Nghệ thuật nhượng bộ trong đời sống hôn nhân gia đình

0
104

Nghệ thuật nhượng bộ trong đời sống hôn nhân gia đình

Ngày nay, người ta nói nhiều đến “Nghệ thuật nhượng bộ” trong đời sống hôn nhân gia đình, coi đó như là một giải pháp rất hiệu quả nhằm giải quyết các mâu thuẫn, xung đột giữa hai vợ chồng. Nhượng bộ không phải là thái độ yếu thế, buông xuôi tiêu cực, không dám đương đầu với bất kỳ khó khăn hay rắc rối nào. Nhưng đó là thái độ và phản ứng có chọn lựa, có cân nhắc, có suy nghĩ. Ngạn ngữ Anh có câu: “Nhượng bộ không phải là hạ mình; nhận lỗi không phải là nhục nhã”.

Đây là kinh nghiệm của nhiều người, “Nếu chúng ta chịu nhìn nhận những điều sai trái của mình trước khi người khác có dịp nói ra, chúng ta sẽ có 99% cơ hội được đối xử bằng thái độ hào hiệp. Trong quan hệ với con người, hãy luôn nhớ rằng chúng ta đang giao tiếp với những sinh vật không những có lý trí mà còn có cảm xúc, họ rất dễ bị tổn thương bởi định kiến nhưng luôn có động lực khi có niềm tự hào và lòng kiêu hãnh. Nếu bạn đã sai lầm thì không gì hay bằng thẳng thắn nói nói ra rằng ‘Tôi đã sai’. Nhượng bộ không phải là hạ mình…”. [1]

Nhượng bộ, hiểu theo nghĩa tích cực và đơn giản, là nhường nhịn, là chấp nhận ý kiến khác biệt của người khác, là lui một bước để hai người cùng song hành… Ông bà ta ngày xưa có nói: “Thương nhau chín bỏ làm mười” hay “Một sự nhịn chín sự lành”. Nhượng bộ không có nghĩa là thất thế mà là do tình yêu giữa hai người đủ lớn mạnh để có khả năng xóa bỏ mâu thuẫn, giảm bớt xung khắc, giải quyết bất đồng.

Mục tiêu của nhượng bộ chính là xây dựng sự hòa hợp giữa đôi bạn, bởi vì chỉ có hòa hợp người ta mới duy trì được cuộc hôn nhân bền vững lâu dài được. Tục ngữ VN có câu “Dĩ hòa vi quý”. Khi hai vợ chồng nhượng bộ nhau thì họ sẽ tìm được tiếng nói hòa hợp chung nhờ đó họ có thể sát cánh bên nhau suốt cuộc hành trình lâu dài. Một tác giả đã viết: “Hòa hợp là sự chấp nhận nhau để hòa nhập với nhau, bù trừ cho nhau…là sự thông hiểu nhau, chấp nhận nhau và sống biết điều với nhau”. [2]

Sau đây là một số cách thế biểu hiện sự nhượng bộ có hiệu quả.

* NÓI ÍT, LẮNG NGHE NHIỀU

Chúng ta thấy rằng trong bất cứ cuộc cãi vã, xung đột nào giữa hai vợ chồng thì ai cũng muốn mình là người thắng và phía bên kia là kẻ thua. Người này lấn lướt người kia nhờ vào khả năng “khẩu chiến” của họ. Nếu cả hai cùng “cương” thì sẽ chẳng bao giờ giải quyết được vấn đề nóng bỏng giữa hai người. Vì thế, ca dao VN có câu “Chồng giận thì vợ bớt lời / cơm sôi nhỏ lửa một đời chẳng khê”.

Nghệ thuật nhượng bộ đưa ra một giải pháp, đó là “Nói ít, nghe nhiều”. Nếu cả hai bên cùng chấp nhận lắng nghe nhiều hơn là lên tiếng nói, thì tình hình sẽ sáng sủa rất nhiều.

Ai cũng biết trong đời sống gia đình, vợ chồng khó tránh khỏi những va chạm, mâu thuẫn, xung khắc này nọ. Bởi, “Chén bát còn có lúc xô xát, huống chi vợ chồng” (Tục ngữ VN). Do đó, điều quan trọng trong đời sống vợ chồng  không phải là tránh mâu thuẫn nhưng là tìm cách giải quyết những xung đột một cách tốt đẹp, êm thắm. Đó là con đường hòa giải theo hướng nhượng bộ nhau. Nếu lỡ có tranh cãi thì “Hãy nhường cho chồng/ vợ của bạn thắng trong cuộc tranh cãi, nếu cần có người thắng” (Danh ngôn).

* CHỦ ĐỘNG NHƯỜNG VÀ NHỊN

Ông bà ta thường nói “Một sự nhịn chín sự lành”, điều đó có nghĩa là chỉ cần một sự nhường nhịn nhau thôi cũng đủ đem lại chín sự thiện lành cho đời sống vợ chồng. Có nhiều người không muốn nhường nhịn, vì họ tự ái hay nghĩ rằng điều đó có thể là khiến cho người kia lấn lướt, áp đảo mình. Trong khi nhường nhịn là chấp nhận cái “Tôi” của mình bé nhỏ đi để đón nhận cái “Tôi” khác biệt của người kia. Đó là hy sinh, đó là bao dung, đó là vị tha.

Thực vậy, sự nhường nhịn trong đời vợ chồng chính là cách cư xử bao dung mà hai người phải thực hành. Thánh Phao-lô đã khuyên nhủ chúng ta sống bí tích và mầu nhiệm hôn nhân dựa trên mẫu mực tình yêu và mối tương quan gắn bó giữa Chúa Ki-tô và Hội thánh. Đức Ki-tô đã yêu thương Hội thánh, đã hiến mình vì Hội thánh, đã chăm sóc, nuôi dưỡng Hội thánh, đã hy sinh cứu chuộc Hội thánh thế nào thì vợ chồng cũng phải sống và đối xử với nhau như vậy.

Một cách cụ thể, thiết thực hơn, tình yêu và sự bao dung trong hôn nhân Ki-tô hữu cũng phải phỏng theo lòng mến Ki-tô giáo, là điều mà thánh Phao-lô đã nhắc nhở trong thư 1Cor:

“Lòng mến thì nhẫn nhục, hiền hậu, không ghen tương, không vênh vang, không tự đắc, không làm điều bất chính, không tìm tư lợi, không nóng giận, không nuôi hận thù, không mừng khi thấy sự gian ác, nhưng vui khi thấy điều chân thật. Lòng mến tha thứ tất cả, tin tưởng tất cả, chịu đựng tất cả…” (x. 1Cor 13, 4-7).

Thiết nghĩ, sống trọn vẹn lòng mến như thế, tức là phải hy sinh, phải từ bỏ chính mình, phải quảng đại bao dung, phải chấp nhận cái chết-vì-yêu như Đức Ki-tô. Xây dựng trên nền tảng tình yêu ấy, cuộc hôn nhân của chúng ta sẽ bền vững và hạnh phúc lâu dài. Đó cũng là thành quả của một thái độ bao dung luôn biết nhường nhịn nhau và nâng đỡ nhau.

* TÌNH YÊU CHIẾN THẮNG TẤT CẢ

Chúng ta biết rằng, kho tàng quý giá nhất trong đời sống lứa đôi, đó là Tình Yêu. Byron đã nói: “Không có tình, không có gia đình”. Và cũng có câu “Hôn nhân không phải là một điểm đến. Nó chỉ là một cuộc hành trình tiến đến một gia đình hạnh phúc, nơi đây tình yêu là điều quan trọng nhất”.

Vậy một trong những mục đích mà hôn nhân chân chính luôn nhắm đến, đó là xây dựng một gia đình hạnh phúc ấm êm, dựa trên nền tảng Tình Yêu chân thành, trong sáng và tự do. Tình yêu là nền tảng bởi vì nó đem lại sức sống và sự thăng hoa cho cuộc đời đôi bạn. Vậy để có được những gì tốt đẹp nhất trong đời sống hôn nhân gia đình, đôi bạn phải thực tình yêu nhau và trân trọng tình yêu mà các bạn đã nuôi dưỡng.

Khi có tình yêu chân thực và mạnh mẽ rồi, đôi bạn có thể vượt qua trăm ngàn trở ngại trong cuộc sống. Nhất là sẽ dễ bỏ qua những lỗi lầm, những vấp ngã của nhau, sẽ dễ dàng nhượng bộ nhau khi cần thiết, miễn sao hạnh phúc vợ chồng không bị tan vỡ. Ông bà ta nói, ”Yêu nhau trăm sự chẳng nề / một trăm chỗ lệch cũng kê cho bằng”.

Hội thánh cũng nhắc nhở chúng ta phải sẵn sàng cảnh giác mối nguy cơ phá vỡ sự hiệp thông trong gia đình. Thực vậy, “Chỉ có một tinh thần hi sinh cao cả mới giúp gìn giữ được và kiện toàn được sự hiệp thông trong gia đình. Thực vậy, sự hiệp thông này đòi hỏi mọi người và mỗi người biết quảng đại và mau mắn mở lòng ra để thông cảm, bao dung, tha thứ cho nhau và hòa giải với nhau. Không gia đình nào mà không biết rằng sự ích kỷ, những bất hòa, những căng thẳng, những xung đột đã làm hại cho sự hiệp thông gia đình biết chừng nào, và đôi khi còn có thể làm tiêu tan sự hiệp thông ấy: chính từ đó mà phát xuất muôn hình thức chia rẽ khác nhau trong đời sống gia đình”. [3]

Chúng ta cần xác tín rằng hôn nhân là một cam kết sống chung đến hết đời và là một cuộc đồng hành dài hơi, nên những khó khăn, phức tạp, va chạm là điều dễ xảy ra. Đúng như một danh nhân đã nhận xét: “Hôn nhân là gặp nhau, lấy nhau và sau đó là cãi nhau”. Những cuộc cãi vã, hờn dỗi do mâu thuẫn, bất đồng, bất hòa từ những chuyện vụn vặt thường ngày giữa hai vợ chồng có thể kéo dài từ ngày này qua ngày khác, tháng này qua tháng khác, và cuối cùng có thể dẫn đến sự đổ vỡ không thể hàn gắn được.

Tuy nhiên, chúng ta tin rằng tình yêu sẽ chiến thắng tất cả vì tình yêu có sức mạnh hóa giải mọi khác biệt, mọi bất đồng, mọi mâu thuẫn. Tục ngữ VN có câu: “Thương nhau chín bỏ làm mười”. Điều đó có nghĩa là khi yêu nhau thực tình, đôi bạn sẽ vượt qua mọi phiền toái, khó khăn trong cuộc sống chung, để cùng xây dựng một mái ấm hạnh phúc, bình an.Trên thực tế, hai bạn phải biết học cách nhượng bộ nhau, học im lặng để lắng nghe bạn đời mình, học chia sẻ để chứng tỏ sự quan tâm của mình, học tha thứ để hàn gắn những rạn nứt trong mối quan hệ, học quảng đại để biết cho đi nhiều hơn là nhận lại./.

Aug. Trần Cao Khải