Lão nông phu và cái cuốc

0
107

“Tại sao những năm gần đây, ta chăm chỉ tu hành nhưng vì lý do gì khiến ta không hề thăng tiến?”. Sau đó ông mới phát hiện, vốn dĩ còn có một thứ ông chưa buông bỏ xuống được!

Có vị nông phu nọ dùng cuốc để trồng trọt. Ngày qua ngày, năm qua năm, lúc nào ông cũng rất cố gắng canh tác, vì thế thu hoạch mùa vụ cũng rất dồi dào, cho tới một ngày kia…

Vào một ngày kia, có một nhà tu hành đến thửa ruộng của ông xin hoá duyên. Lão nông phu nhìn thấy nhà tu hành có phong thái ung dung, tiêu diêu tự tại; trong tâm ông bỗng nổi lên ý niệm muốn tu hành.

Sau khi về nhà, ông hạ quyết tâm từ bỏ hết thảy mọi thứ. Ông muốn có cuộc sống giống như người xuất gia kia, trải qua ngày tháng “nhất bát thiên gia phạn, cô tăng vạn lý du” (một bát cơm ngàn nhà, thân chơi muôn dặm xa).

Nhưng vừa ra khỏi nhà, ông đột nhiên thấy không quen, cảm giác hai tay trống trơn thật khó chịu. Bởi vì mỗi ngày, ông đều mang theo cái cuốc ra đồng; hiện tại ý ông muốn buông bỏ mọi thứ thì lại cảm thấy dường như mất mát điều gì đó.

Thế là, ông lại đi vào nhà, cầm lấy cái cuốc lên ngắm nghía. Cái cuốc được ông sử dụng hàng ngày khiến cho chuôi đã bị mài cho sáng bóng, giờ phải bỏ nó lại, thật sự là không nỡ. Ông đứng lên rồi lại ngồi xuống, vuốt ve nó liên tục.

Sau đó, ông đem cuốc lau chùi sạch sẽ, rồi bọc lại bằng mấy lớp vải bố, mang cất ở một nơi an toàn. Lúc này, ông mới cảm thấy tương đối an tâm để quyết đinh ra đi.

Vị nông phu sau khi xuất gia, tâm chí kiên định tu hành tinh tấn. Tuy nhiên, mỗi lần đi ra ngoài, khi nhìn thấy bãi cỏ xanh mơn mởn; không tự chủ được, ông lại nhớ tới cái cái cuốc năm xưa. Thế rồi, bản thân không kiềm chế được, ông lại chạy về nhà đem cuốc ra ngắm, mở ra từng lớp, từng lớp vải bố. Sờ sờ nó một lúc rồi ông mới gói lại và trở về chùa.

Trải qua 7, 8 năm tu hành, một hôm ông nghĩ: “Tại sao những năm gần đây, ta chăm chỉ tu hành nhưng vì lý do gì khiến ta không hề thăng tiến?”. Sau đó ông mới phát hiện, vốn dĩ còn có một thứ ông chưa buông bỏ xuống được!

Ông quyết định cắt đứt chấp trước này. Ông vội quay về nhà, đem cái cuốc ra, một mạch đi thẳng đến bờ hồ rất lớn. Ông dùng lực xoay cái cuốc vài vòng trên không, rồi dùng hết sức mà ném nó xuống hồ. “Bành” một tiếng vang thật lớn. Gánh nặng trong lòng bấy lâu của ông tựa như một ngọn núi lớn, giờ được hạ xuống, cảm giác vô cùng nhẹ nhõm. “Ta thành công rồi! Ta chiến thắng!“, ông không khỏi vui mừng reo lên!

Đúng lúc ấy, có một vị Quốc vương đi qua. Vị vua này mấy năm nay, dẫn quân lính chinh phạt khắp nơi, đánh bại không ít kẻ thù, dựng lập rất nhiều chiến công hiển hách. Giờ đây ông đang dẫn đầu ba quân, trên đường chiến thắng trở về kinh đô. Xa xa, Quốc vương thoáng nghe được có tiếng người hô: “Ta chiến thắng rồi! Ta thành công rồi!”.

Quốc vương ngồi trên lưng ngựa, nhìn thấy người kia bộ dạng vui mừng kỳ lạ, Quốc vướng thắc mắc nên tiến nhanh tới hỏi: “Ngươi chiến thắng cái gì vậy, vì sao có thể vui mừng như thế?”.

Người tu hành đáp: “Ta hướng vào nội tâm của chính mình, quyết chí khiêu chiến với tâm ma, và ta đã chiến thắng, chấp trước của bản thân đã hoàn toàn bị diệt sạch”.

Quốc vương nhìn thấy niềm vui sướng của người kia thì cảm thấy đây quả là một niềm vui chân chính. Nó xuất phát từ tận nơi sâu thẳm nhất của tâm hồn, vô cùng ung dung và tự tại.

Quốc vương quay đầu ngẫm lại chính mình, Quốc vương nghĩ: “Ta sở hữu cả một đội quân hùng hậu, nắm trong tay thiên binh vạn mã, chinh chiến khắp thiên hạ, lập vô số chiến tích, nhưng có thật sự đạt được niềm vui, hạnh phúc hay không? Đột nhiên, Quốc vương nhận ra bản thân mình không hạnh phúc bằng vị tu hành kia”.

Quốc vương nhìn vị tu hành, trong lòng vô cùng kính nể. Quốc vương hiểu rằng có thể chiến thắng tâm ma mới thật sự là thánh nhân, còn chiến thắng quân địch chỉ đáng là bậc phàm nhân mà thôi.

(ST)