Đòi Lại Ngày Xưa

0
65

Cuộc đời như một chuỗi thời gian mắc nợ. Nợ đủ thứ, từ vật chất đến tinh thần. Nợ đời. Nợ người. Nợ chính mình. Và đặc biệt là nợ Thiên Chúa. Tác giả Thánh Vịnh cảnh báo: “Nợ máu Chúa không tha, nhưng hãy còn nhớ mãi, tiếng những người nghèo khổ, Chúa chẳng quên bao giờ” (Tv 9:13). Tại sao? Vì đó là món nợ của lòng thương xót! Thế nên, Chúa Giêsu đã dạy chúng ta hằng ngày phải cầu xin với Chúa Cha: “Xin tha nợ chúng con, như chúng con cũng tha kẻ có nợ chúng con…”.

Mắc nợ thì bị đòi nợ. Có những thứ đòi được, nhưng có những thứ không thể đòi được. Nhạc sĩ Mặc Thế Nhân (1) có cách “đòi nợ” khác người, được ông bộc bạch qua ca khúc “Trả Tôi Về” (2).

Tại sao ông muốn đòi món nợ đó? Vì nó quá đẹp, quá giá trị, trên cả tuyệt vời: “Xin trả tôi về ngày xưa thơ mộng đó, bên mái tranh chiều ngồi ngắm áng mây trôi, mẹ quê đun bếp nghèo, thơm mùi rơm qua khói mờ, ôi tình quê trìu mến”. Món nợ tình quê luôn là thứ vô giá, vì không ai lại không có quê hương, dù quê hương chỉ là những gì giản dị nhất, giản dị và bình thường nhưng không tầm thường.

Ông không đòi những gì cao xa, ông chỉ đòi những gì bình thường nhất: “Xin trả tôi về miền quê hương nhỏ bé, có lũy tre vàng bờ lúa sát ven đê, dòng sông trôi lững lờ, rung vầng trăng soi bóng mờ, chuỗi ngày đẹp và thơ”. Những hình ảnh như vậy thật khó có thể gặp lại vào thời nay, vì người ta đã và đang công nghiệp hóa và thành thị hóa hết trơn rồi. Tiếc lắm, nhưng biết làm sao được!

Và rồi, có những lúc nghĩ về ngày xưa, nỗi buồn hóa thành chất lỏng trong veo có vị mặn rỉ ra từ khóe mắt. Thế nhưng cũng có những giọt “nước mắt cá sấu”, những tình cảm giả dối, chỉ là đầu môi chót lưỡi: “Trần ai hoen đôi mắt đỏ, xót thương đầu môi, ngôn từ nghe ôi khắp trời. Cuộc trần gian quen lừa dối điêu ngoa, còn được ai trong đời biết thương mình?”. Khó lắm, bạn thì ít mà bè thì nhiều. Vợ chồng mà có những người chỉ bằng mặt chứ chưa bằng lòng, thân nhân ruột rà còn vậy kia mà. Buồn lắm. Nhưng đời là thế thôi!

Ns Mặc Thế Nhân đòi tới đòi lui mà không được, nhưng ông vẫn cố đòi: “Xin trả tôi về thời xa xưa lộng gió, bên khóm hoa cà rượt đuổi bướm tung tăng, diều căng dây mái đình, thương đầu xanh chưa biết buồn, chưa sầu chưa hờn oán”. Thời xưa là thời thơ ấu, đơn sơ và vô tư. Thú vị biết bao với cánh diều tuổi thơ bên mái đình làng quê, lòng người dân lành vẫn rất… lành, luôn chân chất và chân thật, chưa nhuốm mùi điêu ngoa.

“Xin trả tôi về” là điệp từ, cứ lặp đi lặp lại, được dùng ở đầu mỗi đầu đoạn nhạc: “Xin trả tôi về ngày xưa trong mùa lúa, bên ánh lửa hồng mẹ thức nấu ngô khoai, ngoài sân vang tiếng cười, tan vầng trăng khua bóng chày, thắm đượm vẹn tình quê”. Quê hương thật là an bình, lòng người cũng thanh thản khi sống trong môi trường “trong lành” như vậy – về cả tự nhiên và tinh thần.

Biết là đã mất, dù chẳng ai lấy mất, nhưng ông vẫn cố đòi: “Xin trả tôi về vùng thơ ngây thuở đó, chưa biết u sầu vì kiếp sống bôn ba, nhìn qua bao thói đời: vinh nhục, hư trong kiếp người, mơ lợi danh quyền thế”. Càng lớn thì người ta càng cảm thấy nuối tiếc ngày xưa, nuối tiếc vì thuở an bình không còn, nuối tiếc vì va chạm quá nhiều trong cuộc sống, nuối tiếc vì ngán ngẩm thói đời, càng ngày cuộc đời càng lộ khuôn mặt giả dối. Ôi thôi!

Như vậy thì không đòi lại sao được, vì ngày xưa không chỉ tốt đẹp mà còn an lành: “Xin trả tôi vềmiền quê tôi nghèo khó, có đám dân lành, lòng chất phác vô tư, ngày chăm lo cấy trồng, đêm quần vui bên chén trà, kể chuyện một ngày qua”. Cuộc sống khó khăn, chật vật, nghèo khó, nhưng người ta không tham sang mà bỏ nghĩa. Thánh thiện biết bao! Thánh thiện như vậy thì sao lại không muốn “đòi lại” chứ? Chén trà rẻ tiền nhưng chứa đầy tình nghĩa, ly cà-phê hoặc ly bia/rượu mắc tiền nhưng chứa đầy mưu mô toan tính!

Cuối cùng, dù biết không thể đòi được món nợ ngày xưa, nên ông vẫn ray rứt: “Xin trả tôi về, xin trả tôi về, xin trả tôi về ngày xa xưa…”. Câu CODA để kết nhưng chỉ là “kết lửng”, như dạng “kết nữ” trong âm nhạc vậy. Không ai có thể trở lại ngày xưa được, có lẽ vì vậy nên ai cũng rất muốn quay trở lại!

Ca từ ông dùng giản dị, mộc mạc, đậm chất tình quê, nhưng vẫn mượt mà như bài thơ. Tiết tấu thong thả, với những “liên ba” diễn tả nỗi lòng ray rứt, được lồng trong âm thể Ré Thứ (Dm) khiến lòng người nghe bất chợt chùng xuống, hồi tưởng về cổ tích đời người, ngày xửa ngày xưa…

Thánh Phaolô khuyên nhủ: “Anh em đừng mắc nợ gì ai, ngoài món nợ tương thân tương ái” (Rm 13:8). Đó là nợ yêu thương, nợ lòng trắc ẩn, nợ lòng thương xót.

Chúa Giêsu nói về sự giận ghét (Mt 5:21-26; Lc 12:57-59), không nói rõ là nợ, nhưng thực ra đó là “nợ tình”. Hãy nghe chính Chúa Giêsu phân tích: “Anh em đã nghe Luật dạy người xưa rằng: Chớ giết người; ai giết người thì đáng bị đưa ra toà. Còn Thầy, Thầy bảo cho anh em biết: Ai giận anh em mình thì đáng bị đưa ra toà. Ai mắng anh em mình là đồ ngốc thì đáng bị đưa ra trước Thượng Hội Đồng. Còn ai chửi anh em mình là quân phản đạo thì đáng bị lửa hoả ngục thiêu đốt. Vậy, nếu khi anh sắp dâng lễ vật trước bàn thờ, mà sực nhớ có người anh em đang có chuyện bất bình với anh thì hãy để của lễ lại đó trước bàn thờ, đi làm hoà với người anh em ấy đã, rồi trở lại dâng lễ vật của mình. Anh hãy mau mau dàn xếp với đối phương, khi còn đang trên đường đi với người ấy tới cửa công, kẻo người ấy nộp anh cho quan toà, quan toà lại giao anh cho thuộc hạ, và anh sẽ bị tống ngục. Thầy bảo thật cho anh biết: anh sẽ không ra khỏi đó trước khi trả hết đồng xu cuối cùng”.

Cứ tưởng tức giận chỉ là chuyện nhỏ, ai ngờ lại hóa ra là chuyện lớn, vì có liên quan món nợ về lòng thương xót. Thật đáng sợ biết bao!

Thế thì làm sao đây? Không gì tốt hơn là sám hối: “Lạy Thiên Chúa, xin lấy lòng nhân hậu xót thương con, mở lượng hải hà xoá tội con đã phạm. Xin rửa con sạch hết lỗi lầm tội lỗi con, xin Ngài thanh tẩy. Vâng, con biết tội mình đã phạm, lỗi lầm cứ ám ảnh ngày đêm. Con đắc tội với Chúa, với một mình Chúa, dám làm điều dữ trái mắt Ngài. Xin ban lại cho con niềm vui vì được Ngài cứu độ, và lấy tinh thần quảng đại đỡ nâng con” (Tv 51:3-6 và 14).

Và như vậy, chắc chắn Thiên Chúa sẽ trả lại ngày xưa cho chúng ta!

TRẦM THIÊN THU