Trong một đối thoại ngắn ở cuốn phim “Sám hối” của Nga, được chiếu vào năm 1988, tại Sài Gòn: Khi Ông Thị trưởng tới thăm nhà ông hoạ sĩ, thấy ông hoạ sĩ đang vẽ một bức tranh Đức Mẹ Đồng Trinh, Ông Thị trưởng mới đề nghị ông hoạ sĩ: “Sao ông không vẽ một cô gái đang đứng trước một cỗ máy dệt có hiện thực hơn một Đức Maria Đồng Trinh không? Ông hoạ sĩ trả lời với ông Thị trưởng: “Ông chỉ nhìn thấy cái rất nông cạn, còn tôi tôi nhìn xa hơn ông cách hơn cả ngàn năm.”
Mẫu đối thoại này, trong nhiều hình thức nghệ thuật người dân được hưởng dưới sự kiểm soát gắt gao, có cảm tưởng những gì đã được hưởng mang nhiều giới hạn quá. Những giới hạn đó làm mất đi nhiều tính tốt của một cá nhân trong một xã hội.
Một xã hội không chỉ nhằm vào sản xuất, tăng năng suất mà quên vấn đề nhân sinh. Một nơi thờ tự không chỉ dừng lại ở việc đạo đức mà thiếu môi trường thánh thiêng.
Theo nguyên tắc “không ai có thể cho cái mình không có”, cá nhân không sống tươi trẻ, cộng đồng sống sẽ già nua.
Nghệ thuật là để giải thoát khỏi những nhìn quen thuộc, đó mới là hình thức của “ra khỏi” hằng ngày vẫn cần đến mà đôi khi ta quên lãng. Những giây phút dứt mình ra khỏi những nặng nề mỗi ngày là một sự cần thiết. Cuộc sống cần làm tươi trẻ lại mỗi ngày, điều đó đôi khi dễ mà hay quên mất.
Mỗi khi nhìn một bức tranh giá trị mà bạn yêu thích, bạn thấy dễ chịu hơn một ít, mỗi khi nghe một bản nhạc hay, bạn thấy đời trẻ hơn một xíu, mỗi khi bạn ngắm một bông hoa, uốn một cành cây bạn thấy đời vui hơn. Đó là những lúc bạn đang chết cho những sáo mòn để hồi sinh cho những gì mới.
Có rất nhiều hình thức gột bỏ và tái sinh trong mỗi ngày theo nghệ thuật sống của mỗi cá nhân. Người nào biết sống người đó mới vui sống. Biết sống nghĩa là biết gột bỏ và hồi sinh sức sống.
Bạn có thể là người bất hạnh, khi sáng sớm mở mắt ra bạn đã thấy có bao nhiêu công việc hoàn thành trong ngày, rồi bạn chẳng kịp làm gì khác, lao đầu vào làm, vội vàng ăn sáng, lại tiếp tục cho đến trưa, ăn trưa lại làm cho đến chiều. Chiều về lại bận tâm suy nghĩ làm gì cho buổi sáng sau. Bạn đang là ông thị trưởng đề nghị vẽ bức tranh cô gái đứng bên máy dệt đấy.
Người nhìn gần và giới hạn là người nhìn thấy nhiều bất hạnh nhất. Cái căn bản nhất là cuộc sống có nhiều giá trị, nếu chỉ sống một giá trị thay cho các giá trị khác, sẽ rơi vào đau khổ bất hạnh. Đã có thời, người ta đã từng nêu cao khẩu hiệu: “Nhà nhà sản xuất, người người sản xuất”, “nhà nhà chăn nuôi, người chăn nuôi”, người ta nuôi heo ngay cả trên lầu, chuồng gà dưới bếp, để làm kinh tế phụ. Thực tế trong mức đón nhận hiệu quả của nền sản xuất ấy là đói ăn. Ngày ấy, chỉ mong ăn sao cho đầy bụng chứ làm gì có ngon.
Có rất nhiều kinh nghiệm về gía trị “ra khỏi” trong nghệ thuật sống mỗi ngày nơi chính gia đình đang đánh mất.
Bạn cứ thử nghiệm, vào một căn nhà mất trật tự, quần áo treo khắp nơi kể cả để chung với chén đĩa, nơi những xong chảo, nền nhà hình như không có chổi để quét, các thứ siêu vẹo, ngổn ngang. Nếu bạn sống trong tình trạng ấy lâu, bạn sẽ thấy tính tình của bạn thay đổi theo chiều hướng xấu, bạn trở nên con người bẳn tính hơn, bất cẩn hơn, u buồn hơn. Bao nhiêu hệ luỵ kéo theo cuộc sống xuống dốc ấy nữa. Rồi bạn ghen tỵ với người khác vì sự xuống cấp về tình trạng của bạn. Bạn sẽ chẳng hài lòng về điều gì cả. Đó là một quy trình của một đời sống thiếu nghệ thuật sống, hay nói cách khác là thiếu sự giải thoát và phục hồi trong nghệ thuật sống. Sống cuộc sống buông thả là sống một cuộc sống bất hạnh và bất trắc.
Muốn thay đổi làm cho cuộc sống tươi vui hơn, hãy khởi đi từ những gì gần gũi nhất, đó là bằng những cố gắng khởi đi từ căn phòng, ngôi nhà nhỏ bé của bạn. Sắp xếp các thứ trật tự căn phòng của bạn, trồng một cây hoa nhỏ nào đó để bạn có thể dành vài ba phút chăm sóc mỗi ngày, có thể vài bông hoa, đặt một bức tranh dễ mến trên tường.
Làm cho căn phòng trở nên ấm áp dễ nghỉ ngơi, bạn dễ tìm được một sự thư giãn thanh thản trong lúc mệt mỏi. Bạn đang thay đổi sự sống mỗi ngày từ kinh nghiệm “ra khỏi” rồi đấy. Khởi đi từ cái đẹp con người mới trở nên hoàn mỹ hơn.