Lời xin lỗi và lòng biết ơn của tâm hồn nhỏ

0
396

Có người nói: “Xin lỗi” khó quá đi! Người khác bảo: Tại sao tôi phải “biết ơn”? Thế nhưng, với nhiều em nhỏ, xin lỗi và biết ơn là một lẽ tự nhiên. Chỉ tiếc rằng, lẽ tự nhiên ấy đang mất dần nét tự nhiên vốn có.

xin-loi-biet-on.jpg  

Kinh nghiệm “xin lỗi” thật đa chiều, đôi khi “lệch pha”.

Bạn nam nhỏ kể: Có lần em hái trộm xoài và bị bắt quả tang. Em bị đánh 5 roi và bị mất trái xoài. Em rất “hối tiếc” trái xoài đó. Vâng, người lớn cũng thế! Người lớn nhiều khi chỉ “hối tiếc” vì tư lợi chứ không thật tâm. Bạn khác kể: Thầy dạy học cho 3 đứa tụi em. Có ngày, 2 bạn kia không chịu học bài, làm cho thầy buồn lòng và thầy phải nhắc nhở hoài. Hôm đó, em rất buồn. Vâng, đôi khi “xin lỗi” đơn giản vì con người biết quan tâm lẫn nhau.
Có kiểu “hối tiếc” ngoạn mục hơn. Em nhỏ kể: Một hôm, em cùng các bạn hái trộm trái cây ở nhà người ta. Trèo lên cây, em thấy 3 trái. Em thọc gậy được cả 3 nhưng 2 trái rớt xuống vườn. Bị phát hiện, họ thả chó đuổi tụi em. Tụi em chạy muốn ngất xỉu luôn, nhưng may thoát được. Đến trường, em cho bạn khác trái cây còn sót lại. Em rất “hối tiếc” vì làm rớt 2 trái. Từ giờ, em sẽ không đi hái trộm nữa. Vâng, cái “hối tiếc” vì “làm rớt 2 trái” chỉ mang tính kỹ thuật kỹ năng; nhưng “em không đi hái trộm nữa” lại mang tính đạo đức. Đôi khi người ta sống đạo đức chỉ vì “sợ bị chó đuổi”, nhưng đôi khi vì người ta nhận ra giá trị của đời sống đạo đức.
Có những điều “hối tiếc” một cách trực tiếp hơn. Có những lời “xin lỗi” có tính đời thường hơn. Thật nhiều lý do để các bạn nhỏ xin lỗi và hối tiếc. Đó là: đánh bạn chỉ vì giận cá chém thớt, nói dối, chơi xấu bạn, ham chơi, nói xấu người khác, sỉ nhục nhau khi cãi cọ… Nhìn nhận bản thân “không phải dạng vừa đâu” trong tài năng và đức hạnh, thì “khá dễ dàng”; nhưng chấp nhận mình “không phải dạng vừa đâu” trong tội lỗi, thì không dễ chút nào. Biết mình, để xin lỗi, thật là khó!
Tuy nhiên, có lời xin lỗi, có niềm hối tiếc đến từ tình yêu. Bạn nữ nhỏ kể: Mỗi lần em nghĩ đến việc làm cho mẹ phải buồn, em cảm thấy rất hối hận. Em rất muốn xin lỗi mẹ, nhưng em lại không dám nói.
Các bạn nhỏ “biết ơn” cách rất đơn sơ và giản dị. Em biết ơn chú vì chú chở em đi học, giúp em không bị trễ giờ. Em biết ơn dì vì dì cho em đi khám bệnh khi em bị ốm. Em biết ơn bạn vì bạn tặng cho em một món quà nhỏ. Em biết ơn các bạn vì các bạn chơi với em. Em biết ơn mọi người, vì em cảm nhận được mọi người quan tâm và đồng cảm. Em biết ơn cô giáo chủ nhiệm vì cô thật tốt…
Thế nhưng, có sự biết ơn rất “thực tế” và quá “thực dụng”. Em biết ơn bạn vì bạn chỉ bài cho em khi thi… Sự biết ơn kiểu này dễ gặp nơi người lớn. Nhiều khi chính cha mẹ trong gia đình, thầy cô nơi học đường, quan chức ngoài xã hội dạy cho các em những “chiêu thức” ấy qua lời nói và việc làm hằng ngày. Thế nên, “biết ơn” và “xin lỗi” vẫn là họa hiếm nơi lòng người, nơi dòng đời. Có chăng, những lời lẽ và hành vi tỏ ra biết ơn và xin lỗi, nhiều khi chỉ là một loại kỹ năng mềm.
Hướng tới tương lai, các bạn nhỏ kể cho nhau những ước mơ xa xôi. Em ước mơ sẽ trở thành một kỹ sư, một dược sĩ, một thợ sửa điện, một vận động viên… một người tốt, thậm chí là một linh mục tốt có thể mang Tin Mừng cho người khác. Những ước mơ chân thành này liệu có đứng vững trong “trò đời” thiếu vắng tình người!
Cám ơn các bạn nhỏ, vì các bạn giúp tôi cảm nhận và trải nghiệm sâu đậm hơn tiếng thổn thức của con tim và tiếng thì thầm của cuộc đời. Tôi nhìn các bạn mà lòng tôi tràn đầy hy vọng. Cám ơn Thầy Giêsu, vì nhờ Thầy mà con tìm được đường kết nối với con người và với chính mình. Lạy Chúa! Xin ban cho con một tâm hồn nhỏ. Amen.
Vinhsơn Vũ Tứ Quyết, S.J.
(dongten.net 18.06.2015)