Mong manh ranh giới giữa “thực” và “ảo” thời công nghệ

0
64

Chưa khi nào mà ngành Công Nghệ Thông Tin (CNTT)- kỹ thuật số phát triển nhanh chóng như hiện nay. Những sản phẩm kỹ thuật số ngày càng hiện đại, mạng xã hội cuốn hút một lượng “khủng những tín đồ” sử dụng. Phải chăng đây là một đặc trưng quan trọng của xã hội hiện đại? Nhớ lại những năm trước đây, được sở hữu một chiếc điện thoại iphone 4 đã là “sành điệu” và “đẳng cấp” lắm rồi, thì ngày nay, chiếc iphone  đã lần lượt được cải tiến và ngày càng hiện đại. Trên Internet hiện nay đang rất “nóng” với sản phẩm iphone 7 được Apple dự kiến sẽ cho ra mắt vào tháng 9 năm 2016. Tuy vẫn còn rất sớm để nói về chiếc iphone này, nhưng mọi người đang kỳ vọng nó sẽ mang đến những điều mới lạ và có nhiều hiệu ứng thú vị.

Ngày nay, cùng với sự phát triển của mạng xã hội, thì chiếc điện thoại di động giữ một vai trò khá quan trọng trong đời sống con người, đặc biệt là các bạn trẻ. Phải thừa nhận rằng, Công Nghệ Thông Tin đã tác động không nhỏ đến đời sống sinh hoạt của con người. Nó giúp cho thế giới “ phẳng hơn”, “nhỏ hơn”, “gần hơn”, nó là phương tiện hiện đại giúp con người nâng cao tầm hiều biết, tri thức, kiến thức nếu biết sử dụng nó như phương tiện hỗ trợ chứ không làm nô lệ cho nó. Tuy nhiên, đại đa số giới trẻ ngày nay, đặc biệt là các bạn tuổi teen đã lạm dụng chiếc điện thoại di động và mạng xã hội, xem nó như một xu hướng để thể hiện “bản lĩnh” và  “đẳng cấp”. Vô hình chung, thay vì mở rộng với thế giới thực, họ ngày càng “thu mình trong thế giới ảo” và trở thành “con nghiện” lúc nào không hay.

 1/ “Ốc đảo” của những cô, cậu tuổi teen.

 Ngày xưa, đối với người dân quê miền sông nước, thì chiếc xuồng, chiếc ghe là phương tiện di chuyển không thể thiếu trong sinh hoạt hằng ngày của họ, hay như người thành thị thì chiếc xe là vật bất lý thân, thì ngày nay những chiếc Smartphone, iphone, laptop…đã trở thành “ bảo bối thần kỳ” của mọi tầng lớp trong xã hội. Ngay cả em bé mẫu giáo cũng sử dụng điện thoại di động một cách thành thạo, và một học sinh tiểu học sở hữu một chiếc Smartphone trị giá vài chục triệu đã không còn là chuyện xa lạ.

 Đây là vấn đề khiến các chuyên gia xã hội học lo ngại, bởi lẽ xu hướng hiện nay, con người ngày càng thu mình vào “thế giới ảo” dù vẫn sống trong đời thực. Họ sống cạnh nhau nhưng không biết, không hiểu gì về nhau; họ hãnh diện vì phương tiện công nghệ giúp thu hẹp không gian nhưng trái tim lại cách xa nhau và dần trở nên chai đá dẫn đến vô cảm.

 Lần kia, tôi dẫn các em lớp giáo lý đi tham quan một nhà thờ xứ biển. Vào nhà xứ chào cha sở xong, các em liền hỏi cha: “ Password của Wifi là gì vậy cha?”. Sau khi cha sở nói Password, tức thì mỗi em một chiếc điện thoại ngồi xuống và đắm mình trong thế giới ảo, không cần biết đến ai và những gì xảy ra xung quanh mình. Hiện tượng này chúng ta cũng thấy rất rõ ở những nơi công cộng như trên xe, quán cà phê, nhà sách…bởi những nơi này đều có Wifi phục vụ miễn phí, chỉ cần biết Password thì kể như “thế giới này chỉ có mình ta”, mọi người xung quanh thế nào không cần biết.

 Tình trạng này làm tôi băn khoăn và cảm thấy tiếc nuối cho tuổi thơ của các em. Nếu như ngày xưa, giờ ra chơi, bọn con gái xúm nhau nhảy dây, chơi ô quan hay chuyền nhau những cuốn truyện bổ ích, bọn con trai thì đá cầu hay rượt đuổi nhau với tiếng cười giòn tan trên sân trường, thì ngày nay chuyện đó đã trở thành chuyện “xưa rồi diễm”, mà được thay bằng những cuộc chat ảo trên Facebook hay chúi mũi vào game online, dẫn đến nghiện game hay sa vào những game bạo lực, khiêu dâm chỉ với một chiếc Smatphone trên tay.

 Cũng vậy, thay vì gặp gỡ, trao đổi, chia sẻ cho nhau những vui buồn trong cuộc sống, thì bây giờ đã có trang Facebook làm thay. Chỉ cần “quăng” vài dòng Status (Stt), chọn icon cười toe toét hay buồn so “đính kèm”, thì người thân và bạn bè biết ngay mình đang vui hay buồn, thay vì được nhìn thấy những biểu hiện ấy ngay trên khuôn mặt thật. Trong bài viết Tình yêu thời kỹ thuật số, tác giả Hoàng Thắng đã nhận định như sau: “Sẽ rất tai hại khi con người bị “máy móc hóa”, thói quen sử dụng biến thành “bệnh” bệnh nghiện nhắn tin, đắm mình trong mạng Internet, lệ thuộc vào chúng để rồi đánh mất những kỹ năng xã hội, giao tiếp bình thường khác. Sự phát triển không ngừng của công nghệ thông tin mang đến những chức năng mới mẻ, hấp dẫn, nhưng nó cũng chính là thủ phạm làm giảm nhu cầu giao tiếp, tâm tình của con người. Cảm giác no ảo đã lấn át nhu cầu thật. Đó là nguyên nhân của hội chứng cô đơn thường gặp trong xã hội hiện đại.”

 Thật vậy, dù con người ngày nay cho rằng thế giới phẳng sẽ giúp họ gần nhau hơn, hiểu nhau hơn, thông tin nhanh hơn. Nhưng thực tế đã chứng minh ngược lại đó là: con người ngày càng cô đơn hơn, bế tắc hơn và số người tự tử nhiều hơn.

 2. Tình yêu thời công nghệ.

 Nếu bạn vào Google và gõ “Tình yêu thời công nghệ”, thì trong vòng 0,29 giây bạn sẽ có 1.080.000 kết quả. Từ thực trạng đó, Trung Quốc đã dựng thành bộ phim Love on the Cloud với nội dung xoay quanh cuộc sống, tình bạn và tình yêu giữa một nhóm người trẻ tuổi thế hệ 8x và cách họ giải quyết những mối quan hệ khác nhau trong kỷ nguyên bùng nổ của Công Nghệ Thông Tin. Từ khởi thủy vũ trụ cho đến bây giờ, tình yêu vốn là tình cảm quý giá và thiêng liêng nhất của con người. Không có tình yêu, trái đất sẽ cằn cỗi như một sa mạc. Vì thế một tác giả Khuyết Danh đã nói: “Một cuộc đời tràn ngập tình yêu hẳn cũng có cả gai, nhưng một cuộc đời không có tình yêu thì cũng chẳng có đóa hồng nào.” Và tình yêu còn là “nơi hai trái tim hòa nhập tạo nên cùng một ý nguyện”, là nỗi nhớ khi xa nhau và hạnh phúc khi gặp nhau:

“ Gặp anh em nở nụ cười,

Vắng anh, em lại giọt rơi giọt đầy” (ca dao).

 Vốn là thứ thiêng liêng nhất của con người, thế nhưng trong thời buổi công nghệ thông tin hiện nay, tình yêu đang đứng trước nguy cơ “công nghệ hóa”, “di động hóa”. Thật không có gì quá đáng khi nhận xét như thế. Bởi lẽ một thực trạng chúng ta thấy rất rõ hiện nay trong những cuộc hẹn hò của các cặp yêu nhau là sau những giây phút “tay bắt mặt mừng”, mỗi người lấy điện thoại ra và, thay vì nhìn nhau, họ lại nhìn vào màn hình điện thoại, thay vì thầm thì những lời yêu thương thì giờ đây là “cuộc đàm thoại tình tứ giữa hai chiếc điện thoại”. Như thế cũng đủ thấy vai trò của chiếc điện thoại trong tình yêu của giới trẻ hiện nay.

 Đâu rồi những buổi hẹn hò bên cầu ao dưới ánh trăng sáng lãng mạn hay trên con đê lộng gió dưới bầu trời đầy sao đã từng đi vào thơ ca, âm nhạc? Đâu rồi ánh mắt nhìn nhau nồng nàn, khát khao, cháy bỏng đến nỗi nhà thơ Lê Thị Kim phải thốt lên: “Đừng nhìn em như thế, cháy lòng em còn gì?”

Cũng không còn cái nắm tay e thẹn, một lỗi nhịp của con tim khi mà bờ đê hay chiếc cầu ao của các bậc cha mẹ chúng ta ngày xưa giờ đã được các chàng trai, cô gái thời công nghệ thay thế bằng những quán cà phê, đơn giản chỉ vì ở đó có Wifi. Ánh mắt không còn làm đối phương “cháy lòng” nữa bởi lẽ họ đâu có nhìn nhau mà là “cùng nhìn vào màn hình điện thoại”. Trái tim không còn lỗi nhịp bởi lẽ “nhịp đập của tình yêu không còn là nhiệm vụ độc quyền của trái tim, mà nó được chuyển giao cho “ngón tay cái”. Tình yêu qua những ngón tay công nghệ kỹ thuật số đã vô tình trở thành rào chắn trong tình yêu của các bạn trẻ thời bùng nổ công nghệ thông tin hiện nay.

 Phải thừa nhận rằng, Công Nghệ Thông Tin hiện đại đã từng bước đưa con người đến tầm cao mới, nâng cao chất lượng cuộc sống và là phương tiện hỗ trợ đắc lực cho sinh hoạt của con người. Tuy nhiên nó sẽ là con dao hai lưỡi khiến ta bị thương nếu sử dụng không đúng cách. Đừng xem nó như một “phép màu vạn năng” thỏa mãn mọi nhu cầu để rồi lạm dụng nó chìm đắm trong thế giới ảo. Đừng để sự thiêng liêng của tình yêu trở thành “công nghệ hóa” khi dùng bàn phím của chiếc điện thoại di động để tỏ tình và “hôn nhau bằng chuột”, cũng như quá lệ thuộc vào nó để rồi đánh mất những mối quan hệ thực, mất khả năng trong giao tiếp, và những cử chỉ biểu lộ trong tình yêu cũng biến mất khi chiếc điện thoại và cảm giác “no ảo” của mạng xã hội vô tình trở thành rào chắn.

 Hãy để cho chiếc điện thoại di động và mạng xã hội thực hiện đúng chức năng của nó là trở thành nhịp cầu nối kết người với người, tạo hiệu ứng tốt trong dư luận, thu hẹp không gian và thời gian…Hãy sử dụng phương tiện Công Nghệ một cách sáng suốt và có chọn lọc. Bởi lẽ ranh giới giữa thực và ảo là rất mong manh, chỉ cần một phút giây nào đó thiếu tỉnh táo và ý thức, chúng ta sẽ rơi vào “thế giới ảo” dù vẫn sống trong đời thực.

Sr. Ter. Trúc Băng