Sự thường ở đời là nhà cao cửa rộng, ai cũng thích, ai cũng muốn xây nhà như vậy. Trang Tin Mừng hôm nay, Chúa Giêsu lại nói về ngôi nhà rộng mênh mông mà cửa vào lại quá nhỏ, ngôi nhà ấy muôn dân đông tây lũ lượt tìm đến, nhưng chừng như lối vào lại bị giới hạn. Chúa Giêsu gọi đó là “khung cửa hẹp” và nhắn nhủ môn đệ cần phấn đấu đi qua cửa hẹp, vì cửa hẹp dẫn vào sự sống, còn cửa rộng chỉ dẫn tới hư mất. Nhưng thế nào là phấn đấu đi qua cửa hẹp?
Cửa hẹp là cửa khó đi qua, chỉ dành cho ít người, những ai thực sự muốn đi qua, những ai thực sự cố gắng, dù phải chấp nhận nhiều hy sinh, bỏ bớt hành lý, hoặc con người phải nhỏ lại mới qua lọt. Kinh Thánh dùng hình ảnh cửa hẹp để chỉ những đòi hỏi của Nước trời, của Ơn Cứu độ, của Hạnh phúc thần linh mà Thiên Chúa mời gọi chúng ta chia sẻ.
Hẹp ở đây không có nghĩa là hẹp hòi, là kém giá trị, nhưng ám chỉ sự khó khăn, sự phấn đấu quyết liệt cần phải có, nhất là sự phấn đấu với chính mình, sự lao nhọc vất vả, sự hy sinh từ bỏ. Chúa Giêsu nói rất rõ: hãy chiến đấu để qua cửa hẹp mà vào…vì có nhiều người sẽ tìm cách vào mà không thể được. Lời Chúa Giêsu dành cho mọi môn đệ của Chúa. Ai muốn làm môn đệ, phải đi qua cửa hẹp.
- Cửa hẹp mà không chật
Cửa vào Nước Trời tuy hẹp, nhưng không chật. Trong bài đọc, Tiên tri Isaia với những lời văn rõ ràng, trình bày ý định của Thiên Chúa muốn qui tụ mọi dân tộc, mọi quốc gia thành một dân duy nhất sẽ tin vào Ngài, đến với Ngài và hưởng hạnh phúc muôn đời với Ngài. Tuy nhiên, cũng phải có điều kiện, đó là lễ phẩm tiến dâng Đức Chúa.
Cửa vào Nước Trời tuy hẹp, nhưng không chật. Tác giả thư Do thái trong bài đọc 2 viết rằng: vì những ai được Chúa thương thì Ngài sẽ nhận làm con, và Cha ở đâu thì con cũng sẽ ở đó. Tuy nhiên, cũng phải có điều kiện, đó là vâng nghe lời Chúa sửa dạy, chớ nản lòng khi Ngài khiển trách.
Cửa vào Nước Trời tuy hẹp, nhưng không chật. Bài Tin Mừng nói đến sự nỗ lực suốt hành trình đức tin. Vì tất cả mọi người đều được mời gọi vào nhà Chúa Cha và được tham dự Bàn tiệc Thiên quốc. Nhưng không có nghĩa là muốn vào là được. Cánh cửa thì hẹp, muốn vào cần phải nỗ lực. Nỗ lực sống thực thi ý Chúa; nỗ lực trung thành với niềm tin của mình và nỗ lực sống tình bác ái yêu thương.
Cả ba bài đọc Thánh Kinh cho thấy: Bất luận là ai cũng có thể được vào Nước Trời, miễn là phải cố gắng. Người ta sẽ từ Đông sang Tây, từ Bắc chí Nam vào dự tiệc Nước Trời. Tất cả là do nỗ lực và thành tâm thiện chí của mỗi cá nhân; không do định mệnh, không do đặc quyền đặc lợi, cũng không có chế độ ưu tiên nào, chỉ có sự tự do và quyết tâm đi vào của mỗi người trong đức tin mà thôi.
2.Cửa hẹp không phải vì Nước Trời chật hẹp.
Nước Trời rộng mênh mông, có thể đón tiếp tất cả mọi người. Cánh cửa vào Nước Trời dầu có hẹp nhưng vẫn đủ rộng để đón mọi người và từng người đi vào, vì Chúa Giêsu đã từng nói: “Trong nhà Cha Thầy có nhiều chỗ ở”. Nhưng không phải tất cả mọi người vào được, vì vào Nước Trời đòi có những điều kiện cần thiết. Cửa hẹp chính là để tuyển lựa những người có phẩm chất thích hợp với Nước Trời. Ai muốn vào Nước Trời phải phấn đấu.
a.Trước hết phải phấn đấu hạ mình xuống.
Ở đời người ta thường phấn đấu để vươn lên. Người ở địa vị thấp phấn đấu để được địa vị cao. Người hèn kém phấn đấu để được trọng vọng. Người phải phục vụ phấn đấu để được người khác phục vụ mình. Nhưng trong Nước Trời thì ngược lại. Phải phấn đấu để đi xuống. Phải phấn đấu để tìm chỗ thấp hèn nhất. Phải phấn đấu để phục vụ anh em. Như lời Chúa dậy: “Ai nâng mình lên sẽ bị hạ xuống. Ai hạ mình xuống sẽ được nâng lên” (Lc 14, 11). “Khi anh được mời, hãy ngồi vào chỗ cuối” (Lc 14, 10). “Ai lớn nhất trong anh em, thì phải nên như người nhỏ tuổi nhất, và kẻ làm đầu thì phải nên như người phục vụ” (Lc 22, 26). “Ai không đón nhận Nước Thiên Chúa với tâm hồn một trẻ em, thì sẽ chẳng được vào” (Mc 10, 15).
- Sau đó phải phấn đấu để bé nhỏ lại.
Thông thường ở đời người ta phấn đấu để to ra. Ai đang có chức nhỏ thì phấn đấu để có chức to hơn. Ai có nhà nhỏ phấn đấu để có nhà lớn hơn. Ai có ruộng vườn nhỏ cũng phấn đấu để vườn ruộng lớn rộng thêm. Ai cũng phấn đấu để có nhiều của cải hơn, có nhiều bằng cấp hơn, có nhiều đặc quyền đặc lợi hơn. Trái lại, người muốn vào Nước Trời phải phấn đấu để trở nên bé nhỏ. Phải phấn đấu để trở nên nghèo. Phải phấn đấu để bỏ bớt của cải đi. “Hãy đi bán tài sản của anh và đem cho người nghèo, anh sẽ được một kho tàng trên trời. Rồi hãy đến theo tôi” (Mt 19, 21). “Phúc thay ai có tinh thần nghèo khó, vì Nước Trời là của họ” (Mt 5, 3).
- Cửa vào Nước Trời hẹp vì được làm theo kích thước của Ðức Giêsu.
Theo suy niệm của Đức TGM Giuse Ngô Quang Kiệt, kích thước của Đức Giêsu thấp và bé.
a.Cửa này thấp vì Ðức Giêsu đã hạ mình thẳm sâu.
Là Thiên Chúa, Người đã tự nguyện trở nên người phàm. Từ trời cao, Người đã tự nguyện xuống nơi đất thấp. Là Thầy, nhưng Người đã tự nguyện trở nên người phục vụ. Vô cùng thánh thiện nhưng Người đã để bị đối xử như một đại tội phạm. Người đã bị vùi dập xuống tận bùn đen.
b.Cửa này bé vì Ðức Giêsu đã trở nên bé nhỏ.
Người đã sinh ra nghèo, sống nghèo và chết nghèo. Người đã bị bóc lột hết, không phải chỉ quần áo mà cả uy tín và danh dự.
Ðức Giêsu đã mở đường về Nước Trời. Muốn vào Nước Trời chẳng có con đường nào khác ngoài con đường Ðức Giêsu đã đi. Chẳng có cửa nào khác ngoài khung cửa hẹp mà Ðức Giêsu đã qua. Ai muốn qua đó cũng phải noi gương Ðức Giêsu phấn đấu hạ mình thẳm sâu và thu mình thành bé nhỏ nghèo hàn. Chỉ những ai hạ mình khiêm tốn và từ bỏ hết cái tôi cồng kềnh ích kỷ mới qua được khung cửa hẹp mà vào Nước Thiên Chúa.
Trong thực tế của Nước Trời, cửa không làm bằng vật chất, nhưng là Lề Luật và các phương tiện nên thánh, đúng hơn là các phương tiện dẫn vào Nước Trời. Nước Trời đây phải hiểu theo nghĩa trong Phúc Âm mà Chúa Giêsu nói qua các dụ ngôn; do đó, Nước Trời vừa mang tính hữu hình, vừa tồn tại vĩnh cửu, và vì thế, nó vẫn tiếp tục cho đến ngày tận thế trong ý nghĩa loan báo Tin Mừng về Nước Trời. Người ta sẽ nhận ra ngay tính cách hẹp và rộng của Nước Trời nếu hiểu rõ ràng và chính xác ý nghĩa các Lề Luật, các phương tiện nên thánh và các giáo huấn của Chúa Giêsu.
Khung cửa hẹp, con đường hẹp là con đường tu đức mà Chúa dạy, nhưng đó không phải là mục tiêu. Mục tiêu là ơn cứu độ, là hạnh phúc, là niềm vui, là Nước Trời, là tình yêu và sự sống mà Chúa dành cho ta. Mục tiêu ấy ta chưa đạt được cách trọn vẹn ở đời này, nhưng cũng đã đạt được một phần nào ngay trong hành trình của cuộc sống.
Hãy bước theo Đức Kitô. Hãy trở nên giống Ngài bằng cách chấp nhận những khổ đau, những thập giá. Vì đó chính là khung cửa hẹp, chúng ta cần phải bước qua để tiến vào cõi sống vĩnh cửu, để chiếm lấy vinh quang phục sinh.
Lm Giuse Nguyễn Hữu An