LỄ ĐỨC MẸ SẦU BI

0
37

Bài 1

Bài 2

∞∞∞

Ngày 15-9 lịch Giáo hội tây phương gọi là lễ Đức Mẹ Sầu Bi và lịch Giáo hội đông phương gọi là lễ Đức Mẹ Cảm Thương. Sầu bi là buồn thương, còn cảm thương là thương xót sâu xa trước tình cảnh nào đó.

Ca dao Việt Nam có câu :

Cảm thương con hạc ở chùa

Muốn bay da diết, có rùa giữ chân.

Ca dao là loại văn thơ trữ tình có ý gửi gắm tâm tình của người bình dân trước một tình cảnh éo le, trắc trở, đáng thương … Cảm thương là một lời nôm na bình dân nhưng hàm chứa ý nghĩa rất sâu sắc mà chỉ người nào đã sống trong cuộc, đã sống cả thương lâu năm, mới cảm nghiệm và diễn tả được một phần nào ý nghĩa của nó.

Nhân dịp lễ Đức Mẹ Cảm Thương, xin gửi các bạn hai bài chia sẻ về cảm thương :

1 – Bài một của chị Catherine, người Nga, đã có chồng có con, theo Kitô giáo từ năm 21 tuổi. Năm 34 tuổi đã dành cả cuộc đời để sống cảm thương với những người nghèo khổ trong xã hội Canada. Chị vừa học thần học, vừa suy gẫm Phúc âm trong lòng để học hỏi đức Maria về cảm thương. Đức Maria đã xin vâng để làm mẹ Chúa Giêsu và mẹ yêu mến Chúa Giêsu là Con mẹ. Khi Chúa Giêsu chịu tử nạn thập giá nói với mẹ : đây là con mẹ, thì đức Mẹ lại có cả loài người là con nữa. Như vậy mẹ phải cảm thương Chúa Giêsu Con mẹ, cảm thương loài người cũng là con mẹ, để yêu thương cứu rỗi loài người. Yêu thương là đau khổ và đau khổ là yêu thương, là cảm thương. Cùng với Chúa Giêsu mẹ phải yêu thương và tha thứ cho những người đã giết Con mẹ và cả những người hôm nay vẫn còn đang giết chết các thế hệ con cái của mẹ. Đức Maria đã cảm thương như thế đó, nên chị đã khám phá rằng Cảm thương chính là đức Maria, là tấm lòng bao la của mẹ đã yêu thương đến cùng, đến chấp nhận cùng tử nạn để tha thứ cứu rỗi loài người.

2 – Bài hai của cha Thomas Dehau (1870-1956) dòng Đa minh, giúp ta hiểu cảm thương bằng suy niệm về thái độ phát xuất từ lòng cảm thương của đức Maria đối với Chúa Giêsu Con mẹ. Cha dựa theo Phúc âm và Phụng vụ, đặc biệt là bài Ca tiếp liên Stabat Mater Dolorosa, mẹ khi đứng gần thánh giá …. để nêu thái độ cảm thương của mẹ trong hai việc : Mẹ đứng (stabat) gần kề thập giá (juxta crucem). Mẹ đứng chứ không phải quỵ xuống, ngất xỉu, đứng là thái độ can đảm. Mẹ đứng gần kề thập giá chứ không phải ở xa xa như các tông đồ, môn đệ khác vì sợ. Mẹ đứng gần kề Chúa Giêsu để thấy rõ mà cảm thương, yêu mến hơn.

Ta phải noi gương đức Mẹ để có thể cảm thương thực sự với Chúa Giêsu, với Mẹ Maria, với mọi người đau khổ chung quanh ta, bằng cách duy nhất, bằng thái độ duy nhất là :

đứng gần kề thập giá với Mẹ (juxta crucem tecum stare)

Linh mục Ant. Nguyễn Mạnh Đồng

Nhà hưu dưỡng Cần thơ 2015

 

Bài 1

Mầu nhiệm cảm thương mà các bà mẹ sống một cách rất đặc biệt dẫn chúng ta đến với Đức Maria. Cảm thương có nghĩa là Đức Maria. Đây là chủ đích của chị Catherine de Hueck Doherty mà chúng tôi trích bản văn sau đây.

“Lời đến với tôi hôm nay là cảm thương, nhưng trong tâm trí tôi – hoặc có phải trong trái tim tôi không ? – tôi tự hỏi : lời này muốn nói gì ? lời này sẽ dẫn tôi đi đâu ? Nó đã dẫn tôi đến với đức Maria.

Khi tôi bắt đầu giải thích cho tôi rằng tôi đang “lên đường tới đức Maria”, tôi dò tìm chính lời đó mà vẫn đi tới người. Vâng, cảm thương. Có nghĩa là chia sớt một tử nạn, chia sớt một đau khổ, tham gia vào đau khổ, vào tử nạn. Cuối cùng khi tôi tới gần bên đức Maria, tôi đặt mình dưới chân người và tôi nhìn ngắm người, và tôi hiểu ngay lập tức lời cảm thương nghĩa là gì.Cảm thương là đức Maria.

Đức Maria đã đến trần gian không mang vết tội tổ tông. Đó không có nghĩa là người không có sự tự do chọn lựa giữa tốt và xấu trong suốt cuộc đời của người. Người vẫn có đích thực sự tự do chọn lựa này; nói cách khác, lời xin vâng của người đã không được nói ra một cách không vướng mắc lệ thuộc gì, đã không phải là sự dâng hiến bằng một ý muốn được hoàn toàn tự do mà nó đã là. Tôi tự nghĩ rằng cuộc đời của người với Chúa Giêsu, cuộc đời mà người đã ôm lấy một cách tự ý chọn đã không phải dễ dàng. Không phải dễ dàng bởi vì người không luôn luôn hiểu ý nghĩa của nhiều biến cố trong cuộc đời của người. Câu trả lời mà Chúa lúc còn bé, trong Đền thờ, đã nói với người có nghĩa gì ? Chúa đã muốn nói gì khi một hôm. Chúa bảo người rằng Chúa không có anh em, chị em, cả mẹ nữa ? Không, người đã luôn luôn không hiểu, nhưng người gìn giữ tất cả những lời nói đó trong trái tim, điều đó có ý nói là người yêu mến Chúa đến tử nạn (cách đam mê) và Chúa là sự sống của người.

Đức Maria là yên lặng, là bình tĩnh, là chính sự nhập định (hoàn toàn thinh lặng bên ngoài và bên trong). Mẹ không nói nhiều, vì mẹ cũng là người lắng nghe tuyệt vời nhất và chính vì thế mà mẹ có thể gìn giữ biết bao lời nói của Chúa trong trái tim mẹ.

Những ai bình tĩnh, những ai lắng nghe, đều là con cái của Chúa Cha và làm theo ý Chúa. Đức Maria là mẹ của Chúa Con, là con gái của Chúa Cha, là hôn thê của Chúa Thánh Thần. Vâng, mẹ là người tuyệt vời biết lắng nghe, biết cầu nguyện, biết yên lặng. Mẹ cũng là người được tự do chọn, có lòng trong trắng, và vì thế mẹ được thấy Chúa. Vâng, chắc chắn là đức Maria đã được thấy Chúa bằng nhiều cách. Thường là một cách còn mờ như trong trong gương; khi có cơ hội có thể trong một mặc khải làm lóa mắt do tình yêu. Nhưng việc đó là chuyện chuyên biệt. Cái không phải chuyên biệt, chính là mẹ đã theo Chúa Kitô trong cuộc tử nạn của Chúa.

Khi ta nhìn kỹ cuộc tử nạn của Chúa Kitô (…) ta phải tự hỏi : tử nạn là gì ? Tử nạn và tình yêu nắm chặt tay nhau. Tử nạn làm chói sáng và lấp lánh tình yêu, đưa tình yêu lên đỉnh dốc đứng của những núi mênh mông ở trong trái tim mọi người nhưng chỉ có thể leo dần lên bởi những người yêu đến tử nạn. Gốc rễ của tử nạn là tình yêu, hoa quả của nó là tình yêu. Chúa Kitô đã yêu chúng ta đến tử nạn, và một trong số chúng ta đáp trả lại Chúa bằng một tình yêu đến tử nạn.

Tử nạn muốn nói cách chung về đau khổ. Không có chi lạ cả. Tình yêu và tử nạn không những nắm chặt tay nhau, không những leo lên những đỉnh dốc đứng của những núi, nhưng ôm ghì lấy nhau. Không có tình yêu nào không đau khổ và không có đau khổ nào không có tình yêu. Cái này không thể hiểu nổi được mà không có cái kia : tình yêu không đau khổ thì không thể hiểu được.

Đức Maria đã đi vào cuộc hôn nhân giữa tử nạn và tình yêu mà Chúa đã chấp nhận và nhờ đó Chúa đã cứu chuộc chúng ta. Có tấm lòng trong trắng, mẹ đã thấy Chúa. Mẹ đã theo Chúa, là Con của mẹ, đến chân thập giá và bên kia là đến nấm mồ. Cuộc tử nạn của mẹ đã là cảm thương. Mẹ đã chia sớt cuộc tử nạn của Con mẹ không những một cách thể lý mà cũng một cách thiêng liêng, cảm xúc, và bi thảm sâu xa nữa.

Ngồi dưới chân Đức Maria, nhìn mẹ với đôi mắt của trái tim, tôi hiểu rằng đó là trình bày cho mẹ một vấn đề tuyệt vời. Mẹ phải có đức tin để đón nhận lời loan báo đầu tiên của thiên sứ nói với mẹ rằng mẹ đầy ơn phúc và Chúa sắp sinh ra bởi mẹ. Đức Maria đã có đức tin ấy. Mẹ chấp nhận, do ý chí tự do riêng của mẹ, để làm mẹ Đấng Cứu Thế. Đức tin của mẹ còn bị đặt vào thách đố khi, từ trên thập giá, mẹ nghe Chúa Giêsu nói : “Thưa bà, đây là con của bà !”, và Chúa nói với Gioan : “Đây là mẹ Con”. Một lần nữa người ta đòi mẹ điều không thể được – hoặc hầu như không thể được. Chúa Con đã đến để làm theo ý Cha Người đề nghị với đức Maria chính ý muốn của Chúa Cha.

Lúc đó Chúa nói rằng mẹ trở nên mẹ của nhân loại, và mẹ cũng phải thực hiện sự cảm thương không ngừng suốt dọc các thế kỷ, chẳng khác nào như Chúa đã thực hiện lòng thương xót của Chúa dọc theo các thời đại. Mẹ cũng thế, mẹ cũng phải tha thứ cho những ai hôm nay giết chết Con của mẹ và tha thứ cho tất cả những ai, sẽ giết chết Người lần nữa trong mỗi thế hệ. Sự cảm thương của đức Maria phải sinh hoa trái, hoa trái của tha thứ, và với cả hai nó trở lại giúp chữa trị nhân loại. Vâng (…) vai trò của Đức Maria đã xuất hiện cho tôi một cách rõ ràng hơn chút xíu.

Tôi nhớ lại nhiều người đã hỏi tôi rằng cảm thương là cái gì. Tôi nghĩ rằng lúc này tôi có thể trả lời họ. Cảm thương là đức Maria, đức Maria đã cảm nghiệm được cuộc tử nạn của Con mình mà không ai khác đã làm được. Mẹ đã cảm nghiệm sự cảm thương theo nghĩa riêng (đặc thù) – Mẹ đã dự phần vào cuộc tử nạn của Con mẹ. Mẹ đã chia sớt tình yêu đến tử nạn của mẹ cho nhân loại và cho loài người, và mẹ đã chia sớt đau khổ của loài người.

“Tình yêu đến tử nạn cho loài người” và “đau khổ”. Hai thực tại này giống như cái chén mà Chúa Cha trao cho Chúa Kitô và cho mọi người để uống : lúc đó họ sẽ hiểu là Chúa đã tha thứ cho họ. Sự tha thứ tự nó cũng là hoa trái của tình yêu. Tình yêu không thể tin nổi được, không thể hiểu nổi được của Chúa thì tràn đầy tha thứ. Chính cái chén đó cũng đã được trao cho đức Maria. Một cách nào đó, trong mầu nhiệm không thể tin nổi được của lối cư xử của Chúa đối với mọi người, chén đó đã được yêu cầu để người phụ nữ đó dự phần của mình vào tình yêu, vào đau khổ, vào tha thứ và vào việc chữa trị mà Con của mẹ đã trải nghiệm trên thập giá.

Bởi vì đức Maria đã đón nhận vai trò này, nếu đúng là một vai trò, mẹ đã trở thành mẹ của mọi người, và mọi người đã hiểu rằng họ không thể trải qua cuộc đời mà không có mẹ. Mọi người đều cần đến những người khác, và trên hết mọi sự, họ cần đến một con người âu yếm, cảm thương, chuyên tâm. Họ cần một phụ nữ có thể dạy họ biết tha thứ bởi vì mẹ đã tha thứ hết mình. Mẹ đã tha thứ cùng với sự tha thứ của Con mẹ. Vâng, điều này có thể đem lại sự chữa trị cho họ, bởi vì thật ra không ai có thể chữa trị như một người phụ nữ đã làm.”

Catherine de Hueck Doherty,

Le desert au Coeur des villes : Poustinia, Paris, Le Cref 1976

Bài 2

Ngày mai, 15 tháng 9, chúng ta mừng lễ đức Maria, Mẹ cảm thương. Những dòng này của cha Thomas Dehau (1870-1956), dòng Đaminh, giúp chúng ta tiếp cận mầu nhiệm Đức Maria dưới chân Thập giá và đến lượt chúng ta đi vào thái độ của mẹ.

“Thánh Trinh nữ xuất hiện cho chúng ta trong lễ hôm nay như người có thái độ phải có đối với thập giá, và chúng ta thật ra khó mà có thái độ đó được. Thái độ này được diễn tả bởi hai từ của Phúc âm thánh Gioan : stabat là đứng, juxta là gần. Mẹ ở rất gần thập giá, và mẹ đứng. Trước hết phải ở rất gần thập giá; không được làm như các tông đồ khác đứng, nhưng ở xa …

Có hai người đứng được Phúc âm diễn tả cho chúng ta. Có người của Phúc âm thánh Gioan, là Phúc âm thân mật : stabant juxtahọ đứng. Có người ở rất gần, rất gần thập giá là đức Maria, Mẹ Chúa Giêsu, bà Maria Cléophas, bà Maria-Mađalêna và người môn đệ yêu dấu, nghĩa là các thánh. Các thánh sử khác, có lẽ ở vùng ngoại biên xa hơn thánh Gioan, họ thấy được tốt hơn cái gì dễ thấy theo cách loài người, cái gì gần hơn với các giác quan chúng ta nhưng lại ít gần với cái tuyệt đối, các thánh sử khác nói cho chúng ta rằng : stabant a longehọ đứng ở xa xa. Như vậy có những người đứng, nhưng ở xa. Đó là các tông đồ khác; và đó đã là đau khổ cho họ vì đứng ở xa…

Cần phải có cả hai : vừa phải ở rất gần thập giá, và vừa phải đứng. Đứng, bởi vì là thái độ can đảm và bởi vì đứng như thế thì gần Chúa chúng ta hơn. Nếu các bạn ở gần thập giá mà không đứng, lại quỵ xuống chẳng hạn, lại suy sụp, các bạn cũng ở gần chính thập giá, gần chân thập giá; nhưng các bạn lại sẽ ở xa Chúa chúng ta hơn nhiều vì Chúa không chạm đất, các bạn ở xa hơn trái tim Chúa. Bởi vì việc trên hết là phải ở gần Chúa chúng ta và dầu như chúng ta không muốn ở gần thập giá hơn là ở gần Chúa, thì nhất thiết phải đứng.

Thật rất khó để hợp nhất hai việc này. Không khó lắm để đứng xa thập giá, như các tông đồ khác. Có thể là vẫn đứng khi ta nhìn xem từ xa những việc đó, khi ta không đến gần quá. Cũng thế, có người ở gần thập giá, hoặc là họ tìm đến thập giá, hoặc là Chúa gây bạo lực thánh thiện cho họ. Có thế nói họ chỉ ở rất gần thập giá để đứng thôi; họ cũng không thể chịu đựng được sự ở gần kề này và nhất là sự tiếp xúc kinh khủng này. Việc juxta (ở gần) làm hại cho việc stabat (đứng). Họ ở xa, quá gần với đất và trong mức độ họ bị suy sụp, mà mọi sự xuống thấp trong họ, họ không ở gần hơn với Chúa chúng ta mấy. Vì thế các nhà thần học lớn chống đối rất mạnh mẽ các họa sĩ đã vẽ Thánh nữ Đồng trinh ngất xỉu ở chân thập giá hoặc phải cần được nâng đỡ bởi người này hay người kia. Họ nói : không, không thể như thế được. Bởi vì thánh nữ Đồng Trinh quỵ xuống như thế sẽ ít gần với Chúa chúng ta hơn; mẹ đã mất đi dù là một vài phân để được gần Chúa. Và mẹ không bao giờ chấp nhận như vậy ! Vả lại như thế là chống lại lời Kinh Thánh nói với chúng ta rằng mẹ Chúa Giêsu đứng: stabat.

Trong bài Stabat, bài ca tiếp liên tuyệt diệu của ngày lễ hôm nay, nơi mà tất cả mọi sự đều được diễn tả cách tuyệt vời, hãy lưu ý rằng người ta đòi hỏi cách chính xác là phải đứng ở chân thập giá. Và người ta chỉ cho biết cách duy nhất cho Kitô hữu. Cách duy nhất đó là ở cùng với Thánh nữ Đồng Trinh: Juxta crucem tecum stare (cùng với mẹ đứng gần thập giá)

Tôi ở đó, đứng gần thập giá với mẹ, ôi đức Maria !

Ba lời : stabat juxta đứng gần (đây là lời của thánh Gioan ) et tecum, và với mẹ (đây là lời lướt đi giữa hai lời khác trong phụng vụ). Không bao giờ các bạn sẽ hợp nhất được hai việc này : ở rấtgần thập giáđứng, nếu không phải là với đức Maria và trong đức Maria. Một số người theo lạc giáo đã muốn ở rất gần thập giá mà không có thánh nữ Đồng Trinh, vì họ không ở đó lâu được, tôi xin các bạn tin điều này ! … Người ta chỉ có thể như thế nhờ mẹ và trong mẹ. Không ai có thể làm khác được. Thập giá quá khủng khiếp. (…)

(…) Chúng ta hãy nhớ hai lời này của hôm nay: stabat Mater, mẹ đứng. Hai lời này được hợp nhất một cách thân thiết nhất. Mẹ đã đứng vì mẹ là mẹ, mẹ của Chúa Giêsu chết và mẹ của tất cả chúng ta. Mẹ đã đứng để là gạch nối giữa hai tư cách là mẹ. Đầu và trái tim mẹ ở rất cao, chính xác là để ở rất gần Con của mẹ; và đôi chân mẹ chạm trái đất của chúng ta là để ở rất gần chúng ta cũng là con cái của mẹ.

Khi chiêm ngắm tất cả sự đó các bạn hiểu tại sao hai stabat của Chúa Giêsu và Mẹ Maria, tại sao hai stabat này chỉ làm thành một khiến cho có lời ecce mater tua : đây là mẹ con …

(…) mẹ đứng vì mẹ là mẹ, và người mẹ này nhất thiết phải đứng. Lúc đó Chúa Giêsu có thể nói : “Đây là mẹ con” và đức Maria có thể nói : “Tôi sẽ kéo tất cả về tôi như là người mẹ …

Linh mục Ant. Nguyễn Mạnh Đồng

 t.WebGPCT