Nóng giận trong đời sống gia đình và xã hội

0
61

NÓNG GIẬN TRONG ĐỜI SỐNG GIA ĐÌNH VÀ XÃ HỘI

WHĐ (4.8.2020) – Hầu như tất cả chúng ta không ai không có lúc bực tức, khó chịu, cáu kỉnh, giận dữ hoặc điên tiết với người này người nọ vì lý do này hay lý do kia: điều chờ đợi thì lại không đến, hay đến không theo như mình chờ đợi, điều không chờ thì lại đến, chẳng hạn. Quả thật, trong cuộc sống thường ngày, có vô số những cái có thể làm chúng ta khó chịu, tức giận.

Sự nóng giận biểu lộ qua nét mặt, giọng nói,– từ gắt gỏng, lớn tiếng đến quát tháo, la hét–, qua cung cách, thái độ như đập bàn đập ghế thậm chí, đấm đá, hành hung người khác, có thể dẫn đến tử vong nếu không phải của ‘người bị giận dữ’ thì cũng là của chính ‘người tức giận’, vì đột quỵ chẳng hạn.

Sự nóng giận dễ bộc phát với người nóng tính hơn là với người ôn hoà, trầm tĩnh. Nóng giận có thể kèm theo cả lòng oán hận có khi kéo dài sau cả khi cơn giận trôi qua. Có người nóng giận nhưng lại dễ dàng bỏ qua.

  1. PHÂN LOẠI SỰ NÓNG GIẬN

1.1. Có loại nóng giận dai như chữ viết trên đá.

Những người thuộc loại này là những người rất dễ nóng giận, dễ mang hận thù và khó quên được điều đã làm mình nóng giận, lúc nào cũng bực tức, khó chịu trong lòng vì chấp nhất, bảo thủ. Loại người này nguy hiểm vì chỉ cần trái ý, nghịch lòng một chút là đùng đùng nổi giận, thù hằn dai dẳng và sôi sục ý muốn trả thù bất chấp hậu quả, sẵn sàng làm tổn hại nhiều người khác một cách vô cớ bằng những lời hằn học nặng nề, thậm chí vu khống, sỉ nhục người khác và sẵn sàng tìm cách tiêu diệt đối phương bằng bất cứ giá nào.

Thật là vô phúc cho người bề dưới khi phải sống dưới nguyền những người lãnh đạo thuộc hạng người có tính nóng như chữ viết đã được khắc sâu vào đá, rất khó phai mờ dù bão táp, phong ba.

1.2. Có loại nóng giận như chữ viết trên đất.

Chữ viết trên đất dĩ nhiên là không dai dẳng như chữ được khắc trên đá. Khi nghe lời trái ý, lòng có thể sôi sục và cũng rất dễ gây nguy hiểm, nặng thì dẫn đến xô xát, nhẹ thì dùng lời hằn học khó nghe. Loại người này nếu biết buông xả, lòng không cố chấp thì tâm mát mẻ, dễ dàng cảm thông, bỏ qua mọi việc.

Nếu như mau giận mà lại chóng quên, tuy nóng nảy nhưng có thể chỉ vì trực tính thì chuyện qua rồi sẽ không ôm phiền muộn trong lòng. Khi ta lỡ lời làm cho ai buồn thì nên biết hạ mình xin lỗi và cố gắng khắc phục. Cũng giống như chữ viết trên đất, chỉ một cơn mưa thoáng qua là bao nhiêu hờn giận đều tan biến, nên thân tâm sẽ nhẹ nhàng, mát mẻ. Tuy nóng giận nhanh nhưng lại mau nguội. Loại người này thật thà, ngay thẳng nên không để bụng. Điều gì không hài lòng, vừa ý thì nói ra liền. Con người ai cũng thích ngọt ngào, êm dịu nên lòng thì tốt nhưng lại dễ làm người khác tự ái, tổn thương, sinh ra thù hằn, oán ghét.

1.3. Có loại nóng giận như chữ viết trên nước.

Có nóng giận mà như không. Viết trên mặt nước, dù có viết bao nhiêu chữ cũng chẳng để lại dấu vết gì. Nếu lời thế nhân nói đúng thì tiếp thu, sửa sai; nói không đúng thì cũng lắng nghe và cảm thông nỗi khổ niềm đau của người khác. Không tranh giành, không bực tức, không giận dữ là trường hợp hiếm có ở trên đời, chỉ có các bậc thành tựu tuệ giác vô ngã mới sống an nhiên, không phiền giận ai. Sống với họ ta luôn cảm thấy an vui hạnh phúc.[1]

  1. NHỮNG ĐỘNG LỰC KHIẾN NÓNG GIẬN

2.1. Nóng giận nhằm thay đổi hành vi của người khác.

Trong tiềm thức, người ta muốn nói: “Tôi không thích hành động của bạn, do đó tôi sẽ tỏ ra huênh hoang và nóng giận để hăm dọa bạn, ngõ hầu bạn sẽ thay đổi hành động của mình.” Nhiều người trong chúng ta đã từng thấy sự nóng giận vận hành theo cách ấy, và có lẽ chúng ta cũng đã sử dụng sự nóng giận vì mục đích đó. Bao lâu chúng ta còn nóng giận với một ai đó, có lẽ anh ta sẽ không bao giờ lập lại những việc trước đây đã khiến chúng ta tức giận, bởi vì nếu anh ta tái diễn việc ấy, chúng ta sẽ nóng giận hơn. Nói cách khác, nhờ nóng giận mà chúng ta làm cho người khác sợ chúng ta để điều đó không còn tái diễn nữa.

2.2. Nóng giận để bênh vực quyền lợi.

Nóng giận có thể là một sự bộc lộ để bênh vực quyền lợi của mình hay của người khác, chẳng hạn, khi người ta nóng giận vì tình trạng phân biệt đối xử hay vì ô nhiễm, người ta phản kháng, biểu tình, viết thỉnh nguyện thư – họ hành động, đôi khi rất nhiệt tình. Trong nền văn hoá chúng ta, người ta biểu lộ sự tức giận qua việc kiện tụng. Họ tin là mình đáng hưởng những gì mình đòi hỏi. Bạn có nghe kẻ cướp hiệu thuốc bào chữa cho mình trước tòa án chưa? Trong khi ăn cướp, anh ta đã ngã từ cửa sổ xuống đất. Rồi anh ta đi kiện hiệu thuốc, vì anh ta nghĩ là mình có quyền ăn cướp mà không bị thương!

2.3. Nóng giận có thể là một cách để bày tỏ một ước muốn.

Sự nóng giận có thể là một cách để bày tỏ ước muốn của mình. Điều bạn muốn và đòi hỏi “phải thế này, phải thế nọ”. Tất cả chúng ta đều tin là phải thay đổi điều gì đó. Chúng ta có thể phẫn nộ một cách chính đáng – nghĩa là nóng giận vì tinh thần xây dựng – hay cho phép mình nóng giận vì một tình trạng cụ thể nào đó, nhằm xóa bỏ mọi “rác rưởi” đã tích tụ lâu dài. Một số người sẽ giải tỏa được những tổn thương nho nhỏ, khi họ tìm được một nơi mà họ có thể nói: “À! Đây là nơi tôi có thể vứt bỏ mọi sự nóng giận cùng với mọi thứ rác rưởi khác mà tôi mang theo đã khá lâu.”[2]

  1. NHỮNG TÁC HẠI CỦA NÓNG GIẬN

Tại sao chúng ta lại nóng giận? Nếu dành thời gian để tự suy ngẫm, nhận thức về bản thân, chúng ta sẽ dễ dàng nhận ra cơn giận của mình bắt nguồn từ đâu và chúng ta đang nóng giận điều gì. Nóng giận luôn luôn bắt đầu từ sự rối loạn trong ý thức, do thế giới xung quanh tồn tại khách quan và không “tuân theo mệnh lệnh” của chúng ta. Chúng ta nóng giận là vì chúng ta đã hình dung trong tâm trí mình về những điều nên diễn ra, người khác nên cư xử như thế nào, sự việc nên diễn biến ra sao, nhưng thực tế bên ngoài lại không trùng khớp với hình ảnh trong tâm trí. Do đó, nóng giận chính là dấu hiệu cho thấy chúng ta đang cố gắng và đang thất bại trong việc kiểm soát con người và sự kiện bên ngoài – những đối tượng mà chúng ta không thể và cũng không nên kiểm soát. Đây là lý do tại sao nóng giận lại thường được liên tưởng với trạng thái mất trí.

Khi tức giận, chúng ta phạm phải ít nhất là ba điều tồi tệ.

– Thứ nhất, chúng ta đã mất khả năng kiểm soát bản thân – vì đã để cho cảm xúc chi phối mình.

– Thứ hai, chúng ta hoàn toàn mất lý trí khi để cho cảm xúc giết chết khả năng suy nghĩ hợp lý, tích cực.

– Thứ ba, chúng ta đang cố gắng để làm cái điều mà nắm chắc sẽ thất bại, nghĩa là thay đổi điều không thể thay đổi – đó là quá khứ và người khác.

Khẩu súng không thể giết người, mà chính cảm xúc – sự giận dữ – mới là kẻ bóp cò. Mỗi khi chúng ta cảm thấy muốn phát cáu lên, thất vọng hay sắp nóng giận, hãy tỉnh táo và chúng ta sẽ thấy rằng mình đang bắt đầu đối mặt với cuộc chiến trên cả ba mặt trận: với quá khứ, với người khác và với bản thân.[3]

3.1. Nóng giận làm phát sinh nhiều bệnh tật nơi con người.

Sự thật đàng sau những cơn nóng giận, dường như chúng ta đã tập nhiễm cho bản thân một “phản xạ có điều kiện” tồi tệ khi rơi vào những tình huống căng thẳng. Điều đó tạo thành một thói quen thất thường trong các mối quan hệ với bạn bè hay đồng nghiệp và vô tình kích hoạt các tác nhân gây bệnh.

Khi tâm trạng khủng hoảng kéo theo sự căng thẳng do giận dữ thì cơ thể sản sinh và giải phóng các kích thích tố (hoóc–môn) adrenaline và cortisol. Những kích thích tố này khiến tim đập nhanh hơn, hơi thở dồn dập và tâm trí xáo trộn, đồng thời lượng đường có trong cơ thể cũng tiết ra nhiều hơn để làm căng các cơ và máu lưu thông mang theo nhiều hơn các yếu tố làm đông máu. Thời gian giận dữ càng lâu thì các tác nhân kích thích càng hoạt động mạnh.

Sự việc có vẻ được cải thiện hơn khi những căng thẳng và hoảng sợ này chỉ diễn ra trong thời gian ngắn. Nhưng nếu cứ giữ cảm xúc này thường xuyên mà không loại trừ dần chúng đi thì chúng cũng sẽ nhanh chóng trở thành những “cảm xúc triền miên” khó cắt đứt, và khi đó các hoóc–môn ấy bắt đầu chuyển thành chất độc. Cortisol làm suy yếu hệ miễn dịch, ảnh hưởng đến nhiều căn bệnh và chứng rối loạn nghiêm trọng. Theo Giáo sư Stafford Lightman của trường Đại học Bristol thì “Cortisol gây teo tế bào thần kinh và dẫn đến mất trí nhớ. Nó cũng kích thích tăng huyết áp và đường huyết, làm cứng động mạch, gây ra bệnh tim mạch”. Chúng trở thành những “cơn bệnh” cả về tinh thần và thể chất làm cuộc sống của chúng ta không thể hạnh phúc và khoẻ mạnh.[4]

3.2. Nóng giận có thể đưa đến hành động giết người, nhất là đối với những người đang nắm quyền hành trong tay.

Chuyện kể rằng ngày xưa có một vị vua dung mạo rất xấu xí. Ông vừa bị chột vừa bị què. Ngày nọ, ông triệu tập tất cả các họa sĩ tài ba trong vương quốc vẽ chân dung cho ông. Ông tuyên bố:

Ta sẽ trọng thưởng cho người nào vẽ được bức họa khiến ta hài lòng. Ngược lại, ta sẽ chém đầu bất cứ ai vẽ không hợp ý ta.

Nghe thấy vậy, một người họa sĩ nghĩ rằng: “Ai dám mạo phạm đến sự oai nghiêm của quốc vương kia chứ! Dù ngoại hình của quốc vương rất xấu xí nhưng ta sẽ cứ vẽ ông thật đẹp!”. Nghĩ vậy nên ông vẽ bức chân dung mà trong đó, vị quốc vương trông vô cùng oai nghiêm, không mù và không què. Nào ngờ, khi ông dâng bức chân dung ấy lên thì quốc vương đùng đùng nổi giận:

Những kẻ chỉ biết lừa dối, thêu dệt và xu nịnh người khác nhất định là kẻ tiểu nhân. Giữ lại mạng sống của hắn ta cũng vô ích. Mau lôi hắn ra chém đầu cho ta!

Và người họa sĩ đó đã bị giết chết.

Thấy vậy, người họa sĩ thứ hai thầm nghĩ: “Bức tranh thêu dệt kia đã khiến quốc vương phẫn nộ, vậy mình sẽ vẽ một bức chân dung như thật”. Người họa sĩ thứ hai trình bức tranh của mình lên quốc vương. Trong tranh là hình ảnh quốc vương bị chột một mắt, què một chân, vừa già vừa xấu. Quốc vương vừa xem tranh đã lập tức nổi giận. Ồng quát to:

Ngươi dám làm xấu mặt quốc vương, phạm đến sự oai nghiêm của ta. Thật là một kẻ ngông cuồng. Để cho ngươi sống cũng vô ích. Mau chém đầu hắn cho ta!

Vậy là người họa sĩ thứ hai cũng bị chém.

Những họa sĩ còn lại hết sức khiếp sợ trước tình hình trên, chẳng ai còn dám mạo hiểm vẽ chân dung cho quốc vương nữa, nhưng nếu không vẽ thì cũng sẽ bị chém đầu. Trong lúc các họa sĩ khác còn đang lo sợ thì có một người bước ra, dâng lên quốc vương bức tranh của mình.

Vừa nhìn thấy bức tranh, vị quốc vương không ngớt lời ca ngợi. Sau đó, ông trao bức tranh cho các quần thần cùng ngắm nghía.

Bức tranh vẽ cảnh quốc vương đang đi săn, một chân đứng trên đất, còn chân kia gác lên một gốc cây. Ồng đang giương cung và nhắm một mắt để ngắm con mồi. Tất cả mọi người có mặt tại cung điện đều không ngớt lời khen ngợi bức tranh. Và giữ đúng lời hứa, vị quốc vương đã ban thưởng cho người họa sĩ đó một ngàn lượng vàng.[5]

3.3. Khi làm cho hả cơn giận, chúng ta có thể đánh mất sự quý trọng nơi người khác và làm cho người ta xa lánh chúng ta.

Mờ sáng hôm ấy, Đại Hãn, vị hoàng đế vĩ đại và là chiến binh dũng cảm nhất thảo nguyên Mông Cổ, cùng những chiến tướng cận thần phóng ngựa vào rừng bắt đầu một chuyến đi săn mới. Khu rừng mọi hôm yên tĩnh, bỗng hôm nay rộn lên tiếng cười nói, tiếng vó ngựa, tiếng chó sủa. Trên cổ tay Đại Hãn ngất nghểu con chim ưng mà ông rất mực yêu quý. Vào thời đó, chim ưng được huấn luyện để đi săn. Chỉ cần nghe hiệu lệnh của chủ nhân là con chim bay vút lên cao nhìn dáo dác xung quanh tìm kiếm con mồi. Nếu phát hiện thấy nai hoặc thỏ, nó sẽ lao xuống như tên bắn và tấn công chúng.

Mặt trời bắt đầu khuất dần sau các dãy núi nhưng Đại Hãn và đoàn tùy tùng vẫn chưa săn được nhiều con mồi như mong đợi. Nóng lòng, Đại Hãn thúc ngựa vượt lên phía trước tách khỏi đoàn. Trong khi mọi người tiếp tục đi theo con đường cũ thì ông lại chọn con đường xa hơn, chạy xuyên qua thung lũng giữa hai dãy núi.

Sau nhiều giờ quần thảo trên ngựa dưới sức nóng của buổi chiều hè, Đại Hãn bắt đầu cảm thấy khát nước. Con chim ưng vụt khỏi cổ tay ông và lao vút đi, ông tin là nó sẽ tìm được đường quay về. Chợt ông thấy có nước rỉ ra từ một ghềnh đá. Đại Hãn xuống ngựa, lấy từ trong túi săn một cái cốc nhỏ bằng bạc rồi bước đến hứng những giọt nước đang rỉ ra. Ông kiên nhẫn và biết rằng phải lâu lắm cốc nước mới đầy. Miệng ông khát đắng nên không kịp chờ nước đầy ly, ông vội đưa ngay lên miệng chuẩn bị uống. Bất thình lình, một âm thanh vút lên từ trên không và một vật xẹt ngang tay ông, chiếc ly rơi xuống đất. Thì ra đó là con chim ưng yêu quý của ông. Con chim ưng bay tới bay lui thêm vài lần rồi buông cánh đậu giữa các vách đá bên khe nước.

Đại Hãn nhặt chiếc ly lên và một lần nữa đưa vào hứng lại từng giọt. Lần này ông không đợi lâu hơn. Khi hứng được gần nửa ly, ông nâng ly lên miệng nhưng trước khi chiếc cốc chạm vào môi, con chim ưng lại bay vụt xuống và làm rớt ly nước khỏi tay ông.

Đại Hãn bắt đầu nổi giận. Ông tiếp tục lần nữa và lần thứ ba con chim ưng lại đánh đổ ly nước. Đại Hãn vô cùng giận dữ, hét lớn:

– Con vật khốn kiếp kia, sao ngươi dám làm như thế? Đừng để ta bắt được ngươi, không thì ta sẽ vặn cổ ngươi đó!

Và rồi ông hứng lại ly nước khác. Lần này trước khi đưa lên miệng uống, ông rút gươm cầm sẵn trên tay.

– Nào, đây là lần cuối cùng ta chịu đựng ngươi đó! – Đại Hãn nóng giận hét lên thành lời. Gần như ông vừa dứt hết câu, con chim lao nhanh xuống và hất mạnh ly nước. Nhà vua không tha thứ được nữa. Một lằn sáng vút lên và thanh gươm của ông chém trúng con chim. Con chim đáng thương nằm quằn quại và giẫy chết dưới chân chủ nhân nó. Không chút xót thương, Đại Hãn gằn giọng:

– Cái chết thật xứng đáng với tội láo xược của nhà ngươi.

Khi phát hiện chiếc ly bị rơi vào giữa hai tảng đá và ông không thể với lấy nó được, ông tự nhủ “Ta sẽ uống nước tại con suối”. Và ông bắt đầu leo lên sườn đá dốc, ngược theo dòng nước chảy để lần đến con suối. Khi đến nơi, con suối mà ông nghĩ thực ra chỉ là một vũng nước nhỏ, nhưng vật nằm trong đó đã làm nước trào hẳn ra ngoài. Và chính vật này khiến Đại Hãn hoảng sợ thật sự: một con rắn lớn, nổi tiếng là loài cực độc, đang nằm chết rữa giữa vũng nước.

Đại Hãn đứng khựng lại, quên cả cơn khát cháy cổ. Ông đau đớn khi nghĩ đến hành động vừa rồi của mình, cơn tức giận nhất thời đã khiến ông vung gươm giết chết con chim yêu quý – chỉ vì nó muốn cứu mạng ông. Kể từ đó, hình ảnh con chim ưng giẫy chết trong vũng máu luôn nhắc nhở ông đừng bao giờ hành động điều gì trong cơn nóng giận khiến người khác sợ mà xa lánh.[6]

3.4. Sự nóng giận có thể làm hoang phí sức lực.

Sự nóng giận có thể làm hoang phí sức lực qua câu chuyện con rắn và chiếc dũa của bác thợ rèn.

Quanh năm suốt tháng rắn chỉ sống ở ngoài đồng. Nó vừa phải vất vả kiếm ăn, vừa phải chịu đựng thời tiết khắc nghiệt. Đến một ngày, rắn quyết định chuyển tới ở nhà con người. Nó nghĩ ở nhà con người ban ngày mát mẻ, buổi tối ấm áp, mà thức ăn lại dồi dào.

Thế là rắn lập tức rời khỏi đồng ruộng và chuyển đến nhà người thợ rèn trong làng.

Mới chuyển đến nhà mới nên rắn thấy thứ gì cũng lạ. Nó phấn khích đi dạo khắp nơi trong nhà người thợ rèn.

Khi đến bên một chiếc bàn, nó phát hiện có một con rắn trông rất giống mình đang nằm ở đó. Nhưng nhìn kỹ, con rắn này không cuộn tròn cũng không nghểnh cổ lên, chỉ nằm dài một chỗ. Con rắn cảm thấy vô cùng thất vọng khi có kẻ đến trước mình. Nhưng vì không muốn quay về đồng ruộng nên quyết định đuổi con rắn kia đi để độc chiếm căn nhà. Nó cuộn mình lại, nghển cổ lên và nhe hàm răng nhọn hoắt. Tuy nhiên, đối thủ của nó chẳng có phản ứng gì, vẫn điềm nhiên nằm đó. Thế là con rắn phóng đến và cắn đối phương.

Nó cố gắng ngoạm lấy con rắn kia nhưng không làm sao cắn được vẩy của đối thủ. Nó có nhe răng thế nào thì đối thủ cũng không phản ứng gì. Trong lúc cố tìm cách cắn đối thủ thì răng của rắn dần dần bị gãy hết. Chẳng có gì lạ cả bởi vì đối thủ của nó không phải là con rắn thật mà chỉ là một chiếc giũa dài hình con rắn.[7]

3.5. Tự ái khiến chúng ta nóng giận làm phương hại đến bản thân nhiều khi kéo dài đến cả đời qua hình ảnh con quạ đen.

Ngày xưa, tất cả các loài chim trong rừng đều không biết hót. Ngày nọ, có một con sơn ca từ đâu bay đến. Sơn ca hót rất hay, giọng hót của nó du dương trầm bổng làm xao xuyến mọi loài vật trong rừng.

Thế là tất cả các loài chim đều nhất trí mời sơn ca dạy chúng hót. Không thể từ chối lời khẩn cầu tha thiết của các bạn nên sơn ca đã nhận lời.

Ngày đầu tiên, sơn ca quyết định dạy hót. Nó hót lên một tiếng, các loài chim khác cũng hót theo một tiếng. Dạy được một lúc, sơn ca muốn kiểm tra tình hình học tập của các học trò nên yêu cầu từng con đứng lên hót thử. Quạ được chỉ định đầu tiên. Nó bẽn lẽn đứng dậy và khẽ hót một tiếng. Do quạ quá ngượng ngùng nên nốt nhạc mà nó phát ra bị lạc điệu. Tất cả các loài chim có mặt đều cười ồ lên. Quạ xấu hổ đến nỗi đỏ mặt tía tai, nó thầm nghĩ: “Ôi! Thật mất mặt quá! Ngượng muốn chết được!”.

Chim sơn ca ngăn không cho các loài chim khác cười. Để sửa lỗi của quạ, nó mời quạ hót to lên một lần nữa. Quạ nghĩ thầm: “Đây chẳng phải là cố tình làm mình mất mặt sao? Mình không muốn bị xấu hổ thêm một lần nữa!”. Lòng đầy tức giận, nó im lặng bay đi. Từ đó, nó không bao giờ bén mảng đến lớp học của chim sơn ca nữa.

Sau đó chim sơn ca lại bảo những con chim khác hót. Rất nhiều loài chim cũng bị lỗi như quạ. Chúng phát âm bị lạc giọng trong những lần đầu và cũng bị các loài khác chế giễu. Thế nhưng, những con chim đó không bay đi như quạ mà ở lại rút kinh nghiệm, chăm chỉ nghe theo lời chỉ bảo của sơn ca, nhẫn nại học tiếp.

Về sau, các loài chim trong rừng đều biết hót. Chúng hòa điệu cùng nhau tạo nên những bản nhạc thật vui tai. Duy chỉ có một mình quạ đến bây giờ vẫn không biết hót, thỉnh thoảng kêu lên mấy tiếng lạc giọng như ngày xưa.[8]

3.6. Sự nóng giận thường để lại cảm giác hổ thẹn và tội lỗi.

Có một nghệ nhân múa rối làm được một con rối bằng gỗ. Con rối có nét mặt đoan trang không khác gì nét mặt một người thật.

Bác nghệ nhân cùng con rối ra nước ngoài kiếm ăn. Bác nghệ nhân cho con rối mặc quần áo đẹp, trông con rối lại càng có vẻ thông minh đĩnh ngộ. Khi nghệ nhân cùng con rối biểu diễn, người xem cứ tưởng như con rối biết ca, biết múa như một người thật. Mọi động tác của rối đều nhịp nhàng, mềm dẻo, thật khớp với tiếng hát, vì thế những người xem múa rối đã không tiếc gì tiền thưởng.

Quốc vương của nước này nghe tiếng, bèn cho mời nghệ nhân vào cung biểu diễn để vua và hoàng hậu cùng thưởng thức.

Vua và hoàng hậu cùng ngồi trên lầu cao nhìn xuống. Con rối biểu diễn các điệu ca vũ còn hay hơn cả người thật, cho nên vua và hoàng hậu đều rất vui.

Không may vì không để ý cho nên bác nghệ nhân cứ để cho người gỗ quay về phía hoàng hậu, khiến vua xem vua cứ tưởng là người gỗ dám để ý đến hoàng hậu của mình. Rồi lại nhìn cách biểu diễn của rối cứ thấy lúc nào cũng quay mặt nhìn hoàng hậu, càng làm cho nhà vua tức giận. Ngài nói:

– Tại sao con rối kia lại cứ ngắm nhìn hoàng hậu mãi?

Vua ra lệnh chém đầu con rối gỗ vì con rối có ý xấu. Thấy con rối bị lên án, bác nghệ nhân khóc lóc quỳ xuống tâu đức vua:

– Thần chỉ có một con rối này làm vui, thật không ngờ rối lại có hành động sai lầm như thế. Nếu bệ hạ chém đầu nó thì thần bị mất đi một nguồn an ủi. Xin bệ hạ sinh phúc mà tha cho nó.

Lúc này vua đã quá giận cho nên vua cũng không thèm đếm xỉa gì đến lời cầu xin của bác nghệ nhân.

Đao phủ chuẩn bị hành quyết con rối theo lệnh vua, bác nghệ nhân lại quỳ xuống tâu:

– Nếu bệ hạ quyết ý chém đầu nó, không cho nó sống thì xin bệ hạ cho phép thân này được tự tay giết nó.

Vua bằng lòng. Bác nghệ nhân bèn rút một cái chốt ở vai con rối, tức thì mọi bộ phận của con rối đều rời ra thành một đống những mẩu gỗ rơi xuống đất. Thấy thế, vua kinh ngạc nói:

– Ồ thì ra là thế. Thật ta chẳng ra gì cả. Ai lại đi tức giận với một đống gỗ vụn như thế này.[9]

3.7. Nóng giận thường làm cho tâm trí không còn sáng suốt.

Chó sói lông vàng là loài hung dữ nhất trong các loài chó sói. Sói lông vàng, có tính hiếu thắng, luôn tranh hùng xưng bá, lại vô cùng dã man.

Một hôm Sói nhìn thấy một con chuột, thế là nó ra sức đuổi bắt cho kỳ được. Chuột chạy thục mạng, con Sói càng ra sức đuổi theo. Chuột đang cố sức chạy thì may sao gặp ngay được tảng đá bên đường, thế là Chuột chui ngay vào khe đá. Sói há mồm ra định vồ cắn Chuột, nhưng Chuột đã kịp chui vào hang khiến Sói cắn trượt, cắn phải đá gãy hết mấy chiếc răng cửa.

Sói đau điếng, nó vô cùng căm hận Chuột, quyết bắt cho kỳ được mới hả giận. Sói kiên trì rình Chuột, nghĩ rằng cứ kiên nhẫn đợi, thế nào cũng có lúc Chuột phải ra.

Sói tìm một chỗ nấp ngay cạnh tảng đá. Trời vừa nhá nhem tối, Chuột nghĩ Sói đã đi, nó chui ra khỏi kẽ đá thì Sói vồ ngay được Chuột. Hai chân nó giữ chặt con Chuột và bảo:

– Để trả thù cho mấy cái răng bị gãy, phen này ta sẽ ăn thịt mày từng chút một, cho mày phải đau đớn, chết dần chết mòn.

Nó cắn, nhưng khốn nỗi răng cửa đã bị rụng hết, không cắn nổi Chuột. Khi Sói biết rằng mình không còn răng để trả thù Chuột, nhưng lại nghĩ Chuột đã làm cho nó tổn thất đến mức này thì quyết phải trả thù cho bằng được. Nó đã nghĩ ra cái lưỡi của nó cũng có những gai lưỡi đủ sức để trả thù. Nó bảo Chuột:

– Đừng tưởng tao hết răng rồi thì không làm gì được mày. Tao sẽ dùng lưỡi liếm cho mày đến chết mới thôi.

Nó thè lưỡi liếm một đường từ đầu đến đuôi, thế là nó đã chén gọn con Chuột.

Chuyện Sói bị gãy răng chỉ dùng lưỡi liếm mà cũng lột da róc hết thịt một con chuột được truyền đi khắp nơi, khiến các con vật khác nghe thấy phải rùng mình kinh sợ, con nào gặp Sói cũng phải phủ phục xuống chào hết sức cung kính, khiến Sói vô cùng đắc ý. Nó luôn nói:

– Đừng có tưởng ta không có răng mà khinh nhờn. Không có răng nhưng lưỡi ta còn sắc hơn dao cạo. Đứa nào dám chống lại ta, ta chỉ liếm cho một đường là chết tươi.

Một hôm, Sói ngất ngưởng đi vào trong thôn. Nó nghe thấy tiếng hát từ lò của bác thợ rèn vọng ra, nó bèn tìm đến lò rèn, rồi ngồi nhìn bác thợ rèn một cách ngạo nghễ. Bác thợ đang rèn miếng sắt cũng chẳng thèm để ý đến con Sói. Sói tức quá gào lên:

– Này, tên thợ rèn kia! Trông thấy ta sao không chào? Mày chán sống rồi hả?

Nghe tiếng Sói, bác thợ rèn ngoảnh đầu lại bảo:

– Mày chỉ là con sói rụng răng, mày có tư cách gì mà ta phải chào? Có việc gì thì đi mà làm, đừng ngồi đây vướng chân ta.

Nghe bác thợ rèn nói thế, Sói cho rằng bác xấc xược, nó tức giận quát lên:

– Ta là vua của rừng này. Ta có cái lưỡi sắc nhất thiên hạ. Nếu nhà ngươi dám vô lễ với ta, ta sẽ liếm chết ngay.

Bác thợ rèn nghe Sói nói thì buồn cười, liền chỉ vào góc tường bảo Sói:

– Ta vừa mới làm xong một cái dũa. Nếu mày liếm mòn được cái dũa này thì ta sẽ tôn mày làm vua.

Nhìn thấy cái dũa nhỏ, Sói khinh thường nói:

– Một cái dũa nhỏ thì đáng gì! Hãy trông ta liếm cho nó chết đây!

Nói xong Sói thè lưỡi liếm một đường dọc cái dũa, khiến cho lưỡi nó bị thương đổ máu. Sói lại cứ tưởng cái dũa mới bị liếm có một nhát mà đã chảy máu, nó lại quệt lưỡi vài lần nữa khiến lưỡi nó bị đứt làm đôi, máu chảy đầm đìa, bấy giờ nó mới biết là máu của mình chớ không phải là máu của cái dũa.[10]

3.8. Trong lúc nóng giận, người ta luôn phản ứng theo cảm tính, có thể dẫn đến những lời nói cũng như hành động đáng tiếc.

Một hôm, một vị samurai đến thu nợ của người đánh cá. Người đánh cá nói: “Tôi xin lỗi, nhưng năm vừa qua thật tệ, tôi không có đồng nào để trả ngài.” Vị samurai nổi nóng, liền rút kiếm ra định giết người đánh cá. Rất nhanh trí, người đánh cá nói: “Tôi cũng đã học võ và sư phụ tôi khuyên không nên đánh nhau khi đang tức giận.”

Vị samurai nhìn người đánh cá một lúc, sau đó từ từ hạ kiếm xuống. “Sư phụ của ngươi rất khôn ngoan. Sư phụ của ta cũng dạy như vậy. Đôi khi ta không kiểm soát được nỗi giận dữ của mình. Ta sẽ cho ngươi thêm một năm để trả nợ và lúc đó chỉ thiếu một xu thôi chắc chắn ta sẽ giết ngươi.”

Vị samurai trở về nhà khi đã khá muộn. Ông nhẹ nhàng đi vào nhà vì không muốn đánh thức vợ, nhưng ông ta rất bất ngờ khi thấy vợ mình và một kẻ lạ mặt mặc quần áo samurai đang ngủ trên giường. Nổi điên lên vì ghen và giận dữ, ông nâng kiếm định giết cả hai, nhưng đột nhiên lời của người đánh cá văng vẳng bên tai: “Đừng hành động khi đang giận dữ.” Vị samurai ngừng lại, thở sâu, sau đó cố tình gây ra tiếng động khiến vợ ông thức dậy, kẻ lạ mặt cũng vậy, hoá ra đó chính là mẹ ông.

Ông gào lên: “Chuyện này là như thế nào? Suýt nữa con đã giết cả hai người rồi!”

Vợ ông giải thích: “Vì sợ kẻ trộm lẻn vào nhà nên thiếp đã cho mẹ mặc quần áo của chàng để doạ chúng.”

Một năm sau, người đánh cá gặp lại vị samurai. “Năm vừa qua thật tuyệt vời, tôi đến để trả nợ cho ngài đây, có cả tiền lãi nữa”, người đánh cá phấn khởi nói.

“Hãy cầm lấy tiền của ngươi đi.” Vị samurai trả lời, “Ngươi đã trả nợ rồi.”[11]

  1. TÌM RA NGUYÊN NHÂN SẼ HẾT NÓNG GIẬN

4.1. Những nguyên nhân làm chúng ta nóng giận.

Mặc dù sự tức giận của mỗi người cũng như nguyên nhân của chúng không giống nhau nhưng vẫn do một số nguyên nhân chung như sau:

– Thất vọng vì không đạt được mục tiêu

– Bị tổn thương

– Bị quấy rối

– Xung đột giữa các cá nhân về tinh thần cũng như thể xác

– Nhận thấy những nguy hiểm đối với những thứ mà chúng ta yêu quý

4.2. Tìm ra nguyên nhân sẽ hết nóng giận

Cơn giận tăng lên gấp nhiều lần nếu không được thỏa mãn, nhưng nếu cơn giận được thỏa mãn một cách êm ả nó thường chấm dứt nhanh chóng trong một cảm giác xấu hổ và hối hận. Điều này rất hợp lý ở tất cả mọi cảm xúc. Ngay khoảnh khắc cơn giận bừng bừng con người thật sự không còn là con người nữa. Anh ta đã trở thành một con vật hung dữ. Ngay cả cơn giận vào lúc cư xử bất công với những người khác không phải là một trạng thái dẫn đến một cách giải quyết đúng đắn. Nhưng khi xử sự với bản thân, trạng thái cơn giận này không thể ở trong một sự phân tích bình tĩnh. Hiển nhiên, hai thái độ này là tương phản, và lúc đầu, nếu đã là một thói quen, nó có thể loại bỏ mọi điều khác sang một bên. Nhưng với sự tu tập, người ta có thế đạt được mọi điều, mà chúng ta có thế nhìn lại bản thân và hỏi, “Ai đó đang bị bực bội? Và nguyên nhân của cơn giận này là gì?” Không mấy chốc cơn giận nguôi ngoai và người ta thường quên đi việc tìm kiếm lại nguyên nhân. Sau đó khi đã nhận biết được việc tránh xa hành động ngu xuẩn mà người ta thường đi theo nếu cơn giận xảy ra theo như lệ thường, chúng ta lấy làm sung sướng khi biết tự chủ.[12]

Quả thật khi tìm ra nguyên nhân sẽ hết nóng giận, chẳng hạn, một trận lụt xảy ra và tài sản bị thiệt hại rất nặng nề, ta không hề tức giận trận lụt ấy, vì ta có đủ hiểu biết để hiểu rằng trận lụt do đâu mà có, và thật là ngây ngô khi nổi giận với trận lụt. Nhưng một người lái xe hơi bị hỏng thắng đâm vào nhà gây ít nhiều thiệt hại sẽ làm ta tức giận. Bởi vì ta không có đủ hiểu biết để hiểu rằng do đâu mà người lái xe hơi ấy gây thiệt hại cho ta. Ta không chịu suy xét để hiểu, cho dù vấn đề rất đơn giản. Bản thân anh ta cũng chịu đựng sự thiệt hại, và tai nạn xảy ra là ngoài mong muốn của anh ta. Nếu ta hiểu được như thế, ta sẽ cảm thông và tha thứ, thay vì tức giận.

Một câu chuyện khác: vào một buổi sáng nhiều sương mù, có một người chèo thuyền đi ven sông. Anh ta nhìn thấy một thuyền khác phăng phăng nhắm hướng mình lao tới. Anh ta hét lên: “Cẩn thận, cẩn thận, có người đấy.” Nhưng chiếc thuyền kia không đổi hướng, vẫn lao nhanh đến. Thuyền anh ta bị đâm vào và lật úp. Anh ta bơi vào bờ với tâm trạng tức giận vì mình đã cảnh báo mà người lái thuyền bên kia không chịu nghe. Nhưng khi lên bờ anh ta mới nhận thấy không có ai, bởi thuyền kia là một chiếc thuyền không người lái! Cơn giận của anh ta tiêu tan. Anh ta đã có đủ hiểu biết để hiểu rằng do đâu con thuyền kia không chuyển hướng mà vẫn cứ đâm vào mình.

Trong phần lớn trường hợp, nếu chúng ta chịu suy xét, tìm hiểu về nguyên nhân một sự việc, chúng ta sẽ dễ dàng cảm thông và tha thứ. Chúng ta sẽ nhận ra rằng rất nhiều khi đối tượng cơn giận của ta vốn dĩ đã phải chịu đựng rất nhiều và đáng được thương hại hơn là tức giận.

Có những nguyên nhân gần và xa mà ta đều có thể hiểu được nếu chịu suy xét. Một người nào đó nói với ta những lời cau có, bởi vì ngay trước đó anh ta đã hứng chịu những lời tương tự từ người khác. Nếu hiểu được như vậy, ta sẽ không còn giận anh ta nữa. Đó là một nguyên nhân gần, nhưng còn có những nguyên nhân xa hơn nữa. Chẳng hạn người ấy đã lớn lên trong một gia đình mà cha mẹ luôn nói với anh ta bằng những lời cau có, bực dọc. Anh ta đã tập nhiễm thành thói quen nói những lời cau có, bực dọc, nhưng không hẳn trong lòng anh ta có gì đáng ghét. Hiểu được như vậy, chúng ta cũng sẽ không còn giận anh ta nữa.[13]

Một người bạn ăn nói cộc cằn, thô lỗ sẽ không đáng giận nếu như ta hiểu được rằng anh ấy đã mồ côi cha mẹ từ thuở nhỏ và không hề được cắp sách đến trường. Một cô bạn luôn bủn xỉn, keo kiệt từng đồng xu trong giao tiếp sẽ không đáng giận chút nào nếu như bạn hiểu được cô đang phải nuôi dưỡng cha mẹ già bệnh tật chỉ nhờ vào đồng lương ít ỏi của mình.

Chúng ta trách móc, hờn giận người khác cũng xuất phát từ sự thiếu hiểu biết. Nếu như nhà bạn có một cây xoài rất lớn mà năm nay chẳng có trái nào, hẳn bạn sẽ không trách móc cây xoài. Đó là vì bạn hiểu được cây xoài không có trái vì nhiều lý do, nhưng không có lý do nào trong đó đáng để bạn trách móc cây xoài. Có thể năm tới bạn cần bón thúng phân, tưới nước hoặc tỉa bớt cành lá… Còn việc trách móc cây xoài là vô lý và không mang lại bất cứ kết quả nào.[14]

4.3. Nhưng nhiều khi chúng ta không chịu tìm hiểu nguyên nhân

Sự thiếu hiểu biết thường là do không chịu lắng nghe từ người khác. Bởi vì có những điều chúng ta không thể suy ra được mà cần phải được nghe người khác giải thích. Nhưng thói quen của chúng ta khi nóng giận thường là không chịu lắng nghe người khác và điều đó dẫn đến sự thiếu hiểu biết.

Trong câu chuyện nổi tiếng về người thiếu phụ Nam Xương (Truyện Người thiếu phụ Nam Xương trong Truyền kỳ mạn lục của Nguyễn Dữ), người chồng đã thiếu hiểu biết vì không chịu lắng nghe. Qua nhiều năm chinh chiến trở về, anh ta không thể hiểu hết mọi việc ở nhà. Nhưng khi nghe đứa con nói rằng: “Ông không phải ba tôi. Ba tôi đêm mới về. Mẹ tôi nói chuyện và khóc với ba tôi. Khi mẹ tôi ngồi, ba tôi cùng ngồi. Khi mẹ tôi nằm xuống, ba tôi cũng nằm xuống.” Anh ta cho rằng mình đã hiểu hết vấn đề qua lời nói của đứa con. Nhưng nếu anh chịu lắng nghe, anh sẽ hiểu được sự thật. Đứa bé đang nói về cái bóng đen trên vách tường mà mẹ nó mỗi đêm vẫn thường chỉ vào và bảo với nó đó là ba nó. Sự nóng giận làm cho anh ta không còn biết lắng nghe. Và vì thế, anh ta không có đủ hiểu biết để hóa giải cơn giận. Hậu quả mà chúng ta ai cũng biết là người vợ đã trầm mình xuống sông tự vẫn.

Người vợ cũng đã sai lầm khi hành động như vậy. Bà đã không cảm thông được với cơn giận của chồng. Lẽ ra bà phải hiểu được là người chồng đang giận, và những lời giải thích của bà có thể đưa ra sau đó, vì không có cơn giận nào kéo dài vô thời hạnBản thân bà cũng có một cơn giận. Nó là nguồn năng lượng tiêu cực thúc đẩy bà hành động sai lầm khi không nghĩ đến hậu quả cho người chồng và đứa con. Nếu bà hiểu được và cảm thông với nỗi đau khổ của người chồng đang tức giận, bà sẽ có thể kiên nhẫn chờ đợi giải thích vấn đề, và chúng ta hẳn đã có một kết quả tốt đẹp hơn cho câu chuyện.[15]

  1. TRƯỞNG THÀNH TRONG NÓNG GIẬN

5.1. Khía cạnh tích cực của nóng giận

Cơn giận được hiểu trong ý nghĩa là một chuyển động mạnh mẽ của tâm hồn tự nó không có gì là xấu. Hậu quả có hại hay có lợi là tùy thuộc ở cách sử dụng.

Ðược sử dụng tốt, cơn giận dùng vào cuộc vận hành tốt của các mối quan hệ nhân bản giữa các vợ chồng, những người yêu nhau, bạn hữu, cha mẹ và con cái, hoặc người chủ và nhân viên. Trong những trường hợp này, điều quan trọng là để bảo vệ những biên giới và giá trị của mình, và đôi khi phải làm điều đó cách kịch liệt. Nghịch lại những gì xảy ra khi người ta tỏ thái độ dửng dưng hoặc bạo lực phản hồi thì sự bộc lộ đúng của cơn giận bao hàm ước muốn tái lập mối liên hệ. Sự khẳng định mình, dù có nóng nảy, luôn tìm cách cất đi những trở ngại cho hiệp thông và tình yêu.

Những hậu quả có lợi khác phát sinh do bạo lực không bị dồn nén và được hấp thụ, chẳng hạn như đưa dẫn ta khám phá những giá trị ta lấy làm tha thiết nhất trong tâm hồn. Như vậy ở đây cơn giận chứng tỏ cách rõ ràng điều người ta muốn trở nên và thực hiện. Nó báo động, nó cảnh giác ta về mối hiểm nguy cho phép người khác lạm dụng ta hoặc xâm chiếm các biên giới cá nhân của ta. Hoặc nữa, cơn giận làm cho ta phản ứng lại trước những bất công đối với một con người hay một nhóm người. Nói tóm lại, nó đánh thức trong ta nghị lực luân lý để đương đầu với sự dữ và bất công.[16]

5.2. Chúa Giêsu với sự nóng giận

Chúa Giêsu đã không biểu lộ cơn nóng giận sao? Chắc chắn là Người tỏ ra giận dữ khi lật đổ bàn ghế của những kẻ đổi tiền đổi bạc trong Đền Thờ. Đó thật sự là một quang cảnh náo động. Lẽ nào bạn không thể hình dung quang cảnh Người nổi giận lật tung bàn ghế và các đồng tiền kêu leng keng và lăn lóc tứ tung trên nền nhà?

Hành động của Người cũng làm cho những kẻ đổi tiền tức giận không kém. Đổi tiền là một nghề mà họ đã làm từ thời cha ông của họ. Đó là một thứ ngân hàng tại Giêrusalem trong thời xa xưa. Họ cần đổi tiền cho người ngoại quốc như đã quy định trong luật Do Thái, thì những người này mới có thể đi vào Đền Thờ. Tất cả những điều đó hoàn toàn có thể chấp nhận được.

Tuy nhiên, Chúa Giêsu đã chẳng tỏ ra hết sức nóng giận đấy sao?

Người quát tháo: “Nhà Cha Ta là nhà cầu nguyện, chứ không phải là hang trộm cướp.”

Tôi xin đặt một câu hỏi: Theo bạn nghĩ thì những người đổi tiền phải chờ bao lâu mới trở lại với công việc của họ? Bạn có nghĩ là sau khi Chúa Giêsu rời khỏi nơi đó thì họ tiếp tục đổi tiền không – ngay chiều hôm ấy, cũng có thể là ngày hôm sau? Bạn có nghĩ là họ sẽ không tiếp tục đổi tiền sao? Thế thì có nơi nào trong Kinh Thánh tường thuật việc Chúa Giêsu lật đổ bàn đổi tiền lần thứ hai không? Không hề có! Tôi nghĩ đây là một bài học về sự tức giận mà Người muốn dạy cho chúng ta.

Giống như những cảm xúc sôi nổi khác, sự nóng giận có mục đích thúc đẩy. Sự nóng giận có thể thôi thúc chúng ta hành động như chúng ta thường hành động hay thúc đẩy chúng ta biểu lộ những cảm xúc mà chúng ta kềm giữ trong lòng. Như thế, sự nóng giận có thể hữu ích. Chúa Giêsu nóng giận với những kẻ đổi tiền đổi bạc và giới thẩm quyền trong Đền Thờ, bởi vì họ dạy người ta tìm kiếm của cải trần thế, chứ không tìm kiếm Thiên Chúa và những của cải thiêng liêng. Sự nóng giận đã thúc đẩy Người hành động một cách nào đó để cho bài học của Người trở nên ấn tượng hơn. Tôi có cảm tưởng rằng khi Người lật tung bàn đổi tiền, Người thừa biết những người đổi tiền sẽ tiếp tục việc đổi tiền. Người không có ý định thay đổi hệ thống kinh tế của Giêrusalem, mà chỉ muốn giải thích điều Người đã dạy. Tôi nghĩ mọi người hẳn nhất trí rằng thời điểm Chúa Giêsu biểu lộ sự nóng giận chứng tỏ Người biết sử dụng sự nóng giận một cách hết sức hiệu nghiệm.[17]

5.3. Trưởng thành trong nóng giận

Sự nóng giận được xem là một cảm xúc của người trưởng thành, khi nó kéo dài không quá 5 phút và không gây thiệt hại cho ai. Năm phút chỉ là một kiểu nói bóng. Nếu chúng ta để cho sự nóng giận trở nên một phần của đời sống nội tâm, nó sẽ không còn là một sự nóng giận có tính xây dựng nữa, mà sẽ trở nên mối hận thù. Cũng vậy, sự nóng giận không có mục tiêu tấn công người khác, nhưng là để bày tỏ ý kiến, nhằm đưa tới một sự thay đổi hữu ích nào đó.[18]

Động lực thúc đẩy Chúa Giêsu đánh đuổi con buôn ra khỏi Đền Thờ là “Vì nhiệt tâm lo việc nhà Chúa mà tôi đây sẽ phải thiệt thân”(Gn 2,17). Ở đây “Sẽ phải thiệt thân” nghĩa là “sẽ dẫn đến cái chết”. Điều này cho thấy Chúa Giêsu nóng giận đuổi các con buôn ra khỏi Đền Thờ không phải vì lợi ích cá nhân của Chúa, nhưng là vì nhiệt thành với Nhà Chúa. Đức Giêsu không thể chấp nhận được cảnh tượng bát nháo diễn ra nơi Đền Thờ của Chúa Cha. Người đã biểu lộ uy quyền của Con Thiên Chúa bằng việc dùng roi xua đuổi bọn con buôn cùng với tiền bạc, chiên bò, chim câu của họ ra khỏi Đền thờ.

Bài học về sự nóng giận của Chúa Giêsu khi xua đuổi kẻ buôn bán ra khỏi Đền Thờ cho thấy chúng ta chỉ có thể biện minh cho sự nóng giận, khi chúng ta có một mục đích tốt và sự nóng giận nằm trong tầm kiểm soát của chúng ta, nghĩa là chúng ta biết mình đang nóng giận và không để cho sự nóng giận điều khiển chúng taĐó chính là tư cách của một con người trưởng thành, trưởng thành trước những cảm xúc, đặc biệt đối với cảm xúc của sự nóng giận mà chúng ta bàn đến ở đây.

__________

Chú thích

[1] www.tuthienduyenlanh.com.

[2] Richard P. Johnson, The 12 keys to Spiritual Vitality, powerful lessons on living agelessly (12 bí quyết tăng cường sức sống tâm linh) trg.152–153.

[3] Mike George , Don’t get mad, get wise:The Journey from Anger to Peace to Forgiveness (Từ giận dữ đến bình an), trg. 40–41.

[4] Mike George , sđd., trg. 20–23.

[5] First News, Điều bình dị thông thái, trg.31–33.

[6] First News Theo The Stories of Life, Hạt giống tâm hồn 4 những điều bình dị trg.60–62.

[7] First News, Sđd., trg.148–149.

[8] First News, Sđd., trg.178–179.

[9] Nguyễn Đình Cửu, Nhân Ái, trg. 127–128.

[10] Nguyễn Đình Cửu, sđd, trg.105–108.

[11] Trích William Ury.

[12] K. Sri Dhammananda, Why worry (Xin giã từ ưu phiền) trg.161.

[13] Nguyễn Minh Tiến, Hạnh Phúc là điều có thật, trg. 75–76.

[14] Nguyễn Minh Tiến, sđd trg.95.

[15] Nguyễn Minh Tiến, sđd trg.78–79.

[16] Jean Monbourquette, Comment pardonner? (Làm sao tha thứ?).

[17] Richard P. Johnson, sđd trg..149–150.

[18] Richard P. Johnson, sđd. trg.154.

Lm. Giuse Đỗ Văn Thụy

Trích Tập san Hiệp Thông / HĐGMVN, số 83 (tháng 7 & 8 năm 2014)