Nụ cười
“Cười lên đi cho tâm hồn thoải mái. Cười lên đi cho thoải mái tâm hồn. Cười lên đi cho đời ta thoải mái. Thoải mái tâm hồn ta hãy cười lên đi”. Đây là những lời trong một bài hát sinh hoạt. Tôi thường hát bài này khi đi sinh hoạt với Thiếu nhi, Giới trẻ và cả người già. Các cụ nhà ta dạy rằng: Một nụ cười bằng mười thang thuốc bổ. Điều đó muốn nói lên giá trị vô cùng to lớn của nụ cười. Thế nhưng tại sao chúng ta lại ít cười? Một con số thống kê làm ta ngạc nhiên đó là: Khi còn trẻ, mỗi ngày ta cười khoảng 300-400 lần, còn khi lớn lên con người chỉ còn cười từ 30-40 lần. Tại sao lại có sự giảm thiểu như vây?
Nguyên nhân đầu tiên có lẽ đến từ yếu tố xã hội. Con người thường được dạy phải nghiêm chỉnh. Nghiêm chỉnh được chấp nhận hơn là cười đùa. Càng làm lớn và có địa vị trong xã hội, người ta càng phải nghiêm chỉnh. Tôi thấy những người trẻ khi mới vào dòng tu, họ rất hồn nhiên. Thấy vui muốn cười là họ cười. Thế nhưng, những người làm Bề trên lại không muốn như thế. Họ không hài lòng với điều đó. Thế là các bạn trẻ của chúng ta dần đánh mất thói quen cười đùa. Tôi là người hay nói đùa và thích nói đùa. Ngày tôi được chịu chức linh mục, bố tôi bảo: Nay con đã là linh mục rồi, đừng nói đùa nữa kẻo bị hiểu lầm. Câu nói của bố tôi diễn tả phần nào tâm thức của con người. Làm linh mục nghĩa là phải nghiêm chỉnh. Làm linh mục nghĩa là không được nói đùa cười vui. Nghe có vẻ hơi buồn cười phải không các bạn? Nhưng các bạn cứ nhìn vào linh mục xem, có lẽ bố tôi nói đúng. Đa phần linh mục đều nghiêm nghị. Điều đó khiến giáo dân rất sợ. Ít linh mục cười vui.
Nguyên nhân thứ hai có lẽ đến từ gánh nặng cuộc sống. Càng lớn, con người càng vất vả. Cuộc sống bon chen khiến con người trở nên ngột ngạt. Người ta chẳng còn mấy thời gian dành cho bản thân. Họ phải chiến đấu để có cơm áo gạo tiền lo cho gia đình. Khi con cái còn nhỏ thì họ lo cho chúng ăn học, lớn lên thì lo lập gia đình cho chúng, và rồi tuổi già thì lo bệnh tật. Cuộc sống với một vòng tua như thế khiến nụ cười cứ dần tắt trên môi. Nhạc sĩ Đức Huy trong bài hát Tiếng mưa đêm đã viết: “Còn rơi mãi trên phím đàn. Còn rơi mãi những tiếng buồn thở than. Đã lâu rồi nụ cười vắng trên môi”. Nghe câu hát đã lâu rồi nụ cười vắng trên môi thật xót xa. Có những gánh nặng, những nỗi đau của thể xác và tâm hồn khiến lòng người như trùng xuống, không sao có thể cười lên được.
Nguyên nhân cuối cùng có lẽ do yếu tố di truyền. Có người sinh ra đã hay cười. Gặp ai họ cũng cười. Ngay cả khi có chuyện buồn, họ cũng không thể buồn lâu được. Nụ cười lúc nào cũng luôn thường trực trên môi họ. Có người sinh ra lại chẳng bao giờ cười. Khuôn mặt của họ lúc nào cũng như đang đăm chiêu suy nghĩ. Những người như thế thật khó để có được một nụ cười.
Bạn thân mến, nụ cười thật sự cần thiết cho cuộc sống của con người. Nó xua tan đi những nỗi buồn trong cuộc sống. Nó làm cho khuôn mặt của ta ánh lên niềm hân hoan và vui sướng. Nếu nó không bằng mười thang thuốc bổ như lời các cụ dạy thì nó cũng thật sự giá trị với bạn và tôi. Hãy cười lên bạn nhé. Dù cuộc sống còn nhiều khó khăn, lo âu vất vả, bạn hãy cười mỗi ngày. Hãy học cách cười. Đừng cười ai cả. Hãy cười chính bản thân mình. Hãy cười mình bởi đơn giản mình đã ngu xuẩn vì không biết cười.
Chúc các bạn một ngày tràn ngập tiếng cười.
JBP Sưu tầm