Gia phả Chúa Giêsu trong Tin Mừng Vọng Giáng Sinh

0
87

Cùng đọc Tin Mừng Vọng Giáng Sinh với Đức Bênêđictô XVI

 belem.jpg
Lạy Chúa Giêsu, kính chúc Ngài một Sinh Nhật vui vẻ! 

Nếu thường tham dự thánh lễ Vọng Giáng Sinh, bạn sẽ thấy chán ngắt khi nghe công bố đoạn Tin Mừng dành cho ngày phụng vụ đặc biệt này: “Abia sinh Asa; Asa sinh Giosaphát; Giosaphát sinh Gioram; Gioram sinh Ozia …” Bản danh sách dài các tên tuổi cứ thế mà nối đuôi nhau, đôi khi tưởng chừng như không dứt. Tại sao Giáo Hội lại bắt các tín hữu phải chịu đựng bản gia phả này trong khi có thể nghe một câu chuyện giáng sinh khác thú vị hơn, sống động hơn?

Vẻ đẹp và tầm quan trọng của chương đầu Tin Mừng Thánh Matthêô đã từng được biết đến qua nhiều thời đại, nhưng điều quan trọng mà những người Công giáo thời nay có thể rút ra được từ đấy thì cần phải đọc cuốn sách của Đức Nguyên Giáo Hoàng Bênêđictô XVI về thời thơ ấu của Chúa Giêsu[1]. Tôi không muốn xào xáo lại những giải thích đã quá rõ ràng và cô đọng của Đức Nguyên Giáo Hoàng, nhưng với sự giúp đỡ của ngài, tôi muốn giải bày mục đích thật sự của bản gia phả trong Tin Mừng Thánh Matthêô cũng như của Thánh Luca và Thánh Gioan.

Đức Giêsu là ai? Đến từ đâu? Đức Bênêđictô nói rằng bốn cuốn Tin Mừng nhằm cung cấp câu trả lời chính xác cho những vấn đề này. Khi có ý tưởng này trong đầu thì sẽ không lấy gì ngạc nhiên khi các tác giả Tin Mừng quan tâm tới việc viết ra bản gia phả để vẽ ra dòng tộc của Đức Giêsu, nghĩa là lịch sử gia đình Ngài. Tuy nhiên điều bất thường là các bản gia phả không khớp với nhau.

Matthêô và Luca xếp các bản gia phả vào những chỗ khác nhau trong bản văn của mình với chiến lược rõ ràng. Bản gia phả của Thánh Matthêô nằm ngay phần mở đầu của tác phẩm. Đức Bênêđictô giải thích rõ rằng Matthêô muốn cho độc giả thấy rằng Đức Giêsu Kitô là “con vua Đavít, con Abraham” (Mt 1, 1). Ngài thực sự là Đavít Mới, vị vua của dân Israel đến để thực hiện lời hứa của Thiên Chúa về một sự thống trị trường tồn toàn thế gian mà Đavít cũ đã không làm được.  Matthêô cũng muốn mọi người hiểu rằng Chúa Giêsu thuộc dòng dõi Abraham, vị tổ phụ của một dân tộc mà Thiên Chúa đã hứa rằng mọi dân tộc sẽ được chúc phúc nhờ dân tộc ấy (Stk 18, 18). Bằng cách này, Matthêô đã nối phần đầu với phần cuối Tin Mừng của mình, khi Đức Giêsu phục sinh ủy thác cho các môn đệ ra đi và “làm cho các dân tộc trở thành môn đệ” (Mt 28, 19). Đức Bênêđictô nói: “Phổ quát tính nơi sứ mệnh của Đức Giêsu đã chứa đựng trong nguồn gốc xuất phát của Ngài.

Trái với Matthêô, Thánh Luca không đặt bản gia phả ở chương đầu nhưng ở chương Chúa Giêsu khai mạc sứ vụ công khai. Tuy nhiên, cách xếp đặt này không có gì trở ngại. Nó cũng không là vấn đề khi bản gia phả của Thánh Matthêô đi từ quá khứ tới hiện tại trong khi Thánh Luca lại đi từ hiện tại lần lên tới quá khứ. Điều đáng chú ý là bản gia phả của Tin Mừng Luca rộng hơn của Matthêô, nó nêu dòng dõi của Chúa Giêsu không chỉ tới Abraham  nhưng tới “Ađam, con Thiên Chúa” – nghĩa là tới con người đầu tiên. Như vậy, điều này giải thích mục đích khác nhau của hai tác giả Tin Mừng dành cho các bản gia phả. Không lý do gì buộc Matthêô phải lần lên tới Ađam nếu điều đó chẳng giúp ông chuyển tải sứ điệp ưu tiên của mình. Trong khi đó, Luca chính xác lại muốn làm nổi bật lên vai trò Ađam Mới của Chúa Giêsu. Giống như Ađam, Chúa Giêsu là con Thiên Chúa, và trong Ngài tất cả nhân loại bắt đầu đổi mới. Đức Bênêđictô nói “ẩn ý” của Thánh Luca là trình bày cho chúng ta rằng: “Chúa Giêsu thu nhận tất cả nhân loại vào trong mình, cả lịch sử nhân loại và ban cho bước chuyển mới, dứt khoát, hướng đến một hiện sinh nhân bản mới.”

Đức Bênêđictô ghi nhận rằng vấn đề gai góc nằm ở chỗ Matthêô và Luca đã dựa bản gia phả của mình vào các nguồn riêng biệt và như vậy “chỉ đồng ý trên vài danh tính, còn tên cha của Thánh Giuse cũng không giống nhau”. Chúng ta đã thấy có sự khác biệt nơi hai bản gia phả của hai Tin Mừng, và như vậy xem ra các Tin Mừng có sai lầm trong vấn đề lịch sử cơ bản về dòng dõi Chúa Giêsu không? Các Tin Mừng có mâu thuẫn nhau hay là một hai Tin Mừng nào đó đã sai lầm?

Chúng ta cần phải nhớ lại rằng ngay từ đầu cuốn sách của mình, Đức Bênêđictô đã nói rằng các Tin Mừng không ghi lại “lịch sử như nó thật sự đã xảy ra” nhưng còn là “lịch sử được chú giải”. Nói cách khác, trái với những gì con người hiện đại chúng ta quan niệm, Matthêô và Luca không nhằm cung cấp cho chúng ta một bản tường trình bằng video về cuộc sống gia đình của Chúa Giêsu cũng như một bản lý lịch chính xác về lịch sử gia đình Ngài. Đây không phải là những mối quan tâm của người Do Thái cũng như các Kitô hữu sống vào thời Chúa Giêsu. Cứ vịn vào các tiêu chuẩn của chúng ta về lịch sử thì đó là điều lỗi thời.

Một quan niệm hiện đại về lịch sử sẽ bỏ sót điều quan trọng nhất trong các bản gia phả Tin Mừng. Mỗi bản gia phả đều có điểm nhấn độc nhất của riêng mình, nói lên “mục đích chính” của mình, nếu muốn dùng từ của Đức Nguyên Giáo Hoàng. Đây là lối diễn tả kỹ thuật trong các bài viết của Đức Bênêđictô. Nói theo trường phái Tôma, ta phải xác định cái bản thể (substance) của bản văn Kinh Thánh với các yếu tố tùy thể (accidental).  Như Công Đồng Vatican II đã dạy, mọi điều đã được các tác giả được linh hứng khẳng định thì cũng được Chúa Thánh Thần khẳng định. Toàn bộ Kinh Thánh đã được linh hứng và không sai lầm, nhưng chúng ta phải cẩn thận phân biệt ra chính cái bản tính (bản thể) của điều được khẳng định hay được dạy cách chính thức nếu muốn tránh khỏi phải rơi vào quan điểm của cơ bản thuyết (fundamentalism) cho rằng mỗi trang sách thánh đều chứa đựng một khẳng định chân lý tuyệt đối. Với nguyên tắc này, Đức Bênêđictô rút ra kết luận sau đây về mục đích của các bản gia phả:

“Đối với hai tác giả Tin Mừng, các danh tính không giữ vai trò quan trọng cho bằng cấu trúc biểu trưng (symbolic structure) mà trong đó xuất hiện vị trí của Chúa Giêsu trong lịch sử: sự hiện hữu của Ngài chồng chéo trên những con đường lịch sử của lời hứa và sự khởi đầu mới mẻ, xem ra nghịch lý với tính liên tục của hoạt động Thiên Chúa trong lịch sử, lại đánh dấu nguồn gốc của Ngài.”

Theo quan điểm của Đức Bênêđictô, dù cho các bản gia phả trong Tin Mừng có xung khắc với nhau đến mức độ nào đi nữa thì đó cũng chẳng phải là trở ngại cho niềm tin của chúng ta. Mối quan tâm của các bản gia phả này là “cấu trúc biểu trưng”, nghĩa là, một thần học tiên trưng (typological theology) được chuyển tải qua nghệ thuật văn chương của các tác giả Tin Mừng khi họ “chú giải” lịch sử. Đây là quan niệm chính xác về cách chép sử của các tác giả Tin Mừng, và cũng lưu ý rằng khi Đức Bênêđictô dùng từ “biểu trưng” thì đó không có nghĩa là các tường thuật Tin Mừng chỉ là những biểu tượng mà không có nội dung lịch sử.

Cuối cùng, Đức Bênêđictô kết thúc luận bàn về các bản gia phả Tin Mừng với lời tựa của Thánh Gioan. Đức Bênêđictô nhận thấy rằng Thánh Gioan không trình bày cho chúng ta một bản gia phả theo nghĩa chặt chẽ của từ ngữ mà chỉ nêu lên vấn đề nguồn gốc của Chúa Giêsu theo cách riêng của mình: “Lúc khởi đầu đã có Ngôi Lời. Ngôi Lời vẫn hướng về Thiên Chúa, và Ngôi Lời là Thiên Chúa.” (Ga 1, 1). Đối với Gioan, “gia phả” Chúa Giêsu không chỉ lần lên tới Abraham hay ngay cả tới Ađam nhưng tới chính Thiên Chúa. Nguồn gốc của Chúa Giêsu ở nơi Thiên Chúa; Ngài là “Con Một vốn là Thiên Chúa và là Đấng hằng ở nơi cung lòng Chúa Cha” (Ga 1, 18). Không chỉ có thế, Gioan còn viết rằng: “Những ai đón nhận, tức là những ai tin vào danh Người, thì Người cho họ quyền trở nên con Thiên Chúa” (Ga 1, 12). Mục đích của Gioan ở đây là mạc khải rằng những ai tin vào Chúa Giêsu thì được chia sẻ địa vị làm con Thiên Chúa của riêng Ngài, trở thành “những người con trong Chúa Con” như các Giáo phụ đã nói.

Và Đức Bênêđictô XVI kết luận rằng: “Gioan đã tóm kết ý nghĩa sâu xa nhất của các bản gia phả.” Phải thừa nhận rằng đây không phải là ý nghĩa mà chúng ta có thể tìm thấy được nếu các tác giả Tin Mừng dùng camera để ghi hình lại lịch sử gia đình của Chúa Giêsu lên tới ông Ađam. Đây là ý nghĩa đích thật nhất ở mức độ cao nhất. Giống như một bức tranh thánh (icon), ta chỉ có thể đạt đến chân lý trung tâm của các mầu nhiệm Kitô giáo khi chấp nhận một luật phối cảnh thông thoáng hơn là cứ chăm chăm chú chú vào nghĩa văn tự, nhờ đó ta có thể đưa ra một quan điểm thần học chính xác như thế này:  “Những ai tin vào Đức Giêsu thì bước vào nguồn gốc mới duy nhất của Đức Giêsu, và họ nhận lấy nguồn gốc này như là nguồn gốc của chính mình – như vậy, có thể nói rằng “bản gia phả” thật sự của chúng ta chính là niềm tin vào Đức Giêsu.”[2] Như thế, các bản gia phả trong Tin Mừng trình bày lịch sử gia đình của Chúa Giêsu và cũng là lịch sử gia đình của chúng ta như là những dưỡng tử của Thiên Chúa. Nếu chúng ta nghĩ về bản gia phả trong bài đọc Tin Mừng Vọng Giáng Sinh theo cách trên đây thì có thể chúng ta sẽ nôn nóng trông mong sao cho đến lúc được nghe lại nó từ năm này sang năm khác.

Vậy hén! Chúc mừng Giáng Sinh! Merry Christmas! Và gì nữa he? À, Joyeux Noël!

 

Matthew Ramage

(Lm. Phaolô Nguyễn Minh Chính chuyển ngữ, WGP.Qui Nhơn 18.12.2014)

———————————-

[1] Joseph Ratzinger, Đức Giêsu Thành Nazareth, Phần III: Thời thơ ấu của Đức Giêsu, bản dịch của Lm. Aug. Nguyễn Văn Trinh, Nxb Tôn Giáo, 2013

[2] Xem Joseph Ratzinger, sđd, tr. 25