KHÔNG VÀ CÓ
Anh càng nhớ câu chuyện “có – không” của ba nhiều năm trước, lại càng trân trọng sự hi sinh của ba và mẹ, những người đã cho chúng ta những điều “có” đầu tiên vô giá của cuộc đời!
Anh còn nhớ rất rõ câu chuyện của ba dạy về phép làm toán. Đó là hồi anh mới năm tuổi, ba bắt đầu dạy làm các phép tính đơn giản. Các em hẳn biết rằng ba của chúng ta chỉ có cách dạy theo những điều gần gũi trong cuộc sống.
Một lần anh hỏi ba: “Ba ơi, có phải mình cộng nhiều số không lại thì sẽ được số một?”. Các em đừng cười! Trong đầu óc non nớt của một đứa trẻ lập luận rất đơn giản: hẳn là cộng nhiều thứ lại với nhau thì chắc phải được một thứ lớn hơn, nhiều hơn!
Nếu chúng ta theo đại số mà tính lại thì nếu lấy số âm là cộng cho nhau thì kết quả càng âm, tức càng đi xa số không hơn. Nếu con của các em hỏi như thế thì các em sẽ trả lời ra sao? Ba của chúng ta đã trả lời rất đơn giản: “Nếu hôm nay vịt nhà ta không đẻ trứng nào, ngày mai cũng vậy, ngày mốt cũng thế, vậy thì con có được trứng nào không?”. Nghe ba trả lời, anh “à ra thế”, dù có hàng vạn số không cộng lại với nhau cũng không thể nào được một số nào khác ngoài số không.
Lớn lên, anh thấy đó là một triết lí sâu sắc. Đó là ba đã vận dụng một triết lí trong thực tế cuộc sống. Đã không rồi thì không thể nào có được!
Các em yêu quý,
Cuộc sống này cũng vậy thôi. Các em mong mỏi mình sẽ có được những điều lớn lao, tốt đẹp trong cuộc sống thì phải trải qua những cái “có” nhỏ nhặt đầu tiên, chứ không thể bỗng nhiên mà có. Này nhé, em gái, em đã là cô giáo, thì những cái “có” đầu tiên của em là lòng say mê làm cô giáo từ khi em còn chưa đi học; là quá trình nhiều năm dài tích lũy kiến thức; là sự rèn luyện trình độ, nhân cách của một người giáo viên…
Còn em trai, em đang là cử nhân vi sinh vật, là kết quả của nhiều năm tìm tòi, khám phá những điều kỳ diệu của tự nhiên trong chùm phong lan dại hay bụi chuối sau nhà, thậm chí cả bầy nòng nọc mỗi mùa mưa đặc sệt ở các vũng nước; là sự chịu khó nghiên cứu học tập qua hàng loạt thí nghiệm, thực nghiệm…
Nay mai, các em có muốn trở thành những người đi sâu hơn trong lĩnh vực của mình, các em cũng phải tích lũy từ những cái “có” đã qua và những cái sẽ tới. Đó là một quá trình dài, liên tục, đòi hỏi sự nỗ lực cao độ, bền bỉ.
Anh dặn dò các em cũng chính là tự răn mình, không được lơ là trong cuộc sống. Chúng ta đứng lại tức là thụt lùi vì thế giới này luôn vận động tiến về phía trước. Anh em chúng ta phải không ngừng phấn đấu trong học tập, trong công tác và trong các mặt của cuộc sống, nếu không muốn mình bị đào thải.
Anh càng nhớ câu chuyện “có – không” của ba nhiều năm trước, lại càng trân trọng sự hi sinh của ba và mẹ, những người đã cho chúng ta những điều “có” đầu tiên vô giá của cuộc đời!
ST