Tư duy tích cực trong mọi góc nhìn

0
82

TƯ DUY TÍCH CỰC TRONG BA GÓC NHÌN

Ngày nọ, một đàn ếch đi ngang qua khu rừng và hai chú ếch bị rơi xuống một cái hố. Thấy cái hố quá sâu, những con ếch còn lại bèn nói với hai chú ếch tội nghiệp kia rằng chúng sẽ phải chết.

Mặc kệ những lời bình luận, hai chú ếch cố hết sức nhảy ra khỏi cái hố. Đám ếch bên trên nhao nhao bảo chúng đừng phí công vô ích, hãy chấp nhận cái chết không thể tránh khỏi.

Thế là một chú ếch nghe theo lời của đàn, nó gục xuống chết vì kiệt sức và nhất là vì tuyệt vọng. Trong khi đó, chú ếch còn lại vẫn dồn hết sức lực cuối cùng tiếp tục nhảy lên. Cả đám ếch càng ầm ĩ la lên bảo nó hãy nằm yên mà chờ chết thì nó lại càng nhảy mạnh hơn nữa. Thật kỳ diệu, một cú nhảy ngoạn mục giúp nó thoát khỏi cái hố sâu.

Thấy vậy, đàn ếch xúm xít lại hỏi: “Cậu không nghe chúng tớ nói gì à?” Chúng cứ nhao nhao hỏi mãi trước sự ngạc nhiên, lúng túng của chú ếch nọ. Cuối cùng, sự thật cũng được một con ếch già trong bầy hé lộ, rằng chú ếch vừa thoát khỏi cái hố kia bị điếc, và nó cứ nghĩ là cả đàn ếch đang hò reo cổ vũ cho nó. Chính ý nghĩ đó đã tiếp thêm sức mạnh diệu kỳ giúp chú ếch đáng thương níu giữ được sợi dây sự sống mong manh trong khoảnh khắc cận kề cái chết. (Sưu tầm)

Bạn nghĩ gì khi đọc câu chuyện này? Có lẽ mỗi người sẽ có những suy nghĩ và nhận xét khác nhau về câu chuyện. Chúng ta thử nghĩ đến khía cạnh tư duy trong ba góc nhìn: về bản thân, về người khác và về thế giới xem sao nhé!

1/ Bản thân

Chú ếch xấu số không bị điếc đã có suy nghĩ tiêu cực về bản thân: “Hố sâu quá, tôi nhảy hoài mà chẳng thoát ra được! Hơn nữa, mọi người đều nhất loạt nói với tôi như thế. Cuộc đời tôi chắc chắn rơi vào bế tắc không có lối thoát.” Những người có suy nghĩ tiêu cực phần nào giống với chú ếch xấu số này. Họ suy nghĩ tiêu cực về bản thân dẫn đến việc ngày càng trở nên bi quan, thiếu tự tin và đánh mất mọi nguồn lực cá nhân. Hậu quả của những suy nghĩ như thế dễ dẫn đến những thất bại.

Ngược lại, chú ếch xấu số bị điếc đã trở nên mạnh mẽ hơn, nhờ tin vào bản thân trước sự “cổ võ hết mình” của cả đàn ếch, và đã thoát chết. Tương tự như vậy, những suy nghĩ tích cực sẽ giúp chúng ta khám phá và phát huy những tiềm năng của mình, giúp chúng ta tự tin, vượt qua những khó khăn trong cuộc sống, và chắc chắn góp phần làm cho cuộc sống trở nên phong phú, tươi đẹp và hạnh phúc hơn.

2/ Người khác

Khởi đi từ quy luật “vàng”: “Anh em muốn người ta làm gì cho mình, thì cũng hãy làm cho người ta như vậy.” (Lc 6,31), và quy luật “bạc”: “Điều mình không muốn người khác làm cho mình thì cũng đừng làm cho người khác.” (Khổng Tử), chúng ta sẽ có cái nhìn và cách hành xử mới về người khác. Đó là một cái nhìn của sự cảm thông, chia sẻ, đỡ nâng, quan tâm, quảng đại. Nói cách khác, đó là lối tư duy tích cực về người khác.

Nếu đàn ếch muốn điều tốt và biết động viên hết mình cho hai chú ếch xấu số thì có lẽ cả hai đã thoát chết chứ không phải chỉ có một. Nếu mỗi người cũng biết cư xử với người khác theo hai quy luật vừa nêu thì cuộc sống của từng người và mọi người chắc chắn sẽ trở nên tươi đẹp hơn rất nhiều.

3/ Thế giới

Từ “thế giới” ở đây muốn nhắm đến cách chúng ta nhìn sự vật, sự việc đã, đang và sẽ diễn ra quanh ta. Hãy chuyển thái độ từ tiêu cực sang tích cực. Một sự việc xảy ra không như chúng ta mong muốn thường đem lại cho chúng ta những suy nghĩ bi quan, buồn chán. Nhưng nếu chúng ta nhìn chúng theo một cách khác, chắc chắn chúng ta cũng khám phá được những điều may mắn ẩn chứa trong đó, hoặc những bài học quý giá nào đó mà chúng ta vô tình bỏ qua.

Trước tình huống một chú ếch qua đời còn một chú sống sót, các thành viên trong đàn chắc chắn sẽ có những cái nhìn khác nhau về sự việc. Nếu chỉ dừng lại ở sự thương tiếc chú ếch qua đời thì chúng chẳng học được bài học gì. Nhưng nếu mỗi thành viên trong gia đình ếch đều có cái nhìn tích cực và lạc quan, chúng sẽ kiến tạo được một tương lai tươi đẹp hơn cho cả đàn sau này.

Đấy là tóm tắt tư duy tích cực trong ba góc nhìn: về bản thân, về người khác và về thế giới. Từng góc nhìn sẽ được triển khai trong những số sau của NSTM.

TƯ DUY TÍCH CỰC TRONG ‘LINH ĐẠO DÂY HÔN ƯỚC’

Có thể áp dụng góc nhìn tư duy tích cực này vào đời sống hôn nhân gia đình, khi thực hiện ‘linh đạo dây hôn ước’.

Trong ‘Gợi ý mục vụ năm 2019 – Bài 9: Hội Nhập – Trở Về Để Hiệp Thông Trọn Vẹn’, Ủy ban Gia Đình đặt vấn đề: Đồng hành với các gia đình đang gặp khó khăn để cuối cùng sẽ đi về đâu? Thưa: Mục đích sau cùng của việc Đồng hành là giúp phân định để rồi hội nhập hoàn toàn vào Hội thánh, hiệp thông trọn vẹn với Chúa Kitô.

Hội nhập như thế cũng có nghĩa là sống “linh đạo dây hôn ước” (AL 315), tức là sống dây liên kết hôn phối do chính Thiên Chúa thiết lập, sống tình yêu phu thê – duy nhất và bất khả phân li (cf. Mt 19,6).

Tuy nhiên, trong nhiều trường hợp, có vẻ như người ta không thể sống “linh đạo dây hôn ước”, không thể tái hợp với người phối ngẫu trước, khi đã li dị và “tái hôn”.

Nhưng, cho dù như thế đi nữa, thì cũng không nên nói rằng: các hoàn cảnh ấy là không thể đảo ngược. Quyết định sống trái nghịch với dây hôn phối thực ra luôn có thể đảo ngược. Khả năng đó đã hàm ẩn ngay từ đầu trong lời hứa hôn, với sự trợ giúp của Chúa Giêsu, khi đôi tân hôn nói tiếng xin vâng đến trọn đời, “bất chấp tất cả” (cf. AL 118). Chính ân sủng của bí tích Hôn Phối luôn hoạt động mạnh mẽ, giúp đỡ họ thực hiện mối kết hợp duy nhất ấy. Đây là góc nhìn vừa tích cực, vừa đích thực, đúng với ý muốn và thiết kế ngay từ thuở ban đầu của Thiên Chúa.

Những người trong hoàn cảnh “trái quy tắc” được giúp phân định và được Chúa thúc đẩy bước trên con đường hoán cải và được tái sinh như người con hoang đàng trở về hội nhập vào nhà Cha: “Anh ta đứng lên đi về cùng cha. Anh ta còn ở đàng xa, thì người cha đã trông thấy ông chạnh lòng thương, chạy ra ôm cổ anh ta và hôn lấy hôn để” (Lc 15, 20). Hành động người cha ôm lấy con trở về biểu thị bí tích Giao Hòa. Ngay lập tức, Cha nói: “Mau đem áo đẹp nhất ra đây mặc cho cậu, xỏ nhẫn vào ngón tay, xỏ dép vào chân cậu, rồi đi bắt con bê đã vỗ béo làm thịt để chúng ta mở tiệc ăn mừng!” (Lc 12,22-24). Theo các Giáo phụ, cho “xỏ nhẫn, mặc áo đẹp” hàm nghĩa, đối với Chúa, ta vẫn còn phẩm giá của hàng con cái và của người hôn phu/hôn thê. Trở về với đời sống theo kết ước của bí tích Rửa tội và Hôn phối, người tín hữu giờ đây có thể sống một cuộc sống mới. Hành trình ấy đạt đến đỉnh điểm là tham dự vào bàn tiệc Thánh Thể.

Lm Giuse Đặng Chí Lĩnh / Nguồn: Sách Nhịp Sống Tin Mừng 33