Lễ Đức Mẹ Mân Côi

0
112

me man coi

I. Ghi nhận lịch sử – phụng vụ

Lễ nhớ Đức Mẹ Mân Côi bắt nguồn từ lễ Đức Mẹ Chiến Thắng do Thánh Giáo Hoàng Piô V thiết lập sau khi chiến thuyền Kitô giáo của Liên Minh Thần Thánh thắng trận tại vịnh Lépante ngày 7 tháng 10 năm 1571. Đức Giáo Hoàng Grêgoire XIII, năm 1573, đã qui định lễ này bắt buộc trong giáo phận Rôma và trong các huynh hội Mân Côi. Chỉ đến năm 1716, Đức Giáo Hoàng Clément IX mới ấn định lễ này trong lịch Rôma, cử hành vào Chúa Nhật thứ nhất trong tháng 10, để tạ ơn vì chiến thắng của hoàng tử Eugène chống lại quân Thổ Nhĩ Kỳ tại Peterwardein, nước Áo.

Đức Thánh Giáo hoàng Piô V, trong chiếu thư Consueverunt ngày 19 tháng 9 năm 1569, đã định nghĩa chuỗi Mân Côi như sau: “Chuỗi Mân Côi hay Thánh Vịnh Đức Mẹ là một cách cầu nguyện dễ dàng và thích hợp cho mọi người. Đây là việc tôn kính Đức Trinh Nữ Maria bằng cách đọc một trăm năm mươi kinh Kính Mừng, theo con số các thánh vịnh của Đavít, chia thành từng chục kinh một với một Kinh Lạy Cha, đồng thời suy ngắm các mầu nhiệm về toàn thể cuộc đời Chúa Giêsu Kitô.”

Chuỗi Mân Côi (một từ cổ có nghĩa là “triều thiên kết bằng hoa”), hay Chuỗi Hoa Hồng hay Triều Thiên Đức Mẹ, đã có từ thời Trung Cổ. Các tín hữu – và trong các tu viện, các tu sĩ giáo dân hay các người sám hối – thường kết những vòng triều thiên bằng ngọc trai hay hoa hồng để đặt lên các tượng Đức Mẹ. Người ta cũng gọi là Thánh Vịnh Đức Mẹ. Vì không đọc được các thánh vịnh, họ thay thế trước tiên bằng các kinh Lạy Cha, rồi cũng bằng các kinh Kính Mừng, với con số lên tới một trăm năm mươi kinh, để tôn kính các thánh vịnh của Đavít. Được các tu sĩ dòng Đa-minh phổ biến, việc sùng kính này đã phát triển đặc biệt ở thế kỷ 15, nhờ cha Alain de la Roche (1424-1475), một tu sĩ Đa-minh gốc Bretagne và là vị sáng lập Huynh hội Đức Mẹ vàThánh Đa-minh tại Douai năm 1470. Từ cảm hứng của huynh hội này, đã phát sinh “Huynh hội Mân Côi”, được lập ngày 8 tháng 12 năm 1475.

Cho tới ngày nay, việc rao giảng Chuỗi Mân Côi vẫn còn là một trong các hoạt động tông đồ chính của Dòng Đa-minh, với các Huynh hội Mân Côi, Hội Hành hương Mân Côi hằng năm tới Lộ Đức, Nhóm Mân Côi …

II. Thông điệp và tính thời sự

Lời Nguyện của ngày lặp lại lời nguyện cũ của ngày lễ Truyền Tin: “Lạy Chúa là Cha chúng con, xin ân sủng Chúa đổ tràn tâm hồn chúng con; nhờ lời thiên thần truyền tin, Chúa đã cho chúng con nhận biết Con Chúa nhập thể. Nhờ cuộc khổ nạn và thập giá của Người, và nhờ Đức Mẹ trợ giúp, xin Chúa dẫn chúng con đạt tới vinh quang phục sinh.” Điều quan trọng là nhận ra hướng Kitô học của các mầu nhiệm Mân Côi vào một thời đại mà kinh nguyện không luôn qui hướng về phụng vụ và khoa thánh mẫu học vẫn còn là và chủ yếu là một lòng sùng mộ hay một thần học của quả tim. Cùng những mầu nhiệm này – vui, thương, mừng – được gợi lên trong các điệp ca Giờ Kinh Sáng (Chúa Giê-su sinh ra, tình mẫu tử thiêng liêng của Mẹ Maria dưới chân thập giá, Đức Mẹ lên trời) và các điệp ca Giờ Kinh Chiều (truyền tin, Đức Mẹ dưới chân thập giá, niềm vui của Đức Mẹ khi Con Ngài phục sinh). Vì thế ta có lý để gọi chuỗi Mân Côi là “tóm tắt toàn bộ Tin Mừng”(Xem Marialis Cultus, 42).

Qua Lời Nguyện trên lễ vật, chúng ta cầu xin để khi cử hành những mầu nhiệm của Con Một Chúa, “chúng ta được trở nên xứng đáng hơn với lời hứa của Người”. Mẫu mực của chúng ta là Đức Mẹ, mà điệp ca của bài Magnificat gợi lên: Đức Maria ghi nhớ tất cả những lời ấy và suy niệm trong lòng.

Lời Nguyện sau hiệp lễ nhắc nhở chúng ta rằng, cũng giống như Thánh Thể, Kinh Mân Côi là lời loan báo sự chết và sống lại của Chúa Giêsu. Khi nhờ kinh nguyện và việc suy ngắm, kết hợp với các mầu nhiệm nhập thể, chết và sống lại của Chúa Kitô, chúng ta sẽ được trở nên xứng đáng “tham dự vào vinh quang phục sinh.” Giờ Kinh Sách – qua bài đọc của thánh Bênađô– nhấn mạnh những lợi ích của việc suy ngắm các mầu nhiệm cứu độ mà chúng ta chiêm ngưỡng khi đọc kinh Mân Côi: “Ngôi Lời đã làm người, và cư ngụ giữa chúng ta. Người chắc chắn cư ngụ trong tâm hồn chúng ta bằng đức tin, Người cư ngụ trong trí nhớ của chúng ta, trong tư tưởng chúng ta, và Người ngự xuống tận trong trí tưởng tượng của chúng ta…Thiên Chúa, Đấng chúng ta không thể hiểu nổi và không thể đến được, nay đã muốn cho loài người có thể hiểu được Ngài, cho loài người có thể thấy được Ngài, cho loài người có thể nắm bắt được Ngài nhờ tư tưởng. Bạn tự hỏi : Bằng cách nào ? Chắc chắn bằng việc ngài nằm trong máng cỏ, đặt mình trong lòng đức Trinh Nữ, giảng trên núi, cầu nguyện thâu đêm; cũng như chịu đóng đinh trên thập giá….và cuối cùng bằng việc sống lại ngày thứ ba, và cho các Tông đồ xem các dấu đinh của mình…Suy ngắm những biến cố này là chính sự khôn ngoan, và tôi cho rằng trí thông minh đích thực hệ tại việc gợi nhớ lại sự dịu dàng của những biến cố ấy….sự dịu dàng mà Đức Maria đã kín múc dồi dào từ trên trời, để đổ xuống cho chúng ta.” (Bài giảng của thánh Bênađô).

Sau cùng chúng ta có thể nhớ lại lời khích lệ này của Đức Phaolô VI: “Bản chất việc đọc kinh Mân Côi đòi hỏi nhịp điệu phải chậm rãi và có thời gian thư thả, để người lần chuỗi có thể suy ngắm sâu xa về các mầu nhiệm cuộc đời Chúa Giêsu được nhìn qua Trái Tim của Đấng gần gũi nhất với Chúa” (Marialis Cultus, 47).

Enzo Lodi (WTGPHN)