Ý NGHĨA CỦA NĂM PHỤNG VỤ

0
56

1. Năm phụng vụ – một phương tiện giáo dục
Công đồng Vaticano II dạy:

Theo luật lệ lưu truyền, vào các mùa khác nhau trong năm, Giáo Hội chu toàn việc huấn luyện các tín hữu bằng những việc lành hồn xác, bằng giảng dạy, cầu nguyện, sám hối và các việc bác ái (PV 105).

Hằng năm qua những thời điểm khác nhau, Giáo Hội trình bày cho chúng ta những hình ảnh và những biến cố cứu độ, để khi chiêm ngắm những mầu nhiệm ấy, ta hiểu biết, yêu mến Chúa Kitô và dần dần mặc lấy những tâm tình và cách sống của Người.

Trong mùa Vọng, chúng ta hân hoan đón mừng vị Cứu Tinh đến để giải thoát nhân loại khỏi nô lệ của tội lỗi và với lòng trông cậy ở Đấng Cứu Thế, chúng ta sống trong niềm hy vọng tràn trề.

Trong Mùa Giáng Sinh, chúng ta nhìn ngắm Chúa Giêsu trong máng cỏ tại Belem, cũng như những ngày ẩn dật của Người tại Nadarét, để học với Người nếp sống khó nghèo và ẩn dật.

Trong Mùa Chay, chúng ta chiêm ngắm Chúa Giêsu ăn chay cầu nguyện, để học với Người tinh thần sám hối, nhớ lại những lời cam kết khi chịu phép rửa tội, để dứt khoát với ma quỉ, thế gian, xác thịt và sống cho Chúa.

Tam Nhật Thánh giúp ta sống với Chúa Giêsu trong những giờ khắc sau hết của Người, và suy niệm về mầu nhiệm khổ giá, cũng như những hiệu qủa hồng phúc mà cây thánh giá của Chúa Kitô đã mang lại, để ta vững tin, bước theo Chúa trên con đường hẹp, nhưng là con đường dẫn tới vinh quang.

Mùa Phục Sinh là những ngày hoan lạc của con cái Chúa, Giáo Hội trình bày cho chúng ta Chúa Giêsu vinh thắng đang dùng những lần hiện ra của Người để củng cố đức tin của các Tông đồ, rồi việc Người vinh hiển về trời cũng như việc Người thực hiện lời hứa sai Chúa Thánh Thần xuống. Những biến cố đó khiến chúng ta thêm tin tưởng và hy vọng vào chiến thắng vinh quang chung cuộc nếu chúng ta kiên trì bước theo Chúa Kitô.

Mùa Thường niên là lúc chúng ta tưởng niệm mầu nhiệm toàn thể trong mức viên mãn của nó, đồng thời làm cho mầu nhiệm ấy thể hiện nơi Giáo Hội mà chúng ta là thành phần.

Rồi khi mừng kính các thánh, “Giáo Hội công bố mầu nhiệm Phục Sinh nơi các ngài, vì đã cùng chịu thương khó và cùng được vinh hiển với Chúa Kitô. Giáo Hội cũng trình bày cho các tín hữu những gương mẫu của các ngài, gương mẫu lôi kéo mọi người tới Chúa Cha qua Chúa Kitô, và nhờ công nghiệp các ngài, Giáo Hội lãnh nhận được những hồng ân của Thiên Chúa” (PV 104).

Như vậy, năm Phụng vụ quả là một phương tiện giáo dục Giáo Hội dùng để giáo dục con cái mình, làm cho họ trở thành những phần tử xứng đáng, những chi thể thích hợp với Đầu rất thánh là Chúa Kitô.

2. Năm phụng vụ thể hiện việc Thiên Chúa ở giữa ta
Năm phụng vụ không chỉ gợi lại những biến cố của lịch sử cứu độ, cũng không ghi suông lại những khuôn mặt oai hùng và trung kiên của các thánh, nhưng là một trang sử về sự sống của Thiên Chúa giữa chúng ta. Đó là một hiện diện mầu nhiệm, nhưng rất thật và sinh động của Thiên Chúa giữa loài người qua các dấu chỉ phụng vụ.

Tuy nhiên, để sự hiện diện của Thiên Chúa giữa chúng ta đem lại kết qủa siêu nhiên, chúng ta phải liên kết và tiếp xúc với Chúa Kitô, Đấng thánh hóa chúng ta. Việc tiếp xúc sống động này được thiết lập ngay từ buổi sơ khai của Giáo Hội qua những nghi thức phụng vụ, đặc biệt là thánh lễ và các bí tích.

Trong thánh lễ, Chúa Kitô hiến tế trên bàn thờ cũng chính là Chúa Kitô đã mặc lấy nhân tính trong lòng Đức Trinh Nữ Maria, đã sinh ra tại Belem, đã sống đời ẩn dật ở Nadarét, đã thiết lập bí tích Thánh Thể tại nhà Tiệc ly, đã chịu khổ hình, đã chết và Phục Sinh, đã thăng thiên và giờ đây đang ở bên hữu Chúa Cha. Người còn kéo dài cuộc hiến tế của mình mãi mãi. Bởi vậy, dù cử hành bất cứ lễ nghi nào, chúng ta cũng chỉ cử hành mầu nhiệm Chúa Kitô. Thật vậy, cả khi mừng lễ Đức Mẹ và các thánh, khi tấn phong linh mục hay cử hành hôn phối, thánh lễ luôn là trọng tâm của các nghi thức. Qua đó, Chúa Kitô tiếp tục hiện diện và thông ban ơn cứu độ cho mọi người thuộc mọi thời đại.

Sự liên kết giữa chúng ta và Chúa Kitô được trình bày một cách hết sức tốt đẹp trong phụng vụ. Vì chính trong phụng vụ mà chúng ta được liên kết mọi công việc cũng như chính con người của chúng ta với công nghiệp của các thánh, để tất cả được chan hòa trong sự nghiệp của Chúa Kitô, và tất cả được trở nên của lễ sống động dâng lên Chúa Cha. Hiểu được như thế chúng ta không còn coi phụng vụ kính các thánh như một thứ phụng vụ riêng biệt. Trái lại việc tôn kính các thánh được liên kết chặt chẽ với việc cử hành những mầu nhiệm của Chúa Kitô. Trong phụng vụ Công giáo, Chúa Kitô – Đầu Nhiệm Thể, luôn sống động khi ta cử hành các mầu nhiệm của Người cũng như khi ta cử hành lễ các thánh. Chúa Kitô thông ban sức sống của mình cho Giáo Hội và Giáo Hội nhờ Chúa Kitô dâng cho Chúa Cha sự thánh thiện đã nhận lãnh nơi Chúa Kitô.

3. Năm Phụng vụ, nguồn mạch các ơn phúc
Công đồng Vaticano II dạy:

Trong khi cử hành những mầu nhiệm cứu độ như thế, Giáo Hội rộng mở cho các tín hữu sản nghiệp nhân đức và công nghiệp của Chúa, khiến cho những mầu nhiệm này có thể nói là hiện diện qua mọi thời đại, ngõ hầu các tín hữu tiếp xúc với các mầu nhiệm đó sẽ được đầy tràn ơn cứu độ (PV 102).

Như thế, chính khi cử hành những mầu nhiệm cứu độ, kho tàng công nghiệp Chúa Kitô đã lập khi còn sống sẽ được trao ban cho mỗi người chúng ta. Ngày nay Chúa Giêsu không chịu thống khổ và chết đau đớn như ngày Thứ Sáu tuần thánh xưa nữa. Hy lễ của Chúa Kitô chỉ thực hiện một lần đã đủ để cứu chuộc cả nhân loại. Tuy nhiên, qua thánh lễ Misa, Người tiếp tục đổ tràn ơn cứu chuộc nhờ cây thánh giá cho mọi nơi và mọi đời.

Tuy nhiên, cần nhớ rằng không phải Chúa Kitô đã cứu nhân loại chỉ bằng cái chết của Người trên thập giá, nhưng là bằng tất cả cuộc đời của Người. Ơn cứu độ khai mạc với ngày truyền tin và máng cỏ Bêlem, ơn cứu độ còn tiếp diễn qua lễ Ba Vua, lễ dâng mình vào Đền Thánh, qua việc Người hiện diện giữa các nhà tiến sĩ, việc Người ăn chay bốn mươi đêm ngày trong hoang địa, qua cuộc hiển linh, qua việc huấn luyện các Tông đồ, việc giảng dạy và làm phép lạ. Khi Giáo Hội mừng kính những sự kiện lịch sử ấy trong chu kỳ một năm, giá trị cứu chuộc của chúng lại đổ tràn trên mọi người.

Đức Cha Phêrô Trần Đình Tứ – Năm Phụng V​ụ