Tình yêu Ba Ngôi và đời sống hôn nhân

0
74

Tình yêu Ba Ngôi và đời sống hôn nhân

Khi trồng cây, ai cũng mong thu hoạch được hoa trái, nhất là được những mùa bội thu. Thiên Chúa sai mỗi người Kitô hữu đi vào đời, cách riêng là vào đời sống hôn nhân, chắc chắn Ngài cũng mong chúng ta phải đem về hoa trái. Hoa trái của đời sống hôn nhân chính là  một “gia đình hạnh phúc”. Nền tảng tình yêu Ba Ngôi được diễn tả qua tình yêu hiệp thông, dâng hiến- đồng sáng tạo và bền vững- chung thủy. Đó cũng chính là những điều kiện để xây dựng một gia đình hạnh phúc.

1. Tình yêu hiệp thông

Gia đình là một trong những minh chứng và thể hiện rõ nhất về tình yêu hiệp thông của Ba Ngôi Thiên Chúa. “Mầu nhiệm Thiên Chúa Ba Ngôi là mầu nhiệm của hiệp thông tình yêu, và gia đình là phản ảnh sống động của mầu nhiệm hiệp thông ấy” (ĐGH Phanxicô, Tông huấn Amoris Laetitia, số 11).  Con người được tạo dựng giống hình ảnh của Ngài (x. St 1, 26) và được mời gọi sống như Ngài. Thánh Giáo hoàng Gioan Phaolô II đã nói: “con người trở nên hình ảnh của Thiên Chúa không chủ yếu tại yếu tố đơn độc cho bằng là ở tại sự hiệp thông” (Tiếp kiến chung ngày 14/11/1979).

Để đời sống gia đình có thể trở chứng nhân cho tình yêu Chúa thì trên hết và trước hết vợ chồng phải đặt tình yêu tình yêu hiệp thông Ba ngôi làm trung tâm điểm của đời sống hôn nhân và gia đình của mình. Sự hiệp nhất trong tình yêu Ba ngôi chính là nguồn gốc, cơ sở và gương mẫu cho sự kết hợp giữa người nam và người nữ trong hôn nhân. Vì vậy, vợ chồng được kêu gọi là hình ảnh và trở nên giống tình yêu trút bỏ mình hoàn toàn và trao thân trọn vẹn cho nhau như Ba ngôi Thiên Chúa. Ngoài ra, vợ chồng là hai cá thể khác nhau. Không có phép màu nào có thể biến hai con người thành một con người thống nhất về mọi phương diện. Ai cũng đều có những ưu khuyết. Vì vậy, vợ chồng cũng phải biết quên mình, nhận nhau trong những khác biệt để tôn trọng, làm phong phú cho nhau và vun đắp cho hạnh phúc bền chặt để “Đôi ta như lửa mới nhen/ Như trăng mới mọc như đèn mới khêu” hay “Trăng tròn chỉ có đêm rằm/ Tình ta tháng tháng năm năm vẫn tròn”.

Một khi làm được điều này  hôn nhân sẽ nên một họa ảnh và chứng nhân tuyệt vời cho “tình yêu Thiên Chúa” (ĐGH Phanxicô, Tông huấn Amoris Laetitia, số 121).

2. Tình yêu dâng hiến- đồng sáng tạo

Sự hiệp nhất trong tình yêu của người nam và người nữ trong đời sống gia đình chính là việc cộng tác vào chương trình của Thiên Chúa. Quả thế, ý định của Thiên Chúa là để con người tham gia vào công trình sáng tạo tuyệt vời của Ngài. Điều này được thể hiện cách rõ ràng và cụ thể nhất qua đời sống gia đình. Bởi vì tình yêu giữa vợ chồng là một tình yêu hiệp thông nhưng tình yêu ấy không chỉ đóng khung trong phạm vi hai người mà phải là sự mở ra cho việc “đồng sáng tạo mới”. Đó chính là sinh sản con cái. Đây cũng chính là mục đích của hôn nhân. Thật vậy, qua việc sinh sản con cái, vợ chồng sẽ thông dự vào hành vi tạo dựng của Thiên Chúa. “Vợ chồng là một sự thông dự vào công trình sáng tạo của Thiên Chúa” (ĐGH Phanxicô, Tông huấn Amoris Laetitia, số 31).

3. Tình yêu bền vững-chung thủy

Trong đời sống hôn nhân hai người nam và nữ ký kết với nhau một hôn ước. Hôn ước Công giáo có tính cách vĩnh viễn, không ai có thể pha hủy được vì “Sự gì Thiên Chúa đã phối hợp, loài người không được phân ly”( Mt 19,6 ).  Vì hôn nhân Công giáo là một bí tích: bí tích hôn nhân do chính Đức Giêsu đã thiết lập.

Sự bất khả phân ly (x. Mt 19, 6; Mc 10, 9) giữa vợ chồng phản ánh sự hiệp nhất bất khả phân ly nơi Ba ngôi cũng như tình yêu chung thủy của Thiên Chúa đối với nhân loại. Chính trong tương quan tình yêu Ba ngôi mà tình yêu nam nữ và gia đình mới thể hiện được trọn vẹn nhất sự bền vững và trung thành của mình. Thật thế, chính qua lời cam kết trung thành với nhau và tình yêu dành cho nhau mà người chồng-người vợ thể hiện tình yêu của Thiên Chúa. Tuy nhiên, không chỉ cam kết trung thành một lần trong ngày làm lễ hôn phối nhưng sự cam kết trung thành ấy phải được lập lại và làm mới mỗi ngày trong suốt cuộc đời. Bởi vì đó cũng chính là đặc tính của tình yêu Thiên Chúa dành cho con người. Chính vì thế, đời sống gia đình phải thể hiện sự thương yêu, nâng đỡ và bổ túc cho nhau trong một đời sống thân mật duy nhất, cùng sinh sản và giáo dục con cái. Đó cũng chính là mục đích gắn kết không thể tách rời của hôn nhân và đó cũng là dấu chỉ và chứng nhân cho tình yêu Chúa Ba Ngôi với mọi người.

***

Trong bối cảnh xã hội hôm nay, để có thể đứng vững trước những thách đố và nên chứng nhân cho tình yêu Ba Ngôi. gia đình Kitô giáo cần được xây dựng trên nền tảng của tình yêu mầu nhiệm Ba Ngôi. Ý thức điều này sẽ giúp cácđôi bạn luôn sống đời sống hôn nhân theo khuôn mẫu của Chúa Ba Ngôi: biết sống hiệp thông với nhau; biết dânghiến- đồng sáng tạo và bền vững- chung thủy với nhau. Nhờ đó các bạn sẽ có một gia đình hạnh phúc; hạnh phúc trong tình yêu với Thiên Chúa và với nhau.

                                                            Felicitas