Ngày 17/ 03: Thánh PATRICIÔ – Giám mục (…. – 492)

0
39
Là anh hùng dân tộc và thánh bảo trợ của Ái Nhĩ Lan, Patriciô chào đời tại Bretagne. Trang trại của cha ngài, phó tế Calpurniô, ở gần biển. Patriciô được 16 tuổi khi bọn hải khấu Ái Nhỉ Lan đến cướp phá bắt người. Thảm họa thường xẩy ra thời man rợ này. Patriciô bị bán sang Ái Nhĩ Lan. Ngài chăn súc vật trên núi và đã nếm mùi cực của đời làm tôi mọi. Ngài đau khổ nhiều.

Nhưng thời kỳ gian lao phải làm nô lệ này lại là thời kỳ phong phú nhất đối với đời ngài. Suốt những tháng ngày dài đơn độc, ngài nghĩ tới Thiên Chúa. Những lời dạy dỗ của cha mẹ mà trước kia ngài chẳng chú ý gì tới, bây giờ lại trở thành động lực sống. Như thế Patriciô tự thánh hóa, hiến mình cho ơn thánh Chúa, quen thuộc với địa sở, với thổ dân và ngôn ngữ của họ, chuẩn bị cho sứ mệnh lớn lao của ngài sau này.

Sáu năm trôi qua, tới ngày đào thoát. Ngài tới một hải cảng, nơi có một con tàu sắp sửa giương buồm nhổ neo. Nhưng ngài không có tiền trả lộ phí các thương gia không cho ngài đáp tàu. Buồn rầu, Patriciô trở về. Bỗng chủ tàu gọi lại và cho ngài lên tàu. Sau ba ngày vuợt biển, họ tới một miền hoang vu ở Econe. Các thủy thủ lang thang kiếm ăn. Sự lo âu làm họ muốn nghẹt thở. Patriciô nói với bạn hữu về quyền năng siêu việt của Thiên Chúa mà ngài thờ lạy.

Các lương dân xin ngài khẩn cầu cho họ. Họ nói với ngài :

  • Mày là Kitô hữu mà chẳng làm gì được cho chúng tao cả. Mày không cứu nổi chúng tao khỏi cơn đói này được sao ?
Patriciô trả lời :
  • Cứ tin tưởng và thật tình quay về với Chúa, đối với ngài không có gì là không thể được, để ngay hôm nay đây, ngài sẽ gửi đồ ăn tới cho các bạn.
Và chẳng mấy chốc, họ gặp một bầy heo, khiến cho họ có thể sống cho đến khi tìm tới được miền có dân cư.

Nhiều năm trôi qua sau những biến cố thăng trầm và cả một thời gian làm nô lệ, Patriciô được trở về và gặp lại cha mẹ. Dường như sau bao nhiêu gian khổ, ngài nói về vui hưởng an bình và tình thương. Nhưng các thị kiến ám ảnh ngài luôn : các trẻ em giơ tay kêu mời ngài, xin ngài rửa tội cho chúng.

Tận thẳm sâu tâm hồn ngài biết rằng mình phải trở lại đảo lưu đày của mình và lần này là để trở thành nô lệ của các tâm hồn. Lúc khởi sự chương trình, ngài gặp phải những dèm pha, chống đối tư tưởng như thời gian và sức lực ngài đã uổng phí nơi đám lương dân này. Nhưng Patriciô, người chiến sĩ của Chúa Kitô không nản chí, không dừng bước. Ngài bắt đầu học đạo ở Gaule, tại cung điện thời danh Iles de Lérins. Trở về, ngài dành một thời gian lâu dài tại Anxèrre để hoàn tất việc học hỏi nơi các Giám mục Amator và Germain. Trong khi chuẩn bị công cuộc truyền giáo lớn lao sắp tới ngài được tấn phong Giám mục. Đó là việc thành lập tòa Giám mục Armagh.

Năm 432, Patriciô đi bước quyết định. Ngài sắp lôi kéo các tâm hồn dân Ái Nhĩ Lan ra khỏi việc sùng bái của các tăng ni (thời cổ xưa) để tỏ cho họ thấy một quyền năng thiêng liêng cao cả hơn. Ngài biết rằng để hiến tế chính con người, dân Ái Nhĩ Lan chọn những người ngoại quốc. Nhưng ngài đương đầu với mọi nguy hiểm đe dọa đến mạng sống. Ngay tại trung tâm thờ ngẫu tượng mà các tăng ni cư ngụ, Patriciô ra mắt các thủ lãnh và các chiến binh.
Bất kể những chống đối dữ dội, ngài sắp dẫn các lãnh tụ đến chỗ xin được rửa tội. Luôn luôn Ngài nhằm cải hoá các thủ lãnh bộ tộc, để rồi họ sẽ dắt dân chúng theo ngài từ chối quà cáp các vua này muốn trao tặng ngài. Tại miền Almonaid. Các đạo sĩ nổi dậy. Patriciô giơ tay trái lên trời chúc dữ thủ lãnh Rechrad khiến hắn chết tốt. Khi dựng lên nhà thờ ở bìa rừng gần biển, rất nhiều người đã trở lại. Trong một chuyến đi tới Connaught, chính một tăng lữ đã đón nhận thánh nhân và giúp ngài thiết lập một tu viện và một nhà thờ.

Lịch sử kể lại cuộc hoán cải của các con gái vua Loeghair tại giếng Grogan và diễn từ ngài đã nói với họ :

  • “Thiên Chúa chúng ta cổ xúy tất cả, làm sống động tất cả, trỗi vượt tất cả, đỡ nâng tất cả, ngài có một người con vĩnh cửu như ngài, giống như ngài. Thánh linh hiển hiện giữa các ngài, Chúa Cha, Chúa Con và Chúa Thánh Thần không hề tách rời nhau. Tôi, tôi muốn dâng các cô cho vua trên trời. Các cô là những con cái trần thế, các cô có tin không ?
Tiếp sau câu hỏi của thánh nhân, là những câu đáp :
– Các cô có tin rằng sau khi chịu phép rửa tội, tội nguyên tổ liền bị xua trừ không ?
– Chúng tôi tin.

Các cô có tin vào cuộc sống mới sau khi chết không ?
– Chúng tôi tin.

Thế là Patriciô rửa tội cho họ và các Kitô hữu xin được xem thấy mặt Chúa Kitô. Patriciô nói :

  • Nếu không chết, nếu không rước mình thánh, các cô không thấy được mặt Chúa Kitô.
Và rồi khi đã rước lễ. Các cô gái của nhà vua lịm đi như chết, gần giếng Crôgan còn nấm mồ của họ.
Không ngơi nghỉ, Patriciô rảo khắp trên hòn đảo và thích ứng các phong tục ngẫu thần với Kitô giáo. Ngài để cho lương dân tổ chức lễ thắp lửa ngày 21 tháng sáu kính mùa hè, nhưng là để kính thánh Gioan Tẩy giả. Ở Bretagne vẫn còn giữ được lửa thánh Gioan Tẩy giả của ngài. Do bình cánh chuồn đầy dẫy ở đồng quê, vị tông dồ cho dân chúng thấy hình ảnh Chúa Ba Ngôi. Như thế mọi sự đều có thể là bài học cho việc giảng dạy.

Trên một ngọn đồi, Patriciô lập một ngôi nhà gỗ cho các tu sĩ. Nơi này đã trở thành một trung tâm vĩ đại, nguồn gốc của thành phố Armagh. Ngài truyền chức cho các linh mục, đặt họ ở các thành phố. Còn chính ngài, ngài sống đời cầu nguyện mãnh liệt và kiên trì. Chúng ta khó tưởng tượng nổi, Cuốn Confession của ngài cho thấy đức tin, lòng nhân hậu và hạnh phúc của ngài như một cuộc tử đạo.

Thánh Patriciô đã làm cho cả hòn đảo theo Kitô giáo. Khi cải hóa dân Ái Nhĩ Lan, ngài còn là Đấng khai sáng văn minh. Đưa dân man rợ vào nghệ thuật và khoa học. Các tu viện ngài để lại phát triển khác thường lôi kéo các sinh viên tới trong nhiều thế kỷ. ái Nhĩ Lan được cải hóa đã thành đảo của các nhà trí thức, các thánh nhân, nhờ dấu vết thánh thiện của thánh Patriciô.

Lm. Phaolô Phạm Quốc Tuý – Theo Vết Chân Người