Nghệ thuật cử hành thánh lễ (1)

0
48

  1. NHẬP LỄ.

Chỉ dẫn:

 “Khi dân chúng đã tụ họp và đang khi linh mục cùng với phó tế và các thừa tác viên tiến vào thì hát ca nhập lễ” (xem Quy chế tổng quát Sách lễ Roma (QCTQ), 2002, số 47).

Vài điểm lưu ý:

– Khi linh mục đi vào buổi cử hành, cộng đoàn đứng chào đón ngài trong tư cách đại diện cách bí tích: “Chúa Kitô, Đầu của thân thể là Hội Thánh” (Cl 1,18). Sự tập họp của các tín hữu cũng thể hiện sự hiện diện tối hảo của Chúa Kitô theo lời hứa: “Ở đâu có hai, ba người hội họp nhân danh Thầy, thì có Thầy ở giữa họ” (Mt 10,20; x. QCTQ 27).Tùy theo hoàn cảnh và sắp xếp của nơi cử hành mà tổ chức đoàn rước vào thánh lễ sau cho phù hợp. Việc tổ chức đoàn rước tùy thuộc vào nơi, cộng đoàn tham dự và số lượng người rước. Cũng nên tránh những phô trương không cần thiết.Cách tốt nhất là linh mục không đi vào một mình nhưng trong đoàn rước, hoặc ít ra với các thừa tác viên giúp lễ. Thứ tự đoàn rước như sau:

(1) Người cầm nhang (hoặc bình hương có bỏ hương sẵn trong phòng áo),

(2) Người cầm thánh giá đi giữa hai người cầm nến,

(3) Các người giúp lễ hoặc thừa tác viên khác,

(4) Thừa tác viên đọc sách có thể mang sách Tin Mừng, chứ không phải sách bài đọc,

(5) Linh mục đồng tế (nếu có) và sau cùng là linh mục chủ tế. Cũng nên lưu ý: khi đi rước luôn sử dụng Thánh giá có tượng Chúa Kitô chịu đóng đinh quay về phía trước. Có thể đặt Thánh giá này bên cạnh bàn thờ nếu bàn thờ hoặc trong gian cung thánh chưa có thánh giá, nếu không thì cất đi và đặt vào nơi xứng đáng trong phòng thánh. Đèn thì đặt trên hoặc bên cạnh bàn thờ, còn sách Tin Mừng thì đặt trên bàn thờ (QCTQ 120 và 122).

Khi đoàn rước đến cung thánh, linh mục chủ tế (và các thừa tác viên chức thánh) cúi chào bàn thờ trong thinh lặng và xứng hợp, vì bàn thờ chính là nơi cử hành lễ tưởng niệm Hy Tế của Chúa Kitô, và là bàn tiệc mà chính Người sẽ thết đãi dân bằng Mình và Máu Thánh Người. Truyền thống xác nhận bàn thờ chính là biểu tượng của Chúa Kitô khi nói: Bàn thờ, chính là Chúa Kitô. (xem Nghi thức làm phép bàn thờ).

 – Việc xông hương chung quanh bàn thờ hoặc niệm nhang trước bàn thờ : Xông hương hay niệm nhang trong phụng vụ có hai ý nghĩa:

(1) Tỏ lòng tôn kính,

(2) Biểu trưng cho lời cầu nguyện bay lên trước tôn nhan Chúa (Tv 140,2; Kh 8,3). – Bàn thờ được phủ ít là một khăn trắng. Trên hoặc gần bàn thờ phải đặt hai, bốn hoặc sáu cây nến, nhất là thánh lễ Chúa nhật hoặc lễ trọng, nhưng khi Giám mục giáo phận cử hành thì đặt bảy cây nến. (x. QCTQ 117).

  1. CA NHẬP LỄ

Chỉ dẫn:

“Bài ca này có mục đích mở đầu việc cử hành, giúp hợp nhất cộng đoàn, hướng tâm hồn họ về  mầu nhiệm mùa phụng vụ hay ngày lễ và kèm theo cuộc rước linh mục và các thừa tác viên”. (QCTQ 47)

Vài điểm lưu ý:

– Những bản văn của ca nhập lễ được ghi trong Sách Lễ Roma phần nhiều được trích từ các thánh vịnh. Chúng có thể được thay bằng những bài thánh ca khác thích hợp với buổi cử hành phụng vụ, nhưng cần được Hội Đồng Giám Mục chuẩn nhận (x. QCTQ 48).

– Cần lưu ý về giai điệu vững chắc và được biết đến, hoặc ít là dễ hát nếu là bài hát mới. Một bài nhập lễ hát quá nhanh hoặc “giật gân” không thể hợp nhất cộng đoàn và hướng tâm hồn mọi người vào buổi cử hành. Do đó, cần phải đặc biệt chú ý đến tính cộng đoàn của ca nhập lễ. Tuy nhiên, khi hát ca nhập lễ, có thể luân phiên giữa ca đoàn và cộng đoàn, hoặc trong trường hợp ngoại lệ, ca đoàn có thể hát thay cho cộng đoàn, hoặc nếu không hát được thì một vài người đọc ca nhập lễ ghi sẵn trong Sách Lễ, hoặc chính linh mục có thể thích ứng nói vài lời nhằm đáp ứng khả năng tiếp thu của người tham dự (x. QCTQ 31).

– Ca nhập lễ có mối liên hệ với mầu nhiệm Vượt Qua hoặc với mùa phụng vụ được cử hành. Bản văn cũng có thể được chọn trong mối liên hệ với các bài đọc trong thánh lễ. Bản văn ca nhập lễ của ngày lễ được ghi trong Sách Lễ là gợi ý tốt cho việc chọn bài hát ca nhập lễ.

– Cần thích nghi khi ca nhập lễ, có thể lặp lại phiên khúc hoặc điệp ca nhiều lần, cho tới khi đoàn rước kết thúc và linh mục đã về ghế chủ tế (x.QCTQ, 48).

(còn tiếp)

Lm.Gs Lê Ngọc Ngà

nguồn: WGPCT