YÊU CUỘC ĐỜI CỦA MÌNH LÀ LÀNH MẠNH
Nếu bạn lành mạnh về mặt tâm linh, thì đừng ngạc nhiên nếu bạn như Chúa Giêsu, đổ mồ hôi máu khi đối diện cái chết dưới bất kỳ hình thức nào, nhất là khi bạn yêu cuộc đời này.
Với những người có đức tin, họ có một quan niệm rằng nếu chúng ta có đức tin sâu đậm thì sẽ dễ dàng từ bỏ mọi sự thế gian, xem thế gian là phù du, không bám víu vào điều gì và chết một cách thanh thản hơn. Nhưng không phải như thế. Nghĩ như thế là ngây thơ, ít nhất là thường như vậy.
James Hillman có viết: Chúng ta không dễ dàng từ bỏ ngai vàng cũng như động lực đưa ta lên ngai đó. Dù điều này rõ ràng là đúng, nhưng nó xuất phát từ cái tôi của con người hơn là từ đức tin. Cho phép tôi trích dẫn thêm một câu nữa. Tiểu thuyết gia và triết gia lừng danh Iris Murdoch đã giáng thẳng sự thật này vào chúng ta. Một người lính bình thường thường chết mà không sợ hãi, nhưng Chúa Giêsu thì chết với sự sợ hãi.
Chuyện này cũng đúng với cái chết của cha tôi. Cha tôi là một người có đức tin sâu đậm, sống cả cuộc đời làm chứng nhân. Ông qua đời năm 62 tuổi, nhưng đó không phải là giờ lâm tử nhẹ nhàng. Ông buồn vô hạn khi nằm trên giường bệnh, dùng thuốc giảm đau để chờ đến lúc vĩnh biệt chúng tôi. Nỗi buồn và nỗi sợ của ông chẳng liên quan gì đến chuyện sợ đời sau, sợ những gì đang chờ ông ở thế giới bên kia. Ông buồn và sợ là do phải từ bỏ đời này, phải chết đi trước những phong phú đời này. Ông buồn vì sắp chết, vì phải từ biệt vợ con, cháu chắt, bạn bè, cộng đoàn, sức khỏe và đủ mọi thứ ông đã vui hưởng ở đời này. Ông chết trong đức tin, nhưng đó không phải là giờ lâm tử nhẹ nhàng.
Nếu đọc kỹ Kinh Thánh, chúng ta sẽ thấy Chúa Giêsu cũng thế. Ngài không nhẹ nhàng đón nhận cái chết, không phải vì Ngài sợ những gì đang chờ đón mình ở thế giới bên kia, mà là vì, như cha tôi, Ngài rất yêu đời này. Chúng ta thấy rõ sự đấu tranh của Chúa Giêsu trong vườn Giếtsêmani. Kinh Thánh cho chúng ta biết, khi đối diện với cái chết, Ngài đã “đổ mồ hôi máu” và nài xin Cha cho Ngài cách để thoát khỏi cái chết này. Chúng ta thường ngây thơ tin rằng Chúa Giêsu sợ là sợ nỗi đau thể xác đang chờ Ngài, sợ đòn roi và đinh sắt, nhưng thật sự trong Kinh Thánh không nói như vậy. Ngài đổ mồ hôi máu trong vườn, không phải nơi đấu trường. Theo khuôn mẫu văn học, vườn là chốn của tình yêu. Chính Chúa Giêsu, một người yêu chứ không phải đấu sĩ, đã đổ mồ hôi máu. Nỗi sợ chết của Ngài phát xuất từ tình yêu, yêu cuộc đời, chính cuộc đời này.
Thần học gia Dòng Tên, Michael Buckley, đã viết một bài so sánh Chúa Giêsu với triết gia cổ đại Socrate, một nghiên cứu thuần túy về sự ưu tú của con người. Ngạc nhiên thay, khi chỉ xét về sự ưu tú của con người, Chúa Giêsu dường như lại kém hơn Socrate. Trong bài đó, có một câu rất thấm thía.
Socrate chết với sự bình thản và đĩnh đạc. Ông chấp nhận phán quyết của tòa, giảng một bài về những khả thể khác có được nhờ cái chết và những biểu hiện biện chứng của sự bất tử, ông không thấy có lý do gì để sợ, ông uống thuốc độc và chết. Chúa Giêsu thì ngược lại hẳn. Chúa Giêsu gần như cuồng hoảng vì kinh hãi và sợ hãi, “kêu lớn, khóc than xin được cứu khỏi cái chết”. Ngài liên tục tìm đến các bạn của mình để kiếm sự an ủi, và cầu nguyện xin được thoát khỏi cái chết, nhưng chẳng tìm được gì… Tôi đã từng nghĩ điều này là vì Socrate và Chúa Giêsu chịu hai cái chết khác nhau, một cái quá kinh khủng hơn cái kia, đau đớn thống khổ của thập giá thì hơn xa lọ thuốc độc… Nhưng bây giờ tôi nghĩ Chúa Giêsu là người yếu đuối hơn hẳn Socrate, nhạy cảm ơn với nỗi đau và yếu đuối thể xác, nhạy cảm hơn với sự chối bỏ và khinh bỉ của con người, nhạy cảm hơn với tình yêu và thù hận. Socrate chưa từng đổ lệ cho thành Athens mà. Chúa Giêsu là một con người, quá con người.
Trong nhật ký của ông, triết gia Soren Kierkegaard từng thú nhận, ông đã rùng mình trước suy nghĩ phải chết ở đời này, chết đi với cuộc sống bình thường này: Tôi mê làm con người, tôi không đủ can đảm để làm cho linh hồn mãnh liệt như thế. Tôi vẫn quá mê được thấy niềm vui nhân sinh đơn thuần của những người khác trong đời, một điều mà tôi thấy rõ hơn người thường, vì tôi có đôi mắt của thi sĩ để nhìn cho kỹ.
Một trong những biểu hiện sớm của trầm cảm, chính là mất đi sự sôi nổi trong đời, mất đi ý thức về niềm vui cá nhân và từ đó xuất hiện sự xa cách, cụ thể là có thể buông bỏ hết mọi sự từng đã cho chúng ta sinh lực, ý nghĩa và niềm vui. Nhìn bề ngoài, nó có thể là tốt về mặt tôn giáo. Thật tuyệt vời, ông ấy đã không bám dính cuộc đời đến thế! Tuy nhiên, không nên nhầm lẫn sự thánh thiện với trầm cảm, đức tin với sự buông bỏ cảm xúc.
Nếu bạn lành mạnh về mặt tâm linh, thì đừng ngạc nhiên nếu bạn như Chúa Giêsu, đổ mồ hôi máu khi đối diện cái chết dưới bất kỳ hình thức nào, nhất là khi bạn yêu cuộc đời này.
Ronald Rolheiser,
J.B. Thái Hòa dịch