Canh tân các Cộng đoàn nhỏ và gia đình

0
34

Đề tài 11. Canh tân các Cộng đoàn nhỏ và gia đình
Anh em là thân thể Đức Kitô và mỗi người là một bộ phận (1 Cr 12,27)
  1. Hoán cải mục vụ hướng đến truyền giáo

Đức Thánh Cha Phanxicô đang kêu gọi một sự “hoán cải mục vụ và truyền giáo”, không thể để tình hình tiếp tục như hiện tại. Việc “quản trị thuần túy” trong Giáo hội đã trở nên bất cập. Trên khắp thế giới chúng ta phải “thường xuyên trong trạng thái truyền giáo”[1]. Điều đáng băn khoăn và trăn trở “đó là sự kiện nhiều anh chị em chúng ta đang sống mà không có sức mạnh, ánh sáng và niềm an ủi phát sinh từ tình bạn với Đức Giêsu Kitô, không có một cộng đoàn đức tin nâng đỡ họ, không tìm thấy ý nghĩa và mục tiêu trong cuộc đời”. Ngài khuyến khích “tôi thà có một Hội Thánh bị bầm giập, mang thương tích và nhơ nhuốc vì đi ra ngoài đường, hơn là một Hội Thánh ốm yếu vì bị giam hãm và bám víu vào sự an toàn của mình”[2]. Do đó, Hội Thánh cần có một cuộc canh tân không thể trì hoãn nữa. Và “mọi sự canh tân của Hội Thánh phải lấy truyền giáo làm mục tiêu để tránh rơi vào nguy cơ của một Hội Thánh quy vào chính mình”[3].

  1. Một cách thế hiện diện mới của Hội Thánh

– Đức Thánh Cha Phanxicô nhắc nhớ rằng “Giáo xứ là sự hiện diện của Hội Thánh tại một địa phương nhất định. […] Giáo xứ là một cộng đoàn của các cộng đoàn, một thánh điện để những người khát nước đến uống dọc đường, và một trung tâm thường xuyên vươn ra truyền giáo. Tuy nhiên, phải nhìn nhận rằng lời kêu gọi xem xét lại và canh tân các giáo xứ của chúng ta vẫn chưa đủ sức đưa các giáo xứ trở thành những môi trường sống hiệp thông và tham dự, và làm cho giáo xứ trở nên hoàn toàn hướng về truyền giáo”[4]. Vì thế, Đức Thánh Cha nhắc đến đề nghị của các nghị phụ Thượng Hội đồng Giám mục thế giới lần thứ XIII: quan tâm đến “các Cộng Đoàn cơ bản và các Cộng Đoàn nhỏ, các phong trào và các dạng hiệp hội là một nguồn làm phong phú Hội Thánh, được khơi dậy bởi Thần Khí để Phúc-Âm-hoá các vùng và các lãnh vực khác nhau. Các tổ chức này thường mang một nhiệt huyết Phúc-Âm-hoá mới và một khả năng mới để đối thoại với thế giới nhờ đó Hội Thánh được canh tân. Nhưng sẽ rất hữu ích cho các cơ chế này nếu chúng không mất tiếp xúc với thực tế phong phú của giáo xứ tại địa phương và sẵn sàng tham gia vào hoạt động mục vụ toàn thể của Hội Thánh địa phương”[5].

Cộng đoàn Kitô hữu nhỏ: cách thế hiện diện mới của Giáo hội

– Các Cộng đoàn Giáo hội cơ bản có giá trị “như một phương thế hữu hiệu để đẩy mạnh sự hiệp thông cộng tác trong các giáo xứ và giáo phận, và như một lực lượng thật sự cho công cuộc Loan báo Tin mừng. Những tập thể nhỏ bé này sẽ giúp các tín hữu sống thành những cộng đoàn đức tin, cầu nguyện và yêu thương như các Kiô hữu đầu tiên (x. Cv 2,44-47; 4,32-35). Các tập thể này còn giúp các thành viên sống Tin Mừng trong tinh thần yêu thương huynh đệ và phục vụ, từ đó trở thành điểm khởi hành vững chắc cho một xã hội mới, biểu hiện một nền văn minh tình thương. Cùng với Thượng Hội đồng, tôi khuyến khích Giáo hội tại Á châu, nơi nào có thể, xem các Cộng đoàn cơ bản này như một khí cụ hữu ích cho hoạt động loan báo Tin Mừng của Giáo hội. […] Sự hiện diện của các cộng đoàn này không nghịch cùng các định chế và cơ cấu vững bền, vốn vẫn cần thiết cho Giáo hội để thực hiện sứ vụ của mình”[6].

Vậy Cộng đoàn Kitô hữu nhỏ (Small Christian Communities) hay còn gọi là Cộng đoàn Giáo hội cơ bản (Basic Ecclesial Communities) là gì? Đâu là những đặc trưng của một Cộng đoàn Kitô hữu nhỏ?

Bốn đặc điểm cốt yếu (tương ứng với những đặc tính DUY NHẤT, THÁNH THIỆN, TÔNG TRUYỀN, CÔNG GIÁO của Hội Thánh nói chung) của các Cộng đoàn Kitô hữu nhỏ này như sau:

  • Những người sống cùng xóm, làng, hay cùng khu phố, nghĩa là cùng một địa bàn dân cư, bởi bí tích Rửa tội, họ hợp thành một Cộng đoàn nhỏ như là Thân Mình Chúa Kitô, gặp gỡ họp mặt một lần trong một tuần lễ / hai tuần lễ / một tháng để chia sẻ kinh nghiệm sống hiệp thông (khoảng 10-20 gia đình thành một Cộng đoàn nhỏ, giáo khu hay liên gia).(Neighbours).
  • Họ chia sẻ Phúc Âm. Lời Chúa hay Đức Kitô Phục sinh, qua dấu chỉ của Lời trong bối cảnh cuộc sống là cơ sở cho Cộng đoàn nhỏ. Những người tham gia mở lòng mở trí trước Tin Mừng để mình được lớn lên trong đời sống thần linh. Thỉnh thoảng, đi đến đỉnh cao của chia sẻ, là một cử hành Thánh Thể, dấu chỉ bí tích sự hiện diện của Đức Kitô trong Cộng đoàn. (Gospel Sharing).
  • Họ biểu lộ đức tin của mình qua việc phục vụ. Được linh hứng từ Lời Chúa, họ hành động trong đức tin qua những việc làm tuy nhỏ bé trong tình hiệp thông, như “thăm viếng nhau trong cộng đồng, cùng xây một cây cầu, cùng đào một giếng nước, dựng một mái nhà tình thương…”[7], nhưng như những hạt giống âm thầm của Tin Mừng vĩ đại. Những hành động đức tin biến đổi thế giới từng ngày qua việc đề cao các giá trị công lý, tình thương, và hoà bình. Bằng cách đó, họ biến kinh nguyện thành hành động, đức tin thành việc làm, tình yêu thành phục vụ. Như thế, họ tiếp nối sứ vụ truyền giáo của Hội Thánh trong địa bàn sinh sống của mình (Act in faith).
  • Họ luôn giữ mối liên kết với Hội thánh toàn cầu, và địa phương. Các Cộng đoàn nhỏ không tồn tại biệt lập, nhưng luôn hợp nhất với Hội Thánh hoàn vũ. Các trưởng Cộng đoàn viếng thăm các Cộng đoàn láng giềng. Các thành viên trong Hội đồng mục vụ giáo xứ được chọn hay được bầu từ các Cộng đoàn nhỏ khác nhau này. Cha xứ, người nối kết sống động giữa giám mục và cộng đoàn giáo xứ nhận trách nhiệm đào tạo và hướng dẫn các trưởng Cộng đoàn nhỏ (trùm khu). Thánh Thể là dấu chỉ cao nhất của mối liên kết của Đức Kitô là Đầu với các chi thể của Thân Mình Người (with the Universal Church).
  1. Tân Phúc-Âm-hoá bắt đầu từ Gia đình

Gia đình chính là Cộng đoàn Giáo hội cơ bản nhất, cũng là đối tượng đầu tiên và là chủ thể đầu tiên của công cuộc mục vụ truyền giáo, nên được đòi hỏi phải quan tâm tân Phúc-Âm-hoá trước tiên. Nếu Hội Thánh là phúc lành của gia đình, thì gia đình cảm nhận cụ thể rõ ràng nhất phúc lành ấy nơi Cộng đoàn Giáo hội cơ bản địa phương, tức là giáo khu, giáo xứ, giáo họ thân thiết, gần gũi trong mối thâm tình hiệp nhất yêu thương và sống đức tin qua việc phục vụ nhau và phục vụ anh chị em lương dân trong xóm làng, khu phố mình chung sống hằng ngày. Nhưng gia đình cũng là phúc lành của Hội Thánh, vì Hội Thánh là Gia Đình của các gia đình. Vì thế, việc gìn giữ ơn huệ bí tích của Chúa một mặt thuộc trách nhiệm của đôi vợ chồng Kitô hữu và mặt khác là của cộng đoàn, ở đây hiểu cụ thể là cộng đoàn cơ bản (giáo khu, giáo họ, giáo xứ) mỗi bên tùy theo cách thế của mình. Trước những khó khăn nặng nề về việc gìn giữ sự hiệp nhất hôn nhân như tình trạng các gia đình ngày nay, việc phân định nghĩa vụ của mỗi bên và cả những thiếu sót của họ cần được tìm hiểu cách sâu xa và chân thành từ hai vợ chồng với sự giúp đỡ của cộng đoàn, nhằm hiểu biết, đánh giá và sửa chữa những gì đã thiếu sót hoặc bị bỏ quên của cả hai bên. Về việc này, vai trò của các cộng đoàn nhỏ, các hội đoàn hay hiệp hội trong giáo xứ và giáo họ thật quan trọng và rất ý nghĩa.

Câu hỏi thảo luận

  1. Cộng đoàn Giáo xứ, cách riêng giáo họ, giáo khu của anh chị đã và đang làm gì để đồng hành với các các gia đình đang ở hoàn cảnh khó khăn?
  2. Các gia đình trong giáo xứ hay giáo họ của anh chị liên kết với nhau thế nào để loan báo Tin Mừng cho những người lương dân, những người tín hữu xa Chúa, xa Hội Thánh đang sống quanh ta?
  3. Các gia đình trong giáo xứ, các cộng đoàn nhỏ, cầu nguyện với Lời Chúa như thế nào?

–––––––––––––––––––––––––––––––––

[1] ĐGH Phanxicô, Tông huấn Evangelii Gaudium, 2013 (EG), 25.

[2] EG, 49.

[3] EG, 27.

[4] EG, 28.

[5] EG, 29.

[6] ĐGH Gioan Phaolô II, Tông huấn Ecclesia in Asia, 25.

[7] HĐGMVN, Thư Mục Vụ 2015: Tân Phúc-Âm-hóa đời sống các Giáo xứ và các Cộng đoàn sống đời thánh hiến, 4.

Lm Luy Nguyễn Anh Tuấn