Tại sao bạn nên đi xưng tội Mùa Chay?

0
29

TẠI SAO BẠN NÊN ĐI XƯNG TỘI MÙA CHAY?

WHĐ (01.3.2022) – Mùa chay là thời gian Thiên Chúa thúc ép chúng ta phải chuẩn bị con tim và thanh tẩy tâm hồn để sẵn sàng đón Chúa trong vinh quang Phục Sinh của Người. Chúng ta không có thời gian để trì hoãn. Kinh Thánh nói rằng: “Vậy, đây là thời Thiên Chúa thi ân, đây là ngày Thiên Chúa cứu độ” (2Cr 6,2).

Trong suốt mùa chay, mỗi ngày chúng ta nên cố gắng tự vấn lương tâm thật tốt bằng cách tự hỏi bản thân những câu hỏi sau đây:

Tôi có thể làm những gì để đến gần Chúa hơn?

Tôi có thể làm những gì để biết Chúa nhiều hơn và yêu mến Người nhiều hơn?

Có cách nào giúp tôi gia tăng lòng khát khao cầu nguyện hay không?

Có cách nào giúp tôi thắp lại ngọn lửa tình yêu thiêng thánh đã tắt trong đời tôi hay không?

Có cách nào giúp tôi thoát khỏi sự hời hợt và vô cảm về đời sống thiêng liêng mà tôi nhận thấy bản thân mình sai phạm khá nhiều trong thời gian qua?

Có điều gì tôi có thể từ bỏ hay không?

Có điều gì trong cuộc sống của tôi hiện tại không làm vui lòng Chúa hay không?

Có những tội gì tôi vẫn còn đang vướng phải hay không?

Có những thói quen phạm tội nào chia cắt trái tim tôi với ân sủng tình yêu của Chúa hay không?

Có điều gì tôi cần xưng thú hay không?

Liệu tôi có đang đóng đinh Thiên Chúa hết lần này đến lần khác qua việc sống trong tội lỗi của tôi hay không?

Hơn thế nữa, chúng ta nên cầu nguyện mỗi ngày rằng:

Lạy Chúa, xin hãy cho con được nhỏ lại và cho Ngài được lớn lên. Xin cho con biết nói không với ý riêng của con và vâng nghe theo thánh ý Chúa. Lạy Chúa, xin ban cho con ân sủng Ngài, để con yêu mến Chúa ngày hôm nay nhiều hơn hôm qua, và ngày mai nhiều hơn hôm nay.

Jacinta, thị chứng nhân Fatima, đã nói về sự thật đầy thách đố này rằng: “Nếu con người biết sự vĩnh hằng là gì, thì họ sẽ nỗ lực hết sức có thể để cải thiện cuộc đời của họ.” Với tư tưởng đó, chúng ta hãy khám phá ân sủng đặc biệt mà Thiên Chúa ban cho chúng ta nơi bí tích Giao Hòa để nâng đỡ chúng ta trong hành trình nên thánh.

Hãy tỉnh thức

Trong Tin Mừng, Thiên Chúa đã cảnh báo chúng ta phải tỉnh thức. Chúng ta phải canh phòng, nghĩa là giữ linh hồn mình trong tình trạng ân sủng, bởi vì chúng ta không bao giờ biết được ngày và giờ Thiên Chúa sẽ đến.

Để giúp chúng ta thực hiện điều đó, Thiên Chúa đã ban cho chúng ta một món quà tuyệt diệu của Lòng Thương Xót nơi Bí Tích Thống Hối.

Điều khiến tôi thực sự đau đớn, cả trong kinh nghiệm mục vụ cá nhân lẫn số liệu thống kê, là rất nhiều người Công Giáo trong đất nước chúng tôi (tại Mỹ) đã từ bỏ việc thực hành bí tích Giao Hòa từ lâu rồi. Điều này quả thật là một bi kịch. Trước tiên, bí tích Thống Hối là phương cách thông thường cho việc tha các tội trọng đã phạm sau Phép Rửa Tội. Nhưng nó cũng thực sự là một kho tàng ân sủng và sức mạnh thiêng liêng cho chúng ta trong cuộc chiến đấu thường nhật chống lại tội lỗi và cám dỗ.

Đức Giáo Hoàng Piô XII quả thật đã nói nhiều lần rằng tội nghiêm trọng của chúng ta thời nay chính là tội chối bỏ tội lỗi. Từ “tội lỗi” đã trở thành một từ dơ bẩn mà chúng ta không muốn đề cập đến nữa, thậm chí là ở trên tòa giảng. Bạn có thấy kỳ lạ hay không khi càng có nhiều tội lỗi trên thế giới, thì dường như càng ít người Công giáo – giáo sĩ, thần học gia và giáo dân – nói về tội lỗi? Đây là một sự suy thoái về thần học. Tệ hơn nữa, đây là một sự tự sát về mặt thiêng liêng. Chỉ có một thứ có thể tách chúng ta ra khỏi Thiên Chúa, và đó chính là tội trọng. Việc che giấu sự thật về tội đơn giản chính là chơi trò chơi của quỷ và rơi vào cạm bẫy của nó.

Tôi được nhắc nhớ về những lời của Thánh Phaolô rằng: “Thật vậy, sẽ đến thời người ta không còn chịu nghe giáo lý lành mạnh, nhưng theo những dục vọng của mình mà kiếm hết thầy này đến thầy nọ, bởi ngứa tai muốn nghe” (2Tm 4,3). Ngày đó đã đến ngay lúc này đây. Hầu hết con người ngày nay cho rằng việc tận hưởng cuộc sống đời này quan trọng hơn so với sự sống đời đời. Chúng ta không muốn nghe sự thật bởi vì sự thật khiến chúng ta không thoải mái – bởi vì đôi khi sự thật đòi hỏi chúng ta phải thay đổi đời sống, tư tưởng, và trái tim của chúng ta về hướng Thiên Chúa và tha nhân.

Sự sám hối theo Kinh Thánh

Khi Chúa Giêsu kêu gọi mười hai Tông Đồ và bắt đầu sai họ ra đi rao giảng, Người đã ban cho họ quyền năng và sức mạnh để chữa lành bệnh tật, làm cho kẻ chết trỗi dậy, người mù được thấy, kẻ què đi được và xua trừ ma quỷ – sức mạnh này mang đến sự chữa lành cho tất cả mọi đau khổ của con người. Mặc cho những năng quyền tuyệt vời đó, Tin Mừng nói cho chúng ta biết rằng sứ vụ quan trọng nhất mà Chúa Kitô trao cho các Tông Đồ chính là rao giảng sự đòi hỏi sám hối. “Sám hối” là một trong những từ quan trọng nhất và được sử dụng thường xuyên nhất trong toàn bộ Kinh Thánh.

Những lời đầu tiên của Chúa Giêsu khi Ngài bắt đầu sứ vụ công khai của Ngài là “Hãy sám hối, vì Nước Trời đã gần đến” (Mt 4,17). Và Chúa chúng ta đã nói với các Tông Đồ rằng, ở bất cứ đâu người ta từ chối nghe và thực hành những lời này, thì khi các ông rời khỏi đó và hãy rũ bụi chân lại như một dấu chứng chống lại họ (Mt 10,14). Tất cả ngôn sứ được Thiên Chúa gửi đến trong Cựu Ước lẫn Tân Ước đều được sai đi rao giảng thông điệp về sự sám hối. Không ai có thể làm môn đệ Chúa Kitô hoặc thậm chí tự nhận danh hiệu “Kitô hữu”, nếu người đó không sẵn lòng sám hối.

Sám hối là gì?

Chính xác là chúng ta đang nói về điều gì khi chúng ta đề cập đến sự sám hối?

Đầu tiên và đơn giản nhất, sám hối có nghĩa là nhìn nhận sự thật về tội lỗi bản thân nơi đời sống của bạn – và từ bỏ nó. Điều đó có nghĩa là loại bỏ tội lỗi ra khỏi đời sống của bạn và biến đổi đời sống theo Thánh ý Thiên Chúa, thậm chí khi Ý Chúa không hợp với ý riêng của bạn.

Thứ hai, sám hối có nghĩa là tìm kiếm lòng thương xót đầy tình yêu của Thiên Chúa với một tâm hồn thực sự thống hối. Thống hối là điều gì đó còn hơn cả sự đau buồn vì tội lỗi; có ba yếu tố đối với một sự thống hối chân thành: đau buồn vì những tội mà bạn đã phạm, chán ghét những tội đó cùng tất cả các tội khác, cùng một quyết tâm mạnh mẽ biến đổi đời sống, nghĩa là bạn muốn cố gắng không tái phạm những tội đó trong tương lai, với sự trợ giúp của ân sủng Chúa.

Thứ ba, sám hối có nghĩa là chấp nhận lời của Thiên Chúa và luật của Ngài, đồng thời thực hành chúng trong đời sống của bạn. Điều này có nghĩa là đặt đức tin vào trong hành động. Chúng ta được cứu rỗi bởi đức tin được thể hiện qua đức ái. Ơn cứu độ không phải chỉ bởi đức tin, và không bao giờ là vậy. Thánh Giacôbê Tông Đồ đã viết rằng “Đức tin mà không có việc làm là đức tin chết” (Gc 2,17). Đức tin của chúng ta phải là một đức tin sống động. Nó không thể bị nằm ì hoặc tàn lụi. Đừng bỏ lỡ điều này với Thiên Chúa.

Và cuối cùng, sám hối có nghĩa là thực hành thống hối. Dù cho chúng ta có nhận ra hay không, thì hầu hết những tội ẩn kín của chúng ta, theo một cách mầu nhiệm nào đó, đều gây xáo trộn trong toàn bộ trật tự sáng tạo của Thiên Chúa. Chúng gây ra một sự sút giảm ân sủng trong Thân Thể Mầu Nhiệm của Chúa Kitô. Thiên Chúa mong muốn chúng ta phải sửa chữa những tổn hại bị gây ra bởi tội lỗi của chúng ta, chống lại Ngài và tha nhân.

Không một ai trong chúng ta sẽ nhìn thấy tôn nhan Chúa trên thiên đàng, nếu chúng ta không khiêm nhường đủ để biết và thừa nhận rằng chúng ta là những tội nhân cần đến lòng thương xót của Thiên Chúa. Không có một ngoại lệ nào. Chúng ta sẽ không bao giờ hổ thẹn hay ngại ngùng để thừa nhận như vậy, bởi vì Kinh Thánh nói rằng “mọi người đã phạm tội và bị tước mất vinh quang Thiên Chúa” (Rm 3,23).

Bí tích Thống hối

Chúa Giê su đã nói với các Tông Đồ của Ngài trong Vườn Giệtsimani, “Tinh thần thì hăng say, nhưng thể xác lại yếu hèn” (Mt 26,41). Tất cả chúng ta đều cảm thấy mị lực hấp dẫn của tội lỗi trong đời sống của chúng ta. Tất cả chúng ta phải chiến đấu để kiểm soát những đam mê bừa bãi. Chúng ta luôn có nguy cơ có thể đầu hàng trước cơn cám dỗ và sa vào tội trọng trong một phút yếu lòng. Do đó, chúng ta cần liên lỉ thống hối trong đời sống của mình.

Đó là lý do tại sao Thiên Chúa, trong sự khôn ngoan vô cùng của Ngài, đã ban cho chúng ta bí tích của Lòng Chúa Thương Xót, Bí Tích Thống Hối! Ngài đã ban nó cho chúng ta trong Chúa Nhật Phục Sinh đầu tiên, khi Ngài hiện ra với các Tông Đồ trong Phòng Tiệc Ly ngay sau sự Phục Sinh của Ngài, một thời khắc có tính quyết định trong lịch sử Giáo Hội. Chúng ta được nghe kể lại về điều này trong Tin Mừng theo Thánh Gioan: “Người thổi hơi vào các ông và bảo: ‘Anh em hãy nhận lấy Thánh Thần. Anh em tha tội cho ai, thì người ấy được tha; anh em cầm giữ ai, thì người ấy bị cầm giữ’” (Ga 20,22-23).

Mọi Kitô hữu cần phải nhớ lấy những lời nói này. Chúng ta cần thuộc nằm lòng những lời đó để chúng ta có thể sẵn sàng trả lời bất cứ khi nào đức tin của chúng ta bị chất vấn về vấn đề này. Tin Mừng trình bày cho chúng ta rõ ràng rằng Chúa Giêsu đã ban cho các môn đệ của Ngài năng quyền để tha tội nhờ vào danh Ngài. Nhưng quan trọng là Ngài đã không ban cho các ông quyền năng để đọc tâm trí! Nếu không ai xưng tội, thì làm thế nào các môn đệ có thể biết những tội gì mà tha và những tội gì mà cầm giữ. Chúng ta thực hành bí tích Hòa Giải bởi vì nó đã được truyền lại cho chúng ta từ các Tông Đồ bởi ý định của Chúa Giêsu Kitô, Đấng Cứu Độ chúng ta. Đó là lý do tại sao, dưới nhiều hình thức, Xưng Tội đã trở thành việc thực hành của các Kitô hữu ngay từ thời sơ khai.

Sự biến đổi nội tâm

Bạn thấy đó, Chúa Giêsu để lại cho chúng ta bí tích này bởi vì Ngài biết quá rõ điều mà tội lỗi và mặc cảm tội lỗi có thể gây ra đối với tâm hồn con người. Chúng có thể xâu xé tâm hồn con người – chia cắt tâm hồn ấy với Thiên Chúa.  Chúng có thể khiến một người mất hết hy vọng. Thiên Chúa biết chúng ta cần phương cách để thoát khỏi tội lỗi và mặc cảm tội lỗi, bởi vì chúng có thể cướp đi của chúng ta sự bình an và niềm vui bên trong, điều mà đáng lẽ ra là của chúng ta với tư cách là Kitô hữu – bình an và niềm vui, cùng với đó là một lương tâm trong sạch trước mặt Thiên Chúa.

Linh hồn con người cần được bình an với Thiên Chúa, và chúng ta cần được bình an với chính bản thân mình. Chúng ta cần biết chắc rằng Thiên Chúa đã tha thứ cho chúng ta. Chúng ta cần có thể cảm nghiệm được tình yêu thương xót của Chúa khi tình yêu đó đụng chạm vào cuộc đời của chúng ta. Sẽ có những thời điểm trong cuộc đời, chúng ta biết rõ, khi nào chúng ta sẽ cần bắt đầu lại đời sống thiêng liêng, khi nào chúng ta sẽ cần làm lại cuộc đời. Khi chúng ta làm điều đó, chúng ta sẽ cần được tăng sức bởi ân sủng của Chúa để tránh xa những tội tương tự trong tương lai. Đó là cách bí tích Hòa Giải giúp biến đổi chúng ta từ bên trong.

Xưng tội dẫn tới sự Thánh thiện

Vẻ đẹp của bí tích Thống Hối nằm ở chỗ bất cứ khi nào bạn xưng thú tội lỗi của mình với hết khả năng và trí nhớ – khi bạn không che giấu bất cứ điều gì và bạn thực lòng ăn năn, có một quyết tâm mạnh mẽ biến đổi đời sống – bạn luôn rời khỏi tòa giải tội với một sự vững tin về sự tha thứ hoàn toàn của Thiên Chúa.

Nhiều người lo lắng không cần thiết về những tội họ đã quên trong buổi Xưng Tội của mình. Nhưng trí óc con người không giống như một chiếc máy vi tính mà có thể truy cập đến tất cả mọi dữ liệu nó cần trong đúng lúc đó. Trí nhớ của chúng ta kém đi cùng với sự lão hóa tự nhiên của con người. Khi chúng ta đã thực hành một buổi Xưng Tội tốt, thì tất cả mọi tội lỗi của chúng ta đều được tha thứ, miễn là chúng ta có một tâm hồn thống hối. Thiên Chúa thấu suốt bên trong tâm hồn. Và nếu sau đó bạn nhớ được một vài tội bạn đã quên xưng thú, thì bạn chỉ cần mang chúng tới lần Xưng Tội tiếp theo của bạn. Nó đơn giản như vậy thôi.

Ân sủng trong bí tích là một tường lũy hữu hiệu chống lại tội lỗi và là phương tiện rất hữu hiệu cho sự thánh thiện của cá nhân. Chính vì tình yêu thương vô hạn dành cho chúng ta, nên Thiên Chúa ra lệnh cho chúng ta thực hành bí tích Thống Hối. Chính trong bí tích này, chúng ta trao gửi quá khứ cho lòng thương xót của Thiên Chúa, hiện tại cho tình yêu của Ngài, và tương lai cho sự quan phòng của Ngài.

Tác giả: Linh mục William Casey

Chuyển ngữ: Anthony Lai
Từ: catholicexchange.com (19.02.2021)