số những ứng viên lãnh phép rửa tội, nhưng lại trì hoãn để tránh nguy cơ phạm tội, Ngài chỉ được thánh Ambrosiô rửa tội cho sau khi trở lại vào tuổi 32.

Augustinô đã theo học những lớp về văn chương tại Thagaste và Madaura, cuối cùng Ngài theo học khoa tu từ tại Carthage. Đời sống luân lý của Ngài vào thời kỳ này không đến nỗi tồi tệ mà có lẽ khá hơn nhiều những thanh niên cùng thời và chúng ta không nên gắt gao kết án lối cư xử của Ngài theo sát chữ viết trong cuốn “tự thuật”, chắc chắn Ngài có một tình nhân và trung tín với nàng cho tới năm 385. Ngài đã có với nàng một người con tên là Adcodatus cũng vào thời này Ngài trở thành người theo phái Manichêô.

Năm 383, Augustinô đến Roma dạy tu từ và năm 384 có được một địa sở tại Milan. Lúc này Ngài đã thấu suốt được thuyết Manichêô và rơi vào tình trạng nghi nan bất định. Tại Milan Ngài có dịp tiếp xúc với vị giám mục thời danh của giáo phận nầy là thánh Ambrosiô. Các bài giảng của thánh nhân cho Ngài thấy lần đầu tiên rằng Ngài có thể tin vào Thánh Kinh như sự giải thích của Giáo hội mà không phải hy sinh sự hiểu biết của mình. Ngài còn đọc sách của những nhà tân học phái Platôn như Plotinê và Per phyry, Những sách đã chữa cho Ngài khỏi thuyết duy vật của Manichêô và đưa Ngài vào triết học linh thiêng hơn, phù hợp với mạc khải Kitô giáo.

Augustinô đã xác tín về sự chân thật của Kitô giáo vẫn chưa đi đến bước quyết định, cho tới tháng 9 năm 386 khi Ngài trải qua một kinh nghiệm bất ngờ nhưng được chuẩn bị từ trước. Ngài đã trình bày kinh nghiệm ấy trong cuốn VIII bộ “tự thuật”. Đây là cuộc trở lại Kitô giáo lẫn cuộc sống khổ hạnh đã theo đuổi bậc trọn lành. Bỏ nghề, Ngài lui về Cassiciacum, gần Milan, cùng thánh nữ Monica mẹ Ngài và Adeodatus con Ngài, với một số bạn bè. Tại đây, Ngài bắt đầu viết và xuất bản một số tác phẩm và trau dồi về triết học, những tác phẩm đầu tiên của Ngài.

Ngài được thánh Ambrosiô rửa tội vào lễ phục sinh năm 387 rồi cùng mẹ và các bạn trở về Phi Châu. Thánh nữ Monica qua đời trên đường về tại Ostia. Tại Phi Châu theo lời khuyên của Đức Cha Valêriô địa phận Kippô, Ngài xin làm linh mục và được thụ phong năm 391. Năm 395, Ngài được tấn phong làm giám mục phụ tá và chẳng bao lâu sau lên kế vị đức cha Valêriô làm giám mục Hippô. 35 năm còn lại, Ngài bận rộn với công việc mệt nhọc của một giám mục địa phận, đồng thời vẫn dành giờ để trước tác. Ngoài tác phẩm được biết nhiều là bộ “tự thuật” còn nhiều tác phẩm thần học của Ngài (gồm 96 cuốn không kể các bài giảng và thư tín) đã mang lại sức sống mãnh liệt cho Giáo hội thời đó lẫn ngày nay.

Thánh Augustinô sống đời tu viện với hàng giáo sĩ và làm mọi sự để khích lệ việc canh tân các cộng đoàn tu sĩ. Hai bài giảng về đời sống khổ hạnh trong cộng đoàn và một bức thư dài về các nguyên tắc mà Ngài viết cho các cộng đoàn nữ tu do Ngài thành lập và em Ngài là bề trên tiên khởi, làm thành “luật thánh Augustinô”.

Thánh Possidiô bạn Ngài đã viết một bản tường thuật rất hay về đời giám mục của thánh Augustinô. Bản tường thuật này cho thấy Ngài là một người rất nhân bản, dễ thương và giàu lòng bác ái, tận tụy phục vụ cộng đoàn, thích sống nghèo khó nhưng lại hiếu khách. Chỉ có một điều Ngài không thể tha thứ được là gương mù tại bàn ăn. Ngài luôn dấn thân vào việc bệnh vực Giáo hội chống lại các người theo lạc giáo như những người theo phái Manichêô, Phômatô, Pêlagiô. Cuộc tranh luận với Pêlagiô đã để lại những bút tích của thánh Augustinô về ơn thánh. Với ảnh hưởng lớn lao trong Giáo hội sau này. Dầu nhiệt tâm chống lại lạc thuyết, thánh Augustinô vẫn luôn lịch sự và thân ái khi đối thoại với các người theo lạc giáo.

Thánh Augustinô đã sống để chứng kiến cuộc xâm lược man rợ của người Vandal vào Phi Châu bắt đầu từ năm429. Ngày 28 tháng 8 năm 430 Ngài từ trần, hưởng thọ 76 tuổi, Ngài không để lại chúc thư vì không có tài sản gì. Nhưng kể từ khi qua đời tới nay, di sản tư tưởng của Ngài được ghi nhận là phong phú nhất sau thánh Phaolô.

Nguồn: gxdaminh.net