Thương cảm- xúc động
Đây là chuyện phim tôi xem trên tivi vào tháng sáu vừa qua, bộ phim mang tựa đề: “ Bóng Giang Hồ”. Trong phim có đoạn hai anh em Giang: Mẹ mất sớm, Bố đi thêm bước nữa với người mẹ ghẻ tàn độc, suốt ngày đánh đập, đọa đày anh em Giang đến mức không chịu nỗi nữa, người bố chán nản đi uống rượu và đã chết trong một tai nạn giao thông, chỉ vài ngày sau hai anh em Giang bi đuổi ra khỏi nhà và dắt díu nhau đi, đi mãi mà không có nơi định cư, bụng thì đói. Giang kêu đứa em út ngồi đợi, anh đi kiếm gì để ăn, đứa em ngồi đợi bụng đói quá lần mò lại thùng rác gần đó tìm thức ăn thừa mà ăn cho đỡ đói. Khi Giang trở về bắt gặp liền tát cho đứa em hai cái tát nảy lửa…và hai anh em ôm nhau khóc nức nở. Từ đó Giang quyết tâm trở thành kẻ giang hồ khét tiếng. Đoạn phim đó đã làm cho nhiều người xem phải rơi lệ.
Đây là chuyện đời tôi. Hôm tết tây năm 2008 tôi được đi tham quan ở miền đất cuối việt Cà Mau- Bạc Liêu, hình ảnh đầu tiên đập vào mắt tôi là người ăn xin ngồi trước cổng nhà thờ Tắc Sậy, anh ta lê đôi chân một cách rất khó khăn đến gần tôi để xin tiền, tôi hăng hái, hí hửng như kẻ ban ơn liền móc túi cho anh ta 2000 đồng. Liền sau đó, một đám người ăn xin rất đông, họ tuôn đến, tôi hết hồn phóng tót lên xe, tôi cảm thấy sợ họ, sợ căn bệnh của họ, sợ họ sờ đến tôi, thậm chí tôi không dám nhìn họ, tôi liền giơ tay đóng sầm cửa xe lại và tôi cảm thấy an toàn cho mình. Nhưng cả chuyến đi ấy lòng tôi bồi hồi không yên, ngồi trên xe mà tôi thấy mình ích kỷ, mình nhỏ nhen, lẽ ra tôi phải nói với họ một lời ủi an, một nụ cười hay một cái nhìn thiện cảm, nhưng tôi đã đuổi họ ra khỏi vị trí an phận của mình, tôi đã đẩy họ ra bên lề xã hội bằng thái độ đóng sầm cửa xe. Chiếc xe đang từ từ lăn bánh đưa tôi đến những vùng tham quan khác, khoảnh khắc vật lý giữa họ và tôi đã xa dần, tôi có muốn nói với họ điều gì đi nữa thì giờ đây đã quá muộn…
Chạnh lòng- thương xót
Trong cuộc sống này, chung quanh tôi có biết bao mảnh đời bất hạnh mà tôi thấy, tôi xem, tôi cảm và tôi thấy tội nghiệp, có thể và rất có thể đụng chạm đến lòng trắc ẩn, cảm xúc làm cho tôi rơi lệ, nhưng đó chỉ dừng lại ở phần lý thuyết chứ chưa được thưc hành, vì thế lòng thương xót chưa được thực thi cách cụ thể
Tin Mừng hôm nay thánh Gioan mời gọi mỗi người chúng ta : ‘ Ai có hai áo thì chia cho người không có, ai có gì ăn thì cũng làm như vậy’ ( Lc: 3,11). Nghĩa là chúng ta không chỉ thương người nghèo, người cô độc, người đang cần chúng ta giúp đỡ bằng những lời nói suông, xuýt xoa tội nghiệp trên đầu môi chót lưỡi, hay bằng những từ ngữ vô hồn nằm trên giấy mực. Thánh Gioan muốn chúng ta thực hiện một việc gì đó cụ thể, một cử chỉ yêu thương có thật xuất phát từ tấm lòng chân thành, như Chúa Giêsu đã nhìn thấy đám đông, thấy nhu cầu cần thiết của họ và Ngài đãchạnh lòng thương bằng việc đụng chạm, xoa dịu bệnh tật của họ.
Những ai cần chúng ta thương xót ?
Đó là những người nghèo, họ cần lắm một bát cơm, manh áo.
Đó là những người cô độc, họ cần lắm một lời an ủi, một lời hỏi thăm.
Đó là những người đau khổ, họ cần lắm một cái xiết tay thông cảm.
Đó là những người mất hạnh phúc, họ cần lắm một người để sẻ chia.
Đó là những người bận rộn, họ cần lắm một cử chỉ giúp đỡ.
Đó là những người tội lỗi, họ cần lắm một tấm lòng rộng mở đón nhận họ quay về.
Lạy Chúa Giêsu, giữa một thế giới đầy biến động, người ta đang chạy theo tiện nghi vật chất và giá trị của đồng tiền, theo lợi nhuận, theo những tiến bộ vượt bậc của thế giới mà quên đi những giá trị đạo đức, nền đạo đức dần dần bị mai một đi, nhất là sự vô cảm của con người với nhau. Là tu sĩ của Chúa, xin cho con trở nên giống Chúa, luôn biết lội ngược dòng để sống cho những giá trị vĩnh cửu, biết tìm vớt lại những gì tốt mà thế gian đánh rơi, thế gian bỏ quên.
Muốn được như thế :
Xin Chúa ban cho con quả tim biết yêu thương, vì yêu thương con sẽ không quảng ngại dấn bước ngược dòng.
Xin ban cho con đôi bàn tay dịu êm, để con xoa dịu những người kém may mắn hơn con.
Xin ban cho con đôi tai biết lắng nghe những sẻ chia của người đau khổ để họ bớt khổ đau.
Và xin ban cho con đôi chân của Ngài để con đi đến giúp đỡ người khác mà không hề mệt mỏi.
Lạy Chúa, Chúa cần lắm, cần lắm một cử chỉ nhỏ nhoi của con, để có thể xua đi mọi đau khổ buồn phiền, mang niềm vui hạnh phúc cho người khác.
Chúa cần lắm một cử chỉ nhỏ nhoi của con, để thực thi lòng thương xót bao la của Ngài trên tất cả thụ tạo mà Chúa đã dựng nên.
Hương Thảo My