Chay tịnh

0
37

THẾ NÀO LÀ CHAY TỊNH?

Ngôn ngữ thông thường gọi là ăn chay, có nghĩa là kiêng ăn, bớt ăn hoặc nhịn ăn theo như chủ trương của tín ngưỡng, giáo thuyết, tôn giáo hay cá nhân đề ra theo một mẫu mực nào đó. Tuy cách thức khác nhau, nhưng ăn chay là điều tất yếu của bất cứ một tôn giáo nào, và ngay cả những lý thuyết về tu thân cũng rất đề cao việc ăn chay, không kể những trào lưu ngày nay người ta ăn chay là vì sắc đẹp, vì sức khỏe.

Đạo Phật ăn chay là để tránh sát sinh, cũng là để tỏ lòng từ bi đại lượng với mọi sinh vật. Đạo Công Giáo ăn chay bằng cách tiết thực để nhắc nhở sự sám hối, sự hy sinh bác ái và hãm dẹp những dục vọng nơi con người. Cũng có nhiều tín ngưỡng và tôn giáo xưa nay có những mục đích tốt lành như vậy. Ăn chay đã có từ ngàn xưa, nhưng nó có nguy cơ trở thành một ý niệm cố hữu và xơ cứng nơi con người ngày nay. Dường như người ta  giữ chay hoàn toàn theo một hình thức nào đó thật máy móc, nó không còn ý nghĩa, mang đến một giá trị tốt lành, không giúp ích thực sự cho việc thực hành tâm linh nữa. Vì vậy việc ăn chay đã trở nên một hình thức nô lệ, như một chuyện “làm dáng” trong việc giữ đạo, đôi khi nó như một chuyện “xa sỉ” của thời đại..

Ngày nay dùng từ chay tịnh là có ý nghĩa hơn cả, vì nó diễn tả được hết cái đặc tính của việc giữ chay. Trong khi ăn chay điều cốt yếu không thể thiếu là phải có cái Tâm Tịnh, nếu tâm không tịnh thì mới chỉ có xác chứ chưa có hồn, có hình thức mà không có nội dung, nghĩa là việc ăn chay trở thành khấp khểnh, vô hiệu. Đây là một vấn nạn tạo nên sự vấp ngã cho nhiều người, do con người ngày nay hầu như bất lực trước cái Tâm luôn bị động, khó có thể tìm cho mình được những giây phút tĩnh lặng trong tâm hồn. Từ lúc thức dậy cho đến khi đi ngủ, con người hầu như hoàn toàn bị cuốn hút vào mọi công việc, mọi lo toan,  mọi áp lực, và mọi cám dỗ trong cuộc sống (Tâm viên ý mã). Vì vậy việc chay tịnh là cực kỳ khó khăn cho con người ngày nay. Bản tính con người dễ thiên về hai khuynh hướng, qúa câu nệ vào hình thức hoặc chỉ chú trọng đến nội dung, như trong việc ăn chay cũng vậy, hình thức và nội dung thường không tương đồng với nhau, cho nên thường chẳng gặt hái được kết quả gì sau những lần ăn chay.

Thực tâm mà nhìn nhận thì bản thân việc chay tịnh là rất khó, vì nó trái với bản tính tự nhiên của con người, nó đòi hỏi một sự từ bỏ khá triệt để. Chay tịnh chống lại sự đòi hỏi theo như bản năng của con người, nhất là bản năng hướng hạ. Một mặt nó không cho phép con người hưởng thụ theo như nhu cầu tự nhiên đòi hỏi, mà việc ăn uống là cơ bản, mạnh mẽ và điển hình nhất ; mặt khác nó bắt người chay tịnh phải biết hãm dẹp mọi dục vọng nơi bản thân, là nguồn của mọi xáo trộn, để tạo trong tâm hồn một sự tĩnh lặng cần thiết. Chính vì vậy, ai biết ăn chay và quen chay tịnh, người đó sẽ có một tinh thần mạnh mẽ, họ dễ dàng chiến thắng bản thân, có một nội lực mạnh mẽ, tạo nơi con người một thế quân bình cả về tâm lẫn thể lý.

Chay tịnh không thể thiếu trên con đường tu đức, nhất là muốn tiến tới sự trọn lành. Nó cũng là phương cách tích cực và hữu hiệu nhất để triệt hạ thói hư tật xấu, triệt tiêu những xu hướng và bản năng hướng hạ nơi con người. Nhờ vậy nó tạo trong tâm hồn con người một sự bằng an, một sự quân bình, một cái Tâm sáng mà chân lý có thể soi rọi vào dễ dàng. Nhưng ngày nay người ta rất coi thuờng việc chay tịnh, họ coi nó như một thứ “xa sỉ phẩm”, nếu có chỉ để trang trí mà thôi, thậm chí có những người đạo đức cũng coi thường nó, họ biện minh rằng: tinh thần là quan trọng, ý hướng là quan trọng, sức khoẻ là quan trọng, ngày nay dùng phương pháp tu đức khác v.v… Vì vậy thân xác và linh hồn họ luôn bị chao động, mỗi ngày lại yếu đuối và nặng nề thêm, ngay cả những điều nhỏ mọn họ cũng không thể tự chế hay tự chủ được, nói gì đến những việc bác ái hy sinh đòi sự can đảm kiên cường.

TẠI SAO PHẢI CHAY TỊNH ?

Các vị “đạo cao đức trọng”, nhất là các thánh nhân, việc chay tịnh là điều tất nhiên chẳng cần phải bàn luận. Cuộc đời của các vị được gắn liền với việc ăn chay như là thuốc uống chữa bệnh tinh thần, như là nước uống tạo chất sống cho cơ thể, như thánh Gioan Viannây xứ Ars là tiêu biểu nhất, mỗi ngày ngài chỉ ăn một củ khoai để giữ chay tịnh.

Theo như Đức Tin Kitô giáo, từ khi con người sa ngã, tâm trí con người trở nên hèn yếu, mê muội, lầm lạc. Sự sa ngã đó khiến tâm hồn con người bị đắm chìm trong những dục vọng thấp hèn, cho nên bất cứ tư tưởng, ý hướng và hành động nào của con người cũng bị dục vọng chi phối, thậm chí cả những ý hướng tốt, nhiều khi bề ngoài có vẻ rất cao đẹp, nhưng lại do động cơ tham vọng, ích kỷ hay do mặc cảm nào đó dẫn dắt. Trong những tổ chức xã hội, trong văn hoá, giáo dục, đều vướng mắc đầy dẫy sự khiếm khuyết và sai lạc, cũng như  trong ý niệm, trong sự nhận thức của mỗi người, đều chất chứa nhiều u mê nhầm lẫn. Cứ thế, lầm lẫn và sai lạc tích lũy và chồng chất lên nhau từ người này đến người kia, từ tổ chức này tới tổ chức khác, từ thế hệ này sang thế hệ nọ. Điều này triết lý nhà Phật gọi là sự “vô minh bẩm sinh” và “vô minh văn hoá” . Như Đức Kitô, Người từ Trời xuống thế để mạc khải chân lý Nước Trời cho nhân loại, nhưng để hiểu và nhất là để sống với chân lý đó thì không phải là khơi khơi mà có được. Điều kiện trong một trật tự của quy luật là phải nhận ra chính mình, đồng thời cũng phải nhận ra Thiên Chúa. Muốn được như thế là phải biết từ bỏ, biết rũ bỏ những dục vọng mà con người đang đắm chìm trong đó. Từ bỏ hay rũ bỏ là gì, đó chính là chay tịnh, là hãm dẹp, là cắt đứt với mọi khuynh hướng, đam mê vật dục, đam mê với cái tôi kiêu ngạo, tham lam, ích kỷ, chia rẽ, hận thù, ghét ghen…

TẠI SAO CHAY TỊNH TÌM ĐƯỢC BÌNH AN VÀ TRỞ NÊN SÁNG SUỐT ?

Mục đích của chay tịnh là hãm dẹp, cắt đứt cái nguồn u mê mà gốc của nó là những dục vọng đê hèn nơi con người. Trước hết là nhịn ăn để “tuyên chiến” với nó, hạ gục hay ít ra làm cho nó yếu đi ngay từ “cơ sở nền tảng” của nó. Cần phải quyết tâm, nhưng nhẹ nhàng, uyển chuyển, đừng thổi phồng nó lên cũng như đừng coi thường thì mới có thể chiến thắng được nó. Như ai cũng biết, nhu cầu ăn uống là nhu cầu manh mẽ, thiết yếu và đầu tiên mà dục vọng con người đòi hỏi, được đáp ứng và thoả mãn nhu cầu này rồi, dục vọng mới tìm tới các nhu cầu khác. Nhưng khi ăn chay, nhu cầu ăn uống bị hạn chế, hoặc bị cắt đứt, thì tất nhiên mọi nhu cầu khác, tức là các dục vọng khác không thể có cơ hội phát triển được, nếu có thì nó rất yếu ớt. Lúc này với ý chí và ý hướng rũ bỏ, người ăn chay sẽ tìm gặp được sự tĩnh lặng trong tâm hồn, khí lực được tích lũy (tự thắng giả cường-thắng mình là mạnh), nên họ rất mạnh mẽ. Và quy trình tất yếu diễn ra là: Dục vọng không còn làm chủ được thân xác và linh hồn nữa, nên người chay tịnh sẽ tìm được sự bằng an bất tận, tâm và trí không bị dục vọng che mờ nên sẽ nhìn được chính mình (tự tri giả minh-biết mình là sáng), thấy mình hèn kém, yếu đuối, nhưng lại có một nội lực chiến thắng được những cơn cám dỗ mà bình thường con người không thắng vượt được. Đồng thời người chay tịnh cũng nhận ra chân lý rất sáng tỏ, nhìn thấy những lẽ huyền vi của Thiên Chúa và mọi quy luật trong đời sống . Mặt khác cũng hiểu đời, hiểu người nhiều hơn, nên tâm hồn phẳng lồng lộng và rất quảng bác.

Dục vọng như chiếc rọ, là sợi dây trói buộc con người làm nô lệ cho những cảm xúc thú tính của phần hạ, được mệnh danh là sự khoái lạc nhưng dẫn đến sự dữ, sự xáo trộn và hủy diệt. Để gặp được chính mình, gặp được chân lý, gặp được chính Đức Kitô thì chỉ có con đường duy nhất là sự từ bỏ, là chiến thắng dục vọng, mà chay tịnh là phương cách cần thiết và hiệu qủa nhất mà ngày nay người ta lại muốn quên nó, đến nỗi Đức Mẹ Mễ Du phải kêu gọi con cái Mẹ cứu thế giới bằng cách ăn chay vào thứ tư và thứ sáu hàng tuần bằng bánh mì với nước lã, để thánh hoá bản thân và cầu cho hoà bình thế giới.

CHÚA GIÊSU ĂN CHAY NHƯ THẾ NÀO ?

Ngài vào hang núi để cầu nguyện, nhịn ăn hoàn toàn bốn mươi ngày đêm, nghĩa là Ngài tuyệt thực cho tới khi cảm thấy đói – “Thánh Thần dẫn Ngài vào sa mạc bốn mươi ngày, chịu ma quỉ cám dỗ… Ngài không ăn gì cả.” (Luca 4,1-2). Đây là phương pháp nhịn ăn triệt để và tích cực nhất mà nhiều người trên thế giới đã áp dụng xưa nay, như Phật Thích Ca, Ohsawa, Gandhi… Chúa Giêsu không phải chỉ làm gương cho con người, mà đối với bản thân vị Chúa-Người, Ngài cũng cần được cảm nghiệm sự cám dỗ và chay tịnh đúng mức thì mới được tiếp nạp sức mạnh Cứu Chuộc theo như trật tự trong quy luật tự nhiên và siêu nhiên của Thiên Chúa.

Trước đây trong xã hội truyền thống, con người sống gần thiên nhiên, tự cung tự cấp, nhu cầu chưa nhiều, đời sống thanh bạch, giản dị được ưa chuộng và đề cao, nên con người gần với đạo lý hơn, việc ăn chay (tiết dục) cũng là việc bình thường và nhẹ nhàng. Nhưng trong xã hội công nghiệp ngày nay, con người hướng đến sự hưởng thụ tối đa, ham chuộng thực phẩm công nghiệp, ưa ăn thịt động vật, tìm những mùi vị kích thích trong ăn uống, từ đó tính khí trở nên hung hăng, nên bị nô lệ và yếu đuối, dục vọng được phát triển tối đa, cho nên việc chay tịnh là cực kỳ khó khăn, hậu qủa là bệnh tật và tha hoá về tinh thần rất trầm trọng. Nhưng dường như con người lại hãnh diện về điều đó.

Tiếc rằng ngày nay không có ai bắt chước ăn chay (tuyệt thực) như Chúa Giêsu, nếu có người nhịn ăn chẳng qua là để chữa bệnh, hoặc tuyệt thực là để lấy tiếng – háo danh. Chay tịnh như Chúa Giêsu cũng không được ai biết đến, mà ngay cả ý nghĩa và mục đích của ăn chay người ta cũng hiểu sai đi. Chay tịnh đã lỗi thời rồi sao?! Hay ngày nay con người qúa yếu đuối ?!

Hàn Cư Sĩ

(Bài viết được tác giả gửi đến dongten.net)