XÂY DỰNG GIÁO XỨ

0
57

Muốn xây dựng một công trình nào, dù lớn hay nhỏ, thì việc đầu tiên người ta tính đến là phải có một nền tảng. Nền tảng có vững, thì công trình mới vững. Cũng thế, muốn xây dựng giáo xứ vững bền, thì phải có một nền tảng bền vững. Trong phạm vi hạn hẹp của bài viết này, xin được đưa ra một số chất liệu, để góp phần xây dựng một nền tảng vững bền cho giáo xứ.

Chất liệu thứ nhất là Lời Chúa.

Giáo xứ nào biết sử dụng chất liệu Lời Chúa, để xây dựng, thì Giáo xứ ấy đang đi đúng hướng của Chúa, vì “Lời Chúa là đèn soi bước chân con” (Tv 119). Giáo xứ nào được thấm nhuần Lời Chúa, sẽ có sức biến đổi diệu kì, vì “Thầy có lời ban sự sống đời đời” (Ga 6, 68). Giáo xứ nào để tâm phát triển Lời Chúa, sẽ như tòa nhà được xây trên nền đá. “Vậy ai nghe những lời Thầy nói đây mà đem ra thực hành, thì ví như người khôn xây nhà trên đá” (Mt 7, 24-25). Giáo xứ nào nhiệt tâm sống Lời Chúa, sẽ nhận được sức sống của chính Chúa, một sức sống dồi dào và vững mạnh, như Lời Chúa hứa: “Ta đến để cho chúng được sống và sống dồi dào” (Ga 10, 10).

Kinh nghiệm cũng cho thấy, giáo xứ nào biết lắng nghe Lời Chúa, thì sẽ được Chúa chúc phúc, vì mình được chính Vị Mục Tử Tối Cao chăm sóc: “Chiên của Ta thì nghe tiếng Ta. Ta biết chúng và chúng theo Ta” (Ga 10, 27). Giáo xứ nào biết thực hành Lời Chúa, thì được Chúa kết nạp vào trong gia đình của Chúa: “Anh em là bạn hữu của Thầy, nếu anh em thực hành những điều Thầy truyền dạy” (Ga 15, 14). “Mẹ Ta và anh em Ta, chính là những ai nghe lời Thiên Chúa và đem ra thực hành” (Lc 8, 21).

Kết quả là giáo xứ ấy sẽ được hạnh phúc Nước trời: “Không phải bất cứ ai thưa với Thầy: “Lạy Chúa, Lạy Chúa, là được vào Nước Trời cả đâu! Nhưng chỉ ai thi hành ý muốn của Cha Thầy là Đấng ngự trên trời, mới được vào mà thôi” (Mt 7, 21). Ngoài ra, Lời Chúa còn giúp cho cả giáo xứ chu toàn sứ vụ loan báo Tin Mừng khắp muôn dân. Thánh Phaolô nói: “Khốn cho tôi, nếu tôi không rao giảng Tin Mừng”. Không ai có thể cho người khác điều mình không có. Như thế, muốn loan báo Tin Mừng theo lệnh truyền của Chúa Giêsu (Mt 28, 19-20), người tín hữu cần biết lắng nghe, suy niệm và thực hành Lời Chúa trước; rồi sau đó “hữu xạ tự nhiên hương”. Lời Chúa sẽ được loan truyền.

Đức Giáo hoàng Phaolô VI trong thông điệp “Sứ Vụ Đấng Cứu Thế” số 42 đã viết như sau: “Con người ngày nay tin vào các chứng nhân hơn là các thầy dạy; tin vào kinh nghiệm hơn là đạo lý; tin vào đời sống và các sự kiện hơn là các lý thuyết”. Kết quả vững mạnh trên đây chỉ có thể có, khi cả giáo xứ đồng tâm nhất trí xây dựng cộng đoàn của mình dựa vào chất liệu Lời Chúa.

Chất liệu thứ hai là các Bí tích.

Các Bí tích là những phương thế tuyệt hảo mà Chúa Giêsu đã thiết lập và ân cần ban cho Hội thánh, để giúp Hội Thánh nên thánh thiện hơn và tỏa lan sự thánh thiện cho đời, như muối, như men, như ánh sáng. Vì thế, giáo xứ nào siêng năng tham dự các Bí tích và cử hành các Bí tích một cách sống động và hữu hiệu, thì giáo xứ ấy đang sử dụng chất liệu của chính Chúa ban tặng mà xây dựng thân thể mầu nhiệm của Chúa Kitô. Chất liệu Bí tích có sức mạnh của Chúa, làm cho ta được nâng đỡ cả phần hồn cũng như phần xác.

Mỗi người chúng ta đã có chút cảm nghiệm này là: Khi ta đọc hay nghe Lời Chúa, khi ta tham dự các Bí tích (nhất là bí tích Thánh Thể và Hòa Giải) ta đều được thăng tiến trên đường nhân đức và làm theo lời Chúa Giêsu dạy. Thực vậy, ta không chỉ trung thành tuân giữ các qui tắc đạo đức để giáo dục lương tâm mình, mà còn phải có kinh nghiệm đời sống cộng đoàn Kitô giáo với những hồng ân Bí tích. Chính Lời Thiên Chúa và đời sống Bí tích làm cho ta luôn nhạy cảm với ơn gọi cao cả nhất của mình, là được làm con Thiên Chúa. Điều này làm tăng thêm sức mạnh nơi ta hơn ta tưởng.

Chúng ta tin rằng: Các Bí tích không chỉ là những hình thức bên ngoài, mà còn thể hiện và truyền đến cho giáo xứ của ta ơn cứu rỗi của Chúa, như nguồn mạch của sự sống mới. Qua đó, mọi thành viên trong giáo xứ nắm bắt được sự hiện diện và hoạt động của Thiên Chúa ngay trong đời sống mình.

Có thể nói, nhờ đời sống chung, tham dự Lời Chúa và các Bí tích, các giáo xứ thấy rõ hơn ơn cứu độ của Chúa Kitô đã thực sự ghép vào đời sống thường nhật và thân xác của chính mình. Các Bí tích đang tiếp nối và áp dụng công nghiệp cứu chuộc của Chúa Ki-tô vào thực tại của đời sống. Như thế, mỗi lần ta nhận lãnh Bí tích, là mỗi lần ta tiếp rước Chúa Kitô. Mỗi lần ta sống Bí tích, là ta đón nhận Chúa Kitô đến với mình. Do vậy, các Bí tích là một chất liệu hết sức cần thiết trong việc xây dựng Giáo xứ.

Chất liệu thứ ba là đời sống cầu nguyện.

Cầu nguyện là một chất liệu không thể thiếu trong việc xây dựng giáo xứ. Kinh nghiệm cho thấy, giáo xứ nào chuyên chăm cầu nguyện, thì sẽ mau phát triển về đời sống đức tin, đức cậy và đức mến. Hơn thế nữa, nhờ đời sống cầu nguyện, giáo xứ ấy sẽ được phát triển đồng bộ trên nhiều lãnh vực khác nhau của trần thế. Ngược lại giáo xứ nào sao nhãng việc cầu nguyện, thì cũng giống như một tòa nhà xây trên nền cát (Mt 7, 26-27). Tòa nhà ấy có thể rất đẹp, có mẫu mã bắt mắt, có hoạt động đoàn thể sôi nổi, nhưng không có “thực chất Kitô”. Vì Kitô hữu phải là người biết cầu nguyện, như chính Chúa đã nêu gương và truyền dạy: “Anh em hãy tỉnh thức và cầu nguyện luôn” (Lc 21, 34-36).

Đối với người Kitô hữu, tin không chỉ là chấp nhận một hệ tư tưởng, hay một hệ thống luân lý, nhưng trước hết và trên hết, là bước vào mối quan hệ yêu thương với Đấng mình tin. Vì thế, khi ta tuyên xưng các chân lý đức tin, cử hành niềm tin và sống niềm tin, ta phải luôn có một mối quan hệ sống động và cá nhân với Thiên Chúa. Mối quan hệ yêu thương ấy chính là đời sống cầu nguyện mật thiết với Chúa.

Tác giả sách Công vụ Tông đồ viết: “Chính ở nơi Thiên Chúa mà chúng ta sống, cử động và hiện hữu” (Cv 17, 28). Đức tin sẽ dẫn ta đến chỗ nhìn nhận Thiên Chúa là sự sống thật và là tất cả của chúng ta. Vì thế, ta phải hít thở Thiên Chúa như hít thở không khí, nghĩa là ta phải cầu nguyện không ngừng (Lc 18, 1). Nhưng ta không thể cầu nguyện liên lỉ, nếu ta không có những giây phút cầu nguyện đặc biệt, mà dư âm ấy được kéo dài trong suốt từng ngày sống của ta, như hơi thở, như nhịp đập của con tim.

Do đó, khi cầu nguyện, ta phải đến với Chúa bằng tất cả con người mình: tâm tình, tư tưởng, thái độ, lời nói, cử chỉ, đặc biệt nhất là tấm lòng: nơi sâu kín nhất để gặp gỡ Chúa. Thiếu tấm lòng thì mọi hình thức và phương cách cầu nguyện đều vô ích. Vì cầu nguyện là sự kết hợp thân mật giữa ta với Chúa, là đi vào quan hệ giao ước yêu thương với Chúa Cha, nhờ Chúa Con, bởi Chúa Thánh Thần. Chính nhờ vậy, mà tác dụng diệu kì của cầu nguyện là đưa ta đến sự hiệp thông với Thiên Chúa Ba Ngôi. Như thế, cầu nguyện là một chất liệu không thể thiếu, để giúp ta xây dựng Giáo xứ vững mạnh.

Kết luận:

Ba chất liệu: Lời Chúa, các Bí tích và cầu nguyện tựa như chiếc kiềng ba chân, giúp cho các giáo xứ có một nền tảng vững chắc, để xây dựng và phát triển cộng đoàn của mình. Ba chất liệu ấy cũng là ba tác vụ của người mục tử: Rao giảng Lời Chúa, mục vụ Bí tích và thánh hóa đời sống cộng đoàn. Thiết tưởng những chia sẻ trên đây cũng là tiếng chuông cảnh tỉnh cộng đoàn giáo xứ, trước khi chúng ta kết thúc “Năm tân phúc âm hóa đời sống các Giáo xứ và các cộng đoàn sống đời thánh hiến”.

Đóa Hoa Vô Thường

Trích Tâp san Tĩnh tâm GPLX

Tháng 10&11/2015