Rửa chân là bổn phận phục vụ và là công việc của tôi tớ (hoặc nô lệ). Ngày xưa, tôi tớ phải rửa chân cho chủ. Việt Nam không “lệ” rửa chân, nhưng tôi tớ lại phải khom lưng hoặc nằm xuống cho chủ bước qua.
Rửa chân là một cách phục vụ của tôi tớ. Chúa Giêsu là Thầy và là Chúa nhưng Ngài đã hạ mình để làm việc của tôi tớ mà rửa chân cho người khác, dù Ngài đã xác định: “Tôi tớ không trọng hơn chủ” (Ga 13:16a; Ga 15:20) và “kẻ được sai đi không lớn hơn người sai đi” (Ga 13:16b). Trước khi các Giáo hoàng ký các văn bản, truyền thống Giáo hội có “cách nói” khiêm nhường thật tuyệt vời: “Tôi tớ của các tôi tớ”.
Có lẽ chân đi nhiều nên phải rửa. Tay muốn phạm tội mà chân không đi thì cũng… “bó tay”. Rửa chân còn có nghĩa là yêu thương, khiêm nhường, phục vụ và tha thứ.
RỬA CHÂN LÀ YÊU THƯƠNG
Trong Phúc âm, thánh Gioan ghi chép lại nghi lễ rửa chân do chính Chúa Giêsu thực hiện vào đêm cuối đời Ngài trên thế gian. Đây là điểm khác so với các Phúc âm nhất lãm. Rửa chân người khác là hành động yêu thương. Nghi thức rửa chân chỉ có trong Phúc âm của thánh Gioan – là “chàng trai trẻ” tự xưng “người môn đệ Chúa yêu” (Ga 13:23; Ga 19:26; Ga 13:23; Ga 20:2; Ga 21:7 & 20), và vì thế mà thánh Gioan cũng rất thích nói về tình yêu. Người rửa chân là “người thực hành yêu thương”, còn người được rửa chân là “người được yêu thương” – và cũng có trách nhiệm yêu thương người khác.
Tình yêu là bản chất của Thiên Chúa, như thánh Gioan định nghĩa: “Thiên Chúa là tình yêu” (1 Ga 4:8). Tình yêu ấy là Lòng Thương Xót vô biên của Ngài, là khối tình cuồng si không ai hiểu thấu: “Tình yêu cốt ở điều này: không phải chúng ta đã yêu mến Thiên Chúa, nhưng chính Ngài đã yêu thương chúng ta, và sai Con của Ngài đến làm của lễ đền tội cho chúng ta” (1 Ga 4:10). Tình yêu có lý lẽ riêng của con tim mà lý trí không thể hiểu hết, nó có những nghịch lý vừa “kỳ diệu” vừa “dễ thương” và khả dĩ chấp nhận. Thánh Gioan phân tích: “Nếu chúng ta yêu thương nhau, thì Thiên Chúa ở lại trong chúng ta, và tình yêu của Ngài nơi chúng ta mới nên hoàn hảo” (1 Ga 4:12). Đại văn hào Victor Hugo cũng có ý tưởng độc đáo: “Ai khổ vì yêu, hãy yêu hơn nữa. Chết vì yêu là sống trong tình yêu”. Chết vì yêu lại là sống trong tình yêu. Quá ngược đời, và lạ thật! Người đời còn nhận ra như vậy, huống chi Thiên Chúa.
RỬA CHÂN LÀ KHIÊM NHƯỜNG
Người có lòng yêu thương thì luôn sống khiêm nhường. Mà khiêm nhường chính là nền tảng mọi nhân đức. Rửa chân người khác là động thái chứng tỏ sự khiêm nhường, khi chúng ta làm vậy là chúng ta vâng lời mà thực hành mệnh lệnh Chúa Giêsu đã truyền dạy. Chúa Giêsu quan tâm công việc mà người ta cho là hèn hạ đó, thế nên chúng ta cũng phải noi gương mà làm với sự vui vẻ và lòng khiêm nhường, khi đó chúng ta sẽ cảm nghiệm được ý nghĩa sâu xa để hiểu đúng và làm đúng. Ý nghĩa sâu sắc này sẽ giúp chúng ta nhận ra tầm quan trọng của gương Chúa Giêsu đối với chúng ta ngày nay.
Có vẻ lạ khi 3 tác giả phúc âm kia (Mátthêu, Máccô và Luca) tập trung vào Bánh và Rượu mà Chúa Giêsu biến thành Mình Máu Ngài lúc Ngài thiết lập Bí tích Thánh Thể vào chiều tối ngày Thứ Năm Tuần Thánh, buổi tối cuối cùng của đời Ngài. Tông đồ Gioan lại có cái nhìn hoàn toàn khác. Chúng ta biết rằng “người môn đệ Chúa yêu” ghi lại đầy đủ các hành động và lời nói của Chúa Giêsu, còn các tác giả kia không ghi lại. Câu trả lời có thể đơn giản là Gioan cảm thấy nghi thức rửa chân cần được thuật lại trong Tân ước. Mặt khác, Gioan có thể nhận thấy có sự nối kết trực tiếp giữa việc rửa chân và “việc làm khác thường” của Đức Kitô trong cuộc đời Ngài, trong cái chết của Ngài và sự sống đời sau.
Chân phước Giáo hoàng Gioan Phaolô II đã noi gương Chúa Giêsu một cách trọn vẹn, không chỉ rửa chân cho người khác mà còn cúi xuống hôn chân người được rửa chân. Một động thái “kỳ lạ” gây ấn tượng rất sâu sắc và thật là dễ thương!
RỬA CHÂN LÀ PHỤC VỤ
Người có lòng khiêm nhường thì luôn sẵn sàng phục vụ người khác. Chúa Giêsu xác định: “Ai muốn làm lớn giữa anh em, thì phải làm người phục vụ anh em” (Mt 20:26). Ngài không nói cho có lệ, không nói suông, mà chính Ngài đã nêu gương và xác định: “Con Người đến không phải để được người ta phục vụ, nhưng là để phục vụ và hiến dâng mạng sống làm giá chuộc muôn người” (Mt 20:28).
Nghi thức rửa chân được ghi lại trong Ga 13:1-17 cho chúng ta một cái nhìn mới về tính cách của Đấng Cứu Độ. Khi nào chúng ta áp dụng bài học “độc nhất vô nhị” này trong đời sống, chúng ta sẽ có thể hiểu hơn về lý do có người vẫn cố gắng đi tìm hạnh phúc mà chưa đạt được trọn vẹn, còn có người lại may mắn đầy ắp niềm vui sướng – như người Việt Nam nói: “Sướng từ trong trứng sướng ra” hoặc “đẻ bọc điều”. Đây cũng là một bí ẩn mầu nhiệm của cuộc đời, một dạng “vô cực”.
Chúa Giêsu đã làm công việc mà người ta cho là hèn hạ, đó là rửa chân, nhưng không phải là rửa chân cho người trên mà là rửa chân cho người dưới quyền mình. Rõ ràng là Ngài không muốn được phục vụ mà chỉ muốn phục vụ. Tuy nhiên, đó cũng chính là mệnh lệnh của Ngài: “Anh em gọi Thầy là Thầy, là Chúa, điều đó phải lắm, vì quả thật, Thầy là Thầy, là Chúa. Vậy, nếu Thầy là Chúa, là Thầy mà còn rửa chân cho anh em thì anh em cũng phải rửa chân cho nhau. Thầy đã nêu gương cho anh em, để anh em cũng làm như Thầy đã làm cho anh em” (Ga 13:13-16).
Thánh Luca cũng nói đến việc đó trong buổi tối lễ Vượt Qua: “Các ông còn cãi nhau sôi nổi xem ai trong Nhóm được coi là người lớn nhất. Đức Giêsu bảo các ông: Vua các dân thì dùng uy mà thống trị dân, và những ai cầm quyền thì tự xưng là ân nhân. Nhưng anh em thì không phải như thế, trái lại, ai lớn nhất trong anh em, thì phải nên như người nhỏ tuổi nhất, và kẻ làm đầu thì phải nên như người phục vụ. Bởi lẽ, giữa người ngồi ăn với kẻ phục vụ, ai lớn hơn ai? Hẳn là người ngồi ăn chứ? Thế mà Thầy đây, Thầy sống giữa anh em như một người phục vụ” (Lc 22:24-27).
Qua hành động, Chúa Giêsu cho thấy rõ rằng Ngài không đòi hỏi chúng ta làm gì cho Ngài, dù Ngài là Thủ lĩnh và Đại huynh của chúng ta, đáng lẽ Ngài phải được người khác phục vụ, thế mà Ngài lại phục vụ họ – tức là chúng ta, và Ngài không chỉ muốn mà còn bắt buộc chúng ta phải vui vẻ phục vụ nhau. Như vậy, chắc chắn sự phục vụ là thực chất của việc lãnh đạo.
Chúa Giêsu thích phục vụ, cả đời Ngài rong ruổi khắp nơi để phục vụ người khác – đặc biệt là những người nghèo khổ. Điều này được xác định qua mẩu đối thoại giữa Chúa Giêsu và tông đồ Phêrô trong trình thuật Ga 13:6-10: “Chúa Giêsu đến chỗ ông Phêrô, ông liền thưa với Ngài: “Thưa Chúa, Thầy mà lại rửa chân cho con sao?”. Chúa Giêsu trả lời: “Việc Thầy làm, bây giờ anh chưa hiểu, nhưng sau này anh sẽ hiểu”. Ông Phêrô lại thưa: “Thầy mà rửa chân cho con, không đời nào con chịu đâu!”. Nhưng Chúa Giêsu nói ngay: “Nếu Thầy không rửa cho anh, anh sẽ chẳng được chung phần với Thầy”. Vừa sợ không được chung phần vừa khoái chí, ông Phêrô phấn khởi: “Vậy, thưa Thầy, xin cứ rửa, không những chân mà cả tay và đầu con nữa”. Chúa Giêsu cười rất hiền: “Ai đã tắm rồi thì không cần phải rửa nữa, toàn thân người ấy đã sạch”. Và Ngài “láy” một câu quan trọng: “Về phần anh em, anh em đã sạch, nhưng không phải tất cả đâu!”.
RỬA CHÂN LÀ THA THỨ
Người mau mắn phục vụ thì dễ dàng tha thứ. Vì cảm nghiệm được ơn tha thứ nên muốn tha thứ, muốn rửa mình và rửa người khác. Ở đây, động từ “rửa” không chỉ là làm cho sạch mà còn là tha thứ. Phàm cái gì bẩn thì phải rửa, dù bẩn theo nghĩa đen hay nghĩa bóng. Thánh vương Đa-vít cũng đã cầu nguyện: “Xin rửa con sạch hết lỗi lầm; tội lỗi con, xin Ngài thanh tẩy” (Tv 51:4).
Rửa sạch là việc cần làm ngay, tha thứ cũng là việc cần làm càng sớm càng tốt và càng nhiều càng tốt. Có lần ông Phêrô hỏi Chúa Giêsu: “Thưa Thầy, nếu anh em con cứ xúc phạm đến con, thì con phải tha đến mấy lần? Có phải bảy lần không?” (Mt 18:21). Đức Giêsu đáp: “Thầy không bảo là đến bảy lần, nhưng là đến bảy mươi lần bảy” (Mt 18:22). Không chỉ vậy, chúng ta còn phải yêu thương, tha thứ, cầu nguyện và làm ơn cho cả kẻ thù nữa (Mt 5:44; Lc 6:27). Khó quá, nhưng không được phép không làm!
Tha thứ mỗi ngày 1 lần cũng khó rồi, nhất là khi “sự xung đột” trầm trọng, huống chi mỗi ngày tha thứ 7 lần. Giáo hoàng Phêrô nghĩ mình có thể tha thứ 7 lần là “ngon” lắm rồi, ai dè… “bị hố”!
Chúng ta thực sự may mắn nên có thể tạ ơn vì luôn tận hưởng hồng ân tha thứ mỗi khi chúng ta cần đến Lòng Thương Xót của Chúa. Nếu chúng ta không biết tha thứ thì chúng ta là người đầy tớ không biết thương xót đồng loại (x. Mt 18:23-35), nghĩa là chúng ta vừa ích kỷ vừa độc ác nên không thể được Thiên Chúa tha thứ!
Lòng Chúa Thương Xót quá lớn nên ơn tha thứ của Ngài cũng vô cùng, vẫn cầu xin Chúa Cha thương chính những kẻ đã dã tâm giết chết Ngài: “Lạy Cha, xin tha cho họ vì họ không biết việc họ làm” (Lc 23:34).
TẠM KẾT
Cuối cùng, chúng ta phải ghi nhớ lời Chúa Giêsu nói về việc rửa chân: “Anh em đã biết những điều đó, nếu anh em thực hành, thì thật phúc cho anh em!” (Ga 13:17). Chúa Giêsu nhấn mạnh đến việc thực hành chứ không bảo chúng ta nghe biết cho vui tai.
Ngài chú ý cách thực hành tích cực, và chúng ta chắc chắn sẽ hạnh phúc nếu chúng ta thực hành điều Ngài đã làm. Ngài biết rằng sự đố kỵ, ghen ghét, bực tức, và thiếu lòng tha thứ làm chúng ta bị hạn chế và ngăn cản sự phát triển tâm linh của chúng ta. Nếu chúng ta cho phép những điều đó xảy ra, cuối cùng chúng sẽ hủy diệt chúng ta.
Khi tham dự phụng vụ ngày Thứ Năm Tuần Thánh, chúng ta hãy suy niệm những bài học Chúa Giêsu đã làm, chúng ta sẽ cố gắng khiêm nhường và cảm nghiệm niềm hạnh phúc khi noi gương Thầy Chí Thánh Giêsu trong việc phục vụ nhau bằng cách tha thứ lẫn nhau.
Vậy thì chúng ta đích thực là môn đệ của Chúa Giêsu, như Ngài đã tâm sự: “Thầy không còn gọi anh em là tôi tớ nữa, vì tôi tớ không biết việc chủ làm. Nhưng Thầy gọi anh em là bạn hữu, vì tất cả những gì Thầy nghe được nơi Cha Thầy, Thầy đã cho anh em biết” (Ga 15:15). Là thân phận tôi tớ, thậm chí chỉ đáng làm nô lệ, thế nhưng chúng ta lại được Chúa Giêsu gọi là bạn hữu và là môn đệ. Còn hạnh phúc nào hơn?!
Lạy Chúa, xin rửa chúng con được sạch. Xin giúp chúng con biết chân thành yêu thương, luôn sống khiêm nhường, vui vẻ phục vụ và mau mắn tha thứ. Chúng con cầu xin nhân danh Thánh Tử Giêsu Kitô, Thiên Chúa cứu độ của chúng con. Amen.
Trầm Thiên Thu