Ngày 4/12: Thánh GIOAN DAMASCÊNÔ, Tiến Sĩ Hội Thánh (676-754)

0
50

JohnDamascus.jpg

GIOAN chào đời vào lúc thành phố Damas sinh quán của Ngài, đang dưới quyền của người Ả Rập. Cha Ngài là Sergiô được vị Calife (người kế vị của Mahomet) mến chuộng. Đến nỗi dầu là người Kito hữu, ông cũng được đặt làm kẻ thừa hành. Ông quan tâm bảo vệ các tín hữu bị áp bức, hy sinh tiền bạc để chuộc họ. Ngày kia, giữa đám người bất hạnh bị điệu ra nơi công cộng, ông thấy các tử tội qùi xuống dưới chân một người trong nhóm họ xin cầu nguyện… Ông biết được rằng người được khẩn nài đó tên là Cosma, một tu sĩ Italia rất thông thái. Sergiô liền chạy tới vị Calife, xin được lưu giữ Cosma làm thầy dạy cho con mình là Gioan.

Cosma trở thành bạn của Sergiô, đồng thời là thày dạy của Gioan và của một đứa trẻ Giêrusalem khác mà Sergiô nhận nuôi. Khi kết thúc chu kỳ dậy dỗ, Cosma xin rút lui vào một tu viện. Gioan đã nên lừng danh nhờ trí khôn ngoan và sự hiểu biết của mình và được gởi về triều đình của vị vua Calife. Khi cha Ngài qua đời, hoàng tử người Ả Rập đặt Ngài đứng đầu hội đồng cố vấn và làm thừa tướng vùng Damas. Thế là định mệnh đổi thay của một tu sĩ được cứu mạng, đã khiến cho những hiểu biết của Hy lạp và Roma được đưa vào triều đình của các vị Califes.
Đế quốc Đông phương lúc ấy do Lêo, người Isauria cai quản. Ông là một con người bách hại các Kitô hữu. Gioan có thế giá nơi vị Calife không sợ hãi gì mà lại còn viết thư thúc đẩy các Kitô hữu can đảm trong đức tin. Hoàng đế biết điều đó, liền giận dữ. Không làm gì được, ông đã dùng đến một mưu mô khả ố. Ông cho người giả mạo chữ của Gioan để viết một bức thư bội phản, trong đó, người được vị Calife bảo vệ, tính trao nộp Damas cho vua Byzance. Rồi Leo, người Isauria, báo cho vị Calife biết có một kẻ thừa hành bội phản. Và câu chuyện thật kỳ diệu đến nỗi các văn phẩm thời đó còn kể lại. Vị Calife đòi Gioan đến. Dầu biện minh cho sự vô tội của mình, Gioan vẫn bị chặt tay phải.
Gioan mang cánh tay bị chặt về nhà và khấn nài Đức Trinh Nữ hoàn lại cánh tay mà từ nay Ngài sẽ chỉ dùng để viết các thánh thi ca tụng Con Mẹ. Gioan đi ngủ và mơ thấy Đức Trinh Nữ chữa lành cho mình. Thức dậy, cánh tay đã được nối liền và chỉ còn để lại một đường máu đỏ. Trước phép lạ này, vị Calife không còn nghi ngờ gì về sự vô tội của Gioan nữa và đã tái lập Ngài làm nhà cầm quyền. Nhưng đối với Gioan Damascênô, thời danh giá đã qua rồi. Ngài muốn hiến thân cho Thiên Chúa.
Ngài phân phát của cải cho người nghèo và đến tu viện thánh Sabas, nơi thày mình đang sống và người em nuôi cũng đã tới đó trước. Nhưng không ai dám huấn luyện quan thừa tướng bãi nhiệm theo đường Thánh thiện cả. Cuối cùng bề trên trao Ngài cho một tu sĩ già khó tính, thù ghét với tất cả những gì là êm ái đối với Gioan như thơ phú và âm nhạc.
Nếu không tự ý vâng phục như một bằng chứng của tình yêu, thì cuộc sống Ngài sẽ cay đắng đến thế nào. Ngài đã bị tước bỏ mọi niềm vui cao đẹp, cả đến việc giữ lời hứa là viết các thánh thi. Ông thày còn sai người đã cai trị Damas đi bán giỏ sọt với giá cắt cổ, khiến các lời chế nhạo đổ xuống như mưa. Gioan vẫn âm thầm vâng phục và chịu đựng, sau khi đã thử thách quá lâu người tập sinh như thế, vị tu sĩ già để cho Người được tự do học hỏi và tìm hứng. Lúc ấy, tự đáy lòng Gioan đã khơi dậy những khúc thánh thi đáng khâm phục, cùng với sự cộng tác của người em nuôi, cho tới khi ông ta được đặt làm giám mục Palestina.
Gioan Damascênô chỉ rời tu viện để đi giảng tại các thánh đường. Lúc về già, Ngài sửa chữa các bản văn, đôi khi tự trách là bút pháp quá khởi sắc, Ngài nghiên cứu học hỏi không ngừng và đã trình bày thần học một cách liên tục đáng kể.
Một bí nhiệm bao quanh những năm cuối đời thánh nhân. Có người tin rằng: Ngài đã qua đời trong thinh lặng tại tu viện, người khác lại nghĩ rằng, Ngài đã rảo qua các tỉnh Đông phương để nâng đỡ các tín hữu đang bị nhóm phá ảnh tượng bách hại, rồi chết vì đạo. Là triết gia, thần học gia, nhà hùng biện, thi sĩ, thánh Gioan được danh hiệu là tiến sĩ Hội Thánh.