Tại sao lễ Hiện xuống được cử hành vào Chúa nhật?

0
31

TẠI SAO LỄ HIỆN XUỐNG ĐƯỢC CỬ HÀNH VÀO CHÚA NHẬT?

WHĐ (03.6.2022) – Lễ Hiện xuống hay lễ Ngũ tuần là một trong những lễ cổ xưa nhất của Giáo hội Công giáo, có trước lễ Giáng sinh và có lẽ xuất hiện cùng thời với lễ Phục sinh. Lần đầu tiên Lễ Ngũ tuần được đề cập đến trong một phần còn sót lại của một tác phẩm bị thất lạc của Thánh Irenaeus, có niên đại vào cuối thế kỷ II.[1] Thánh Irenaeus viết rằng các Kitô hữu đã bỏ qua việc quì gối trong phụng vụ Lễ Ngũ tuần như một dấu chỉ cho thấy ý nghĩa đặc biệt của ngày lễ này. Vài thập kỷ sau, giáo phụ Tertullian đề cập đến Lễ Ngũ tuần như một ngày lễ đã được thiết lập rõ ràng và cho rằng độc giả của ngài đã quen thuộc với ngày lễ này. Trong một luận thuyết về Bí tích Rửa tội (có lẽ được viết từ năm 198 đến 207), giáo phụ Tertullian gợi ý rằng, sau Lễ Phục sinh thì Lễ Ngũ tuần là dịp thích hợp nhất để cử hành phép Rửa.[2] Do đó, có thể giả định rằng Lễ Ngũ tuần đã trở thành một lễ được tuân giữ phổ biến muộn nhất là vào năm 200.

Từ xa xưa, Lễ Ngũ tuần luôn được cử hành vào Chúa Nhật, 50 ngày sau Lễ Phục sinh. Vì phải rơi vào Chúa nhật, nên Lễ Ngũ tuần không nhất thiết phải diễn ra theo một ngày nhất định, có nghĩa là, giống như Lễ Phục sinh, Lễ Ngũ tuần là một đại lễ, có thể rơi vào các ngày khác nhau trong năm để bảo đảm ngày lễ luôn được cử hành vào một Chúa nhật cụ thể.

Thực ra, Kinh thánh không nói rõ là Lễ Ngũ tuần rơi vào ngày Chúa nhật, vậy thì tại sao Giáo hội sơ khai quyết định rằng Lễ Ngũ tuần phải được cử hành vào Chúa Nhật?

Mặc dù Kinh thánh không đề cập đến thời điểm xảy ra Lễ Ngũ tuần, nhưng có bằng chứng xác đáng cho thấy rằng biến cố Chúa Thánh Thần hiện xuống tại Phòng Tiệc Ly xảy ra vào một ngày Chúa Nhật. Làm thế nào chúng ta có thể biết điều này?

Trước hết, chúng ta cần hiểu nền tảng của Cựu Ước về Lễ Ngũ Tuần. Lễ Ngũ tuần ban đầu là Lễ hội Shavout của người Do Thái, tức là “Lễ các Tuần” trong Kinh thánh. Shavout có nghĩa là “tuần” (שָׁבוּעוֹת). Việc tổ chức Lễ các Tuần được tìm thấy trong Sách Xuất Hành, vốn được mừng trong mùa hè như là một lễ tạ ơn sau khi kết thúc mùa thu hoạch lúa mì đầu mùa: “Ngươi sẽ mừng lễ các Tuần, dâng lúa mì đầu mùa, rồi mừng lễ Thu hoạch cuối năm” (Xh 34, 22). Ở Israel cổ đại, mùa thu hoạch ngũ cốc đầu mùa kéo dài 7 tuần, bắt đầu vào Lễ Vượt Qua và kết thúc vào Lễ các Tuần. Đây được coi là khoảng thời gian tràn ngập niềm vui.[3]

Ngoài ra, Lễ Ngũ Tuần cũng bao hàm những ý nghĩa khác nữa: Là ngày kỷ niệm việc Thiên Chúa thiết lập giao ước với Dân Israel qua việc ban hành Luật trên núi Sinai. Sách Thánh không cho biết Luật được ban hành khi nào, cũng như không kết nối rõ ràng Lễ các Tuần với sự kiện này. Đây có thể được coi là một truyền thống kinh sư. Và một truyền thống văn hoá cổ Hy Lạp khác liên kết Lễ Ngũ Tuần với việc cử hành hằng năm giao ước Noe với toàn thể nhân loại (St 9, 8-17).

Trong Bản Bảy Mươi (bản dịch Kinh Thánh từ tiếng Hípri sang tiếng Hy Lạp), các dịch giả đã sử dụng từ Πεντηκοστή (Pentēkostē) để chỉ ngày lễ.[4] Từ Pentecost có nghĩa là “thứ năm mươi” và rõ ràng là ám chỉ ngày Lễ các Tuần (Shavout) xảy ra vào ngày thứ năm mươi — nhưng ngày thứ năm mươi sau đó thì sao? Câu trả lời cho điều này đã xác định ngày Lễ Ngũ Tuần.

Vào thế kỷ thứ I, có 2 phương pháp tính niên đại về ngày Lễ các Tuần: phương pháp của người Xađốc và người Pharisêu. Những người Xađốc tính Lễ các Tuần là 50 ngày kể từ ngày Sabát tuần đầu tiên của Năm mới theo người Do Thái, có nghĩa là Lễ các Tuần luôn được cử hành vào Chúa nhật, vì bắt đầu vào ngày Sabát (thứ Bảy) và thêm 50 ngày nữa sẽ luôn dẫn đến việc cử hành vào Chúa nhật.

Tuy nhiên, những người Pharisêu tính ra nó là 50 ngày kể từ ngày Sabát Vượt Qua, điều này cho phép linh hoạt thay đổi ngày lễ dựa trên thời gian của Lễ Vượt qua, vốn cử hành vào ngày 14 của tháng Nisan, có thể rơi vào bất kỳ ngày nào trong tuần. Kể từ khi người Xađốc kiểm soát việc thờ phượng trong Đền thờ vào thời điểm của Sách Công vụ, có khả năng là Lễ Ngũ tuần được đề cập trong Sách Công vụ được cử hành vào một ngày Chúa nhật theo cách tính của người Xađốc.

Ngay cả trong trường hợp không chắc chắn là lịch Pharisêu có được sử dụng hay không, thì qua các sách Phúc âm, chúng ta biết rằng người Pharisêu đã cử hành Lễ Vượt qua năm Chúa chịu nạn vào đêm thứ sáu (đó sẽ là ngày Sabát thứ Bảy theo cách tính của người Do Thái, vì một ngày mới bắt đầu lúc mặt trời lặn). Điều này có nghĩa là, theo cách tính của người Pharisêu, Lễ Ngũ tuần năm ấy cũng được ấn định vào một ngày Chúa nhật. Do đó, cho dù có theo lịch của người Pharisêu hay của người Xađốc, chúng ta vẫn có thể khá chắc chắn rằng Lễ Ngũ tuần được đề cập trong sách Công vụ 2, 1 rơi vào ngày Chúa nhật.

Và rồi, kể từ đó, Giáo hội luôn cử hành Lễ Ngũ tuần (mà chúng ta quen gọi là lễ Chúa Thánh Thần hiện xuống) vào ngày Chúa nhật.

Hầu hết nội dung của bài viết này được trích từ một cuốn sách của chính tác giả: Phillip Campbell, The Feasts of Christendom: History, Theology, and Customs of the Principal Feasts of the Catholic Church (Cruachan Hill Press, 2021). Cuốn sách nghiên cứu nguồn gốc, sự phát triển và việc cử hành những ngày lễ lớn của thế giới Kitô giáo.

Phillip Campbell

Nt. Anna Ngọc Diệp, OP
Dòng Đa Minh Thánh Tâm

Chuyển ngữ từ: catholicexchange.com (2. 6. 2022)

[1] Xem đoạn thứ bảy. Những đoạn này xuất hiện trong bản thảo của Eusebius, được tìm thấy tại Turin và được xuất bản lần đầu tiên vào năm 1715. Tính xác thực của những đoạn văn này nói chung là được chấp nhận, dù thế, vẫn luôn có một số ý kiến bất đồng

[2] Tertullian, De Baptismo, 17.

[3] Xem Đnl 16, 9–11, Is 9, 2, Gr 5, 24

[4] Những chi tiết tham khảo này được tìm thấy trong Tb 2, 1 và 2 Mac12, 32.

#lehienxungcuhanhvaochuanhat #lehienxuong