Những bài học 5 vị thánh và chân phước dạy chúng ta về Bí tích Thánh Thể

0
153

NHỮNG BÀI HỌC 5 VỊ THÁNH VÀ CHÂN PHƯỚC DẠY CHÚNG TA VỀ BÍ TÍCH THÁNH THỂ

Từ trái sang phải: Thánh Faustina Kowalska, Thánh Kateri Tekakwitha, Chân Phước Dina Bélanger, Chân Phước Carlo Acutis, và Thánh Gioan Phaolô II

WGPVL (04.9.2021) – Thánh Faustina Kowalska, Thánh Kateri Tekakwitha, Chân Phước Dina Bélanger, Chân Phước Carlo Acutis, và Thánh Gioan Phaolô II đóng vai trò như những hình mẫu để đưa Thánh Thể đến việc sinh hoa kết quả trọn vẹn trong đời sống của chúng ta như một sự chuẩn bị cho hôn lễ vĩnh cửu đã hứa của Con Chiên (Kh 19,8).

Trong Thông Điệp của mình về niềm hy vọng, Spes Salvi, Đức Giáo Hoàng Bênêđictô XVI đã chỉ ra rằng Chúa Giêsu biết chúng ta, yêu chúng ta, Ngài muốn và chờ đợi chúng ta. Các thánh cho thấy rằng điều này đặc biệt đúng nơi Bí tích Thánh Thể.

Lịch sử của Giáo Hội đầy ắp những vị thánh đã biểu lộ lòng quý trọng sâu xa đối với Bí tích Thánh Thể. Thánh Juliana thành Liège với lòng sùng kính và tầm nhìn của mình đã góp công trong việc lập nên ngày lễ về Mình Thánh Chúa Kitô, đó chính Lễ Trọng kính Mình và Máu Chúa Kitô.

Thánh Tôma Aquinô, người có bộ Tổng luận Thần học đề cập đến trí tuệ, nhưng trong các bản văn phụng vụ về Mình Thánh Chúa Kitô của ngài lại nuôi dưỡng tâm hồn. Thánh Paschal Baylon, một Sư huynh Dòng Phanxicô, là vị bảo trợ cho các Đại hội Thánh Thể. Thánh Peter Julian Eymard đã thành lập Dòng Thánh Thể.

Năm vị thánh và chân phước mới này – bốn vị đương thời và một vị từ thời sơ khai của lịch sử Châu Mỹ – dạy bảo chúng ta bằng gương sáng của các ngài: Thánh Kateri Tekakwitha, Thánh Gioan Phaolô II, Thánh Faustina Kowalska, Chân phước Dina Bélanger và Chân Phước Carlo Acutis.

Thánh Kateri Tekakwitha

Thánh Kateri Tekakwitha là một người Mỹ gốc Algonquin-Mohawk sinh ra ở khu vực Aboardsville thuộc New York. Bộ lạc của thánh nữ là bộ lạc đáng sợ nhất trong khu vực đó.

Các nhà truyền giáo đã đạt được thành công khi khu vực này thuộc quyền kiểm soát của Pháp. Vì đã thăng tiến nhanh chóng trong sự hiểu biết về đức tin – cho nên Kateri Tekakwitha được phép lãnh nhận các bí tích sớm hơn những người khác. Thánh nữ phải chịu sự sỉ nhục liên tục từ các thành viên không phải là Kitô hữu của bộ lạc và vì vậy, thánh nữ chuyển đến một ngôi làng Công giáo toàn tòng bản địa gần Montreal, Canada. Thánh nữ đã sống đức tin mãnh liệt trong 4 năm sau khi được rửa tội, bao gồm cả việc khấn hứa khiết tịnh.

Có ba cột trụ đối với đời sống thiêng liêng của thánh nữ: Thánh giá, Bí tích Thánh Thể và kinh Mân Côi của Đức Mẹ. Lòng sùng kính Thánh Thể của thánh nữ đã được thể hiện bằng việc thánh nữ luôn hiện diện ở cửa nhà thờ trước khi nhà thờ mở cửa, bất kể thời tiết ra sao. Thánh nữ đã dành hàng giờ để chầu trước Nhà Tạm. Theo phong tục, bộ lạc thường đi săn dài ngày. Thánh nữ đã tham dự một lần, nhưng lại dành phần lớn thời gian để suy niệm trước một cây thánh giá lớn do thánh nữ làm ra. Có rất nhiều sự thiếu thốn phải chịu đựng nếu một người vẫn ở lại làng trong thời gian đi săn. Thánh nữ thích chịu đựng những điều đó hơn là bị thiếu thốn Bí tích Thánh Thể.

Thánh Kateri qua đời vào năm 1680, ở tuổi 24. Vài phút sau khi qua đời, những vết sẹo thủy đậu nhỏ trên mặt thánh nữ (do một trận dịch thời thơ ấu để lại) đã biến mất, để lại làn da trong sáng rạng ngời. Người ta nói rằng thánh nữ đã hiện ra với một số người, trong đó có cả vị linh hướng đã viết tiểu sử của mình. Kateri Tekakwitha đã được tuyên thánh vào năm 2012.

Thánh nữ cho thấy rằng việc đạt được cuộc sống thần bí không phụ thuộc vào hoàn cảnh vật chất hay trình độ học vấn. Thánh nữ đã chứng minh những gì Chúa Giêsu đã nói trong Mt 11,25 – rằng điều làm vui lòng Chúa Cha là mặc khải những mầu nhiệm đức tin cho những người bé mọn, chứ không nhất thiết là cho những bậc khôn ngoan thông thái.

Thánh Giáo Hoàng Gioan Phaolô II

Mọi người trong đội ngũ nhân viên của Thánh Gioan Phaolô II đều biết rằng Thánh Lễ là trung tâm ngày sống của ngài. Ngài sẽ dành 10 phút với những người tham dự để chuẩn bị trước Thánh Lễ, và 10 phút sau Thánh Lễ để tạ ơn. Có thể thấy rõ ràng là ngài đã hiện diện ở đó cách thể lý nhưng lại ý thức sâu sắc về sự hiện diện của Thiên Chúa. Thư ký của ngài cho biết mỗi ngày ngài đến viếng Thánh Thể khoảng 20 lần, thường nằm phủ phục theo hình thánh giá.

Tất cả những người tổ chức các chuyến đi nước ngoài của ngài đều biết rằng một cuộc viếng Thánh Thể ngẫu hứng có thể làm chậm lịch trình ít nhất 20 phút, vì vậy họ được khuyên hãy đảm bảo rằng ngài không đi ngang qua một nhà nguyện trên đường của mình. Trong chuyến thăm Baltimore vào năm 1995, điều tình cờ là nhà nguyện của nơi vị Hồng Y ở lại nằm trên hành lang chính. Người tổ chức của Đức Giáo hoàng nhấn mạnh rằng cánh cửa của nhà nguyện đó phải được đóng lại. Cánh cửa đó vốn giống với tất cả các cánh cửa khác. Thánh Gioan Phaolô đã đi ngang qua cánh cửa đã đóng đó nhưng rồi lại dừng, quay lại và đi đến cánh cửa đó. Ngài bước vào trong 20 phút như bình thường và sau đó vẫy ngón tay của mình với người tổ chức. Dường như ngài có giác quan thứ sáu liên quan đến Chúa Giêsu Thánh Thể.

Ngài đã viết một số tài liệu về Bí tích Thánh Thể, tài liệu chính là Thông điệp Ecclesia de Eucharistia của ngài (Về Bí tích Thánh Thể trong mối tương quan với Giáo Hội). Ngài muốn đổi mới đức tin và lòng sùng kính đối với Bí tích Thánh Thể như là Sự Hiện Diện, Hy Tế và Hiệp Lễ. Ngài nói rằng mỗi cộng đoàn tham dự Thánh lễ phải hiệp nhất trong lòng kính sợ và tạ ơn vì những gì họ đang tham dự, và rằng Đức Maria, Người Nữ của Bí tích Thánh Thể, là hình mẫu của chúng ta. Chúng ta nên cùng với ngài cầu nguyện rằng, “Lạy Mẹ Maria, xin dẫn chúng con đến với Chúa Giêsu Thánh Thể.”

Thánh Faustina Kowalska

Thánh Faustina sinh năm 1905 tại Ba Lan và mất năm 1935. Ngài là vị thánh đầu tiên được tuyên thánh trong năm 2000. Là người nhận được những mặc khải thánh thiêng về Lòng Chúa Thương Xót trong thời đại chúng ta, thánh nữ được hướng dẫn để ghi chép lại trong một cuốn nhật ký và để quảng bá một hình ảnh đặc biệt, một ngày lễ, một tràng hạt, một tuần cửu nhật và một buổi cầu nguyện 3 giờ chiều hàng ngày dành riêng cho Lòng Chúa Thương Xót.

Thánh nữ đã nghiệm ra sự hiểu biết được truyền lại cho mình, như thánh nữ ghi lại trong nhật ký về Bí tích Thánh Thể trong Bữa Tiệc Ly, Thánh Lễ đầu tiên:

“Trong giờ cầu nguyện này, Chúa Giêsu đã cho phép tôi vào phòng Tiệc ly, và tôi là nhân chứng cho những gì đã xảy ra ở đó. Tuy nhiên, điều làm tôi xúc động nhất là lúc trước giờ Truyền phép, Chúa Giêsu đã ngước mắt lên trời và bước vào trong một cuộc đối thoại bí ẩn với Cha của Người. Chỉ trong cõi đời đời, chúng ta mới thực sự hiểu được khoảnh khắc đó. Đôi mắt Người như hai ngọn lửa; gương mặt Người rạng rỡ, trắng như tuyết; toàn bộ con người của Người đầy vẻ uy nghiêm, tâm hồn của Người đầy tràn khao khát. Vào lúc Truyền phép, tình yêu đã được no thỏa – hy tế đã viên mãn một cách trọn vẹn. Giờ đây, chỉ còn nghi thức cuộc tử nạn – sự tự huỷ bên ngoài – sẽ được thực hiện mà thôi; điều chính yếu [của cuộc hiến tế] là ở trong phòng Tiệc ly. Suốt đời, tôi chưa từng bao giờ hiểu được mầu nhiệm này sâu xa như trong giờ chầu hôm ấy. Ôi, tôi tha thiết ước mong cho cả thế giới cũng được hiểu biết mầu nhiệm khôn thấu này!” (Nhật ký, số 684)

Ở chỗ khác, thánh Faustina còn thêm:

“Ôi, những mầu nhiệm diễn ra trong Thánh Lễ thật đáng sợ biết bao! Một mầu nhiệm vĩ đại được thực hiện trong Thánh Lễ. Chúng ta phải lắng nghe và tham dự vào cuộc tử nạn này của Chúa Giêsu với một lòng sùng kính lớn lao. Một ngày kia, chúng ta sẽ biết những gì Thiên Chúa đang thực hiện vì chúng ta và ơn ban Người đang chuẩn bị cho chúng ta trong từng Thánh Lễ. Chỉ có tình yêu Thiên Chúa mới có thể ban cho chúng ta một ơn ban như thế. Ôi Chúa Giêsu, Chúa Giêsu của con, linh hồn con bị xuyên thấu đau đớn khi nhìn thấy nguồn mạch sự sống này đang tuôn tràn sự dịu ngọt và sức mạnh cho từng linh hồn, đồng thời con cũng nhìn thấy các linh hồn đang tàn phai và khô héo vì lỗi lầm của họ. Ôi Chúa Giêsu, xin hãy ban sức mạnh của lòng thương xót để ấp ủ những linh hồn này.” (Nhật ký, số 914)

Thánh Faustina còn thuật lại việc đã nhìn thấy những tia sáng đỏ và xanh nhạt lan ra từ Mặt nhật Thánh Thể, trong khi nghe được Thiên Chúa chúng ta nói rằng, “Đây Ta là Vua của Lòng Thương Xót” – một động lực mạnh mẽ cho việc Chầu Thánh Thể thường xuyên của chúng ta.

Chân Phước Dina Bélanger

Chân Phước Dina sinh năm 1897 tại Québec, mất năm 1929 và được tuyên Chân Phước năm 1993. Với năng khiếu âm nhạc, thánh nữ theo học piano ở New York. Khi trở về quê nhà, thánh nữ gia nhập Dòng Chúa Giêsu và Mẹ Maria. Điểm nhấn trong đời sống thiêng liêng của thánh nữ là Thánh Tâm Thánh Thể của Chúa Giêsu. Thánh nữ còn được ban ơn cách đặc biệt để hiểu mối quan hệ của Đức Maria với Bí tích Thánh Thể, như ngài đã ghi lại trong cuốn tự truyện của mình vào ngày 4 tháng 6 năm 1928:

“Lạy Chúa chúng con, Chúa đã làm người, đã cho con thấy Thánh Tâm đáng yêu của Người nơi Thánh Thể… Cả Thánh Tâm của Người và Thánh Thể đều hợp nhất một cách hoàn hảo với nhau đến mức con không thể giải thích làm sao mà con có thể phân biệt được Cả Hai. Từ Thánh Thể, phát ra vô số tia sáng. Từ Thánh Tâm của Người cũng phát ra vô vàn ngọn lửa, cuộn trào như trong những cơn lũ dày đặt.

“Đức Trinh Nữ Cực Thánh đã ở đó, rất gần Chúa của chúng ta đến nỗi dường như Mẹ bị Người cuốn lấy, nhưng con lại thấy Mẹ khác biệt với Người… Tất cả ánh sáng từ Thánh Thể và ngọn lửa từ Thánh Tâm Chúa Giêsu đã xuyên qua Trái Tim Vô Nhiễm Nguyên Tội của Đức Trinh Nữ Rất Thánh…”

“Chúa của chúng ta đã nói với tôi: ‘Thánh Tâm Ta tràn đầy ân sủng dành cho các linh hồn. Hãy mang chúng đến Thánh Tâm Thánh Thể của Ta.’”

“Ngoài ra, Đức Trinh Nữ Cực Thánh đã lôi kéo các linh hồn về phía mình để dẫn họ đến Thánh Tâm Thánh Thể. Cuối cùng, tôi nhìn thấy vô số thiên thần xung quanh Thánh Tâm Thánh Thể, một đám đông cũng đang đi tới đến mức mắt có thể nhìn thấy. Trong thứ ngôn ngữ thiên đường của mình, họ lặp lại: “Vinh danh Vua muôn đời qua muôn thế hệ!”

Các tia sáng từ Thánh Thể có thể đại diện cho những ân sủng về việc sáng soi tâm trí, trong khi các ngọn lửa có thể đại diện cho những ân sủng về sự hiệp nhất hăng say của tâm hồn. Điều này không chỉ dành cho thánh nữ mà còn cho tất cả mọi người, đó cũng là điều vốn được gợi ra qua ý muốn của Thiên Chúa dành cho chúng ta khi chúng ta dâng lại cho Người linh hồn mình.

Chân Phước Carlo Acutis

Cậu bé 15 tuổi này nhanh chóng trở nên nổi danh trên toàn cầu. Sinh năm 1991 tại Anh với bố mẹ là người Ý, anh qua đời năm 2006 tại Ý vì bệnh bạch cầu nặng. Carlo dễ mến đã thể hiện tất cả những sở thích đặc trưng của một cậu bé, bao gồm bóng đá, nhiếp ảnh và đặc biệt là máy tính. Mặc dù là một cậu học sinh bình thường, nhưng Carlo lại có tài năng của một chuyên viên đại học trong ngành khoa học này. Cậu là người mạnh mẽ ủng hộ sự sống (pro-life) và thể hiện nó cũng mạnh mẽ không kém. Đời sống của cậu được soi dẫn bởi đức tin Công giáo của mình mặc dù cha mẹ cậu không theo đạo. (Họ dần dần trở lại đức tin qua mẫu gương của cậu.)

Chúa Giêsu Thánh Thể là trung tâm của cuộc đời cậu. Được biết rằng Carlo đã rước Mình Thánh Chúa mỗi ngày sau khi Rước Lễ Lần Đầu. Cậu nói rằng Bí tích Thánh Thể là “con đường cao tốc dẫn đến thiên đàng” của mình. Không chỉ là một hướng đi hay một con đường (via trong tiếng Ý), với đèn báo và biển dừng, nhưng còn là một đường cao tốc, không có chướng ngại và hướng thẳng đến đích điểm của cậu.

Sự chú tâm đến Bí tích Thánh Thể đã khiến cậu nghiên cứu tất cả 126 phép lạ Thánh Thể được biết đến ở Châu Âu. Các kỳ nghỉ của gia đình đã được sử dụng để truy cập các trang web này. Cậu đã áp dụng kiến ​​thức chuyên môn về máy tính của mình cho những phép lạ đó và tạo ra các áp phích cho từng phép lạ đang được lưu hành trên khắp thế giới bằng nhiều ngôn ngữ khác nhau với tựa đề Cuộc triển lãm Quốc tế về Phép lạ Thánh Thể của Vatican. (Một cuốn sách chứa các hình ảnh của những áp phích sẵn có.) Tất cả các nhà thờ ở Assisi, thành phố yêu thích của cậu, nơi cậu được tôn kính, đã chầu Thánh Thể vào ngày cậu được tuyên Chân Phước vào tháng 10 năm 2020, làm cho thành phố này trở thành một thành phố Thánh Thể.

Cậu cho thấy rằng ngay cả người trẻ cũng có thể trở thành những nhà loan báo Tin Mừng Thánh Thể bằng cách sử dụng tài năng của mình cho mục đích đó.

Các vị thánh như những vì sao

Trong bài suy niệm giờ đọc kinh Truyền Tin dịp Lễ Hiển Linh năm 2008, Đức Bênêđictô XVI đã chỉ ra rằng:

“Những người nam người nữ ở mọi thế hệ đều cần được hướng dẫn trong quãng đường lữ hành của mình: vì vậy chúng ta có thể đi theo ngôi sao nào đây?… Giáo Hội thực hiện sứ mệnh ngôi sao cho nhân loại. Nhưng một điều gì đó tương tự cũng có thể được nói đến nơi mỗi Kitô hữu, những người được mời gọi để chiếu soi con đường của anh em mình bằng lời nói và gương sống.”

Chúng ta đã thấy được điều này nơi cuộc đời của năm vị thánh trên.

Chủ đề này đã được bao gồm trong Thông Điệp Spe Salvi (Về Niềm Hy vọng Kitô giáo) năm 2007. Phần kết luận tập trung vào “Đức Maria, Ngôi sao của Niềm Hy vọng.” Đức Giáo Hoàng nói:

“Những ngôi sao thực sự của cuộc đời chúng ta là những người đã sống một cuộc đời tốt đẹp. Họ là những ánh sáng của niềm hy vọng. Chắc chắn, Chúa Giêsu Kitô là ánh sáng thật… Nhưng để đến được với Người, chúng ta cũng cần có những ánh sáng ở gần – những người chiếu toả ánh sáng của Người và vì vậy, hướng dẫn chúng ta trên con đường của mình. Ai có thể hơn Đức Maria là một ngôi sao hy vọng cho chúng ta?”

Điều này phù hợp với phần kết luận trong Thông Điệp Ecclesia de Eucharistia của Thánh Gioan Phaolô II, được dành cho “Đức Maria, Người Nữ của Bí tích Thánh Thể”. Ở đó, ngài làm sáng tỏ mối tương quan của Đức Maria với Bí tích Thánh Thể và nhu cầu của chúng ta phải được kết hợp với Mẹ trong mối tương quan duy nhất đó. Điều đó đặc biệt đúng vì đã có báo cáo rằng hầu hết người Công giáo, khoảng 70%, không tin vào sự Hiện diện Thực sự của Chúa Giêsu trong Bí tích Thánh Thể.

Trong Tông Thư Mane Nobiscum Domine (Lạy Chúa, xin ở lại với chúng con), Thánh Gioan Phaolô II đã nói:

“Vì lòng sùng kính, chúng ta hãy đào sâu đời sống chiêm niệm của cá nhân của mình cũng như cộng đoàn, nhờ có những bản văn trợ giúp cầu nguyện luôn thấm đẫm Lời Chúa và nhờ kinh nghiệm của biết bao nhà thần bí từ trước đến nay.”

Các vị Thánh và Chân Phước trên là những người, với sự trợ giúp từ ơn ban của Chúa Thánh Thần, đặc biệt là ơn khôn ngoan và hiểu biết, đã thâm nhập sâu sắc vào cốt lõi của một mầu nhiệm đức tin.

Rõ ràng là từ gương chứng nhân của các ngài mà Chúa Thánh Thần không ngừng làm triển nở các vị thánh của Bí Tích Thánh Thể để mở mang Giáo Hội.

Tác giả: Lm. Stan Smolenski
Chuyển ngữ: Phil. M. Nguyễn Hoàng Nguyên
Nguồn: ncregister.com (02.9.2021)

Nguồn: giaophanvinhlong.net

#bitichthanhthe #vithanhvachanphuoc