Năm 2020 đang dần khép lại nhường chỗ đón chào năm mới âm lịch 2021. Thế nhưng một năm trôi qua để lại gì trong lòng bạn và tôi? Nếu được hỏi “Khi nhắc về năm 2020, bạn nhớ và muốn nói tới điều gì nhất? Với tôi, Giáng sinh 2020 là thời điểm để lại ấn tượng trong tôi nhất. Vì điều gì vậy?
Tuy không phải là ông già Noel như những bạn nhỏ vẫn ao ước, xuất hiện với bộ đồ đỏ, bộ râu dài màu trắng và có thể biến tất cả ước mơ của các em thành sự thật, nhưng phần nào tôi như cánh tay nối dài của ông già Noel đến với các em sống trong Trung tâm Thanh Thiếu Niên. Một bữa ăn không thể nuôi sống cuộc đời các em, nhưng những gì có thể làm được, tôi đã làm. Lần đầu tiên đến với các em nên trong tôi cũng có nhiều thắc mắc về cuộc đời và số phận các em. Tại sao các em phải vào đây? Mỗi em mỗi hoàn cảnh, không ai giống ai. Có em bị cha mẹ bỏ, có em không cảm được tình thương của người thân, của ông bà cha mẹ nên tự bỏ nhà ra đi, em khác sống lang thang trên đường không nơi nương tựa. Tất cả đã được những người chăm sóc ở trung tâm đưa về. Có ai hiểu được tâm trạng thực sự của các em không? Tôi chỉ cảm được khi được nghe trực tiếp từ môi miệng các em hoặc những người đang chăm sóc các em. Những câu nói đơn sơ thốt ra từ đôi môi và trái tim của các em càng làm tôi cảm thấy thương các em biết bao:
– “Cô ơi, con biết đọc kinh đấy!
– Ai dạy con? Tôi hỏi.
– Cô An dạy con. Đứa nhỏ nhanh miệng trả lời.
– Thế con có đi lễ không?
– Dạ, con không.
– Sao vậy?
– Không ai cho con đi.
Thế đó, các em đã sống và sẽ còn sống một cuộc đời không cha mẹ ruột thịt, không người thân thiết, và cũng chẳng có người để có thể giãi bày nhiều tâm sự khác nữa.
Tôi cũng đi thăm nhiều gia đình nghèo khác trong thành phố. Có gia đình không đủ tiền cho các em ăn học, mặc dù bố mẹ làm rất vất vả. Năm qua đối với người bình thường đã khó, các gia đình nghèo còn khó khăn hơn gấp nhiều lần bởi đại dịch Covid-19. Không có việc làm là tình trạng chung của toàn xã hội, nhiều người thất nghiệp, trong đó có những công nhân nghèo từ quê ra thành phố, nợ chưa trả hết lại phải lo miếng cơm manh áo hàng ngày. Những lao động chính trong gia đình bị mất việc. Tôi đã đến thăm những ngôi nhà chật hẹp chỉ đủ chỗ trú thân qua đêm, thậm chí có người còn không có đủ tiền để thuê nhà, họ phải sống chui lủi dưới gầm cầu. Câu chuyện về một ông cụ lượm ve chai sống dưới gầm cầu vì không có tiền để thuê nhà trọ đã để lại trong tôi bao nhiêu cảm xúc. Thương ông nhưng không biết phải làm gì, chỉ biết trao cho ông một chút quà Giáng sinh, một nụ cười, lời thăm hỏi, động viên. Đó là tất cả những gì tôi có thể cho ông. Hy vọng ông cảm thấy ấm lòng và được an ủi. Khi chúng tôi đến thăm, ông cũng đã có thêm một người bạn đồng hành. Họ nói: “vì ở quê lên, không có tiền thuê nhà trọ nên mới phải tìm nơi này để ở qua đêm.” Bạn nghĩ sao khi một người từ quê lên đi lượm ve chai, hoặc người ta thuê gì làm nấy thì lấy đâu ra tiền cho một nơi ở tốt hơn gầm cầu? Chỗ ông ở có dòng sông chảy qua, có khi nước lên gần ngập phần đất nơi ông nằm ngủ. Cuộc sống của người nghèo bấp bênh, và chẳng có gì đảm bảo cho cuộc sống lâu dài như bao nhiêu người khác đang được hưởng.
Nhìn lại đời sống của bản thân và cũng thấy được những cảnh đời khó khăn ngay bên cạnh mình, tôi càng thấy trân trọng cuộc sống mà tôi đang sống hơn. Nhìn lên có những điều tôi không được bằng ai, nhưng ngó sang bên cạnh mình để thấy còn nhiều người không có được cuộc sống như mình. Tạ ơn Chúa đã cho tôi có cơ hội đến với người nghèo, đến với những mảnh đời thiếu may mắn. Dù không làm gì to tát nhưng những bài học tôi rút ra được còn quý hơn gấp bội, nó giúp cho cuộc sống của tôi tăng trưởng hơn về mặt nhân đức, mạnh mẽ hơn trong đức tin và đức cậy, đặc biệt tôi tiến xa hơn trong tình yêu mến Chúa qua tha nhân. Tôi đã cho đi những gì mình có thể để làm ấm lòng người. Đó cũng chính là món quà tôi nhận được để chuẩn bị cho năm mới sắp đến. Hy vọng ở nơi nào đó bạn cũng đang làm những điều nhỏ nhoi nhưng đầy ý nghĩa và tình yêu mến, để chúng ta trở thành những cánh tay nối dài của Chúa đến với mọi người bạn nhé.
Hoa thược dược – Gx. An Lộc (WTGPHN)