Đời là bản nhạc giao hưởng

0
98

ĐỜI LÀ BẢN NHẠC GIAO HƯỞNG

Muốn thực sự nghe được bản giao hưởng, bạn phải nhạy cảm đủ để có thể nắm bắt từng nhạc cụ một trong bản nhạc. Nếu bạn chỉ thích nghe trống, bạn sẽ không nghe được toàn bộ bản giao hưởng vì tiếng trống sẽ át đi các nhạc cụ khác.

“Lạy Thầy, tôi phải làm điều gì tốt để được sống đời đời?” (Mt 19,16)

Thử tưởng tượng trong lúc ngồi ở phòng hoà nhạc chăm chú lắng nghe những dòng nhạc hay nhất thì bạn sực nhớ ra là mình quên khoá xe. Bạn áy náy về chiếc xe, bạn không thể bước ra ngoài mà cũng không thể thưởng thức bản nhạc. Đó là hình ảnh hết sức trung thực của rất nhiều người.

Đối với người có tai để nghe thì cuộc đời là một bản giao hưởng; nhưng rất ít người nghe bản nhạc ấy. Tại sao? Vì họ bận nghe những tiếng động đã bị cài đặt vào bộ óc của họ. Những tiếng động ấy và nhiều điều khác nữa, như những mối quyến luyến của họ chẳng hạn. Sự quyến luyến đúng là một tên sát nhân hạng nặng.

Muốn thực sự nghe được bản giao hưởng, bạn phải nhạy cảm đủ để có thể nắm bắt từng nhạc cụ một trong bản nhạc. Nếu bạn chỉ thích nghe trống, bạn sẽ không nghe được toàn bộ bản giao hưởng vì tiếng trống sẽ át đi các nhạc cụ khác. Có thể bạn thích trống, thích vĩ cầm hay dương cầm. Điều ấy không có gì xấu vì một sở thích không phá hỏng khả năng nghe và khả năng thưởng thức các nhạc cụ khác. Nhưng một khi sở thích biến thành sự quyến luyến tới mức ràng buộc thì nó sẽ khiến tai bạn chai cứng không nghe được các nhạc cụ khác và khiến bạn bỗng chốc chê bai các âm thanh khác. Nó làm bạn trở nên mù tịt đối với một nhạc cụ nào đó vì bạn đã tặng cho nó một giá trị vượt xa những gì nó đáng được.

Bây giờ, bạn hãy nhìn một người hay một vật mà bạn quyến luyến: một người hay một vật được bạn trao cho hết sức mạnh để làm mình hạnh phúc hay bất hạnh. Hãy xem làm thế nào mà từ lúc đó bạn trở nên kém nhạy cảm trước những sự việc khác trên thế gian, chỉ vì bạn đã tập trung hết mọi chú ý để nắm lấy người ấy hay vật ấy, và để bám lấy người ấy hay vật ấy, không còn biết tới các người khác hay vật khác.

Hãy xem bạn đã trở nên chai cứng như thế nào khi đứng trước đối tượng quyến luyến của mình.

Khi nhìn thấy thế, bạn cảm thấy mong muốn gỡ mình ra khỏi mọi sự quyến luyến. Vấn đề là làm thế nào đây?

Có khước từ và né tránh cũng chẳng ích gì, vì có bịt tai không nghe tiếng trống bạn càng làm cho mình thêm chai cứng và vô cảm như khi chỉ tập trung nghe tiếng trống.

Điều bạn cần phải làm không phải là khước từ mà là hiểu, nhận thức.

a. Nếu những điều bạn quyến luyến có làm bạn đau khổ và hối tiếc thì đó là một chi tiết rất có lợi giúp bạn hiểu ra sự thật.

b. Nếu ít là một lần trong đời bạn thèm khát tự do và yêu thích cuộc sống khi không bị ràng buộc với bất cứ điều gì, thì đó cũng là một chi tiết có ích.

c. Những điều ấy cũng giúp bạn chú ý tới âm thanh của các nhạc cụ khác trong ban nhạc hoà tấu.

d. Nhưng sẽ không có gì thay thế được bổn phận của bạn là phải nhận thức được mình đã đánh mất rất nhiều khi đề cao tiếng trống quá đáng và bịt tai không nghe những âm thanh khác trong ban nhạc.

Rồi sẽ tới ngày bạn không còn mê say tiếng trống nữa, bạn sẽ không còn nói với người bạn ấy của mình “anh đã làm tôi sung sướng tới mức nào”. Vì chưng nói câu ấy là đã nịnh hót tiếng trống và đã bắt nó tiếp tục chiều theo ý mình. Và một lần nữa bạn lại gây cho mình ảo tưởng rằng hạnh phúc của mình là tuỳ vào anh bạn trống ấy.

Đúng hơn, hãy nói “Khi nào anh với tôi gặp nhau, chúng ta sẽ thấy hạnh phúc”. Nói như thế là làm cho niềm hạnh phúc của mình không bị lây nhiễm tiếng trống và chính bạn. Cũng nhờ đó giúp hai bên chia tay nhau không chút ràng buộc, cũng như có được kinh nghiệm mà khi hai bên gặp nhau hai bên đã cảm thấy; bởi chưng lúc ấy không phải hai bên tận hưởng nhau mà hai bên đang tận hưởng bản giao hưởng trổi lên trong cuộc gặp gỡ ấy.

Khi bạn tiếp tục với tình huống khác, với con người hay việc làm khác, bạn có thể cũng làm được như thế mà không cần phải chần chừ do dự. Rồi bạn sẽ khám phá thấy bản giao hưởng trổi lên, cứ mỗi đoạn lại một giai điệu khác, và cứ thế.

Bây giờ bạn sẽ lướt qua cuộc đời mình, đi từ giai đoạn này đến giai đoạn khác, hoàn toàn chìm ngập trong hiện tại, nếu có mang cái gì của quá khứ theo thì cũng chỉ rất ít, và ít tới mức tâm trí bạn có thể lướt qua cả lỗ cây kim: chẳng bị những lo lắng của ngày mai làm xao động như chim trên trời như hoa ngoài đồng. Bạn sẽ không quyến luyến với bất cứ ai hay bất cứ sự gì, vì bạn đã nếm được cai hay của bản giao hưởng cuộc đời. Bạn sẽ chỉ yêu cuộc đời với tất cả tâm hồn, linh hồn, trí khôn và sức mạnh của mình. Bạn sẽ thấy mình bay nhảy không bị vướng víu và tự do chẳng khác gì chim lượn trên bầu trời, luôn luôn sống trong Hiện Tại Vĩnh Hằng. Bạn sẽ tìm ra câu trả lời cho câu hỏi: “Lạy Thầy, tôi phải làm gì để được sống đời đời?”

Tác giả: Anthony de Mello, S.J.
Dịch giả: Lm. Phêrô Đặng Xuân Thành(dongten.net)
Trích sách: Tiếng gọi yêu thương