Văn Hóa Xin Lỗi và cảm ơn…!

0
50

Tôi nhớ có lần tôi bắt gặp một bà mẹ ôm đứa con bé bỏng vào lòng miệng không ngớt nói lời:

– Mẹ xin lỗi con, mẹ xin lỗi con.

Đứa bé vừa khóc vừa nói:

– Con xin lỗi Mẹ, tại con không ngoan.

Rồi hai mẹ con ôm chặt nhau, cả hai đều khóc. Sự việc chỉ là chị sơ ý để con chạm tay vào ấm nước nóng vừa đặt xuống. Tay đứa bé bị bỏng mà lòng người mẹ dường như cũng đang bị bỏng, chị ân hận vì không cẩn thận, chị rai rứt, đau lòng, nói lời xin lỗi con trong nghẹn ngào, tức giận bản thân mình. Còn đứa bé thấy Mẹ khóc, nó cũng ân hận vì không nghe lời Mẹ dặn, nước nóng mà cứ chạm tay vào.

Một lần khác, tôi lại được chứng kiến, một cô giáo nhận lỗi trước lớp vì cô đến trễ, lớp ồn ào, ảnh hưởng các lớp khác và bị trừ điểm. Cái hình ảnh đẹp ấy cứ khắc sâu vào đầu tôi.

Có tuổi hay hoài niệm, nhiều khi ký ức tuổi thơ cứ trôi về những khoảnh khắc đẹp. Hai anh em hay đi nghịch phá hái những trái chôm chôm xanh chưa kịp chín ăn ngấu nghiến, về nhà Ba bắt phạt quỳ, rồi Mẹ lại xin lỗi Ba, xin tội cho hai anh em. Mẹ bảo đi xin lỗi Ba, lúc đấy Ba hết giận xòa cười cả nhà lại vui vẻ.

Lắm khi giởn xong đánh nhau, lại bị phạt quỳ, rồi bắt hai anh em xin lỗi nhau, xin lỗi xong còn phải ôm hôn nhau, đang giận nhưng bị phạt thế lòng lại tá hỏa lên cười huề thế là xong sự.

Ba, Mẹ đi xa, ký ức đẹp tuổi thơ cho con giữ lại, lắm lúc nhớ về để tự hào một thuở có Ba có Mẹ hạnh phúc ngập nhà. Những điều Ba dạy cứ vọng lại từ xa xôi:

-Đời người ai cũng mắc sai lầm con ạ, vấn đề hơn nhau ở chỗ biết nhận ra, xin lỗi nhau và quảng đại tha thứ cho nhau, quay qua quẩn lại là hết kiếp người, cò kè tính toán hơn thiệt có được gì, chỉ tổ gánh đau khổ vào thân, cả đời ông nội để lại cho Ba chỉ là cái gia tài lời dạy “ Anh phải sống trên thuận dưới hòa” Các Bác, các Chú có khi gây gỗ bất hòa rồi lại tự xin lỗi nhau vì vẫn như còn thấy Ông lẩn quẩn nhắc nhở.

Đi hết một vòng quá khứ rồi cũng phải quay về với hiện tại, hôm qua gặp một cụ già tâm sự:

– Ngày nay cái văn hóa xin lỗi và cám ơn nó sắp biến mất khỏi xã hội rồi cháu ạ!

Bà lão lại chen vào:

– Ông bị thằng bé chạy đâm vào xém ngả, thế mà nó trừng mắt nhìn rồi chạy tuốt không biết nói lời xin lỗi, Ông buồn nên nói thế. Mà dường như thiệt, có cái gì đó khác ngày xưa thì phải “No bụng đói lòng”.

Nghĩa là sao hở Bà?

-Thì ngày nay tốp nhỏ nó được no đủ, thậm chí dư thừa, Cha Mẹ chỉ lo kiếm cho nó cái ăn cái mặc mà quên cái nhơn tình lễ nghĩa nên nó đói thứ đó.

Nghe giải thích mắc cười, nhưng mà cảm thì cũng tợ zị, văn minh tiến bộ dẫn lối nhiều cái tốt đến với thế giới và cũng vô tình dẫn hết những đức tính tốt của con người đi vắng luôn.

Con người bị trói buộc trong cái bản ngả kiêu ngạo, cái tự cho mình cái quyền tự do, thậm chí tự do để chà đạp người khác mà không cần phải nói lời xin lỗi, tự do đánh giá người khác bằng những lời khiếm nhã kém tế nhị, tự do đem cái tôi to tổ chảng của mình để dập lên người khác mà thỏa chí anh hùng.

Lắm khi chớp mắt nhìn vào những mảng đen loang lỗ đạo đức xã hội đang lan dần, các cụ cứ hay càm ràm, đạo đức ngày càng xuống dốc. Trượt mãi đi tìm văn minh tiến bộ mà triệt tiêu cái nhơn tính thì liệu rằng văn minh ấy có bền lâu khi cái văn hóa “ Xin lội và cảm ơn” cốt cách sống của dân tộc dần dần bị mai một trong lòng người trẻ hôm nay?

Lại một lần cay lòng vì những rách nát của những mảng vá chưa kịp lành…

Suan Tran.