Động lực

0
40
Động lực

Tôi là người yêu thích môn quần vợt. Trong ba tay vợt nổi tiếng mà người ta hay gọi là Big 3, tôi thích nhất Raphael Nadal. Tình yêu với một vận động viên thật lạ lùng. Nó đến với ta thật tự nhiên. Khi đã yêu một ai đó rồi thật khó mà thay đổi. Đó quả là một tình yêu trong sáng vô vị lợi. Tôi ước mong giá mà các cặp đôi yêu nhau cũng tuyệt vời như thế thì ly dị sẽ là chuyện không bao giờ xảy ra.

Thông thường, khi bạn yêu một tay vợt thì đương nhiên những tay vợt là đối thủ lập tức trở thành kẻ thù. Tôi cũng không phải là trường hợp ngoại lệ. Vì yêu thích Nadal nên tôi không thích Novak Djokovic. Còn với Roger Federer thì tôi giữ ở mức trung dung. Tôi yêu anh ấy vì cách đánh hào hoa. Dường như anh ấy sinh ra là để chơi Tennis. Nó có gì đó giống như Messi trong bóng đá. Còn với Nadal thì có nhiều nét giống với Ronaldo hơn. Nadal cũng có tài năng thiên bẩm nhưng phải khổ luyện nhiều hơn mới đạt được thành công như ngày hôm nay. Novak Djokovic cũng là một tài năng đặt biệt trong tennis, nhưng tôi không thể yêu được. Đơn giản, đó là câu chuyện của con tim chứ không phải lý trí. Chính vì thế, mỗi khi anh ta thua và bị loại ở một giải đấu nào đó, trong tôi luôn có một cảm giác khoan khoái dễ chịu. Đó có lẽ là một cảm xúc rất tự nhiên của con người.

Trong giải thi đấu Vienna Open vừa qua, Novak Djokovic bị loại sau hai set bởi một tay vợt vô danh có tên là Sonego. Tôi cứ ngỡ Sonego là một tay vợt trẻ và tài năng nên mới hạ được Djokovic, nhưng thực tế không phải vậy. Trong một cuộc trả lời phỏng vấn, chính Djokovic xác nhận rằng vì anh ta đã đạt được mục tiêu là giành vị trí số 1 của năm, nên anh ta không còn động lực thi đấu. Trận thua bạc nhược đó không đến từ tài năng của tay vợt đối thủ mà đến từ chính một Djokovic đã hết động lực thi đấu. Như thế, động lực thật quan trọng trong cuộc sống con người, không chỉ trong thể thao mà còn trong mọi lãnh vực khác nữa.

Tôi nhớ tới người Do thái. Họ thật thâm thúy. Họ luôn yêu cầu học sinh của mình phải tìm ra hai người quan trọng trong cuộc đời.

Người thứ nhất là người bạn. Phải làm sao có một người bạn tri kỷ để cùng nhau học hành và khám phá. Học thày không tày học bạn. Câu nói này của người Việt nam ta nhưng được người Do thái áp dụng một cách triệt để. Người bạn đó có thể là người cùng trang lứa. Cũng có thể người đó lớn tuổi hơn. Quan trọng là người đó có thể chia sẻ với mình tất cả và mình cũng chia sẻ được với người đó tất cả. Cả hai sẽ làm cho nhau thêm phong phú. Cả hai sẽ giúp nhau vượt qua những khó khăn và thử thách trong cuộc đời.

Người thứ hai chính là người tạo động lực. Nó giống như một người thầy tâm linh vậy. Mỗi khi ta buồn, chỉ cần nghĩ đến người đó, lập tức ta tìm ra được niềm vui. Mỗi khi ta chán nản thất vọng, chỉ cần ta nghĩ đến hoặc đi thăm người đó, ta sẽ tìm lại được động lực để bước tiếp. Vị thầy tâm linh đó có thể là một em bé, một bạn trẻ, một người già, thậm chí là một con vật. Người đó có thể còn sống hoặc đã qua đời. Tôi nhớ tới câu chuyện của một vị hiền triết. Ông ta có một cái bình bát để ăn xin. Một hôm ông xuống dòng sông múc nước uống. Tình cờ, một con chó cũng bước xuống dòng sông đó uống nước. Quan sát thấy con chó dùng mõm uống nước một cách ngon lành, ông thấy bản thân trở nên tầm thường. Ông vẫn còn cái bình bát để giữ làm của riêng mình. Đôi khi ông vẫn còn lo sợ ai đó lấy mất bình bát trong lúc ngủ. Thế là ông vứt luôn cái bình bát xuống dòng sông và dùng tay vục nước uống. Ông thấy lòng mình thật bình yên. Quay sang con chó, ông chắp hai tay cảm ơn con vật đó. Ông nói: “Cảm ơn mi đã dạy ta bài học về sự từ bỏ. Giờ đây ta đã được hoàn toàn tự do”.

Bạn thân mến, có những ngày bạn tràn đầy sinh lực, tràn đầy niềm vui để làm việc. Nhưng cũng có những ngày u ám, bạn chẳng biết làm gì. Bạn dường như mất hết động lực để sống. Trong muôn vàn lý do, tôi thiết tưởng lý do chính yếu là vì bạn chưa tìm được một vị thầy tâm linh Chúa gửi đến  trong cuộc đời. Cầu chúc cho bạn sớm tìm được một người thầy đích thực để sống mỗi ngày với tràn đầy năng lượng và niềm vui.

Thế À